Dốc cây gạo

Truyện ngắn của Kim Nhũ| 29/03/2018 08:53

Chiều. Ở rẻo cao, nắng có màu đặc sánh như mật ong. Mặt trời không còn đổ ánh vàng rực rỡ một cách hào phóng xuống núi rừng như buổi ban trưa. Lúc này, nắng với bước chân người giống như trò chơi trốn tìm. Vừa mới ở trên đỉnh, nắng còn chang chang, xuống đến chân dốc, nắng đã trốn đâu mất tăm…

Dốc cây gạo
Minh họa của Lê Huy Quang

Trên đỉnh dốc cây gạo ở đầu bản, một cô gái đang ngồi nghỉ ven đường nét mặt bơ phờ. Chu lại gần:

- Cô gì ơi! Cô có sao không?

Đang thiêm thiếp, cô gái cố mở mắt:

- Tôi không sao ạ!

Đã có vẻ yên tâm, anh vội rảo bước.

Dốc cây gạo khá cao, leo từ chân dốc bên này sang chân dốc bên kia, người khỏe cũng phải mất ba mươi phút. Trên đỉnh dốc có một khoảnh đất bằng như chiếc chiếu nghỉ, một cây gạo cổ thụ, gốc to hai người ôm không xuể không biết đã ngự ở đó tự bao giờ. Từ đỉnh dốc về đến bản người H’Mông, nhiều cây hoa gạo như vậy. Có thể vì thế mà nó được gọi là dốc cây gạo.

Nhà của Hạng A Chu làm theo kiểu nhà truyền thống của người H’Mông, tường trình đất, mái tranh thấp lè tè. Mang tiếng có hai phòng nhưng mỗi phòng còn chưa được mười mét vuông. Phòng trong, anh đựng vài thứ lặt vặt, phòng ngoài kê chiếc giường một vừa là chỗ ngồi bán hàng, vừa là chỗ ngủ. Quầy hàng của Hạng A Chu là chiếc bàn gỗ cũ được bầy ít điếu thuốc lá cuộn, vài chục gói kẹo gia công, một ít đá lửa, ít chỉ thêu, hơn chục gói mì chính nhỏ xíu… để bán cho những giáo viên, học sinh và bà con trong bản người H’Mông ở quanh dốc cây gạo.

Chiều ở vùng cao, tối đến nhanh như trùm chăn. Lúc đã vãn khách, Chu dọn hàng vào nhà để chuẩn bị cơm nước. Rít điếu thuốc lào rồi ngả lưng trên chiếc ghế nửa ngồi nửa nằm để chờ cơm chín, Chu nghe như có tiếng ai ngã “huỵch” trước cửa. Cầm cây đèn pin ra soi thì ra là cô gái anh đã gặp ở dốc cây gạo.

 ***

Chân cô gái sưng tấy do cú ngã trước nhà Chu nên đêm qua cô phải ngủ lại. Sáng ra, Nhiên (tên cô gái) định xin phép để đi thì anh bảo:

- Chân cô còn sưng to lắm. Tôi ở đây chỉ có một mình, cô đừng ngại gì cả. Cứ ở lại cho đỡ rồi hẵng đi!

Thoáng chút ngần ngừ nhưng rồi cô đã ở lại vì cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu. Cô chỉ biết rằng phải đi, đi đến khi nào ông trời run rủi cho mẹ con cô một chỗ có thể tá túc.

Cô miên man nghĩ về những ngày đã qua…

Trước ngày nhập ngũ, Thanh, người yêu của Nhiên không hề biết rằng, anh đã để lại một giọt máu nơi Nhiên. Khi mới biết mình có thai, Nhiên rất hoang mang mà không có cách gì liên lạc được với Thanh.

Những ngày này, Nhiên gầy sụt hẳn đi vì lo lắng. Là một giáo viên, Nhiên thấy sợ lắm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nhiên dặn dò cô bạn thân làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, người duy nhất biết rõ hoàn cảnh hiện tại của cô rồi lẳng lặng rời khỏi trường với ý nghĩ: Sẽ tìm một chốn nương thân để sinh con xong rồi mới tính tiếp.

Ở nhà Chu được ít ngày, cô đã cảm thấy tin cậy anh như đối với một người anh trai, thậm chí như một người cha. Cô liền kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện của mình. Nghe xong Chu bảo:

- Em cứ ở lại đây! Anh hứa sẽ trông nom bảo vệ em như em gái ruột của mình.

Chu cũng kể cho Nhiên nghe về cuộc đời mình. Cha mẹ mất sớm, anh là con út nên được anh trai và chị dâu rất cưng chiều. Gia đình đã gửi Chu vào học ở trường phổ thông dân tộc nội trú từ khi anh mới vào cấp hai. Bảy năm sau, lúc anh đang thi tốt nghiệp cấp ba môn cuối cùng thì nhận được tin báo: Anh trai bị chết do một tai nạn khi đi khai thác gỗ trong rừng. Theo phong tục, khi anh trai mất, người em trai sẽ phải lấy chị dâu làm vợ. Lòng kính trọng chị dâu bao năm đã ngăn anh  thực hiện cái tục lệ mà anh cho là hủ tục này. Vậy nên, sau khi lo tang ma xong, Chu bỏ nhà đi và rồi đã tìm được mảnh đất này để dừng chân. Thực ra mấy năm sống ở đây, cũng đã có người mai mối cho anh mấy đám nhưng chỉ sau vài lần tiếp xúc, một cô giáo quá lứa của trường cấp một thì chê anh cù lần. Còn mấy cô gái người H’Mông trên bản thì chê anh già.

Từ khi Nhiên đến ở cùng, cuộc sống của Chu thay đổi hẳn. Tính tình của Chu vui vẻ, hoạt bát trở lại. Nhưng cũng từ đây tự nhiên rộ lên tin đồn: Chu vừa gặp lại người vợ trẻ rất xinh đẹp. Ai hỏi anh chỉ cười, chẳng thừa nhận cũng chẳng phủ nhận. Có hôm Chu bảo
:
- Kệ cho họ hiểu thế! Như vậy sẽ chẳng ai dám làm phiền em.

Sau tết âm lịch, Nhiên sinh con gái nên cả Nhiên và Chu đều muốn đặt tên nó là Hoa Đào, bởi cả hai người đều yêu cánh đào phai màu phớt hồng như má con gái đang nở rộ trước hiên. Khỏi phải nói, Chu mừng như thế nào khi trong nhà bây giờ lại thêm tiếng khóc oe oe của con trẻ.

Sinh con xong, Nhiên như người được lột xác. Những nét xinh đẹp của thời con gái nay lại được tôn lên rực rỡ hơn. 

Thời gian trôi đi! Nỗi nhớ Thanh trong Nhiên cũng đã bắt đầu nguôi ngoai, nhường chỗ cho một cái gì thật mới mẻ, mát rượi đang ngập tràn trong tâm hồn cô. Từ chỗ quý mến, cảm phục những gì anh đã làm cho mẹ con cô, cô đã bắt đầu thấy nhớ Chu mỗi khi anh đi lấy hàng vắng nhà. Có lần vì nhớ anh quá, Nhiên đã bế con ra tận dốc cây gạo để chờ anh.

Nhiều đêm, khi con đã ngủ say, Nhiên nằm nghĩ: Chỉ cần vài bước chân, có thể cô sẽ đến “một thế giới khác” với người đàn ông tràn trề nam tính ngoài kia. Khi cô đến đây, anh đã dọn căn buồng đựng đồ đạc, đóng một chiếc giường đôi, kê vào đó cho Nhiên ngủ. Còn mình thì vẫn nằm trên chiếc giường một ngoài nhà. Nhiên còn rất trẻ, cơ thể căng tràn nhựa sống...

Và thế là, Nhiên khẽ khàng đến bên Chu. Khi cô nằm xuống cạnh, Chu chợt tỉnh giấc, dịch người để nhường chỗ cho Nhiên rồi một tay dang ra làm gối, tay kia kéo cô sát vào người mình. Anh đặt những nụ hôn mơn man lên mái tóc, lấy tay vuốt nhẹ những lọn tóc đang lòa xòa trên trán cô, rồi bảo:

- Em vào với con đi kẻo nó thức dậy không thấy mẹ sẽ…!

Nhiên lặng im rồi đột ngột, cô trườn lên bụng anh và cứ thế hôn tới tấp lên môi, lên mắt anh… Dường như anh cũng bị cô dẫn dắt vào những cảm xúc dâng trào ngày một mãnh liệt hơn. Nhưng đột nhiên, Chu như bừng tỉnh. Bật dậy! Anh đẩy nhẹ cô rồi ra bàn vớ chiếc điếu cày rít lên sòng sọc, mặc cho Nhiên ngồi khóc dấm dứt. Anh nhẹ nhàng bảo:

- Nín đi em, kẻo con dậy bây giờ!

Từ chối Nhiên nhưng Chu không một lời giải thích.

Sau đêm ấy, quan hệ giữa hai người không được tự nhiên lắm, mặc dù trước mặt mọi người, cả Chu và Nhiên đều cố tỏ ra bình thường. Nhiên không thể lý giải nổi tình cảm của Chu dành cho cô gọi là gì. Đối với cô, anh rất dịu dàng, hết mực chiều chuộng. Và nhất là cái ánh mắt đầy yêu thương. Vậy mà… Trong đầu cô hiện lên hàng ngàn, hàng vạn lần câu hỏi: Tại sao?

Bé Hoa Đào cứ thế lớn lên ngày một xinh xắn trong vòng tay yêu thương của mẹ và người cha hờ. Trước hôm sinh nhật lần thứ năm của con bé hai ngày thì Chu bảo:

- Mai anh đi lấy hàng, em ở nhà trông con cẩn thận nhé!

Chu định dành sự bất ngờ cho con bé vì anh dự tính sẽ lên thị trấn tìm mua một con búp bê biết khóc, biết cười để tặng nó.

***
Một chàng trai ăn mặc giống như một công chức vào quán của Nhiên gọi nước chè. Anh ta hết nhìn Nhiên rồi lại ngắm con bé. Đợi lúc vắng khách, anh ta hỏi:

 - Chị có phải chị Nhiên, quê Hưng Yên, trước dạy trường sư phạm cấp một của tỉnh?

Nhiên thoáng rùng mình nhưng rồi cô trấn tĩnh rất nhanh:

- Sao em biết…?

Chàng trai đưa cô lá thư bảo:

- Chị hãy đọc bức thư này rồi khắc rõ!

Trời ơi! Thư của Thanh.

***
Thanh được chuyển về công tác tại sở giáo dục giữ cương vị trưởng phòng. Là người có thành tích trong chiến đấu, lại có trình độ, năng lực, nhất là Thanh thuộc típ người rất biết “chiều” cấp trên nên chỉ sau vài năm, Thanh được đề bạt phó giám đốc sở. Khi ông giám đốc đột ngột mất vì bạo bệnh, Thanh có ngay quyết định thế chân ông ta. Con đường sự nghiệp của Thanh cứ như được ông trời sắp đặt trước.

Ngay sau khi rời quân ngũ, Thanh đã về trường sư phạm tìm Nhiên nhưng không ai biết rõ cô đã bỏ đi đâu. Lần mò tìm về Hưng Yên hỏi, cha mẹ cô cũng không biết chính xác con gái họ đang ở đâu. Trong những bức thư thỉnh thoảng cô gửi về gia đình, chỉ vẻn vẹn có vài dòng thông báo: Con vẫn khỏe, cuộc sống rất tốt, bố mẹ không phải lo lắng! Bẵng đi, Thanh cũng có một cuộc hôn nhân vội vàng nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì chia tay.

Tình cờ, trong một hội nghị mở rộng của ngành y tế, anh đã gặp lại cô bác sĩ, bạn thân của Nhiên năm nào. Thanh đã cho người thân tín của mình lần tìm theo những dấu vết ít ỏi mà cô bạn của Nhiên cho biết. Cuối cùng, Thanh đã tìm thấy Nhiên và gửi  cho Nhiên địa chỉ với lời mời đưa con về sống cùng anh.

 ***
Vừa mang con búp bê về tới nhà thì con Hoa Đào mừng quýnh nhảy cả lên đầu lên cổ Chu để mà hôn hít. Tuy nhiên, để ý thấy Nhiên có vẻ khang khác mọi lần, Chu hỏi:

- Hôm nay em làm sao thế?

Nhiên đưa bức thư cho Chu đọc. Anh bàng hoàng vì cái điều anh hằng lo sợ nhất đã đến. Đọc xong bức thư, trong lòng anh như nổi giông bão: “Nhiên ơi! Em đừng đi! Hãy ở lại với anh! Anh yêu em nhiều lắm! Anh thật khổ tâm khi không nói ra được điều này… Anh lo sợ một ngày nào đó, cái “tên kia” sẽ tìm thấy em, nó sẽ giằng em ra khỏi cuộc đời anh nên anh không dám đi đến tận cùng của tình yêu. Em xinh đẹp thế, hiền hậu thế nên không đáng bị chôn vùi ở nơi “sơn cùng thủy tận” với một người đàn ông khác dân tộc này.”        

Sáng ra, Chu hỏi Nhiên:
- Em định thế nào?
- Theo anh thì em có nên về đấy không? Nhiên hỏi lại.
Anh nói một thôi một hồi, rối rắm, tối nghĩa nhưng tựu trung là khuyên bảo Nhiên nên nghe theo tiếng gọi của tình yêu. Và, trên hết là vì tương lai của bé Hoa Đào.
Nhiên thầm nghĩ: Đã thế! Không yêu thì mình cũng chẳng nên ở lại đây làm gì nữa…Và, tình yêu với Thanh tưởng như đã ngủ yên bấy lâu, nay có dịp thức dậy cả với những háo hức, tò mò muốn gặp lại. Thế là sau vài ngày chuẩn bị, cô cùng bé Hoa Đào rời khỏi nhà Chu tìm đường về địa chỉ đã được hẹn trong thư.
***
Những ngày đầu tiên sống ở nhà Thanh, hai mẹ con cô cảm thấy rất lạ lẫm. Nhà anh là ngôi nhà xây hai tầng rộng thênh thang được thiết kế kín cổng, cao tường. Đồ đạc trong nhà thì toàn những thứ mà có nằm mơ cô cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được chạm. Bộ bàn ghế salon bằng gỗ pơ mu lúc nào cũng tỏa hương thơm lừng... Riêng cái nhà vệ sinh thì lúc nào cũng trắng bóng, sạch như lau như li. Mấy hôm đầu, Thanh phải dành thời giờ hướng dẫn cho hai mẹ con cô cách sử dụng những trang thiết bị hiện đại mà mãi rồi mẹ con cô vẫn quên. Một lần, con Hoa Đào đi vệ sinh nhưng nó quen như những ngày sống ở trên núi nên đã không xả nước. Khi đi làm về, vào thay quần áo, thấy thế, Thanh liền làm ầm lên:
- Có vậy mà dạy mãi cũng không nhớ! Sao ngu thế?
Mặc dù rất buồn khi nghe câu nói ấy nhưng Nhiên vẫn cố cắn răng chịu đựng…
Hôm đầu tiên đến nhà Thanh ở, anh dặn Nhiên: Biết em đã phải chịu nhiều thiệt thòi, anh sẽ tìm cách bù đắp cho em và con. Nhưng em cũng phải giữ thể diện cho anh vì nếu mọi người mà biết chuyện của chúng ta thì anh sẽ mất hết uy tín, sao làm việc được. Vì vậy, có ai đến chơi hỏi, bảo là em họ anh ở dưới quê lên nhé!
Ở nhà Thanh đã được hai tháng nhưng Nhiên không thể nào quen được với những đồ đạc tiện nghi đắt tiền lúc nào cũng vây bủa quanh mình. Và nhất là, Nhiên cảm thấy Thanh không còn là Thanh của ngày xưa. Sống bên anh, cô có cảm giác thật lạc lõng. Càng ngày, cô càng hay nhớ về dốc cây gạo nơi có những đỉnh núi mờ sương quanh năm mây phủ; những mái nhà sàn lô xô trên sườn núi; những thửa ruộng bậc thang tít tắp như đường lên cổng trời…Và, cô nhớ quay, nhớ quắt ánh mắt ấy. Chỉ cần cảm thấy có ánh mắt ấy dõi nhìn, má cô đã ửng đỏ.
Chiều, Nhiên vừa lau dọn nhà cửa xong thì Thanh về bảo:
- Em nhanh tay lên, tí bác trưởng ban tổ chức tỉnh ủy sẽ đến chơi!
Vừa hãm ấm trà, chuẩn bị xong đĩa hoa quả thì ông trưởng ban tổ chức tỉnh ủy đến. Thấy Nhiên, ông ta hỏi:
- Ai đây thế?
- Dạ! Cô giúp việc dưới quê mới lên ạ!
Nhiên điếng người khi bị Thanh gọi là người giúp việc. Đêm ấy cô không ngủ, rồi đi tới quyết định: Sẽ rời khỏi Thanh! Hôm sau, lúc đầu khi nghe Nhiên nói điều này, Thanh cũng phản ứng yếu ớt. Nhưng sau đó anh bằng lòng cùng ý nghĩ: Nếu để cô ở đây thì quả rất nguy hiểm cho sự nghiệp của mình. Anh không thể để chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách khối văn xã rơi vào tay người khác, khi mà người tại nhiệm đang chuẩn bị nghỉ hưu. Mới đây, ông trưởng ban tổ chức tỉnh ủy đã “úp mở” cho anh biết điều đó. 
 ***
Từ hôm Nhiên và con bé rời khỏi nhà, Chu như người mộng du. Hôm nào anh cũng đóng cửa hàng sớm để lủi thủi đi bộ ra dốc cây gạo. Hôm nay anh cảm thấy ruột gan cồn cào không yên nên ra đây sớm hơn mọi ngày. Bây giờ đã là tháng ba âm lịch, những cây gạo đã ra hoa đỏ ối. Cây gạo này là nơi ghi dấu phút giây đầu tiên anh gặp người đàn bà mà anh  yêu thương và tôn thờ. Đến đây, anh như được gặp lại Nhiên, gặp lại giọng cười trong vắt như tiếng suối ban mai của cô… Chợt anh thấy xây xẩm mặt mày và thiếp đi, miên man trong một giấc mơ.
Xe đưa hai mẹ con vừa về đến dốc cây gạo, Nhiên thấy một đám người đang xúm xít ở đỉnh dốc. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, cô vội vã xuống xem thì thấy Chu đang mê man bất tỉnh, ngồi dựa lưng vào gốc cây và bên cạnh là chai rượu mới chỉ vơi đi một phần. Nhiên vội vàng quỳ thụp xuống bên anh, lay gọi anh, nước mắt cô tuôn rơi lã chã. Con Hoa Đào cũng hoảng hốt, khóc nức nở, gọi bố ơi, bố ơi!
Tiếng  khóc của con bé khiến Chu bừng tỉnh, nhưng anh mệt quá, không đứng lên được, đã mấy đêm liền nhớ Nhiên, nhớ con Hoa Đào anh đã không chợp mắt, đã không ăn mà chỉ uống… Nhiên đỡ anh, dìu anh đi từng bước. Lên dốc. Lên dốc. Ba người đi trong ráng chiều về phía con đường như chiếc khăn piêu đầy hoa gạo nở, ở đó có ngôi nhà tường trình, hai phòng, mỗi phòng mười mét vuông nhưng chất đầy tình yêu thương của họ…
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dốc cây gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO