Đất và người Hà Nội hôm qua, hôm nay...

Mai Nam Thắng| 25/08/2021 10:05

Đất và người của một miền quê là những yếu tố chủ đạo quyết định hồn cốt - bản sắc văn hóa của miền quê ấy. “Đất” bao gồm địa lý, địa giới và hình sông thế núi theo quan niệm phong thủy. “Người” là các thế hệ cư dân đã và đang định cư trên vùng đất ấy cùng những phong tục, tập quán, thói quen… của cả cộng đồng. Bởi vậy, muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa Hà Nội, nhất quyết phải tìm hiểu về đất và người Hà Nội trong mối quan hệ với việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội hôm qua và hôm nay. Đó là những vấn đề rộng lớn, là mối quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu văn hóa mà còn là vấn đề cấp thiết đối với các nhà quản lý - các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô hiện tại và tương lai. 

Đất và người Hà Nội hôm qua, hôm nay...
Hồ Tây nhìn từ trên cao.

Từ Hà Nội 36 phố phường…

Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta đã trải qua nhiều lần dời đô và định đô, nhưng địa danh nổi bật nhất, có ảnh hưởng nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc là Thăng Long - Hà Nội và Phú Xuân - Huế. Sự nổi bật và ảnh hưởng sâu sắc ấy một phần là bởi những nét đặc sắc về văn hóa của 2 vùng kinh đô này. Trong đó, “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” là bản sắc xứ Huế và thanh lịch là nét nổi bật của người Tràng An - Thăng Long -Hà Nội. Sự thanh lịch ấy được ví như hương sắc thanh tao, tinh khiết, cao sang quý phái mà giản dị gần gũi của hoa nhài: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Phải chăng, vẻ đẹp thanh tao và mùi thơm thanh khiết của hoa nhài là linh khí và ánh sáng của đất trời gửi vào một loài hoa; cũng như phẩm chất thanh tao lịch lãm của người Hà Nội là sự hội tụ, sàng lọc, đào luyện và kết tinh những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của nhiều miền quê trong cả nước.

Thật vậy, người Hà Nội là tập hợp cư dân của nhiều miền quê tụ về làm ăn, sinh sống qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, quan niệm về người Hà Nội là vấn đề khó minh định rõ ràng và thống nhất. Dựa vào lịch sử nghìn năm hình thành và phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, có thể thấy buổi ban đầu ngoài nhóm được gọi là dân Kẻ Chợ được coi là cư dân bản địa, thì quá trình nhập cư trở thành người Hà Nội bao gồm các thành phần chính sau đây: tầng lớp quan lại và binh lính; tầng lớp thợ thủ công và nghệ nhân; tầng lớp thương nhân; tầng lớp văn nhân nghệ sĩ, nho sinh sĩ tử… tụ về kinh đô thi thố, lập nghiệp, lập danh; trong đó đội ngũ thanh niên, học sinh, sinh viên tân học đầu thế kỷ 20 khá đông đảo, hình thành một tầng lớp “trí thức tiểu tư sản thành thị” có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa Hà Nội thời cận hiện đại. Theo đó, phẩm chất thanh lịch được bổ sung thêm giá trị văn minh, làm nên cốt cách văn hóa của người Hà Nội, để ba chữ này trở thành một tính từ hơn là nghĩa thông dụng của một danh từ.

Như vậy, có thể nói cùng với “người Kẻ Chợ” được coi như cư dân Hà Nội gốc, thì các thế hệ cư dân từ nhiều miền quê trong cả nước hội tụ về kinh đô sinh sống và làm ăn đã có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và bồi đắp nên cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội. Và như vậy, rõ ràng trong cốt cách thanh lịch văn minh tiêu biểu của người Hà Nội có cả những giá trị văn hóa của nhiều vùng miền khác. Đó là một thực tế lịch sử không thể không thừa nhận nếu muốn hiểu đúng bản chất của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Mặt khác, sự mở rộng không gian địa lý của Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ khiến cho những khái niệm về đất và người Hà Nội cũng không ngừng biến đổi. Từ Hà Nội 36 phố phường thời kinh kỳ Thăng Long đến Hà Nội 4 quận nội thành khoảng nửa cuối thế kỷ 20 và ngày nay là Hà Nội bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ cùng một phần của hai tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc, khiến cho những khái niệm truyền thống về không gian văn hóa Hà Nội trở nên phiến diện và bất cập. Đó là chưa kể hàng chục nghìn ngoại kiều và Việt Kiều đang sinh sống, làm ăn và can dự vào đời sống văn hóa Hà Nội là điều cần phải lưu ý khi nghiên cứu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại; cũng như khi hoạch định những quyết sách về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Vai trò “đầu tàu” và lan tỏa

Sinh thời, cố GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: "Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế… nhưng trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu nhất. Hà Nội và mỗi người dân sống trên đất Hà Nội có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân đã từng cư trú trên không gian này sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu". 

PGS. TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) trong tham luận tại Hội thảo khoa học về xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao Thủ đô tổ chức năm 2019, cũng nhấn mạnh: “Những danh xưng mà bạn bè thế giới tôn vinh (Thủ đô Hà Nội) là điều đáng quý, nhưng điều quý nhất là cốt cách Hà Nội, bản lĩnh của một thành phố với tư cách Thủ đô của một quốc gia gần trăm triệu dân, ở tính đại diện cho bản lĩnh Việt Nam khi cả nước và thế giới nhìn vào, là nguồn lực con người và văn hóa được tích tụ lại từ truyền thống có trở thành một trong những đầu tàu của đất nước trong tương lai hay không? So về tốc độ tăng trưởng, về những đóng góp cho kinh tế nước nhà, thì Hà Nội không nhất thiết phải đứng đầu; nhưng với tư cách là thành phố Thủ đô thì về mặt văn hóa và con người - nói gọn lại, là về trình độ văn minh của một đô thị, thì Hà Nội phải đứng đầu cả nước.”. 

- Như vậy là từ nhà khoa học đến nhà quản lý đều xác định vai trò đầu tàu văn hóa của Thủ đô Hà Nội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Đó vừa là một thực tế lịch sử đã được chứng minh suốt ngàn năm qua, vừa là một yêu cầu của thực tiễn - một đòi hỏi của sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và phát triển ngày nay. Và cũng theo lý giải của PGS. TS Phạm Quang Long, thì Hà Nội đã từng và phải là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị về con người, văn hóa của mọi vùng miền và nhân loại rồi lan tỏa những giá trị ấy ra đời sống xã hội trong cả nước. Nhiệm vụ này không tỉnh, thành phố nào có thể làm thay Hà Nội được. Và vì thế, nó đặt ra cho Hà Nội nhiệm vụ phải tìm ra được những con đường đến đích sớm nhất, đáp ứng được yêu cầu của cả nước.

Đất và người Hà Nội hôm qua, hôm nay...
Ngày xưa soi bóng - Ảnh: Tạ Quang Hậu

Trong lịch sử nghìn năm của mình, văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã từng mặc nhiên là đầu tàu, là mẫu mực cho văn hóa cả nước, mặc dù những phẩm chất tinh hoa ấy là tiếp nhận, là hội tụ tinh hoa từ nhiều vùng miền của cả nước. Sở dĩ như vậy là vì những tinh hoa văn hóa của các vùng miền phải được đào luyện, sàng lọc, thử thách trong một môi trường mang tính cạnh tranh phát triển, hướng đến những giá trị cao cả rộng lớn hơn, thì mới trở thành những giá trị phổ quát, tiêu biểu, mẫu mực. Xin trở lại với câu ca đã dẫn: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Theo một số nhà nghiên cứu thì danh xưng Tràng An chính là một cách gọi địa danh Trường Yên ở kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình. Nhưng cư dân Trường Yên khi theo đức vua Lý Công Uẩn di dời từ vùng núi đá Ninh Bình ra định đô ở vùng đất “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước” (Chiếu dời đô) thì những nét thanh lịch của người Trường Yên - Hoa Lư mới được bồi đắp phát triển thành một phẩm chất đặc trưng tiêu biểu của người Tràng An - Thăng Long. Với rất nhiều hiền tài danh nhân của đất nước cũng vậy, họ không sinh ra ở Thăng Long - Hà Nội, nhưng nhờ những năm tháng học tập, rèn luyện, cống hiến trong môi trường văn hóa đa tầng đa diện ở Thăng Long - Hà Nội đã giúp họ vượt lên chính mình, phát triển chọn lọc những giá trị văn hóa bản quán, kết hợp hấp thụ những tinh túy của văn hóa bản địa, hướng tới những giá trị văn hóa tiên tiến để trở thành những danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và đặc biệt mang tầm nhân loại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…

Có một điểm cần lưu ý, văn hóa từ các vùng miền theo cư dân nhập cư hội tụ về Hà Nội chủ yếu là văn hóa bình dân đại chúng, chỉ số ít trong số đông ấy là những người tài giỏi xuất chúng, mới có những đóng góp dấu ấn cho bản sắc văn hóa kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội. Đây là một thực tế khoa học nhưng lâu nay vì nhiều lý do chúng ta thường né tránh đề cập sâu về giới tinh hoa, trong khi chỉ tinh hoa mới thực sự tạo ra những bước ngoặt lịch sử cũng như những dấu ấn văn hóa. Soi chiếu vào lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội, có thể nói quan hệ giữa các danh nhân và văn hóa Thăng Long - Hà Nội là quan hệ tương hỗ nhân quả. Môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã chắt lọc, đào luyện, bồi đắp nên những danh nhân văn hóa, trở thành những tinh hoa của đất nước. Rồi chính các danh nhân tinh hoa ấy với những phẩm chất vượt trội, hoài bão vượt thoát vươn lên, trở thành những yếu tố tiên tiến mang tính dẫn dắt hướng đạo cho sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Luận điểm này là gợi ý rất thiết thực trong sự nghiệp “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI)

Đất và người Hà Nội hôm nay

Nhìn từ một góc độ trực quan cụ thể, thì kết quả của quá trình bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội phần nào được thể hiện qua hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, vật thể và phi vật thể đang được lưu giữ trong cộng đồng; qua hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước đến chiêm ngưỡng Hà Nội mỗi năm; qua việc nhiều trang mạng và tổ chức văn hóa uy tín trên thế giới bình chọn Hà Nội thuộc top 5 điểm đến có ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất châu Á; là một trong 10 điểm đến phát triển tốt nhất thế giới năm 2014; là địa danh đứng thứ 2 trong 25 thành phố hấp dẫn nhất châu Á; là một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới…

Tuy nhiên ở một góc độ khác, ta thấy môi trường, cảnh quan và ứng xử của một bộ phận người Hà Nội hôm nay còn có những điều đáng buồn. Không ít người trăn trở khi lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là cách cư xử xô bồ, trần tục, lai căng, bát nháo… nhất là một bộ phận của giới trẻ Hà Nội. Rồi thì hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” gần đây. Rồi thì những sự việc giẫm hoa, bẻ hoa, vứt rác trong một số lễ hội văn hóa tổ chức ở Hà Nội chưa lâu…

Nhìn từ góc độ quản lý đô thị, cùng với quá trình phát triển và đô thị hóa, thành phố đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sức ép về sự gia tăng dân cư cơ học, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, các vấn đề về giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường… Đó là những bất cập và tồn tại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị như: giữa bảo tồn và phát triển, giữa bản sắc và tiên tiến, giữa kinh tế xã hội và đô thị, giữa luật pháp cơ chế chính sách và thực tiễn, giữa dân chủ và kỷ cương... Tất cả đều là những thách thức không nhỏ đòi hỏi cần phải nỗ lực vượt qua.

Tính chất tụ cư đa diện của cư dân Thăng Long - Hà Nội từ nhiều vùng miền văn hóa khác nhau vừa là thuận lợi/ lợi thế, vừa là khó khăn/ thách thức cho việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội đã biết cách dung hòa chọn lọc và tiếp biến, tận dụng lợi thế và hóa giải thách thức, để làm phong phú hơn bản sắc văn hóa Thăng Long -  Hà Nội, trở thành tiêu biểu mẫu mực cho văn hóa dân tộc. Nhưng hoạt động tụ cư/ nhập cư ở Hà Nội ngày nay có những đặc điểm, tính chất khác với quá trình này trong lịch sử. Đặc biệt là việc mở rộng địa giới hành chính gấp nhiều lần trước đây, cùng đó là những tiểu vùng văn hóa và thành phần dân cư khác nhau hiện hữu đan xen trong một phạm vi địa giới được gọi là Thủ đô Hà Nội hiện nay, khiến cho những thuận lợi và trở ngại càng lớn hơn và phức tạp hơn. Làm thế nào để vừa gìn giữ, bảo tồn được những giá trị văn hóa của từng cộng đồng (của mỗi thành phần/ tiểu vùng) dân cư để làm giàu có phong phú thêm bản sắc văn hóa; vừa chế áp được những nhược điểm về thói quen, lối sống hành xử không phù hợp của mỗi cộng đồng (thành phần/ tiểu vùng) dân cư ấy; lại vừa không xóa nhòa, hòa tan tất cả theo xu hướng đô thị hóa và hiện đại hóa của Hà Nội “thời 4.0”. Đó là một bài toán khó của các nhà hoạch định chính sách và quản lý văn hóa Hà Nội hiện nay.

Giải được bài toán khó trên đây cũng chỉ mới là giải quyết được một phần của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới. Và trong quá trình thực thi nhiệm vụ cao cả và to lớn này, thiển nghĩ việc nhìn nhận lại nguyên nhân của những thất bại trong lĩnh vực xây dựng văn hóa Thủ đô trong thời gian qua là việc làm hết sức cần thiết. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Gần 500 lễ hội tại Hà Nội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, lành mạnh
    Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024” chiều 28/3, từ đầu năm đến nay, gần 500 lễ hội của Thủ đô được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh…
  • Có một miền chỉ một…
    Cách nay không lâu, nhà thơ Quang Hoài trải qua một cơn bạo bệnh. Rất nhiều bạn thơ lo lắng và không khỏi ái ngại cho ông. Rồi may mắn thay, ông đã “thoát hiểm”! Đó cũng là sự ngạc nhiên mà số phận dành cho ông. Càng ngạc nhiên hơn là sau đó cũng không lâu, gần như ngay lập tức, ông cho hạ sinh đứa con tinh thần thứ mười ba mang tên “Miền Hoài Phương”- một cái tên thật có ý nghĩa, lại rất lạ và hấp dẫn độc giả. Hỏi tác giả, mới hay: Đó là cái tên được kết nối, gắn kết thật khéo bởi tên ông (Hoài) cùng tên
  • Trở lại Hà Nội sau 15 năm, nhà văn quốc tế vẫn ấn tượng với ẩm thực Thủ đô
    Trong bài viết trên trang Travel And Leisure gần đây, nhà văn Chris Wallace (Mỹ) cho biết, sau 15 năm trở lại Việt Nam đã nhận thấy quốc gia hình chữ S có nhiều sự phát triển. Với Hà Nội, nhà văn Chris Wallace ấn tượng với món chả cá, cà phê sữa, khu phố cổ…
  • Thương hoài xe sứ hàng rong
    Bố tôi bảo rằng, người Hà Nội sành sỏi chơi hàng gốm sứ, có đắt một chút mà món hàng ưng ý họ cũng sẽ mua. Mà gốm sứ Bát Tràng mang theo hồn cốt người Hà thành, dẫu đồ sứ nhập ngoại hay đồ nhựa, inox ào ạt thì gốm sứ Bát Tràng luôn có một vị trí trang trọng trong ngôi nhà của họ.
  • Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
    Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo buổi Lễ.
Đừng bỏ lỡ
  • Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
    Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua những lần xin ý kiến gần đây, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
Đất và người Hà Nội hôm qua, hôm nay...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO