Độc đáo lễ hội lấy lửa đêm giao thừa

Bùi Quang Thanh| 09/02/2018 15:00

Như nhiều làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ xưa, làng nghề chạm khắc gỗ danh tiếng La Xuyên, thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng có đầy đủ các lễ tiết, hội hè trong bốn mùa theo lịch Trăng. Đó là tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, tết Rằm tháng Bảy, tết Trung thu, tết Cơm mới… Nhưng độc đáo nhất lại là lễ hội xin lửa đêm giao thừa hàng năm.

Hội làng La Xuyên được mở ra từ ngày mùng mười đến mười lăm tháng Giêng âm lịch thường niên. Những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu hội được mở với quy mô lớn hơn những năm khác. Gần vào kỳ hội, các chức sắc và hội đồng hương lão tề tựu để họp bàn chuẩn bị chương trình. Làng xóm nhộn nhịp bừng lên một không khí mới. Từ các gia đình cho tới các chi giáp cùng náo nức bắt tay vào hội. Người ta quét dọn tu chỉnh lại đường làng ngõ xóm, trồng nêu làm cổng chào. Các đền miếu, chùa chiền, đình phủ được sửa sang, lau rửa đồ thờ, chuẩn bị cờ lọng. Đầu tiên làng tổ chức làm lễ rước nước từ sông Sắt ngay cạnh cầu Tào về để tẩy trần cửa Thánh và Phật. Điều kiện đi rước nước tuy gọn nhẹ nhưng cũng hết sức trang trọng. Kế đó là tổ chức lễ rước chân nhang từ phủ Bà Chúa Liễu bên Phủ Dầy của xã Kim Thái, huyện Vụ Bản về.

Độc đáo lễ hội lấy lửa đêm giao thừa
Người dân La Xuyên lấy lửa từ ngọn lửa thiêng cửa đình.
Ngày chính hội, lễ rước thánh bắt đầu từ đình lên chùa để dâng hương cửa Phật. Đội hình của buổi rước lễ rất uy nghi tề chỉnh. Dẫn đầu đoàn rước Thánh là hàng chục lá cờ ngũ hành. Phường bát âm với các nhạc cụ cổ truyền như đàn, nhị, sáo, xênh, phách tấu lên những bản nhạc mang đến không khí vui tươi cho ngày hội. Các đồ nghi hương như bát biểu, chấp kích tàn lọng đi trước các kiệu bát cống, do các trai làng đội nón dứa, mình mặc áo sa, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ để khiêng. Theo sau là đội tế nữ quan mặc áo choàng ngũ sắc. Đội ngũ lôi có trống cái, trống con, thanh la não bạt cầm nhịp cho bước đi của đoàn rước. Sau cùng là hội đồng hương lão, kỳ hào, chức sắc và già trẻ gái trai, bà con làng xã đi nối tiếp theo sau. Đội hình rước lễ đông vui, trang nghiêm, âm thanh tưng bừng, màu sắc rực rỡ đi trên những con đường chạy quanh co trong làng xóm, thực sự làm bừng lên sức sống tiềm ẩn trong thôn quê.

Sau lễ dâng hương cáo bái nơi cửa Phật, đội lễ rước lại chỉnh tề tiến về đình để làm lễ chính, tế Thành hoàng và Đức Thánh mẫu. Lễ chính tế được tiến hành đông nhất cả hai cửa thần và cửa thánh. Cửa thần làm lễ dâng hương và cầu tế các vị Thành hoàng. Cửa phủ làm lễ dâng Đức Thánh mẫu Liễu Hạnh. Dàn nhạc giữ nhịp, trống cái cầm chầu. Đội nữ tế mặc áo choàng ngũ sắc làm lễ dâng hương và hát những bài ca cầu, dân làng thành kính vây quanh chiêm ngưỡng, tưởng vọng.

Ngày làng mở hội cũng là ngày mọi nhà làm cỗ cúng ở tổ đường, sắm hương hoa ra đình phủ, lên chùa cầu phúc và thết đãi bạn bè quen thân về chơi hội. Các chi, giáp, dòng họ đều có lễ ra dâng cửa thần nhà thánh. Những cố lão La Xuyên tới nay vẫn giữ trong mình kỷ niệm về  ngày lễ hội xưa, trong đó có những hình ảnh mâm cỗ đầy. Đó là cả một nghệ thuật chế tác và trưng bày của làng thợ ngày xưa. Những mâm cỗ cây, khung bằng đốt mía, cấu trúc theo hình tháp cao từ mặt đất tới mái nhà. Mỗi tầng mái tháp xoè ra như một bông hoa được xếp bằng hoa trái nhiều màu. Có những tấm bánh, đĩa xôi được nặn các hình chim hoa, rồng phượng, lão vọng câu cá, văn vương cầu hiền… Sau lễ dâng hương,  những mâm cỗ này được đem ra chấm giải và có thưởng. Giải chỉ là dăm ba vuông lụa đỏ, một chiếc gương soi, nhưng phần thưởng là một sự động viên của làng và lấy cái may ban cho của Thánh để trong việc làm ăn luôn gặp may mắn.

Trong khi ở đình phủ tiến hành tế lễ trang nghiêm thì cũng là lúc ngoài sân đình diễn ra nhiều trò chơi đua tài như đánh cờ người, đấu vật, chơi đu tiên, chơi cờ, xếp chữ. Trên đường làng có đội kỳ lân, múa rồng, cờ mở trống giong vào các gia đình mà chúc phúc những người cao tuổi. Màn đêm buông xuống, trong đình có hát ca trù, bên phải có hát chầu văn, sân đình tổ chức hát chèo.

Lễ hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt ròng rã trong năm ngày, vào tiết đầu xuân. Vào kỳ lễ hội, mọi người đều phải ở nhà, tất cả tham dự hội làng và chỉ sau đấy, ai đi làm ăn xa quê mới tiếp tục lên đường. Đêm giã hội, làng có đốt pháo bông để cáo từ trời đất, cầu phúc cho dân làng một năm tốt lành.

Vào dịp giao thừa, làng La Xuyên còn có tục mọi người kéo nhau ra đình đón năm mới. Mọi người dù giàu hay nghèo đã ra đình gặp nhau đều hồ hởi, hòa giải với nhau những chuyện xích mích trong năm và cầu chúc nhau bước sang năm mới gặp nhiều may mắn.

Khi giao thừa đến, đêm cuối cùng của năm cũng đã hết, dân làng dự buổi lễ trọng thể tổ chức ngoài trời ngay tại sân đình. Ngay giữa sân đình một đống củi khô được chất lên cao. Chiêng trống nổi lên vang động đêm khuya, pháo nổ liên hồi đón mừng năm mới. Vào chính phút giao thừa, cụ thượng của làng vào Hậu cung khấn vái, cầu xin thánh thần và tổ nghề phù hộ dân làng an khang, làm ăn thịnh vượng, sau đó xin lửa từ bàn thờ ra châm vào đống củi, lệnh chờ sẵn ngoài sân đình. Kết thúc buổi lễ, mỗi người cầm một bó đuốc đã được chuẩn bị trước để lấy lửa từ đống lửa rực sáng cửa đình đưa về nhà châm đèn, ủ bếp cầu may và xông đất cho chính nhà mình cầu mong mở đầu cho một năm gia đình đầm ấm và làm ăn thịnh vượng.

Ăn Tết xong, hội thợ mộc của làng tổ chức làm lễ hành nghề vào ngày mồng sáu tháng Giêng. Đây là tổ chức phường hội của những người cùng làm nghề mộc ở địa phương, nhằm hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công việc làm ăn. Hội lo phân công nhau cày cấy mấy sào ruộng, chuẩn bị các thứ để mọi người trong hội ra lễ tạ vị tổ sư thờ tại đình. Đây cũng là ngày để những người thợ mộc, thợ chạm trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kết nạp thêm những người thợ mới và bắt đầu công việc trong một năm. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lễ hội lấy lửa đêm giao thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO