Đống Báng Đại vương và Triệu Kiều công chúa Đại vương

Nguyễn Sinh Thủy (sưu tầm) | 16/10/2020 18:37

(Thành hoàng làng Tầm Khê, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội)

Đống Báng Đại vương và Triệu Kiều công chúa Đại vương

Thần tích chép rằng: Thủa đó, ở Châu Xích Đằng, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam, có nhà họ Trần tên là Úc, lấy người bản Châu tên là Trương Thị Ngoạn làm vợ. Hai vợ chồng đều trung hậu, không bao giờ hại người, thường làm những việc giúp đỡ người khác và làm phúc thì hết lòng. Hiềm nỗi vợ chồng đã ngoại tứ tuần mà chưa có mụn con, vì thế rất buồn phiền.

Một hôm, gặp dịp giỗ tổ tiên, vợ chồng than thở với nhau rằng: “Tội bất hiếu có ba điều, trong đó không có con là tội lớn nhất. Vợ chồng ta tuổi đã cao, mà điềm lành có con còn chậm, điềm lành có kẻ nối dõi chưa ứng, khi trăm tuổi không người thờ cúng, mồ mả tổ tiên biết làm thế nào mà trông giữ. Chi bằng bỏ hết của cải ra làm phúc, mong sao có người nối dõi thì sẽ được trời giúp”. Nói rồi hai vợ chồng đem tài sản của nhà mình phát chẩn cho người nghèo. Nghe nói ở Sài Sơn thuộc đạo Sơn Tây có ngôi chùa rất linh ứng, cầu xin gì đều được như ý. Hai vợ chồng liền đem hương đăng đến cầu cúng. Vừa cầu nguyện xong thì trời sập tối. Hai vợ chồng nằm trước hương án, rồi mơ màng ngủ. Bà vợ mơ thấy một ông cụ đầu bạc, mày râu trắng xóa, đầu đội mũ quấn hoa, ôm một đứa trẻ đứng trước cửa chùa. Bỗng một tiếng sét từ trên trời vang lên, hai vợ chồng tỉnh giấc, mới biết là giấc mộng. Vài ngày sau, hai vợ chồng làm lễ bái yết tổ tiên, cầu mong trời Phật ban lộc.  Không ngờ bà Trương Thị có mang. Mang thai 13 tháng, đến giờ Thân, ngày mùng 10 tháng 8 năm Bính Thìn (?) thì bà trở dạ, sinh được một cậu con trai, mặt mày khôi ngô, thân hình bụ bẫm.

Ông bà vui mừng, đặt tên con là Báng Công. Vừa đầy tuổi Báng Công đã biết nói, 5 tuổi cậu bé hiểu âm luật. Không học mà tự biết, bạn bè ai cũng nể phục nên thường gọi Báng Công là thần đồng giáng thế. Năm 12 tuổi đã tỏ ra có chí lớn, năm 15 tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều qua đời. Cậu bé kêu khóc thảm thiết. Từ đó gia tài khánh kiệt, cuộc sống trăm bề khốn khó.

Một hôm, cậu nghe nói ở núi Tản Viên, phủ Hưng Hóa, đạo Sơn Tây rất linh thiêng, trên núi có ba anh em Sơn Thánh có phép xuất quỷ nhập thần, có tài kinh thiên vĩ địa. Cậu đến yết kiến Sơn Thánh. Thấy Báng Công thông minh hơn người, văn võ đều giỏi, Sơn Thánh mến mộ coi như là anh em.

Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, vua Hùng Duệ Vương cùng con rể là Tản Viên Sơn Thánh cùng Báng Công chu du đó đây, một hôm đến trang Tầm Khê (còn gọi là Chằm Khê), huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, thấy địa thế trang Tầm Khê sông núi uốn lượn, ruộng đất liền nhau, phong cảnh đẹp đẽ.  Các ngài cho dựng một hành cung, rồi Báng Công xin vua cho ở lại nơi đây. Báng Công khuyến khích dân chúng làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, làm việc thiện, lấy nhân nghĩa để củng cố lòng dân, lấy hòa mục mà dựng phong tục đẹp. Người người đều quý mến ông.

Nghe tin Hùng Vương tuổi đã cao, không có người nối ngôi, bộ chúa Ai Lao thừa cơ phát động 100 vạn lính, 8.000 ngựa, chia 5 đường sang cướp nước ta. Vua Hùng Duệ Vương cho vời Sơn Thánh và Báng Công đến hỏi kế sách giữ nước. Sơn Thánh nguyện xin thay vua đi dẹp giặc. Tiếp sau, Báng Công xin dẫn một cánh thủy quân đánh giặc ở Hoan Châu. Báng Công trở lại trang Tầm Khê, nhân dân nô nức đón tiếp ngài. Ngài ra lệnh khao quân và nói: Trang Tầm Khê có nghĩa củ từ lâu, nay ta làm một hành cung tại đây, trao cho trang ấp 6 hốt vàng, sau khi ta trăm tuổi thì thiết lập đền miếu để thờ cúng.

Xong việc, Báng Công cùng đại quân tiến thẳng vào Hoan Châu. Quân giặc đại bại, quân thục chết như ngả rạ, 5 tướng bị chém đầu. Báng Công cùng quân sĩ khải hoàn, vừa đến núi Kim Nhan - tức núi Thu Tinh, bỗng trời đất tối tăm, vẳng trong không trung có tiếng người ngâm thơ, tiếng ngâm vừa dứt, bỗng trời quang mây tạnh. Mọi người không thấy Báng Công nữa. Chỗ ông ngồi chỉ thấy một ụ mối lớn. Nhà vua vô cùng thương xót, phong sắc cho ông là Đại vương Thượng Đẳng Phúc Thần, và cho trang Tầm Khê hương khói muôn đời. 

Xưa, Đinh Bộ Lĩnh dẹp giặc 12 sứ quân, có vị tướng là Thái úy Nguyễn Phúc qua trang Tầm Khê được âm phù. Sau đó Thái úy làm tờ biểu tâu lên vị thần ở trang Tầm Khê là Đống Báng đại vương đã có công ngầm phù hộ cho quân ta dẹp giặc. Nhà vua theo lời tấu trình, bèn gia phong hai chữ mỹ tự là “Phù Vận”. Tiếp đó, ban sắc chỉ cho trang Tầm Khê, trùng tu miếu điện thờ cúng Thần, lưu truyền hương hỏa muôn đời. Các triều đại kế tiếp đều sắc phong cho thần là: Đống Báng Phù Vận Đại Vương, chuẩn cho trang Tầm Khê thờ cúng muôn đời.

Vị thần thứ hai được thờ ở Tầm Khê là Đương Cảnh Thành hoàng Trinh Thục Thuần Nhất Đại vương, Mỹ Ngọc Nga My, Triệu Kiều Công chúa Đại vương.

Theo thần phả, Triệu Kiều công chúa là người Cửu Chân “vú dài ba thước, vắt ra sau lưng”, bà thường trương cờ ở đầu voi, đi dẹp loạn, đánh quân Ngô xâm phạm trời Nam (thời Tây Hán).

Thủa đó, Triệu Kiều công chúa là bậc danh tài trong giới nữ nhi, là thần linh ở trên đời, là người tài mà hàng nghìn người không địch nổi, giúp nhà vua kéo dài vận nước. 

Một hôm, bà đi thăm thú trong vùng, thế rồi đến trang Tầm Khê. Bà thấy thế đất cảnh sông ở đây đẹp đẽ, bèn lập hành cung ở đây. Sau khi bà hóa, được nhà vua phong mỹ tự là: Đương Cảnh Thành Hoàng, Trinh Thục Thuần Nhất Đại Vương, Mỹ Ngọc Nga My, Triệu Kiều Công Chúa Đại Vương.

Nhà vua còn sắc cho trang Tầm Khê thờ phụng muôn đời. 

Hiện đình Tầm Khê xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên còn giữ được những đạo sắc phong ban cho hai vị Thành hoàng làng. Đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đống Báng Đại vương và Triệu Kiều công chúa Đại vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO