Đón đợi văn trẻ

Bùi Việt Thắng| 17/08/2019 12:54

Lời tòa soạn Sáng ngày 10/8, tại trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô”. Đây là buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tháng của Hội Nhà văn Hà Nội và cũng là hoạt động chuyên môn đầu tiên của CLB Văn trẻ Hà Nội trực thuộc Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội kể từ khi ra mắt (16/7/2019). Tọa đàm không chỉ là cuộc “điểm danh” những người viết trẻ mà còn là dịp để nhìn nhận, đánh giá về lực lượng viết trẻ trong quãng thời gian 10 năm trở lại đây cũng

Đón đợi văn trẻ
Nhà văn Bùi Việt Thắng hát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đặng Thủy
1.Tôi thích cách đánh giá của một nhà phê bình văn học nhân sự xuất hiện của một cây bút nữ trẻ cách đây hơn hai mươi năm về trước, người đã “cứ thế bước ào vào văn chương”. Nhưng cũng có người nhận định ngược lại, với nghề viết tốt hơn là “chầm chậm tới mình”. Cả hai cách đánh giá về sự xuất hiện của văn trẻ đều có cái lí, cái tình của nó, cũng bởi trong lĩnh vực sáng tạo đặc thù này mọi nẻo đường dẫn đến văn chương là hoàn toàn không giống nhau và đều có thể chấp nhận. Nhưng chấp nhận không phải theo cái tâm thế “đành lòng vậy cầm lòng vậy”, mà là theo tinh thần đón đợi - chào đón và chờ đợi. Tôi nghĩ đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ văn trẻ gồm nhiều thế hệ từ 8X đến 9X như cách người ta vẫn gọi hiện nay. Thiết nghĩ đối với văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng và cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ.

Cổ nhân vẫn chỉ bảo chúng ta về những điều kiện thành công của một con người trong lập nghiệp là cần hội đủ ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Phải nói ngay rằng văn trẻ bây giờ đang sở hữu cả ba tiền đề đó, họ có nhiều lợi thế hơn các thế hệ đi trước. Nếu tính từ sau năm 1945, tôi thấy chưa bao giờ nhà văn Việt Nam lại được tự do bộc lộc cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình, có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật (Xuất bản và Báo chí). Họ viết nếu không được in thành sách (vì một lí do nào đó) thì họ tự “in” và phổ biến trên mạng. Văn trẻ bây giờ hơn các thế hệ trước ở sự tự do thông tin khi internet, mạng xã hội đến Việt Nam, thậm chí đôi khi họ bị “bội thực” thông tin. Văn trẻ bây giờ không phải xếp hàng để in tác phẩm của mình như các thế hệ cha anh, nếu cần họ sẽ bỏ tiền túi ra hoặc đi tìm nhà tài trợ! Nói như thế để thấy trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, để có một sản phẩm tốt nhiều khi không lệ thuộc vào các điều kiện về tài chính, thiết chế xã hội hay quyền tự do của nghệ sĩ. Sẽ hình dung như thế nào về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu văn trẻ, nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”.

2. Phải thừa nhận là văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác; có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới. Nhưng cũng phải thừa nhận là chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến như thế trong nghệ thuật ngôn từ. Văn trẻ, theo tôi, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Đó là một sự thật dẫu cay đắng cũng phải thẳng thắn nói ra. 

Đội ngũ văn trẻ bây giờ không ít nếu tính số lượng, nhưng vì sao vẫn bị kêu ca là chưa nhìn thấy gương mặt nào sáng giá, nổi đình đám và làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945) ngày trước? Đội ngũ văn trẻ bây giờ được học hành đến nơi đến chốn, trình độ học vấn cao nhưng vì sao vẫn bị đánh giá là văn hóa của nhà văn đang có vấn đề? Văn trẻ viết miệt mài và sách của họ “phủ sóng” thị trường sách văn học hiện nay mà vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ? Có người biện giải văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường, nhưng cũng là cơ chế thị trường sao người Mỹ làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách, đắt hàng đến thế? Có người bênh vực văn trẻ đang chịu sự lấn sân và lấn lướt của văn hóa nghe - nhìn, nhưng nếu văn trẻ thực sự có nội lực mạnh mẽ thì tại sao lại không cạnh tranh được với nó? Có người thẳng thắn nhận xét văn chương nói chung và văn trẻ nói riêng đang mất vị thế trong cuộc sống xã hội hiện đại, đang bị đẩy ra ngoại biên trong đời sống văn hóa nói chung? 

3. Một trong những nguyên nhân khiến cho văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, theo tôi, có lẽ xuất phát từ quan niệm về văn chương. Đã có người cách đây chưa lâu đưa ra một tuyên ngôn xanh rờn khi xem văn chương là một “trò chơi vô tăm tích” và xem ra cho đến nay vẫn còn nhiều người trong văn trẻ hô ứng. Tâm thế của người viết trẻ bây giờ đối với văn chương nhiều khi cũng đáng suy nghĩ khi không ít trong số họ có vẻ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương, đã đành, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề chữ này. Tôi đã thấy có người viết được một vài tác phẩm được bạn đọc quan tâm, rồi rất nhanh chóng “mất tích”, sau này mới biết họ đã bình thản giã từ sự viết và thậm chí hình như không hề nuối tiếc một điều gì. Lại nữa một số người có khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng đã xảy ra một tình trạng đáng tiếc là bộ lọc của họ chưa tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Lại nữa một số người dường như cố tình khước từ truyền thống văn chương dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỉ. Ai đã đọc công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của thi sĩ Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc tiền bối của dân tộc. 

4. Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi” (tự ngã trung tâm), tất nhiên, nhưng xem ra chưa quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách biện chứng nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình hoặc cố ý quay lưng lại đời sống của nhân dân mình. Và họ có nguy cơ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc văn trẻ nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực tế bao bọc quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe được các cung bậc âm thanh… của một thế giới sống động, sinh sắc và sinh thành. Có thể cắt nghĩa tồn tại này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi sáng tác của văn trẻ (họ viết đã rồi mới sống, khác với quan niệm sống đã rồi mới viết). Đành rằng người viết trẻ không đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, nhưng nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông và sự hỗ trợ của kĩ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt “nghĩa”. 

5. Tinh thần đón đợi văn trẻ, theo tôi, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đời những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc bất ngờ nhất. Gần đây chúng ta vui mừng nhận thấy những tín hiệu đáng mừng nhằm tái khởi động nhiệt huyết của văn trẻ. Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã năng động hơn trước, đã biết tổ chức và có những giải pháp thiết thực để phát huy nội lực của người trẻ sáng tác văn chương. Mấy năm gần đây Hội Nhà văn Việt Nam chú trọng và quan tâm kết nạp hội viên mới là Văn trẻ (như Meggi Phạm, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Văn Học, Đinh Phương, Hoàng Chiến Thắng, Chu Thanh Hương,...). Báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội… thực sự là những sân chơi văn chương khá đặc sắc của những người viết trẻ trong tình hình hiện nay. Năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng sáng tác văn học. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (trực tiếp là Khoa Viết văn - Báo chí) vinh dự được giao thực hiện Đề án có tính chất chiến lược và ý nghĩa văn hóa -nhân văn này. Văn chương đang có một cuộc chuyển mình âm thầm nhưng khá quyết liệt, diện mạo của nó đang rõ ràng “thay da đổi thịt”, một phần có công sức của văn trẻ. 

Nhìn vào Hội Nhà văn Hà Nội để thấy văn trẻ đang đứng ở vị trí nào, tương lai của nó sẽ ra sao, chúng ta có quyền được hy vọng? Nhà thơ Hữu Việt đã nhiều lần chia sẻ với đồng nghiệp về nỗi niềm văn trẻ Thủ đô hôm nay. Trong số gần 600 hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, văn trẻ chiếm số lượng khiêm tốn, nên có người đã gọi vui Hội Nhà văn Hà Nội (cũng như Hội Nhà văn Việt Nam) là “hội người già”. Quả cũng không oan sai. Tham gia Hội Nhà văn Hà Nội đã nhiều năm, quả thật tôi cũng đôi khi chạnh lòng mỗi lần sinh hoạt chuyên môn hàng tháng hay các sự kiện trung tâm của Hội nhà thì toàn “va” phải người có tuổi. Nói công bằng lực lượng của văn trẻ Hà Nội còn mỏng, còn thưa. Dẫu cho trong lĩnh vực thơ có Nguyễn Quang Hưng, Đào Quốc Minh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện,... bên văn xuôi có Nguyễn Văn Học, Vinh Huỳnh,... bên lý luận phê bình có Đỗ Anh Vũ đang nổi lên như một “hạt giống”,... nhưng tựu trung vẫn gây cảm giác thiếu vắng (chưa nói lĩnh vực dịch thuật thì chưa thấy tên tuổi nào gây men niềm hy vọng). So với các thế hệ trước thì văn trẻ Thủ đô hiện tại còn thiếu và yếu, nếu nói một cách nghiêm túc, khách quan và công tâm nhất. Nhưng vì lẽ đó mà chính chúng ta chứ không ai khác phải thay đổi, như nhà văn Nam Cao đã viết trong tiểu thuyết Sống mòn (1944) “Sống tức là thay đổi”. Đón đợi văn trẻ vừa là chờ đợi vừa là kì vọng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của đồng chí Nguyễn Lương Bằng
    Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2/4/1904-2/4/2024), tạp chí Người Hà Nội xin gửi tới bạn đọc về những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
  • Chiêm ngưỡng “cây đa tía” hơn 300 tuổi, bộ rễ ôm gọn trên các phiến đá lớn
    Cây di sản Việt Nam "cây đa tía" hơn 300 tuổi ở cuối làng Đá Bạc tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có bộ rễ ôm gọn vào các phiến đá kết thành khối rộng lớn. Người dân dựng miếu thờ dưới gốc “cây đa tía” này cầu cho mưa thuận gió hòa…
Đừng bỏ lỡ
Đón đợi văn trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO