Diễn đàn trực tuyến ''Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch''

HNM| 22/09/2021 17:28

Sáng 22-9, tại Hà Nội, diễn ra Diễn đàn trực tuyến "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch".

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước thông qua kênh Youtube, nhằm làm rõ những tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể thích ứng và phát triển ngành trong tình hình mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn trực tuyến ''Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch''
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn.

Thông tin tại diễn đàn, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc triển khai các hoạt động của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 9 tháng của năm 2021. Hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích phải tạm dừng. Các hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu hợp tác văn hóa, bảo tàng, triển lãm trong nước gần như "đóng băng".

Điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn Covid-19 bị thiệt hại nặng nề. Tổng doanh thu ngành điện ảnh 2021 giảm 70-80% so với năm 2019, trong đó doanh số ước đạt 1.156 tỷ đồng. Thị trường nghệ thuật trong tình trạng ảm đạm. Đội ngũ nghệ sĩ gần như không thể hoạt động nghệ thuật biểu diễn, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã bị gián đoạn, kế hoạch liên tục bị thay đổi. 

Ở lĩnh vực du lịch, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi tăng trưởng mỗi năm, trong đó 8 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa giảm 5,5%; tổng thu từ khách du lịch giảm 26,5%... so với cùng kỳ năm 2020. 

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời định hướng giải pháp trong thời gian tới, với 4 khâu đột phá là "Thể chế - Thiết chế - Nguồn nhân lực - Chuyển đổi số". 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, cần đổi mới phương thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19, cụ thể là tăng cường các chiến dịch quảng bá du lịch online hay qua các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến du lịch nội địa bằng các gói sản phẩm kích cầu du lịch hấp dẫn; thu hút sự tham gia chủ động, linh hoạt của các bên liên quan trong hoạt động truyền thông, quảng bá; chú trọng ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để bắt nhịp với thế giới...

Trong khi đó, khẳng định các nền tảng kỹ thuật số hoàn toàn có thể mang lại doanh thu cho các đơn vị nghệ thuật, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như là các đơn vị nghệ thuật thực hiện thiết lập các kênh trực tuyến, đưa các sản phẩm nghệ thuật chất lượng, bắt mắt, phù hợp với xu hướng của nền tảng trực tuyến để giới thiệu rộng rãi tới công chúng, từ đó củng cố thương hiệu từ nhà hát số, sân khấu online...

Phát biểu kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ tham mưu xây dựng thể chế, chủ động rà soát lại các bộ luật, thông tư... liên quan đến lĩnh vực của ngành để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý tốt hơn. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình. Phát huy hiệu quả mô hình nhà hát online, sân khấu online để tăng cường giáo dục, tuyên truyền lịch sử, văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong đó ưu tiên dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch. 

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, thí điểm triển khai mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.

Bên cạnh đó, hiện ngành đang tập trung vào một số giải pháp, hoạt động như: Đề xuất xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung triển khai Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035". Tập trung tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022...

(0) Bình luận
  • Văn học Việt Nam đương đại - những tác động và chuyển đổi tích cực
    Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn học và các loại hình nghệ thuật khác đang đối mặt với những thách thức của quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Làm sao để công chúng Việt Nam không lãng quên văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức và cảm thụ các bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, múa, ca nhạc, hội họa… trước sự “bành trướng” của loại hình nghe nhìn, sự “cám dỗ” của điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử và internet? Đối mặt với những thách thức ấy, các chủ thể sáng tạo đã nỗ lực như thế nào để
  • Chuyện phố - Tiếp nối hành trình trăn trở về thế sự
    Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.
  • Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa
    Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) bề ngoài có vẻ xù xì, gai góc đối với những ai lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bên trong chị lại là người “khát sống, khát yêu” và say mê sáng tạo trong cõi riêng của mình. Không những là họa sĩ vẽ lụa đầy ngẫu hứng, phiêu lưu, chị còn thỏa lòng mình trên những tác phẩm hội họa hoành tráng theo phong cách biểu hiện, trừu tượng. Tranh hoành tráng của Trần Thị Thu cũng giống con người chị, thô ráp mà thâm trầm, tĩnh lặng mà nồng nàn, tầng tầng lớp lớp câu chuyện ẩn trong những mạch nguồn văn hóa mà chị gắn bó, tự thân tìm hiểu đến ngọn ngành.
  • Nhà văn Lê Minh Khuê xa & gần
    Nhà văn Lê Minh Khuê (sinh năm 1949, tại xã An Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) từng là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Tiền phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; sau 1975 là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
  • Tết xưa - và nay: Những biến tấu từ cái nhìn đương đại
    Nhiều năm qua, dù đã có những thay đổi theo thời đại, nhưng Tết Nguyên Đán vẫn luôn là một dịp quan trọng đối với người Việt. Từ những ngày tất bật chuẩn bị đến những ngày thong dong đón Tết, đều là một “thú chơi”...
  • Văn Cao mùa chữ, mùa người
    Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ Văn Cao (1923-2023) nhiều sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã tổ chức hội thảo và ra mắt sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” (Nxb Hội Nhà văn, 2023) - một cuốn sách đẹp cả về hình thức, nội dung và có tính chất “cập thời vũ”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn trực tuyến ''Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO