Định hình một ngòi bút phê bình văn học

Vũ Nho| 25/03/2020 09:37

Theo dõi danh sách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội, của Hội Nhà văn Việt Nam hàng chục năm qua có thể thấy hội viên ngành phê bình văn học chỉ một hai người so với bốn năm mươi người ở ngành thơ và văn xuôi. Điều đó cho thấy trở thành một người viết phê bình chuyên tâm, có tác phẩm là chuyện không đơn giản và không mấy hấp dẫn với người viết. Vì vậy chúng ta thật sự vui mừng khi bắt gặp tập phê bình văn học khá dày dặn của Xuân Hùng.

Định hình một ngòi bút phê bình văn học

Xuân Hùng là người viết truyện và kịch ngắn. Anh công tác ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Việc tiếp xúc thường xuyên với bản thảo của các tác giả in sách ở nhà xuất bản nơi anh công tác đã tạo điều kiện, kích thích ngòi bút của anh hướng về phía phê bình. Chắc chắn việc biên tập và thẩm định đã vừa bắt buộc, vừa tạo cơ hội cho anh viết. Không ngạc nhiên khi các bài phê bình được xếp vào ba mảng  “Chúng tôi - những người chiến sĩ” (9 bài), “Muôn màu cuộc sống” (9 bài), “Nốt trầm văn hóa miền sơn cước” (6 bài), phần lớn (16/24) đều là bài viết về các tập sách in ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Là người viết truyện ngắn và kịch, nhưng sang lĩnh vực phê bình, ngòi bút của Xuân Hùng tỏ ra đa dạng và tung tẩy hơn. Hầu hết các thể loại văn học đều được anh động bút từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, tản văn đến thơ, trường ca, khảo cứu.

Có thể nói Xuân Hùng là người viết phê bình đã định hình chủ yếu ở lĩnh vực tác phẩm viết về đời sống bộ đội trong thời chiến, thời bình và tác phẩm viết về đời sống các dân tộc ít người trong cộng đồng các dân tộc của nước ta. Anh là một người viết trẻ, có phải vì thế chăng mà trong không gian phê bình của mình, anh dành một phần rộng đáng kể để viết về những cây bút trẻ và bút mới như: Lê Mạnh Thường, Minh Hương, Tống  Ngọc Hân, Chu Thị Minh Huệ, Hạnh Trần, Nông Quang Khiêm, H’Siêu, H’Phi La. Và cách tiếp cận tác phẩm của cây bút phê bình căn bản là cách tiếp cận văn hóa, một xu hướng không mới, nhưng rất thịnh hành trong những năm gần đây.

Bất cứ tác giả nào, dù là người lính cầm bút có thâm niên hay một bạn viết trẻ mới có thành tựu bước đầu, nhưng tác phẩm của họ đều được Xuân Hùng đọc và viết với tinh thần nâng niu, trân trọng. Bởi có lẽ là người viết, anh thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn mang nặng đẻ đau của người sáng tác. Mặt khác, anh là người nhiệt thành, nhiệt tâm khi quan niệm “Bất kì viết về cái gì, nhà văn cũng thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, chuyển hóa cái đối tượng khách quan thành đối tượng chủ quan đến mức tưởng như chính mình sinh ra cái khách quan ấy. Nhà văn luôn luôn mang một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là đối với một vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, rất nhạy cảm với những đổi thay xung quanh” (trang 221). Đó là suy ngẫm của anh về đồng nghiệp và cũng chính là cách ứng xử của bản thân mình.

Dù chưa in tập thơ nào, nhưng bài viết về thơ của Nguyễn Hồng Minh “Một chữ “tình” trong thơ người lính”, Xuân Hùng thể hiện sự tâm đắc và bắt đúng mạch cảm hứng xuyên suốt 2 tập thơ của tác giả. Những lời phân tích, bình giải khá thuyết phục. Nói về chữ “tình”, người viết đã dẫn ra chữ “tình” trong thơ chống Mỹ của những nhà thơ nổi tiếng, những người đồng đội với Nguyễn Hồng Minh và khẳng định “Theo tôi, chữ “tình” ở đây không đơn thuần chỉ là thứ tình yêu trai gái, mà nó mang nặng tâm thế của một thời lửa đạn sục sôi. Chữ “tình” như một điều gì đó vừa thiêng liêng, cao cả lại vừa chất chứa vẻ bình dị. Nó là sự hun đúc của tâm hồn người chiến sĩ cầm bút”. Và nhà phê bình dẫn ra những câu thơ mộc mạc, giản dị mà gần gũi: “Điều anh muốn nói với em/ Không ba lô nào chứa nổi… Mang nỗi nhớ cồn cào nỗi nhớ/ Ở hai đầu ta gửi cho nhau” (trang 31). Viết về tập thơ của nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa, Xuân Hùng không giấu niềm cảm mến, mặc dù cũng có những nhắc nhở, phê bình nhẹ nhàng thân ái. Chính vì thế người viết mới nhìn “Cánh đồng cỏ úa” (nhan đề tập thơ) thành “Cánh đồng mọc ước mơ” (nhan đề bài viết về tập thơ). Những câu thơ được trích dẫn là những câu thơ đẹp, gợi cảm của Ngô Bá Hòa: 

“Tuổi thơ tôi thơm mùi cánh đồng/ úa vàng nỗi đau bỏ ngỏ/ trên mi mắt cha buồn/ mẹ vẫn về theo từng ngọn gió…”.

“Váy em lóa cả bình minh/ mắt em đựng mùa xuân chất ngất”

“Những đứa trẻ lớn trong màu xanh/ Có ánh mắt thấu đại ngàn/ Có đôi tai lắng trăm ngàn núi/ Và nụ cười vỡ ánh hoàng hôn”.

Tôi từng đồng tình với nhiều nhà thơ và nhà phê bình rằng, một bài giới thiệu tập thơ thành công, trước hết là trích được những câu thơ đáng trích của tác giả.

Là người viết truyện ngắn, nên những bài phê bình truyện ngắn (một truyện, một chùm truyện, một tập truyện) của Xuân Hùng tỏ ra chắc chắn và đáng tin cậy, thành công hơn cả. Anh phát hiện sự thành công của Lê Mạnh Thường trong tập truyện ngắn “Biển khóc” vì chất thực được thể hiện khá mới, bi tráng và xúc động: “Trong những truyện ngắn này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những câu chuyện rất đời thực, gần gũi, nhưng với giọng kể hơi ồn ào, pha chút mặn mòi, mạnh mẽ như những làn sóng biển của Lê Mạnh Thường đã tạo nên những cái gì đó rất mới, rất bi tráng và xúc động, khiến cho người đọc không thể kìm nén được lòng mình” (trang 23). Bình luận về chùm ba truyện ngắn của ba người lính đăng trên báo Văn nghệ, tác giả với tư cách là “người đọc trẻ” đã khẳng định đầy tin tưởng rằng “Trận đánh cuối cùng của người lính” không phải là những trận đánh bằng súng đạn khi giáp mặt với quân thù, mà chính là trận đánh của số phận với những dư âm, kỉ niệm chiến tranh; của bản lĩnh những con người từng đi qua chiến tranh với cuộc sống xã hội luôn biến đổi từng ngày xung quanh họ” (trang 46).

Với truyện ngắn “Chín vía” của Nguyễn Thị Ngọc Hà, tác giả đã viết một bài dài, thậm chí dài hơn cả mấy bài viết về nguyên một tập nhiều truyện ngắn. Cũng thỏa đáng thôi vì người viết thú nhận ngay từ đầu bài viết “Tôi như bị thôi miên khi chạm vào Chín vía” (trang 95). Tác giả đã phân tích kĩ lưỡng truyện ngắn này với ba tiểu mục: 1. Ngôn ngữ đặc tả trong xây dựng nhân vật điển hình; 2. Mượn tâm linh để mê hoặc người đọc;  3. Phút cuồng nộ nội tâm và giá trị thực của tình người. Có vẻ như người viết say sưa hơi thái quá một chút trong giọng điệu ngợi ca (mặc dù đã sử dụng từ nghi vấn “hình như”), nhưng người viết cũng đủ bình tĩnh và tỉnh táo để khẳng định “Nguyễn Thị Ngọc Hà chỉ có ý  mượn cái gọi là Vía để phục vụ cho mục đích dựng truyện của mình chứ không bị sa vào ma mị của thế giới tâm linh” (trang 101).

Hầu như viết về tác phẩm hay tác giả nào, người viết cũng gắng khám phá những nét riêng, nét độc đáo của họ. Điều này thật không dễ. Ví như với Lê Văn Vọng thì “giọng văn thật thà, nhè nhẹ, nhưng ẩn chưa bên trong là sự len lỏi, hâm nóng cảm xúc cho người đọc”. Còn Nguyễn Hiền Lương chỉ “miêu tả những khoảnh khắc đẹp nhất của tình yêu người lính”. Nguyễn Trọng Văn “kể chuyện rất thật, rất gần, rất từ tốn” (Đâu sẽ là “trận đánh cuối cùng” của người lính?). “Phạm Minh Hà không giỏi trong cách miêu tả tình tiết, nhưng ông lại có cái hay trong cách dựng chuyện” (Giản dị khi người lính cầm bút). Hà Nguyên Huyến thì “sẽ không bao giờ vượt khỏi ngưỡng cái cổng làng lịch sử của quê hương. Bởi chỉ có ở đó, chỉ có ở làng Việt cổ Đường Lâm thì ngòi bút của ông mới thực sự biến ảo, nhảy múa và cuốn hút người đọc” (Hành trình độc đáo của đá ong). Còn Tống Ngọc Hân, một cây bút nữ “đổi mới liên tục trong tư duy sáng tác, về nghệ thuật dựng truyện và đặc biệt là chất liệu sống mà không phải người viết trẻ nào cũng có được” (Khi chạm vào “vỉa tầng” của sự nhạy cảm).

Bám sát văn bản tác phẩm, mạnh dạn trình bày những suy nghĩ, cảm nhận; không giấu những cảm xúc cá nhân khi tiếp nhận; trình bày những hiểu biết, cảm nhận của mình bằng một  giọng văn chân thành, nồng nhiệt. Chính điều đó đã làm cho người viết thành công khi viết về các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau bất kể là tác phẩm viết về người lính mà anh thông thuộc hay viết về mảng văn hóa các dân tộc mà anh bước đầu làm quen, bước đầu đi sâu và cảm mến.

Tất nhiên, đây là cuốn sách đầu tay, nên không tránh khỏi những chỗ này chỗ khác còn chưa được như ý. Nhưng rõ ràng Xuân Hùng đã bắt đầu định hình một ngòi bút phê bình văn học có giọng điệu riêng, có cách tiếp cận riêng. Anh còn nhiều đất viết và còn nhiều thời gian để khẳng định mình trong lĩnh vực phê bình văn học. Chúng ta có đủ căn cứ để tin tưởng và hi vọng.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô đi thực tế sáng tác tại Thái Bình
    Triển khai kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, trong hai ngày 20 và 21/4/2024, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức chuyến thực tế sáng tác tại tỉnh Thái Bình. Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô do NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Trưởng đoàn.
  • Chuẩn bị khai hội, công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Làng Keo
    Thông tin từ UBND huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội), từ 13 – 15/5/2024 (mùng 6 đến mùng 8 tháng Tư năm Giáp Thìn) sẽ diễn ra Lễ hội truyền thống Làng Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) và Lễ Công bố Quyết định Lễ hội Làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ra mắt bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”
    Bộ sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một bản anh hùng ca bất hủ gắn liền với tên tuổi và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng.
  • Chiến sĩ nhỏ Điện Biên theo bước chân những người anh hùng
    Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội TW tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V - năm 2024, với sự tham gia của 200 đại biểu thiếu nhi, 64 đại biểu phụ trách trên toàn quốc.
  • Mỹ Tâm mở bán vé liveshow "My Soul 1981" tại Hồ Tràm
    Mới đây, Mỹ Tâm vừa đăng tải poster mới trên trang cá nhân thông báo thời gian mở bán vé chính thức của liveshow My Soul 1981 mùa 3 diễn ra bờ biển Hồ Tràm, Bà Rịa Vũng Tàu. Theo đó, khán giả có thể bắt đầu mua vé của show từ lúc 20h ngày 20/04/2024.
Đừng bỏ lỡ
Định hình một ngòi bút phê bình văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO