''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen

hanoingaynay| 11/09/2020 08:54

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nổi danh với nghề trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Phát huy thế mạnh truyền thống làng nghề, bằng sự đam mê, sáng tạo, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã, đang gây dựng nên thương hiệu độc đáo qua những sản phẩm lụa tinh xảo, có giá trị cao được làm từ tơ sen.

''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen
Sản phẩm từ tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

Cơ duyên với tơ sen

Sinh ra và lớn lên tại xã Phùng Xá, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận sớm gắn bó với nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Tình yêu nghề trong bà được hun đúc nhờ bề dày truyền thống làm nghề của gia đình. Bà chia sẻ: “Từ nhỏ, được cùng bố mẹ quay suốt, dệt ra những mét hàng đẹp, nuôi được con kén đẹp, tôi rất thích. Năm 1956 cả nhà vào hợp tác xã, vui lắm. Khi xí nghiệp ươm tơ không có tiền mua kén nữa, hợp tác xã tính phá cây dâu để trồng cây lương thực. Tôi tự nhủ, nghề dâu tằm quý như thế nên tiếc lắm, mình phải cố giữ nghề của cha ông để lại. Có những ngày tôi phải đi nhặt nhạnh từng lá dâu bờ rào về để nuôi tằm”.

Sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường giúp sản phẩm tơ lụa công nghiệp áp đảo hàng thủ công. Không nao núng trước cơn lốc khắc nghiệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cố gắng giữ nghề dệt sợi truyền thống và phát triển nghề lên tầm cao mới với những sản phẩm riêng có, tạo ra những tấm lụa từ sợi của cây sen, loài hoa được coi là quốc hoa của Việt Nam.

Cơ duyên cùng tơ sen đến với bà Phan Thị Thuận vào năm 2017, khi đoàn công tác do bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, về thăm xã Phùng Xá. Bà Thuận chia sẻ: “Sau chuyến thăm đó, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh gợi ý thử nghiệm tơ sen. Tôi ý thức được đây là một đề tài cấp quốc gia. Quá trình thử nghiệm, ước mơ cháy bỏng trong tôi là làm bằng được dù có khó khăn gian khổ đến đâu. Chúng ta không thể nhận tiền dự án của Nhà nước xong rồi bỏ, gây lãng phí tiền của nhân dân”.

Sau lần đó, NNƯT Phan Thị Thuận đã đầu tư công sức tìm tòi, nghiên cứu. Bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Việc lấy tơ sen khó hơn rất nhiều so với lấy sợi tơ tằm. Cuống sen nào cũng làm được tơ, nhưng cuống non thì tơ sẽ dẻo và đẹp hơn. Bà chia sẻ: “Sợi tơ sen rất mảnh nên dễ đứt, người thợ phải thật khéo léo, có kỹ thuật riêng mới rút được tơ. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc, một ngày chỉ rút được khoảng 200 cuống lá sen”.

Tạo ra được tơ sen, nhưng khi đưa vào khung dệt thì bị đứt liên tục bởi sợi không có độ dai, dẻo như tơ tằm. Tấm lụa tơ sen đầu tiên được dệt không như mong đợi, bởi khi có quá nhiều mối nối thì sẽ tốn công, tốn sợi mà miếng lụa không có được sự mượt mà, mềm mại như ý. NNƯT Phan Thị Thuận tiếp tục cải tiến khung dệt. Sau nhiều công sức tìm tòi, một khung dệt mới dành cho tơ sen, nhẹ hơn, vận hành êm hơn đã ra đời.

Với 4.800 cuống sen và sau hơn 1 tháng làm việc miệt mài, chiếc khăn tơ sen dài 1,7m, rộng 0,25m đã hoàn thiện. Tấm khăn mềm mại, xốp, mang hương thơm tự nhiên, thanh khiết của loài hoa sen mang đến niềm vui cho rất nhiều người. Bà Phan Thị Thuận trở thành người đầu tiên khai mở kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen tại làng nghề. Từ lụa tơ sen có thể dệt khăn, quần áo, làm đồ lưu niệm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề.

''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen
Se tơ sen thành sợi.

Ước vọng làng nghề cất cánh vươn xa

Niềm vui với kỹ thuật dệt lụa tơ sen như tiếp thêm sức mạnh cho NNƯT Phan Thị Thuận. Bà tâm sự: “Dù tuổi cao rồi nhưng tôi thấy mình còn sung sức, muốn truyền nghề cho thật nhiều người hơn nữa”. Đến nay, rất nhiều lớp thợ xa gần đã được bà truyền nghề bằng sự tận tâm. Trong ngôi nhà luôn lách cách tiếng thoi. Hằng ngày, người ta vẫn thấy bà chỉ bảo cho thợ kỹ thuật tỉ mỉ của nghệ thuật “tơ sen”. Quá trình rút tơ đòi hỏi người thợ phải khéo léo dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi dùng tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ tròn. Những người thợ - học trò luôn nói về bà với sự trân trọng. Với họ, bà là người thầy thật sự đặc biệt.

Tâm huyết với nghề, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay NNƯT Phan Thị Thuận được xem là một trong số ít nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở làng Phùng Xá. Sản phẩm do NNƯT Phan Thị Thuận sản xuất đã tạo được dấu ấn thương hiệu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm lụa tơ sen đã được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

Thật may mắn khi Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh là người tâm huyết, luôn đồng hành, gắn bó với NNƯT Phan Thị Thuận. Bà đã đề xuất với UBND huyện Mỹ Đức và chính quyền xã hợp lực hỗ trợ nghệ nhân Phan Thị Thuận, tìm nguồn hỗ trợ vốn, đất đai để duy trì phát triển sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Hiện nay, xã Phùng Xá đã tạo điều kiện cho bà Thuận mượn một số phòng để đào tạo nghề và trưng bày sản phẩm.

Sản phẩm lụa tơ sen có chất lượng cao, được thị trường đón nhận nhưng để phát triển hơn nữa, NNƯT Phan Thị Thuận vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sen chỉ có mùa nên việc lấy tơ vẫn theo thời vụ. Các công đoạn sản xuất chủ yếu làm thủ công nên việc dệt lụa tơ sen tốn nhiều thời gian. Bà mong muốn Thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức cùng các ngành chức năng có định hướng cụ thể cho việc xây dựng thương hiệu tơ sen của huyện Mỹ Đức, hỗ trợ quảng bá sản phẩm để nghề dệt lụa tơ sen cất cánh, phát triển hơn nữa. Gần đây, bà Thuận ấp ủ những kế hoạch mới cho làng nghề. Bà chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi muốn kết hợp vòng tròn khép kín giữa nuôi tằm, trồng sen, nuôi cá, dệt lụa để bảo vệ môi trường. Có thêm các dự án thì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người”.

Khi nói về nghề dệt lụa tơ sen trên địa bàn, ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, nghề dệt tơ sen phát triển sẽ tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn. Huyện Mỹ Đức đang nghiên cứu để hỗ trợ phát triển nghề theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

NNƯT Phan Thị Thuận đã dành cả cuộc đời gắn bó với sợi tơ, đường chỉ, giờ đây bà vẫn mong muốn truyền ngọn lửa say nghề đến các thế hệ mai sau. Bà luôn tâm niệm, muốn giữ nghề thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự độc đáo để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do NNƯT Phan Thị Thuận làm Giám đốc đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Các công nhân của Công ty đặc biệt đam mê với nghề và có việc làm, thu nhập ổn định. Nói một cách khác, NNƯT Phan Thị Thuận và những người dân Phùng Xá đang dệt nên tương lai tươi đẹp của làng nghề từ tinh túy quốc hoa.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024
    Sáng 19/4, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
Đừng bỏ lỡ
''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO