Dấu ấn Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020

Thanh Bình| 04/11/2020 08:43

238 tác phẩm thuộc hai thể loại ảnh hiện thực và ảnh ý tưởng của 182 tác giả đến từ khắp các địa phương trên cả nước vừa được giới thiệu với công chúng tại Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức như một sự đánh giá những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của nhiếp ảnh Việt Nam trong suốt 2 năm (2019 và 2020).

Dấu ấn Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020
Triển lãm thu hút nhiều công chúng đến thưởng lãm

Sau hơn 4 tháng phát động, Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020, BTC đã nhận được 12.480 tác phẩm thuộc 2 thể loại ảnh hiện thực và ảnh ý tưởng của 1.516 tác giả từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật đã làm việc tích cực, công tâm, khách quan và cẩn trọng để chọn ra 238 tác phẩm (thể loại ảnh hiện thực: 197 tác phẩm; thể loại ảnh ý tưởng: 41 tác phẩm) của 182 tác giả trưng bày tại triển lãm. Trong đó, 33 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải thưởng (26 giải thưởng thể loại ảnh hiện thực, 7 giải thưởng thể loại ảnh ý tưởng), gồm: 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 15 Giải Khuyến khích.

Theo NSNA Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đây là triển lãm ảnh có số lượng tác phẩm lớn nhất trong những năm gần đây do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, qua đó khẳng định sức hút và sự thành công của cuộc thi. Ở thể loại ảnh hiện thực, các tác phẩm được chọn trưng bày và trao giải thưởng đã bám sát chủ đề, nội dung cuộc thi; có giá trị về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt; có tính nhân văn, tính thẩm mỹ cao; có sự tìm tòi, sáng tạo trong từng góc máy, tạo được hiệu quả thị giác ấn tượng, phong phú, đáp ứng được tiêu chí mà BTC đặt ra. Nhiều tác phẩm được sáng tác mới, đa dạng, độc đáo, tư duy tốt, mới lạ; phản ánh chân thực, sâu sắc và sinh động các vấn đề của cuộc sống đương đại, vẻ đẹp con người, văn hóa, phong cảnh đất nước; thể hiện một Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, năng động, hội nhập, tràn đầy khát vọng và không ngừng phát triển.

Dễ nhận thấy ở thể loại ảnh hiện thực sự vượt trội, đa dạng của ảnh bộ. NSNA Lý Hoàng Long lý giải, điều này thể hiện qua tỷ lệ trưng bày và giải thưởng nhờ vào sự nhạy bén, cách chọn và khai thác chủ đề cũng như kỹ thuật bấm máy và xử lý hậu kỳ của mỗi tác giả. Gần 200 tác phẩm được lựa chọn trưng bày có yếu tố mới lạ, gắn liền với các vấn đề thời sự quan trọng của đất nước (phòng chống Covid – 19, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và những nét đẹp truyền thống của dân tộc)... Các bộ ảnh đạt giải cao ở thể loại ảnh hiện thực như: “Nhiệm vụ HVN68”, “Bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 2019”, “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển”… là một minh chứng cho thấy rõ sự đam mê, chịu khó tìm tòi của các tác giả.

Lần đầu tiên, đưa thể loại ảnh ý tưởng vào Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, đó cũng là một tín hiệu vui, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác giả, tạo sân chơi cho các nghệ sĩ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, tự do gửi gắm những thông điệp, chân lý đến người xem. 44 tác phẩm được trưng bày (trong đó có 7 tác phẩm được giải) là một con số không nhiều tuy nhiên đã có những tìm tòi, những thể nghiệm mới, những ý tưởng độc đáo thể hiện những vấn đề của cuộc sống đương đại, những suy nghĩ, ý kiến, ý tưởng về cuộc sống… hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, một số tác giả vượt hẳn lên với những sáng tạo trong tư duy hình ảnh, sử dụng kỹ thuật xuất sắc để chuyển tải một thông điệp mạch lạc, rõ ràng.

Nhìn vào số lượng tác giả và tác phẩm tham dự Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm nay có thể thấy sự phát triển đáng kể của phong trào nhiếp ảnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau cuộc thi vẫn còn có nhiều băn khoăn trăn trở. NSNA Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật thể loại ảnh ý tưởng cho rằng so với Festival Nhiếp ảnh trẻ thì số lượng tham dự thể loại ảnh ý tưởng của Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020 nhiều hơn, nhưng nhiều tác phẩm không đúng chủ đề, cách thể hiện hời hợt, ép ý khiên cưỡng và trùng lặp. NSNA Việt Văn nhận định: “Nhiều tay máy suy nghĩ khá đơn giản, chắp ghép vụng về để cố gắng tạo nên những ý tưởng thoạt nhìn có vẻ kỳ bí nhưng bên trong lại trống rỗng. Một số lại sa vào “cái bẫy” của chính mình với sự cầu kỳ, phức tạp, quá tham, gửi gắm nhiều ý tưởng mà không có ý tưởng nào đi đến tận cùng. Chưa kể, có tác giả lại bắt chước ảnh nước ngoài một cách lộ liễu và cẩu thả”.

NSNA Vũ Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng Nghệ thuật thể loại ảnh hiện thực cho biết còn có nhiều “sạn” ở các tác phẩm dự thi như: Ảnh dự thi na ná nhau do cùng nơi chụp, giống ảnh đã xuất hiện trước đây, nhiều bộ ảnh bố cục lỏng lẻo, lại có tác giả gửi nhầm thể loại, ghi chú thích không phù hợp. Một số thành viên của hội đồng nghệ thuật ở thể loại ảnh này cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều tác giả chưa nghiêm túc, cố tình vi phạm thể lệ cuộc thi, đó là chưa kể sự dàn dựng, làm đẹp cho tác phẩm ở hậu kỳ làm sai lệch hiện thực cuộc sống…

Có thể nói, những băn khoăn của các thành viên Hội đồng Nghệ thuật phía sau Cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020 cũng chính là thách thức đối với các tay máy. Hi vọng ở những cuộc thi và triển lãm sau, các nghệ sĩ sẽ có được những tác phẩm chất lượng, mang dấu ấn của riêng, góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào nhiếp ảnh trên cả nước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành
    Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO