Đợi cô lên bản

Lê Thị Xuyên| 24/11/2019 16:43

Đã quá đi! Xắc sung sướng cười. Toàn thân nó được sơn bởi đất, thứ đất mịn, đỏ quạch của núi rừng nơi nó ở. Nó mặc độc mỗi cái quần đùi, thân trên để trần đen nhẻm, bóng loáng, nhem nhép.

Đợi cô lên bản
Minh họa của Vũ Khánh
- A…A…!
- Ê… Ê….!
- I… I…!

- Đã quá đi! Xắc sung sướng cười. Toàn thân nó được sơn bởi đất, thứ đất mịn, đỏ quạch của núi rừng nơi nó ở. Nó mặc độc mỗi cái quần đùi, thân trên để trần đen nhẻm, bóng loáng, nhem nhép. Chiếc cầu trượt ngoằn ngoèo được Xắc, Lún và Khun sáng tạo để chơi suốt mùa mưa. Chúng cố leo lên đầu dốc rồi cứ thế ngồi và trượt mình xuống vũng nước phía dưới. Ba khuôn mặt lấm lem, ba cái đầu bê bết bùn đất, ba cặp mắt vô tư, hồn nhiên cùng cười khúc khích. Chúng chơi mãi đến khi mệt lử, ngồi giữa vũng nước, chân tay không buồn nhúc nhích nữa mới thôi.

Cả ba rủ nhau lên ngồi trên phiến đá trảng to, nơi thường ngày chúng vẫn tụ họp. Ngồi đây, chúng có thể bao quát được cả bản làng, đã mắt ngắm những vòng khói lam chiều, hít hà mùi thơm cơm mới quyện hòa trong gió thoảng. Ngồi đây, chúng có thể lắng nghe lũ chim rừng điểm danh con số mỗi chiều về tổ. Ngồi đây, chúng được thỏa thuê hít căng lồng ngực hương núi rừng dịu ngọt, nghe nhịp cồng chiêng vọng về, nghe ngàn vạn thứ âm thanh vùng sơn cước  trong lành, thân thương quá đỗi. Xắc chỉ tay về phía xa xa trước mặt:

- Đó là trường học của chúng ta. 

- Ngồi đây nhìn gần thế thôi. Nhưng để đi đến được trường thì xa lắc. Đã thế đường lại gập ghềnh, trắc trở. Phải qua một ngọn đồi, hai con suối mới đến được. Lún kể lại sự khó khăn của con đường tới trường.

- Nhưng được đi học là vui nhất. Được gặp thầy cô, được gặp bạn. Nhất là được biết thêm cái chữ thì không gì tốt bằng. Khun cười bảo.

- Ừ… vui thật! Vui thật! Hai đứa còn lại đồng thanh rồi cả ba hòa chung tiếng cười trong sáng. 

Chiều về trên núi. Những mảng sương như chiếc khăn voan trắng mỏng tang quấn quýt trên những mái nhà, lẫn vào nếp khói lửng lơ. Trên trời, những đám mây màu nâu đục lại bắt đầu vần vũ. Tiếng giục giã của ai đó gọi con về ăn cơm chiều vọng lại. 

- Hình như là mẹ thằng Khun gọi thì phải. Lún lắng tai nghe chăm chú rồi bảo. Cả ba đứa rời khỏi tảng đá. Chúng men theo con đường đất nhỏ để đi về nhà. Nhà Khun, Lún và Xắc cách nhau có một đoạn đường ngắn. Đứng ở ngõ nhà đứa này là có thể nhìn thấy ngõ nhà đứa kia. Chúng chia tay nhau nhưng không quên hẹn gặp lại nhau chiều mai ở cây cầu trượt cũ.

- Lại mưa rồi. Mùa mưa, không lên nương lên rẫy được thì đói dài dài. May mà còn có măng rừng, không thì… Chị Lấm, mẹ của Xắc, tay bới cơm cho con, miệng nói với chồng như trút bỏ tâm sự.

- Năm nay nghe nói sẽ mưa to và nhiều. Đường núi thì sạt lở, suối thì nước tràn. Lên nương lên rẫy càng khó khăn. Tội nhất vẫn là thằng Xắc với mấy đứa trẻ trong bản mình phải lặn lội đi học xa vất vả. Anh Lếnh lo âu nói.

- Mấy ngày nữa là chúng con lại được đến trường. Dù khó khăn cỡ nào, con cũng sẽ cố gắng. Giọng Xắc đầy quyết tâm.

- Nhưng…

- Nhưng sao hở mình? Anh Lếnh hỏi vợ.

- Chiều nay, tôi nghe phong phanh ngoài đầu núi, mấy người bảo cô giáo Ban sẽ không lên bản mình nữa. Không biết có phải không? Mà tôi nghĩ, bản mình nghèo thế này, cô giáo Ban lại ở mãi tận dưới xuôi. Ai mà dám gắn bó lâu dài với núi rừng hoang vu thế này. Có khi cô giáo không lên nữa thật đó mình ạ.

- Có thật cô giáo Ban sẽ không lên bản mình nữa không hả mẹ? Xắc đang và vội miếng cơm, nghe mẹ nói liền dừng lại. Mặt nó tiu ngỉu, cơm trong miệng cũng chẳng buồn nhai. Nó ngồi thừ ra, buồn bã. Nó nhớ về những tháng ngày được đến trường, được gặp cô giáo Ban, được cô dạy chữ, được cô kể chuyện và được cô cho ăn mì tôm nữa. Và rồi, hình ảnh cô giáo Ban bỗng chốc hiện về đầy ắp trong trí nghĩ của nó.

Cô giáo Ban người dưới xuôi. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, cô tình nguyện lên miền núi dạy học thay vì đi làm trái nghề hoặc chờ đợi để xin việc ở phố như bao người khác. Bà Hà, ông Quang, ba mẹ của Ban ban đầu ngăn cản con gái lên non dạy học. Nào thân gái dặm trường. Nào không thể công tác ở nơi quanh năm chỉ thấy núi rừng, chim kêu vượn hú ấy được. Rồi  thì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn,… Có trăm ngàn lí do để họ phản đối quyết định của Ban. Vậy mà Ban chỉ cười trừ. Cô bảo, các bạn cô làm được thì cô cũng sẽ làm được. Nếu khó khăn nhiều, Ban sẽ cố gắng nhiều. Rồi tất cả sẽ qua thôi. Ban an ủi ba mẹ bằng những lời động viên, những câu chuyện vui. Ban kể về sự quan tâm, gần gũi của phụ huynh nơi Ban dạy, về những đôi mắt thơ ngây, chân chất, thật thà mà hiếu học của những cô cậu học trò nghèo vùng bản. Ban kể về những điều tốt đẹp. Những điều tốt đẹp sẽ đem đến cho Ban có thêm động lực, niềm tin yêu và lạc quan để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt. Ban nghĩ vậy.

Gắn bó với bản nghèo, Ban đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Buồn có, vui có, được cười thật nhiều nhưng nước mắt thì cũng rơi không ít. Nhưng sau những cảm xúc ấy, Ban lại đưa tay lên áp vào ngực trái mình rồi nhủ thầm “Mình sẽ cố gắng! Nhất định mình sẽ cố gắng hơn nữa!”. Thế là đôi chân Ban lại bước. Trái tim Ban lại rộn ràng. Lúc nắn nót từng viên phấn viết bảng đen; lúc lại tỉ mẩn chỉ dẫn cho học trò viết bài, làm toán. Ban dạy học bằng tất cả trái tim tâm huyết và nhiệt tình của tuổi trẻ. Mỗi khi Ban buồn, học trò hát múa, kể chuyện để Ban vui. Mỗi khi trò buồn, Ban lại là chỗ dựa vững chắc, là mẹ, là chị, là cô, là nơi trút bầu tâm sự của đám trẻ. Cứ thế… thấm thoát cũng đã ba mùa khai giảng Ban gắn bó với bản làng.

- Xắc ơi, đi chơi cầu trượt đi!

- Bữa nay tao không muốn chơi!

- Ơ! Hôm qua vừa mới hẹn nhau. Sao nay lại không giữ lời. Mày có chuyện gì buồn à?

- Ừ! Có chuyện gì cứ tâm sự với tao và thằng Lún. Bọn mình là bạn mà.

- Có chuyện buồn rồi. Buồn cho cả ba đứa mình. Cho cả bọn trẻ con bản mình luôn ấy chứ!

- Có phải chuyện… Thằng Khun lấp lửng chưa kịp nói thì Xắc bảo.

- Cô giáo Ban không lên bản mình dạy học nữa! Cả ba đứa tự dưng đứng ỉu xìu nhìn nhau. Chúng rủ nhau lên tảng đá, nơi cả ba vẫn thường ngồi mỗi chiều. Chúng ngồi im bặt một lúc lâu, chẳng đứa nào nói với nhau một câu. Đôi mắt chúng nhìn xa xa về ngôi trường chúng đã gắn bó suốt 3 năm và sống lại với những kỉ niệm của riêng mình với cô giáo Ban.

- Tao nhớ ngày đầu đi học, tao chán học và bỏ học đi chơi, cô Ban đã tìm đến tận nhà nói chuyện với ba mẹ tao, khuyên tao đi học trở lại. Giọng Khun buồn buồn.

- Mấy lần tao nghỉ học theo mẹ lên rẫy trỉa bắp. Cô đã lặn lội vào tận rẫy để bảo tao quay lại trường. Cô còn bảo, có học mới biết cái chữ. Biết cái chữ thì sau này mới thoát nghèo được. Lún kể.

- Còn tao thì nhớ những buổi học trên lớp, những bài học cô dạy. Nhớ nhất vẫn là những buổi trưa ở lại trường, không có gạo để nấu cơm, thế là được cô pha mì gói cho ăn. Đứa nào đứa nấy ăn lấy ăn để, ngon ơi là ngon! Xắc cũng háo hức nhớ lại. 

Cả ba thi nhau kể. Chúng kể nhiều về cô Ban. Càng kể, chúng lại càng buồn vì từ bây giờ chúng sẽ không được gặp, không được học cô Ban nữa. Năm nay, cả bọn lên lớp 4. Lẽ nào lại không được đến trường học nữa. Rồi chúng lại thầm trách cô. Thế mà cách đây ba tháng, khi chia tay bọn nó về nghỉ hè, cô bảo hết hè, cô sẽ lại lên với bản làng, lên với bọn nó. Chắc cô không còn thương bọn trẻ nghèo mình nữa. Chắc cô đã xin được việc ở dưới xuôi rồi. Chắc cô có học trò khác quý cô, thương cô hơn bọn mình rồi cũng nên… 

- Ăn cơm đi con!

- Con không muốn ăn cơm. Cô giáo Ban không lên bản nữa. Chúng con sẽ không được đến trường, sẽ không được học chữ nữa rồi. 

- Ừ… Nhưng… rồi sẽ có thầy cô giáo mới lên dạy ở bản mình thôi.

- Không. Con với thằng Xắc, thằng Lún và mấy đứa ở bản mình chỉ thích mỗi cô Ban dạy học thôi. Cô Ban tốt lắm. Cô Ban thương lũ trẻ nghèo ở bản mình lắm. Mấy đứa trẻ chúng con cũng quý cô, chỉ muốn được học cô thôi. Nghe con trai trải lòng, chị Man, mẹ của Khun cũng buồn lây. Chị khẽ thở dài, lắc đầu rồi buông đũa chén xuống mâm. Chị càng thương những đứa trẻ bản nghèo khát chữ, mòn mỏi chờ cô như chờ những ước mơ đẹp đẽ. Tự dưng khóe mắt chị cay xè. 

Bọn trẻ ở bản mấy bữa nay ngày nào chúng cũng ra đầu núi ngồi. Đầu núi, đầu bản, nơi có khoảng đất trống cỏ mọc xanh non; nơi có thể nhìn xuống con dốc nối bản với con đường xuống xuôi; nơi chúng vẫn thường đón cô giáo Ban mỗi khi cô từ dưới xuôi lên. Từ thằng Xắc, thằng Khun, thằng Lún đến mấy đứa con gái con trai cùng tuổi với chúng. Mặt mũi đứa nào cũng nhọ nhem, quần áo vá víu chằng chịt, đầu tóc bê bết mồ hôi, đất bùn. Thẳm sâu trong những đôi mắt ngây thơ ấy là nỗi u buồn, lo lắng và trông đợi. Thỉnh thoảng, có đứa lại nhìn xuống cuối con dốc ngoằn ngoèo, lại buồn rầu nói:

- Sao cô Ban chưa lên? Khi nào cô Ban lên nhỉ? Mình sẽ ngồi đợi cô ở đây. Mình sẽ chờ cô đến khi nào cô lên mới thôi!

- Bọn mày nhìn kìa, hình như là cô giáo Ban? Thằng Lún bỗng reo lên.

- Đúng là cô giáo Ban rồi! Một vài đứa đã nhận ra cô giáo Ban, cũng reo theo.

- Cô giáo Ban đang đẩy xe lên dốc kìa bọn mày ơi! Mình xuống phụ cô thôi! Thằng Xắc sung sướng chạy trước rồi cả bọn hồ hởi cùng nhau chạy xuống dốc. Vừa chạy, chúng vừa rít gọi “Cô giáo Ban! Cô giáo Ban!”, “Vậy là bọn mình lại được đến trường rồi!”, “Cô ơi! Cô ơi, chúng em nhớ cô lắm lắm…!”. Chúng cười khúc khích, chạy ùa đến bên Ban, mồ hôi nhễ nhại cả tóc trán. Được gặp lại bọn trẻ, Ban vui lắm. Ban xin lỗi chúng rối rít vì lên bản muộn hơn lời hẹn. Ban không biết bọn trẻ đã ủ rũ, buồn bã biết bao nhiêu khi nghe tin Ban sẽ không lên dạy chúng nữa. Xắc vừa đẩy xe, vừa thở hổn hển, hỏi cô giáo:

- Sao bây giờ cô mới lên với chúng em? Chúng em đợi cô mãi.

- Chúng em ngồi ở đầu dốc và đợi cô mỗi ngày. Thằng Khun, thằng Lún và mấy đứa khác cùng nói. Ban ngắm từng khuôn mặt lấm lem đang cười rạng rỡ, lòng rộn vui không nói nên lời. Ban không dám kể với bọn nhỏ rằng mình gặp tai nạn trên đường từ bản về nhà hồi hè vừa rồi. Ban nằm viện suốt 1 tháng ròng. Trong khoảng thời gian ấy, Ban đã lo lắng, sợ rằng sẽ không thể tiếp tục đi theo nghề mình đã chọn, không thể quay trở lại bản với học trò của mình. Ban tạm thời giấu chuyện mình bị tai nạn. Cô tự nhủ sẽ kể cho các em nghe khi nào phù hợp. Còn giờ thì, gương mặt ai nấy cũng đều vui tươi, phấn khởi. Ban sẽ nói toàn chuyện vui, chuyện bắt đầu năm học mới như chính niềm mong đợi của các em.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đợi cô lên bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO