Độc đáo những phút giao thừa

Minh Phú/NDCT| 31/12/2017 11:02

Nhiều nền văn hóa trên thế giới đã ghi dấu ấn riêng của mình ở thời điểm ăn mừng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Có những phong tục kỳ lạ và tuyệt vời đến mức, nếu không được tận mắt chứng kiến, ta sẽ hoài nghi rằng, liệu chúng có thật sự tồn tại?

Độc đáo những phút giao thừa
Nhắc đến bữa tiệc cuối năm, mọi người thường nhớ ngay đến quang cảnh pháo hoa lung linh rực rỡ hay những bữa tiệc sum họp tưng bừng bên ánh nến... Nhưng không chỉ có vậy!


Bắt nguồn từ thời Viking, người dân Xtôn-ha-vơn, Xcốt-len (Stonehaven, Scotland) đón mừng năm mới bằng lễ hội truyền thống lâu đời Hogmanay đầy tính “thị uy”. Vào đêm giao thừa, tất cả đàn ông đều mặc váy ngắn, vừa diễu hành trên các con phố vừa múa những quả cầu lửa đỏ rực liên tục chao đảo phía trên đầu. Đối với họ, quả cầu hiện thân cho ánh dương, sự trong sạch cũng như ngọn lửa bừng cháy sẽ xua đuổi ma quỷ và đem đến một năm mới an lành.

Trái ngược với độ “dũng mãnh” ấy, phụ nữ độc thân Ai-len (Ireland) mong chờ thời khắc chuyển giao năm mới hơn bao giờ hết, vì giây phút ấy sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để tìm được người bạn đời tương lai. Mong ước của họ gửi gắm vào một chiếc lá tầm gửi đặt dưới gối đầu giường. Chiếc lá không chỉ chất chứa niềm ước ao hạnh phúc lứa đôi mà còn có thể giúp họ tránh khỏi những vận xui trong năm tới.

Đi sâu vào trong đất liền, phía bờ đông của lục địa già, người dân Ru-ma-ni (Romania) thường khoác lên mình những trang phục gấu trong dịp Giáng sinh và lễ giao thừa (ảnh 1). “Những chú gấu” cùng nhau thực hiện các điệu múa truyền thống hấp dẫn tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng.

Và kỳ lạ hơn nữa, khi ngày đầu của năm mới bắt đầu cũng là lúc người nông dân Romania tâm sự với gia súc của chính họ. Sau khi giãi bày những mong muốn đầu năm, người ta thường ghé tai, lắng nghe chúng “thì thầm”. Tương truyền, nếu như bạn tình cờ nghe được lời thì thầm trong tiếng thở, bạn sẽ có một năm mới ngập tràn may mắn.

Giao thừa tới cũng là lúc những đứa trẻ Bun-ga-ri (Bulgaria) hào hứng, mong chờ được cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà hàng xóm “hỏi thăm”. Theo tục lệ, người lớn sẽ bị trẻ nhỏ đập nhẹ vào lưng. Vừa đập vừa chúc mừng năm mới. Ai bị “đánh” càng nhiều sẽ càng thêm may mắn!

Bữa tiệc đầu xuân, nhà nào cũng chuẩn bị một chiếc bánh nướng thật to, trong nhân giấu những đồng tiền và hoa hồng. Người ăn đúng phần bánh có đồng tiền thì sẽ ngày càng giàu sang còn trúng được phần bánh có hoa hồng sẽ gặp nhiều hạnh phúc. Rất đáng chú ý, người hắt xì hơi trước tiên ở bữa tiệc sẽ trở thành người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm mới. Để bày tỏ lòng cảm ơn, chủ nhà sẽ tặng một con dê, bò hoặc ngựa con cho vị khách may mắn. Thiếu vắng tiếng hắt xì hơi, năm mới của người Bun-ga-ri có lẽ sẽ không trọn vẹn như ý nguyện.

Cùng hòa chung không khí vui tươi trên khắp thế giới, người E-xtô-ni-a (Estonia) cũng mở tiệc đón giao thừa. Nhưng vào ngày mùng 1, họ sẽ cố gắng “nhồi nhét” cho đủ bảy bữa với hy vọng ấm no suốt năm sau. Theo quan niệm nơi này, một người khi ăn đủ 7 bữa sẽ có thể lực dồi dào như 7 người cộng lại. Song, xin đừng nghĩ rằng cố ăn tới 8 hay 9 bữa nữa thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội, bởi chỉ duy nhất số 7 mới đem đến may mắn mà thôi.

Trong không khí tưng bừng đón năm mới, người Á Đông thường quan niệm mọi sự đổ vỡ đều báo hiệu điềm chẳng lành. Bất ngờ thay, với người dân Đan Mạch thì đây chính là “đại hỷ”. Họ sẽ đập vỡ bát đĩa và ném chúng trước cửa nhà của bạn bè và người thân họ yêu quý, để chúc cho gia đình ấy gặp nhiều may mắn.

Vào đêm giao thừa ở Đan Mạch, ai cũng mong mình có thể nghe thấy thật nhiều tiếng bát đĩa vỡ trước cửa nhà. Tuy phải dọn dẹp khá nhiều mảnh vỡ vào ngày hôm sau nhưng gia chủ vẫn sẽ luôn mừng vui, phấn khởi vì nhận được sự quan tâm và chúc phúc của nhiều người.

Cách xa hàng ngàn cây số, nơi lục địa đen, người Johannesburg và đặc biệt là cư dân Sith Baltic ở Nam Phi cũng có phong tục ném hết đồ đạc cũ qua cửa sổ nhằm “quẳng” đi mọi điều xui xẻo (ảnh 2). Đôi khi, đây lại là cái cớ hợp lý, hợp tình để làm mới căn nhà dịp đầu năm.

Độc đáo những phút giao thừa


Ở nơi đây, việc làm này cực kỳ quan trọng và nhất định phải được thực hiện mỗi đêm giao thừa. Họ sẵn sàng ném một chiếc ti-vi, lò vi sóng, lò sưởi, hay thậm chí là cả một chiếc giường, bộ sa-lon cũ... qua cửa sổ mà chẳng cần quan tâm có ai đi phía dưới hay không!

Tục lệ độc đáo này luôn khiến lực lượng an ninh và công nhân vệ sinh phải “đau đầu”. Hơn thế nữa, nó sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường mỗi khoảnh khắc giao thừa. Có điều, nếu ai ai cũng mải mê “dọn dẹp” căn nhà khi giao thừa đến thì sẽ chẳng còn phải lo lắng rằng ai đó sẽ bị chấn thương vì một vật thể lạ bất ngờ “từ trên trời rơi xuống” cả.

Nếu vứt đi một đồ dùng cũ sẽ mang lại may mắn cho người Nam Phi thì tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng điều gì có thể mang lại may mắn hơn việc tặng những người thân yêu món đồ lót mầu đỏ! Và cũng chẳng riêng gì họ, những quốc gia Nam Mỹ xa xôi như Bô-li-vi-a (Bolivia), Bra-xin (Brazil)... “bận” đồ nội y sặc sỡ cũng luôn được ưu tiên mỗi dịp cuối năm. Mầu sắc nổi bật sẽ làm năm mới tươi vui hơn bao giờ hết. Điều này cũng đem lại hy vọng về sự sung túc cho năm tiếp theo, hay biết đâu “một nửa còn lại” sẽ bất ngờ bị sự nổi bật này “hạ gục”.

Nổi tiếng khắp thế giới với kỳ quan Machu Picchu cũng như nền văn minh cổ lẫy lừng, nhưng khi nhắc đến cách mà người dân ở tỉnh Chum-bli-vin-cát, Cu-xcô, Pê-ru (Chumbivilcas, Cuzco, Peru) đón chào năm mới, có lẽ nhiều người sẽ phải thất kinh. Trong lễ hội Takanakuy (tạm dịch: “Khi đang sôi máu”), dân bản địa sẽ mắng chửi và đánh nhau như một cách tối ưu nhằm xóa bỏ hiềm khích tồn tại từ năm cũ. Kế thừa từ lễ kỷ niệm cổ của nền văn hóa Chanka, đây là cơ hội cho hàng trăm nghìn người dân Pê-ru giải tỏa những hiềm khích về tình yêu, danh dự và tài sản tồn đọng bấy lâu để sẵn sàng đón năm mới hòa đồng và đoàn kết hơn trước.

Ở độ cao hơn 3.600 m so với mặt nước biển, cảnh sát thường xuyên phải có mặt để đề phòng trường hợp có người bị thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, lễ hội năm nào cũng khép lại bằng những màn nhảy tập thể tưng bừng cùng những cái ôm nồng thắm. Để rồi những vị khách đến đây đều hòa mình vào những cuộc vui chơi, ăn uống, ca hát và nhảy múa xuyên màn đêm.

Cách đó không xa, những người láng giềng ở Tan-ca, Chi-lê (Talca, Chile) lại đón giao thừa theo một cách hoàn toàn khác biệt. Vào đúng 23 giờ, tất cả các cánh cổng nghĩa trang đều được mở để người dân có thể mang đèn và nến, tô điểm cho nơi đây thêm phần lung linh trên nền nhạc du dương và sâu lắng (ảnh 3).

Độc đáo những phút giao thừa


Được hình thành từ năm 1995, khi một gia đình đã trèo qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người cha quá cố. Phong tục này ngày càng lan rộng, biến mỗi đêm giao thừa trở thành dịp để gia đình tụ tập, tưởng nhớ về tổ tiên và sưởi ấm cho những linh hồn đã khuất - những người mà họ tin rằng đang chờ đợi họ đến để ôn lại những kỷ niệm của năm cũ và cùng chia sẻ niềm vui vào khoảnh khắc giao thời.

Năm mới không chỉ là lúc nhà nhà quây quần bên nhau, chia sẻ ước mong hy vọng về một tương lai tươi đẹp phía trước mà cũng là khoảnh khắc mỗi dân tộc phô diễn những nét độc đáo riêng biệt trong bản sắc văn hóa của mình. Chính những phong tục có phần kỳ quặc, lạ thường này đã làm nên sự phong phú và thú vị cho văn hóa, cũng như tô điểm thêm sắc màu cho bức tranh thế giới phút giây giao thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo những phút giao thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO