Dịu

Truyện ngắn của Nguyễn Thiết| 09/10/2018 13:40

Dịu đẹp. Đẹp từ khuôn mặt, vóc dáng đến nước da. Dịu luôn hấp dẫn bởi sự dịu dàng, kín đáo ẩn chứa vẻ kiêu sa nhưng thân thiện mà ý tứ.

Dịu sinh ra ở vùng lúa trù phú và yên ả. Cô lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ, anh em cùng tình làng nghĩa xóm. Quê Dịu là cái nôi của một vùng dân ca nổi tiếng, độc nhất vô nhị. Tâm hồn Dịu thấm đẫm những làn điệu, những ca từ mượt mà, duyên dáng qua lời ru của mẹ, của bà. Lớn lên Dịu được dạy cách hát và cô hát rất hay. Đó là một phần hành trang Dịu mang theo vào trường đại học.

Tốt nghiệp ngành xã hội học, Dịu táo tác chạy việc cả năm vẫn không kiếm nổi chỗ làm. Lý do thì nhiều, trong đó không ít lần Dịu phải từ bỏ ý định hoặc phải chạy trốn khỏi nơi xin việc. Mệt mỏi với tháng năm sống vất vưởng, Dịu trở nên hoang mang, chán nản. Trong hoàn cảnh ấy, Dịu gặp Phú và họ trở thành vợ chồng của nhau.

Dịu
Minh họa của Vũ Khánh
Phú hơn Dịu đến chục tuổi. Sự chênh lệch này nay được coi là phù hợp. Trước khi lấy vợ, Phú đã là giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn, hành nghề tư vấn, thiết kế và thi công xây dựng công trình. Phú là mẫu người năng nổ, thạo việc lại luôn biết chủ động về tài chính, khôn ngoan trong các mối quan hệ và rất sòng phẳng. Vì vậy công ty của Phú chẳng lúc nào hết việc. Tiền vào trong tay Phú ngày một nhiều. Thành ra nỗi đam mê tiền trong con người Phú cũng ngày càng lớn. Lấy Phú, Dịu đã bước vào một thế giới khác. Một thế giới của người có nhiều tiền.

Chẳng thế mà mỗi khi Phú có việc thương thảo với đối tác vẫn lấy nhà hàng, khách sạn làm nơi tiếp kiến. Tùy thuộc vào vị trí, mức độ quan trọng của công việc mà Phú có cách cư xử tương ứng từ khâu ăn, uống, quà cáp, phong bao lẫn đãi khách… qua đêm. Khách ở lại chẳng lẽ chủ lại bỏ về ngủ nhà. Nhiều lần Phú thành quen và Dịu cũng ngủ mình thành quen. Đến giờ ở Phú có hai đam mê chết người, mê tiền và mê gái.

Đổi lại, Phú đối xử với Dịu rất mềm mỏng và nhã nhặn.Tình cảm vợ chồng ở Phú tuy không thật đằm thắm, mặn nồng nhưng Dịu cũng cảm thấy mình được yêu. Đặc biệt trong việc tiêu pha, mua sắm của Dịu chưa một lần thấy chồng nhắc nhở hay phàn nàn. Tuy được xông xênh nhưng Dịu là người tự trọng trong việc tiêu tiền. Cô không thuộc mẫu người thích trưng diện, khoe khoang thời thượng. Cô coi trọng màu sắc, kiểu dáng trong ăn mặc, trang sức cốt ở sự nền nã, phù hợp với vóc dáng, nước da và thời tiết. Thuở còn là sinh viên, Dịu quan niệm văn hóa thời trang biểu hiện sao cho trang nhã, lịch lãm có phong cách, có cá tính nhưng lại hòa đồng và gần gũi.

Chẳng thế mà mọi người làm việc trong công ty của Phú nể phục anh ở sự kiếm tiền bao nhiêu lại quý trọng nhân cách và ngưỡng mộ sắc đẹp của bà chủ bấy nhiêu. Trong số ấy, Thức là người ngưỡng mộ Dịu đến si mê. Trước khi trở thành nhân viên tin cậy của Phú, Thức đã tốt nghiệp đại học xây dựng và đại học mỹ thuật.

Nỗi si tình ấy ở Thức, Dịu là người rõ nhất. Nhiều lần Dịu bắt gặp anh ta đắm đuối nhìn mình. Đôi mắt lúc dại đi, lúc như ngùn ngụt bốc lửa, lúc lại như mơn trớn, vuốt ve trên da thịt Dịu với nỗi thèm khát đến cùng cực. Những cử chỉ như thế là sự tỏ tình bất thành lời mà Thức muốn nhắn gửi tới Dịu. Dịu không một lời nói, một cử chỉ nào được gọi là tình yêu dành cho Thức. Thức trở thành người yêu đơn phương và nó âm ỉ cháy trong lòng anh.

Chẳng thế mà Thức dành nhiều ngày nghỉ vẫn đến phòng làm việc, chốt cửa, cặm cụi ngồi vẽ chân dung Dịu mà không có Dịu. Một hôm cửa khép hờ, đột ngột Dịu xuất hiện trong khung cảnh. Thức vừa phả thêm màu tối vào đường bên lườn chân dung trên toan. Buông bút, lùi lại, Thức khoanh tay đứng ngắm… Khuôn mặt anh giãn ra vẻ hài lòng. Dịu đứng ngay phía sau, Thức cũng không hay biết. Chỉ đến khi Dịu thốt lên nỗi sửng sốt trước vẻ đẹp của chính mình trong tranh. Sự hiện diện của Dịu là sự hiện diện của khuôn mặt thật với vẻ đẹp mê hồn và vẻ đẹp không thua kém qua bức tranh nghệ thuật tạo ra một cảm xúc đặc biệt dâng trào trong lồng ngực Thức. Thức lắp bắp không thành lời. Dịu chủ động tiến đến sát bức tranh, nhìn cận cảnh rồi vừa lùi, vừa ngắm, nhỏ nhẹ cất lời thân thiện:

- Anh vẽ khuôn mặt tôi không chỉ giống tôi mà tôi còn gặp hồn tôi, tính cách tôi ở đó. Tôi thích bức tranh anh vẽ.

Dịu nói như thừa nhận tài năng hội hoạ của Thức. Nhận ra điều này, khuôn mặt Thức giãn ra hết cỡ, ánh mắt lấp lánh mang niềm vui khôn tả. Thức mạnh bạo nhìn thẳng vào mặt Dịu.

- Chị đẹp quá đấy mà.

Sau câu nói, Thức như không trấn tĩnh được, chân tay tự dưng run lên, vội ngồi tựa vào chiếc ghế ba đai cạnh đó. Dịu vẫn đứng, nói nhỏ nhẹ nhưng rành mạch:

 - Tôi nghe người ta khen mình đẹp nhiều rồi, quen nên chẳng còn nhiều ý nghĩa. Giờ đứng trước chân dung anh vẽ tôi không cần ngồi làm mẫu, tôi biết anh nói thật lòng. Tôi cũng lấy làm cảm động.

Nói rồi Dịu đi nhanh ra khỏi phòng. Thức nhìn theo cho đến khi cánh cửa được Dịu khép lại.

Từ ngày vô tình nhìn thấy chân dung của mình mà Thức đã vẽ, Dịu có thói quen mỗi khi đi đâu đó thường ghé vào một gallery nào đấy để xem tranh. Hôm đến cửa hàng vàng bạc trên phố thương mại sầm uất vào bậc nhất thành phố, khi ra Dịu rẽ vào gallery gần đó. Dịu ngỡ ngàng đến ngạc nhiên khi nhìn thấy bức chân dung mình trên tay người khách lạ vừa mua đang đi nhanh ra chiếc xe hiệu “w” bốn chỗ đỗ ngay đó. Dịu bước theo, chưa tới, chiếc xe ấy đã nhẹ nhàng lướt đi. Dịu cũng kịp hiểu ra rằng mình đã trở thành hàng hóa thông qua một chân dung nghệ thuật. Lòng Dịu chợt se buồn, bước những bước nhẹ tênh trên phố mà như đi về nơi vô định.

Sau lần ấy, Dịu còn bắt gặp Thức vẫn miệt mài vẽ tiếp những bức chân dung về mình. Tất cả những sự việc này, trước Thức, Dịu vờ như không hay biết. Có điều, Thức đã kiếm tiền bằng cách này. Dịu khẳng định thế và rồi lại nghĩ thời buổi mà cái gì cũng mua được, bán được thì việc Thức làm thế cũng là hợp lẽ.

Vừa ở đâu đó về, Phú ngồi vào ghế vời vợ tới. Dịu ngồi đối diện. Phú nhẹ nhàng nói với vợ về cuộc tiếp khách sắp tới. Khách là người có thể có tiếng nói trong việc thay đổi nhà thầu. Trúng thầu vụ này kiếm cả bạc tỷ. Dịu nghe, coi đây là những lời thông báo hơn là những lời bàn bạc. Nhưng Dịu hiểu tầm quan trọng và ý định của buổi tiếp kiến mà Phú vừa phác họa.

Đêm, một mình Dịu thao thức, tâm tư thả theo dòng suy nghĩ. Những năm tháng làm vợ, Dịu tâm niệm sống theo bổn phận và nghĩa vụ. Dịu lấy sự nề nếp, đoan trang làm trọng mà quên đi, giấu đi nỗi khao khát của tình yêu đôi lứa. Nó đang làm héo hon dần vẻ tươi tắn, ưa nhìn của Dịu.

Cưỡng lại điều này, Dịu luôn tự mình sống với tình yêu ban đầu. Tình yêu ấy đến bất chợt, gần gũi thế mà xa xôi thế. Gương mặt, nụ cười, ánh mắt, giọng nói sờ được, nhìn được, nghe được vừa rạng rỡ, vừa huyền ảo lại mong manh và dễ vỡ. Tình yêu ấy hồn nhiên, không vụ lợi, nó làm Dịu thấy yêu đời, muốn sống tốt hơn với chính mình, với mọi người. Đến giờ Dịu coi đó là cõi thiêng liêng,là tài sản quý nhất mà mình có. Quan niệm này trở thành niềm an ủi, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp Dịu vượt lên những ngày đang sống chẳng mấy hạnh phúc.

***

Ông Phú đặt trước một phòng trên tầng hai nhà hàng bên hồ. Căn phòng vừa đủ rộng, tạo được cảm giác sang trọng, thoải mái mà vẫn ấm cúng. Chiếc bàn tròn kê giữa phòng được trải khăn trắng muốt. Trên đó có lọ hoa bằng thủy tinh trong suốt cắm những bông hoa tươi màu trang nhã. Xung quanh bàn là ba cái ghế bọc cũng được phủ vải trắng. Ánh sáng và gió hắt lên từ mặt hồ phả vào phòng, vào nơi vợ chồng ông Phú đang ngồi đợi khách.

Khách đến. Ông khách có dáng người cao ráo, da thịt hồng hào căng lấp kín những nếp nhăn trên khuôn mặt nên càng khó đoán tuổi. Qua vài cử chỉ cũng đủ biết khách là một người tháo vát, đạo mạo và lịch lãm pha chút gallant.

Vượt qua nghi thức xã giao, khách tự điều chỉnh ghế, mắt vẫn không rời Dịu, vừa cười vừa nói:

- Thiên hạ đồn quả không sai… chị nhà đẹp lắm anh Phú ạ.

Nghe lời khen, Phú có hãnh diện không chẳng biết. Riêng Dịu tỏ ra vô cùng dửng dưng. Ngồi lại ngay ngắn, ông Phú giới thiệu khách với vợ và vợ với khách. Không đợi đến thủ tục này mà ngay từ phút đầu giáp mặt Dịu và khách đều đã nhận ra nhau nhưng cả hai đều lờ đi. Trước mặt Phú họ làm ra vẻ như chưa hề quen biết. Họ chẳng lạ gì nhau. Hơn thế, trước kia quan hệ của hai người còn trên cả mức thân theo nghĩa thông thường. Ngày ấy, ai ngờ, một ngày anh ta (ông khách) bố trí cuộc gặp mặt của hai người còn có một thanh niên khác. Từ ăn mặc, tiêu pha đến cách nói năng cũng biết người thanh niên thuộc con nhà gia thế. Đang vui kiếm cớ có việc anh phải đi, bỏ lại Dịu với người thanh niên lạ. Trước khi rời nhà hàng, anh ta chỉ vào người thanh niên và nói:

- Đây là ân nhân của anh. Người giúp anh có công ăn việc làm ở ngay thành phố này. Anh ấy cũng có thể lo cho em.

Mãi sau đó, chính người thanh niên nói cho Dịu biết là anh rất thích cô qua một lần nhìn thấy Dịu cùng bạn trai ngồi uống nước tại nhà hàng. Người thanh niên đã tìm cách làm quen bạn trai của Dịu. Biết ý định của bạn Dịu đang cần công ăn việc làm ở thành phố, người thanh niên hứa sẽ giúp. Đổi lại, người thanh niên này phải có Dịu. Khi nghe được điều đó, Dịu lặng lẽ tránh mặt cả hai và coi như chưa bao giờ quen biết họ.

Trở lại với buổi tiệc, Dịu ngồi đó cho phải phép. Ông Phú và khách ngồi mỗi lúc một tỏ ra thoải mái trong cách nói, cách ăn, cách uống. Tranh thủ cơ hội này, ông Phú lái khách trở lại nội dung cuộc đấu thầu công trình X mà ông muốn tham gia. Bàn đi tính lại, ông khách hứa sẽ giúp Phú trúng thầu và họ nhanh chóng thoả thuận những nội dung cùng cam kết đi ngầm. Nâng cốc, chủ khách vui ra mặt còn Dịu nhìn lọ hoa với cái nhìn vô cảm.

Càng uống ông khách càng tỏ ra si mê người đàn bà đang ngồi bên cạnh. Một vẻ đẹp thánh thiện gần gũi mà khó với đương chờn vờn, lung linh trước mặt. Mắt ông như có lửa... Linh cảm của đàn bà giúp Dịu cảnh giác. Ông Phú cũng nhận ra biểu hiện bản năng từ ông khách. Phú nhếch mép cười kín đáo trong sự tỉnh táo rồi đứng dậy đi về phía phòng toilet.

Trở lại bên bàn ăn, trong tay Phú đang cầm chiếc điện thoại di động minh chứng cho cuộc đàm thoại vừa diễn ra giữa ông và ai đó. Lấy lý do phải đi, Phú xin lỗi khách và nhờ vợ tiếp giúp ông. Đường đột với ứng xử của chồng nhưng rồi Dịu cũng chợt hiểu ra rằng để có lời bạc tỷ trong gói thầu vào tay mình Phú tận dụng cả sắc đẹp, thân xác của vợ. Ý nghĩ làm Dịu quay cuồng đầu óc, mặt thoáng chút biến sắc. Lòng Dịu trào dâng nỗi hận và sự khinh bỉ...

Dịu rời bàn tiến ra phía cửa sổ. Ở đây, Dịu kịp nén cơn tức giận, cố tạo vẻ bình tĩnh rồi trở lại vị trí ngồi cũ. Được thể, khách không muốn bỏ lỡ cơ hội liền dịch ghế để ngồi sát bên Dịu. Miệng ông ta không ngớt tán tỉnh, thề thốt ngọt nhạt, chân tay tìm cớ đụng chạm. Hơi rượu sặc mùi nồng nặc cứ phả mãi vào mặt Dịu mỗi lúc một gần, một rát. Không chịu đựng được nữa, Dịu đứng dậy. Nhanh như chớp, ông khách choàng tay qua eo, giật Dịu ngã vào lòng mình mà hôn tới tấp. Giẫy đạp, Dịu vùng thoát. Vừa đứng được dậy, Dịu cho ông ta cái tát như trời giáng lên cái má nung núc thịt. Vì tủi hổ và tức giận, Dịu ra nhanh khỏi đó.

Ông Phú ở đâu bỗng xuất hiện. Phú vừa ngỏ lời xin lỗi khách phần cho mình, phần thay vợ, vừa nhỏ nhẹ xin xỏ lẫn dọa dẫm cốt để ông khách bớt xấu hổ, cốt sao gói thầu về tay mình. Phú rót tiếp rượu ra hai ly, họ lại nâng cốc, cứ thế đến cả tiếng. Lúc rời khỏi nhà hàng, Phú chủ động thanh toán. Chủ, khách sau đó cùng lên chiếc xe con bốn chỗ của Phú lao thẳng đến nhà nghỉ.

Đáp lại lời chào của người giúp việc, Dịu đi thẳng lên phòng riêng của mình. Vào nhà tắm, trút cả bộ đồ khỏi người, Dịu xả nước mong giảm cơn bốc hỏa đang ngùn ngụt trong lòng mình. Về giường, Dịu không tài nào chợp mắt nổi, thao thức, vật vã hết ngồi dậy lại nằm xuống. Tiếng gà gáy sang canh từ đâu vọng tới, Dịu với tay vào công tắc, chiếc đèn bàn bật sáng. Nhìn lên, đồng hồ đã chỉ hai giờ, Dịu bồi hồi nhớ lại tình yêu đầu tiên khi còn học cuối cấp phổ thông. Đó là tình yêu của cô với Từ, một chàng trai hiền hậu, học giỏi và tốt bụng. Chưa kịp thi đại học, Từ đột ngột ra đi bỏ lại bố mẹ, bỏ lại Dịu trong cái ngày định mệnh. Ngày mà Từ đã làm được một nghĩa cử cao đẹp là lao vào cứu cậu bé trong ngôi nhà đang bốc cháy.

Từ đó, Dịu coi Từ là người đàn ông duy nhất và tình yêu với anh là tình yêu duy nhất luôn sống trong trái tim cô. Giờ đây, Dịu thấy những tháng năm còn lại phải sống theo nghĩa vợ chồng với Phú trở nên nhạt nhẽo, hãi hùng. Dịu sợ phải gặp lại, phải nhìn thấy, phải nghe những lời tỏ tình của Thức, của Bản. Bản thuở còn là sinh viên, anh thuộc loại người hào hoa. Anh làm thơ và chơi guitar khá hay. Bản có nhiều nữ sinh viên vây quanh. Bản thích Dịu, yêu Dịu. Dịu đối với Bản trên thân nhưng chưa tới mức yêu. Rồi đến một ngày Bản đổi cô để lấy việc làm ở thành phố. Bản chính là người khách bị Dịu cho cái tát trong bữa tiệc lúc chiều. Nước mắt Dịu ứa chảy. Hình ảnh của Từ lại hiện về mờ ảo qua làn nước mắt.

Dịu đã ly hôn và trở về sống với bố mẹ đẻ nơi chị đã sinh ra. Trong phòng của Dịu có chân dung toàn thân của Từ được phóng to hết cỡ, được lồng trong khung kính. Trang phục giản dị, Từ vẫn toát lên dáng vẻ thư sinh và đôi mắt lấp lánh sáng lúc nào cũng như đang nhìn Dịu với nụ cười rất tươi và vô cùng gần gũi. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Lễ xuất quân hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên” của các văn nghệ sĩ
    Sáng 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ xuất quân đưa các văn nghệ sĩ hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/4/2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
  • Đổi mới tư duy kinh tế điện ảnh - cú huých cần thiết
    Thực tế cho thấy phim lịch sử vẫn thu hút không ít công chúng yêu điện ảnh. Dư âm bộ phim “Đêm hội Long Trì” ngày nào vẫn còn trong lòng thế hệ khán giả đương thời, bởi sự hấp dẫn, thuyết phục đến từ kịch bản, đặc biệt là bối cảnh công phu, được ê-kíp làm phim tạo dựng với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm cao đối với lịch sử.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
  • Phố Sách Hà Nội: Sôi nổi chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
    Thông tin từ Ban quản lý Phố Sách Hà Nội 19/12, hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3; Chào mừng kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội, tại Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao ngành Giáo dục Hà Nội năm 2023-2024
    Sáng 15/4, tại Trung tâm VHTT&TT quận Tây Hồ, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp Thành phố năm học 2023 – 2024.
Đừng bỏ lỡ
Dịu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO