Đọc thơ Tố Hữu thêm tự hào về một bến đò quê hương

Theo Môi trường& Xã hội| 16/03/2020 10:42

... Con đã về đây mẹ Tơm ơi Hỡi người Mẹ khổ đã dành cơm

“... Con đã về đây mẹ Tơm ơi

Hỡi người Mẹ khổ đã dành cơm

Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy

Không sợ tù gông, chấp súng gươm...”

Đó là vào mùa hè năm 1961, sau 19 năm xa căn cứ cách mạng nơi gia đình bà Nguyễn Thị Quyển (tức Mẹ Tơm) làng Hanh Cù nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc đã từng nuôi dấu các đồng chí nguyên Bí thư tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa như Lê Tất Đắc, Tố Hữu và các đồng chí cộng sản kiên trung Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ... mà cố nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa trong bài thơ Mẹ Tơm như tiếng lòng muôn thuở da diết xa xăm vọng về. Ông Vũ Xuân Thu nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa là người cháu nội duy nhất của mẹ Tơm tâm sự: Ngày ấy mình còn nhỏ lắm, nhưng vẫn nhớ như in dáng bà nội hao gầy tất tưởi sớm hôm trên triền cát bỏng quê nhà, bữa cơm bữa cháo nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đến nay, tuy đã gần 70 năm bà nội “đi xa” nhưng tình cảm của bà với sự nghiệp cách mạng của tỉnh, Đảng bộ  Thanh Hóa để con cháu dòng tộc họ Vũ nơi vùng biển xứ Thanh này vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ thương và tự hào truyền thống gia đình cách mạng.

Sự đổi thay trên quê hương Đa Lộc – Hậu Lộc khiến cố nhà thơ Tố Hữu không khỏi xúc động:

“... Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước

Đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi

Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước

Hay biển đau xưa rút nước xa rồi...”

Đầu xuân Mậu Tuất chúng tôi về công tác tại một số xã ven biển Hậu Lộc để tìm hiểu phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trước ngày khởi hành mặc dù đã cẩn trọng gọi điện thoại và nhắn tin đăng ký chủ tịch UBND huyện nhưng có lẽ do thấy số máy lạ hoặc bận bịu với công việc mà ông Nguyên Văn Luệ - chủ tịch UBND huyện không trả lời. Thông cảm cho lãnh đạo huyện thời đổi mới và công nghệ (4.0), chúng tôi đã “xé rào” tìm về vùng quê bãi ngang Xứ Thanh đầy hương vị nồng nàn của biển khơi tuy ồn ào nhưng đằm thắm dung dị đến lạ kỳ. Ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện, một cán bộ có thâm niên và trải nghiệm cung cách làm ăn của bà con ngư dân vùng biển đưa chúng tôi về thăm Hải Lộc, một trong xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện. Ông bảo kinh tế địa phương tuy còn nghèo nhưng các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc đều là quê hương truyền thống cách mạng , gia đình mẹ Tơm đã nuôi dấu chở che cho tỉnh ủy lâm thời hoạt động mà bài thơ của cố nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa âm vang như hồn của sóng biển mãi đến hôm nay. Chúng tôi về Hải Lộc thăm lại kè Y Vích  công trình chắn sóng vĩ đại mà những năm đầu 70 những người lính chúng tôi đã gồng mình thấm đẫm mồ hôi đắp kè ngăn mặn trước khi lên đường hành quân vào Bình Trị Thiên khói lửa. Sau hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đã thu được thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Đáng chú ý đời sống đại bộ phận nông dân đã có bước cải thiện đáng kể, diện mạo nông nghiệp nông thôn thay đổi rõ rệt. Ông Nguyễn Quốc Tý – chủ tịch UBND xã Hải Lộc tâm sự: là xã cực nam Hậu Lộc, Hải Lộc nơi giáp cửa Lạch Trường với xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) có nhiều thuận lợi về giao thương nhưng phát triển kinh tế xã hội còn gặp không ít khó khăn thử thách. Toàn xã có tới 80% bà con nông dân theo nghề làm muối nên đời sống cũng khá bấp bênh. Số ít ngư dân ven biển làm nghề khai thác nuôi trồng thủy sản thu nhập cũng không cao. Bình quân thu nhập toàn xã năm 2017 đạt gần 20 triệu đồng/năm/khẩu. Theo tiêu chí của ngành lao động TBXH toàn xã hiện có hơn 14% hộ nghèo và 30% hộ cận nghèo, đây là bài toán khó mà đảng ủy chính quyền địa phương đang loay hoay nỗ lực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ.

Một sáng mai Xuân chúng tôi về thăm bến đò Lạch Trường – địa danh lịch sử, niềm tự hào của bà con ngư dân đôi bờ Hoằng Trường và Hải Lộc. Ông Vũ Văn Hùng nguyên cán bộ ngành thủy sản đã nghỉ hưu mở quán trà đầu bến đò tâm sự: Quê hương Hải Lộc tuy còn nghèo, đời sống ngư dân vùng biển so với các địa phương trong khu vực chưa cao nhưng tấm lòng yêu nước phát huy truyền thống cách mạng của cha anh qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc là rất tốt. Theo câu chuyện hàn niệm của ông Hùng chúng tôi hiểu thêm vùng quê bãi ngang Ngư Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc và Hải Lộc trong những năm kháng chiến chống thực dân phong kiến là vùng quê cách mạng được tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chọn làm nơi căn cứ tổ chức tuyên truyền giáo dục phát triển đội ngũ cán bộ đảng viên giác ngộ quần chúng đấu tranh cách mạng lan tỏa ra toàn tỉnh. Cũng bến đò Lạch Trường lịch sử các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy lâm thời như ông Lê Tất Đắc, Tố Hữu và các đồng chí cộng sản kiên trung của tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa thường qua sông Trường Giang để liên hệ xây dựng phong trào khởi nghĩa tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương... Vẫn câu chuyện bến đò truyền thống Lạch Trường ông Hùng cho chúng tôi biết bên đò có từ xa xưa mà năm nay ông đã ngoài 70, sinh ra lớn lên đã thấy bến đò rồi. Ông bảo từ đầu năm 2018 được sự quan tâm của lãnh đạo hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc đã có thêm một bến đò trên thượng nguồn nơi hội tụ của ba dòng chảy. Tuy nhiên theo thói quen truyền thống và giá trị kinh tế bà con ngư dân vùng bãi ngang ven biển Hậu Lộc vẫn đi lại giao thương qua Hoằng Hóa bằng bến đò xưa. Số lượng người qua lại chiếm 70-80%, đây cũng là tín hiệu đáng mừng của bến đò truyền thống. Gặp gỡ chủ bến đò Lạch Trường ông Mai văn Huỳnh có thâm niên hơn 20 năm làm nghề giao thông thủy nội địa, ông Huỳnh cho biết là lính hải quân trên tàu HQ09 thuộc lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu, năm 1995 ông phục viên trở về quê thôn Lộc Tiên xã Hải Lộc làm nghề muối, sau đó nuôi ngao kiếm sống. Công việc mưu sinh khốn khó ông tìm đến nghề giao thông thủy nội địa tại bến đò Lạch Trường kế tục sự nghiệp của cha ông để lại. Nhờ có nghiệp vụ lính hải quân lại hiền lành chất phác chịu khó nên chủ bến đò Mai Văn Huỳnh được bà con vùng bãi ngang Hậu Lộc quý mến và trân trọng. Tôi hỏi cái nghề sông nước nơi hẻo lánh làng quê này bao giờ làm giàu được hở ông. Ông Huỳnh (cười): kiếm tiền là một câu chuyện, nhưng yêu nghề yêu quê yêu bến đò lịch sử là một câu chuyện khác.

Thông cảm với người lái đò trên sông Trường Giang nơi cửa biển ngày đêm sóng vỗ chúng tôi cứ suy ngẫm mãi bài thơ Mẹ Tơm của cố nhà thơ, nguyên bí thư tỉnh ủy lâm thời Tố Hữu:

“... Đốt nén hương thơm mát dạ Người

Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!

Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong nắng biển khơi.”

Từ bến đò truyền thống và những áng thơ bất hủ ngợi ca quê hương cách mạng vùng biển Xứ Thanh đang cháy lên trong tôi niềm khát vọng một sự đổi thay phát triển đi lên của Hậu Lộc nói riêng và Thanh Hóa nói chung trong công cuộc đổi mới và hội nhập cùng đất nước.

http://moitruongvaxahoi.vn/doc-tho-to-huu-them-tu-hao-ve-mot-ben-do-que-huong.html

(0) Bình luận
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
  • Hố mắt Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hố mắt Điện Biên của tác giả Trần Ngọc Hòa.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đọc thơ Tố Hữu thêm tự hào về một bến đò quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO