Đồng bạc trắng của bà

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương| 31/05/2018 08:29

Thế là những nương ngô cuối cùng trong bản cũng đã được thu hoạch xong. Một mùa hè với bao trò vui đã hết, Chính sắp sửa lên lớp 6. Ở xã chỉ có trường tiểu học, vậy là hết mùa hè này cậu lại phải xuống tận thị trấn học trường dân tộc nội trú của huyện. Nhìn trên tờ lịch, cái ngày phải xa nhà, xa bản ấy mỗi lúc một gần. Đêm đến, cậu trùm chăn kín đầu lo sợ biết bao nhiêu điều. Xuống huyện không những phải xa bố mẹ, phải học với những người bạn lạ lẫm mà còn vì nhiều dân tộc khác nhau không hiểu tiếng nữa. Đâ

Thế rồi ngày ấy cũng đến. Chiều hôm trước Chính đã nghe bố dặn:

- Xuống trường huyện được học nhiều chữ hơn trường xã mình nhưng con phải chịu khó học đấy. Lúc no, lúc đói cũng phải học lấy cái chữ vào bụng. Gặp người tốt có đi nhanh mấy cũng phải gắng theo, gặp người xấu thì phải tránh cho xa.

Chính “vâng” rất lễ phép rồi im lặng. Nghe vậy thì biết vậy chứ với Chính mọi chuyện vẫn còn khá mơ màng. Cậu ăn cơm xong lên giường đi ngủ sớm và lại trùm chăn kín đầu. Cậu còn nghe văng vẳng bên tai tiếng chúc rượu cười nói rôm rả của chú bác trong họ. Cậu nghe được loáng thoáng những lời chúc mình ngày mai đi học mạnh giỏi để đem nhiều giấy khen về khoe với các bác, các chú trong bản.

Đồng bạc trắng của bà
Minh họa của Lê Huy Quang
Sớm hôm sau, khi con gà trống đứng trên cành cây gáy vang, rơm rớm nước mắt nhìn mẹ và cái bản Pó thân thương, Chính được bố đưa xuống trường dưới cái nắng thu vàng óng như mật ong muỗi. Ngồi sau xe, cậu giấu mặt vào sau lưng bố vì không muốn nhìn cảnh tượng phải xa nơi này. Trường nội trú của huyện có nhiều nhà cao tầng làm Chính nhìn lên hoa cả mắt. Lá cờ đỏ bay phấp phới, cái cổng rộng thênh thang với bao bạn tầm tuổi cậu nhưng đi lại cười nói vui vẻ. Lúc ấy, đi bên bố mà Chính nghĩ thầm:

- Chả hiểu xa nhà về đây học có gì vui mà mọi người cười nhiều thế. Mình thì chỉ muốn khóc.

Lên lớp 6, đứng cạnh bố, đầu cậu đã chạm tới ngực bố mà cậu vẫn sợ phải sống một mình, xa cái Hoa, thằng Thịnh trong bản.

* * *

Thấm thoát thời gian trôi qua, Chính đã học được ba tháng ở mái trường này. Cuộc sống dưới thị trấn ồn ã và náo nhiệt. Những ngày nhớ nhà, nhớ bạn bè cũng đã qua, những rắc rối trong cuộc sống cậu đã giải quyết được phần nào. Nhưng khó khăn nhất vẫn là theo học với các bạn trong lớp. Nhiều bài toán cậu còn chưa tìm ra cách giải thì có bạn đã lên bảng làm bài và được cô giáo khen. Chữ các bạn lại rất đẹp chứ không lồm cồm như chữ của mình. Cô giáo phân công một bạn đến phòng kèm Chính học, cậu xấu hổ nhưng phải răm rắp theo bạn. Ôi! không biết đến bao giờ mới được như mọi người ở đây. Mà cứ đến 9 giờ tối mắt cậu đã díp lại thì sao học được chứ. 

Người bạn hay giúp đỡ Chính học tên là Bình. Nhà bạn ấy còn xa thị trấn hơn nhà Chính, đường dốc lại khó đi. Mỗi lần Bình về nhà nghe bảo phải đi bộ qua mấy con dốc, lội qua mấy con suối. Ấy vậy mà hôm nào đến lớp trông Bình quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, phẳng phiu, lại đi học chăm chỉ. Có hôm về nhà, đi đường bị ngã trầy xước chân tay nhưng Bình vẫn lên kịp để sáng mai đi học. Một hôm đang giờ ra chơi, Chính cùng các bạn đá cầu ngoài sân trường thì có một bạn trong lớp giật tay áo Chính, đưa cho cậu một mảnh giấy. Đó là chữ của Bình:

“Chính ơi, giờ tớ phải về nhà, bà nội tớ ốm nặng lắm, có người ở bản tớ xuống chợ huyện tớ đi nhờ xe về luôn. Tớ chưa kịp cất sách vở, cậu cất hộ tớ. Có cái áo tớ mới giặt chiều về cậu cất hộ tớ nhé”.

Tan học về, Chính sang phòng Bình giúp bạn thu dọn đồ đạc. Bình nhà nghèo nên rất ít quần áo. Có nhiều cái chắc là đã mặc từ lâu nên tay áo, cổ áo đã sờn nhưng đều sạch sẽ, thơm tho. Đang lóng ngóng cất cái áo cho Bình bỗng Chính nghe thấy tiếng gì rơi xuống ban công leng keng. Chính tìm mãi vẫn không thấy. Cuối cùng cậu nhận ra đó là một vật trong và sáng. Về đến phòng, vừa khi các bạn đi đâu vắng, Chính chui vào chăn, bật đèn pin lên xem thì ra đó là một đồng bạc trắng. Trên mặt có ghi năm 1890. 

Đêm ấy, Chính trằn trọc mãi không thể ngủ được. Cậu chưa từng cầm đồng bạc nào đẹp đến thế, ngày trước được theo mẹ đi chợ thấy người ta bán đồng bạc trắng cậu cũng rất thích nhưng mẹ bảo nó đắt bằng mấy yến thóc nên Chính chỉ biết ngắm nghía. Nay nó trong tay mình, biết nó rơi ra từ túi áo Bình nhưng mình nhặt được chứ mình có móc trộm đâu. Nếu Bình ở nhà lên có hỏi thì mình sẽ bảo không biết nó rơi đâu cũng có sao? Nghĩ thế rồi Chính nắm trong tay đồng bạc ngủ thiếp đi lúc nào không hay. 

Mấy hôm sau Bình lên học nhưng khuôn mặt cậu rất buồn. Cả lớp đều biết bà Bình vừa mất. Những ngày sau đó gặp Chính trên lớp Bình vẫn nói chuyện bình thường như không có gì xảy ra. Chính cũng thấy lo lo nhưng rồi cậu cũng mải mê với bài vở, với những trận bóng đá trên sân cỏ của trường mà không còn nhớ đồng bạc ấy đã cất ở đâu nữa. Chỉ có điều, mỗi lần ngồi cùng học với Bình, cậu càng thấy ngại hơn, như một người có lỗi mà không dám nhận.

Một hôm, sau buổi lao động, Chính cùng các bạn ở lại đá bóng đến tận khi các nhà xung quanh lên đèn cậu mới về phòng. Thế rồi cậu thấy người khó chịu, mồ hôi vã ra như tắm và lại thấy ớn lạnh. Lát sau người lên cơn sốt mê man. Các bạn cùng phòng vội vã đi gọi cô y tá của trường nhưng cô đang đi tiêm cho một bạn khác  nên cô chưa về kịp. Trong cơn mê mệt đó Chính cảm nhận thấy mùi của tinh dầu và vật gì cọ vào da thịt rất rát. Nhưng rồi cậu thấy người nhẹ nhõm và tỉnh dần như trút được gánh nặng trên người.

Chính tỉnh dần, khi cậu mở mắt ra trước mặt là cô giáo chủ nhiệm, cô y tá và các bạn trong phòng. Nghe cô và các bạn kể lại Chính mới biết cậu đỡ sốt nhờ có Bình đánh gió nên người mới được nhẹ nhõm như thế. Bệnh đỡ đi phần nhiều. Nghe mọi người khen Bình có đồng bạc đẹp Chính mới giật mình sửng sốt. Bình chỉ nói đơn giản là tìm thấy nó dưới gối của cậu. Mấy hôm sau, khi đã khỏi ốm, Chính chờ Bình dưới sân cùng đi học và trả lại bạn đồng bạc. Miệng cậu  nói lí nhí:

- Mình trả lại cậu, mình là người không tốt.

Bình chỉ cười nhìn bạn và bảo:

- Tháng sau mình về nhà, nếu Chính thích mình sẽ tìm cho cậu một đồng bạc như thế này nhé. Đây là đồng bạc bà nội đã đút vào túi áo mình khi xuống trường để mình cạo gió những khi cảm mạo và giúp các bạn khác mau khỏi ốm. 

Chính ấp úng đáp:

- Mình đã không tốt với cậu nhưng chính cậu đã cứu mình. 

Bình nhìn Chính rồi nói tiếp:

- Cậu lấy nó nhưng không biết dùng vào việc tốt. Giờ bà nội mình đã mất, đồng bạc này lại thành vật kỉ niệm. Mình sẽ luôn giữ nó bên mình để chữa cho các bạn như lời dặn của bà. Bà nội mình từng là y tá của bản đấy cậu ạ. 

Hai người bạn cùng nắm tay nhau bước vội lên lớp học trong ánh nắng thu dịu dàng, trong tay họ đồng bạc trắng sáng lấp lánh. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đồng bạc trắng của bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO