Đến với thơ hay

Huỳnh Minh Nhật ( Lời bình Nguyễn Thị Thiện) | 09/04/2020 00:35

Huỳnh Minh Nhật

Gọi tháng Tư về
Tháng Tư này, em đã dậy hay chưa?
Hay gió xuân đang còn ru em ngủ
Dậy đi thôi, gọi mưa về phố cũ
Đừng lạnh lùng để lòng phố bơ vơ
Ta chờ em, chờ trong cả cơn mơ
Ta chờ đợi từng cơn mưa rả rích
Trời chuyển mình giã từ xuân nặng trịch
Đón hạ về, và em đó, tháng Tư…
Em lại về để tiễn một người đi
Gió trở chiều, cánh thiên di lưu lạc
Câu yêu thương người vội trao người khác
Khúc tự tình ngơ ngác gợi tình xưa
Gió vợi sầu ru cành lá thoi đưa
Phố chênh vênh một nỗi buồn chưa dứt
Ta lênh đênh tiếng yêu hoài thổn thức
Tháng Tư này, về ôm ấp hồn ta…
Ta tìm em, tìm mãi tháng ngày qua
Chiếc áo trắng lạc giữa ngàn áo trắng
Đâu ngọt ngào nơi cõi tình cay đắng
Thôi ngậm ngùi, lặng lẽ kiếp phù vân…

Lời bình
Thời điểm giao mùa trong năm thường khơi gợi trong lòng người nhiều nỗi niềm suy tư và buồn man mác. “Gọi tháng Tư về” của tác giả Huỳnh Minh Nhật là một sáng tác như thế. Bài thơ là tiếng nói đầy cảm xúc về tháng Tư đầu hạ, ẩn trong đó là những hồi ức khó quên về thời áo trắng học trò và tình yêu đầu một thuở.
Tác giả mở đầu bài thơ bằng tiếng gọi lay thức: “Tháng Tư này, em đã dậy hay chưa?/ Hay gió xuân đang còn ru em ngủ/ Dậy đi thôi, gọi mưa về phố cũ/ Đừng lạnh lùng để lòng phố bơ vơ”. Nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa khiến cho cảnh vật cũng mang những thuộc tính của con người. Chủ thể trữ tình gọi mời tháng Tư hãy “Dậy đi thôi” theo bước đi của thời gian và làm thiên chức của mình: không chỉ mang theo nắng, gió mà còn “gọi mưa về phố cũ” để cho lòng người “bớt bơ vơ”, trống vắng. Chủ thể mong mỏi, chờ đợi tháng Tư như chờ đợi người bạn gái thuở nào: “Ta chờ em, chờ trong cả cơn mơ/ Ta chờ đợi từng cơn mưa rả rích…”. Những điệp từ “Ta chờ em” ở đầu hai câu thơ liên tiếp đã thể hiện và khắc sâu thêm niềm nhung nhớ, mong gặp gỡ để được trao nhau tình cảm ấm nồng. 
Tiễn xuân đi, đón hạ về, tháng Tư mang theo những làn gió nhè nhẹ miên man, với cái nắng đủ ấm nồng chất chứa bao khát vọng: “Em lại về để tiễn một người đi/ Gió trở chiều, cánh thiên di lưu lạc/ Câu yêu thương người vội trao người khác/ Khúc tự tình ngơ ngác gợi tình xưa”. “Nắng” và “gió”, “em về” và “người đi”, “câu yêu thương” và “khúc tự tình”, tất cả gợi về sự vận hành của không gian và tình cảm sáng trong của tuổi trẻ giàu mộng mơ, đa cảm. Bước đi của thời gian và cảnh vật lúc này “Gió vợi sầu ru cành lá thoi đưa“ khiến chủ thể càng nhớ những rung động đầu đời của tuổi học trò. Chủ thể trữ tình “chờ em” ở khổ thơ thứ hai với niềm hy vọng chứa chan, đến khổ thơ kết là “ta tìm em“ với niềm hoài niệm da diết: “Ta tìm em, tìm mãi tháng ngày qua/ Chiếc áo trắng lạc giữa ngàn áo trắng/ Đâu ngọt ngào nơi cõi tình cay đắng/ Thôi ngậm ngùi, lặng lẽ kiếp phù vân…”. Riêng hai câu này đã có liên tiếp ba từ láy âm: ngọt ngào, ngậm ngùi, lặng lẽ cùng với rất nhiều từ láy khác trong toàn bài (11 từ) và các điệp từ: “Tháng Tư“ (4 lần), “em” (6 lần), “ta” (4 lần) khiến cho thi phẩm vừa giàu chất nhạc vừa gợi cảm. Tất cả đều khơi gợi về những kỷ niệm tháng Tư mùa hạ đầy vương vấn và tình cảm học trò thuở ban đầu tinh khôi, thơ mộng.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đến với thơ hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO