Đền Cẩu Nhi và tục thờ chó đá

Công lý| 17/02/2018 21:09

Tọa lạc ở một hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, đền Cẩu Nhi (còn có tên gọi khác là đền Thủy Trung Tiên) gắn với sự tích vua Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô về Thăng Long qua lời kể của dân gian là cả một sự tích đầy bất ngờ, ly kỳ và thú vị.

Sự tích thú vị về đền Cẩu Nhi

Trước khi tìm hiểu về đền Cẩu Nhi, tôi đã được nghe các cụ cao niên kể về những câu chuyện ly kỳ liên quan đến các di tích có sự xuất hiện của các linh vật như chó đá đứng canh gác trước cổng mang một ý nghĩa vừa tâm linh, vừa huyền bí. Trong quan niệm của người Việt, tục thờ chó đá có từ thời xa xưa gắn với đó là những câu chuyện dân gian thú vị. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng nhà, đền miếu như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà.

Thực tế cho đến tận ngày nay, tại một số địa phương vẫn còn gìn giữ tục chôn chó đá trước cửa, hoặc đặt chó đá trên bệ thờ. Không ở đâu xa, quê tôi gần đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hiện vẫn còn một đôi chó đá với ý nghĩa thần canh cửa. Người dân nơi đây cũng không biết hai con chó đá này có từ bao giờ, họ chỉ quan niệm đôi chó đá là hai linh vật linh thiêng bảo vệ dân làng là nét đẹp văn hóa địa phương do ông cha để lại.
Đền Cẩu Nhi và tục thờ chó đá
Đền Cẩu Nhi.

Cách đền Hai Bà Trưng khoảng 8km, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng có một bệ thờ chó đá. Trên bệ thờ, trước mặt chó đá có đặt bát hương. Theo cụ thủ từ và một số người già trong làng thì chó đá vốn ngự trên gò cao, cách đình vài trăm mét, dưới hai cây gạo to. Sau gò lở, hai cây gạo đổ, dân làng rước chó đá về bên cạnh đình cho tiện việc hương khói. Các cụ còn cho biết, chó đá ở đây được gọi là Quan Hoàng hoặc Quan Hoàng Ba, những ngày mùng Một và ngày rằm, người dân đều ra thắp hương cúng bái.

Gần đó, đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cũng có một bệ thờ chó đá. Chó đá ở đây là cả một nhóm được đẽo bằng đá xanh. Ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ kích cỡ khác nhau, rất sinh động. Nhóm chó đá này “ngồi” bệ vệ trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa là táp môn trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to. Dân xã Địch Vĩ kính cẩn gọi bệ thờ này là Quan lớn Hoàng Thạch.

Trở lại với câu chuyện đền Cẩu Nhi, một ngôi đền độc đáo tọa lạc ở một hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã từng gây nhiều tranh cãi trong giới các nhà khoa học.

Theo tìm hiểu của người viết, ồn ào bắt đầu từ năm 2002 khi người dân phường Trúc Bạch tha thiết đệ đơn lên thành phố xin phép được xây dựng lại đền thờ Cẩu Nhi thì có một số ý kiến phản đối. Trong đó có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng đền Cẩu Nhi là một sự “bịa đặt lịch sử”, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc phục dựng đền Cẩu Nhi. Qua nghiên cứu, Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội và UBND quận Ba Đình đã phê duyệt dự án phục dựng đền Cẩu Nhi ở phường Trúc Bạch. Đến ngày 20-8-2017, công trình phục dựng đền Cẩu Nhi chính thức khánh thành và được xếp hạng là di tích cấp thành phố.

Đền Cẩu Nhi gắn truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) sinh năm Giáp Tuất (974) lên ngôi và dời đô về Thăng Long.

Sự tích xưa kể rằng, ở Cổ Pháp, Bắc Giang (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được cho là quê hương của vua Lý Công Uẩn) có một con chó mẹ sinh được chó con trên lông có những đốm ghép lại thành chữ "Thiên tử", ứng với việc vua Lý Công Uẩn lên ngôi (vua Lý Công Uẩn tuổi Tuất). Mẹ con Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi đã vượt sông Hồng về Thăng Long, thành thần, được Vua cho dựng miếu thờ, sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” do Quốc sử quán triều Lê biên soạn có đoạn viết: “Trước đây, ở Viện Cảm Tuyền chùa ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp, có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ “Thiên tử”, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất làm thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất, làm thiên tử quả ứng nghiệm”.

Sách “Tây Hồ chí” do Dương Bá Cung (1794-1868) có nói về đền Cẩu Nhi. Dương Bá Cung người làng Nhị Khê, đỗ cử nhân năm 1821, làm Đốc học, có công sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi. Năm 2000, Bùi Hạnh Cẩn dịch “Tây Hồ chí” và in trong tập “Thăng Long thi văn tuyển” (NXB VH-TT). Trong mục “Núi sông”, ông viết: “Châu chử (bến Châu) tròn, lớn hơn Châu phụ, ở phía Tây hồ Trúc Bạch. Trên có miếu chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn”; và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Nay là chùa”.

Sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” (NXB HN-1995) khi giới thiệu về vùng Hồ Tây, cụ Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người coi đền và người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (Bà tiên dưới nước).

Ngôi đền có kiến trúc độc đáo

Kể từ khi được đầu tư phục dựng, đền Cẩu Nhi trở nên khang trang hơn và được nhiều người ghé thăm, đặc biệt là vào những ngày rằm, ngày lễ. Nhiều người tìm đến đền Cẩu Nhi để cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Đức, người trông coi đền cho biết, trước đây đền xuống cấp sập sệ, nhiều người dân còn chiếm dụng để kinh doanh nên lượng người đến viếng thăm thưa dần. Kể từ ngày đền được trùng tu lại, ngày nào cũng có người đến thắp hương...
Đền Cẩu Nhi và tục thờ chó đá
Bệ thờ chó đá trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng)

Vẻ đẹp kiến trúc ngôi đền nhìn từ trong ra ngoài, từ chi tiết đến tổng thể đều có nét đặc trưng riêng biệt. Đền được xây hình chữ nhật, nằm thơ mộng tại một đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, gần cuối đường Thanh Niên, xung quanh đền có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc um tùm.

Lối vào đền là cây cầu xây bằng đá hình vòng cung bắc qua mặt hồ Trúc Bạch. Cầu dài 18m gồm 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m. Trước cổng có hai con chó bằng đá án ngữ. Từ đường Thanh Niên, đi qua cây cầu đá này là cổng Tam Quan được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống được làm bằng gỗ vững chắc, phía trên lợp bằng ngói vảy cá. Trong đền có nhiều tượng. Đặc biệt, toàn bộ tượng, chông, chân nến được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch.

Dấu ấn lịch sử còn sót lại là tấm bia đá xung quanh chạm nổi hình cánh sen khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi” là chứng tích về truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian lưu truyền đến hôm nay. Nội dung văn bia soạn theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Tây Hồ chí”, ở cuối có đoạn: “…đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa, vua nghe chuyện bảo đó là Chó Thần, bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi, dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này. Miếu vẫn còn thuộc địa phận làng Trúc Yên…”. Ở cuối bia có dòng chữ cho biết, công trình do Trung tâm Bảo quản -Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin xây dựng, hoàn thành ngày 4-6-1988.

Người trông coi đền Cẩu Nhi cho biết, trải qua thời gian, những chữ khắc trên bia đá nay đã mờ và phai đi nhiều. Để bảo tồn một di tích cổ và tôn thêm vẻ đẹp Hồ Tây, Trúc Bạch, UBND TP Hà Nội cho sửa sang cảnh quan và dựng nhà bia. Hiện nay, tấm bia được quấn bằng lớp vải đỏ, bao bọc xung quanh càng khiến cho câu chuyện về Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi trở nên ly kỳ, huyền bí.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành
    Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Đừng bỏ lỡ
Đền Cẩu Nhi và tục thờ chó đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO