Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch toàn cầu

HNM| 19/07/2021 07:59

Tính đến 6h sáng 18-7, thế giới đã có 190.735.838 ca mắc Covid-19, trong đó 4.098.213 trường hợp tử vong. Với số ca mắc mới vượt trên 85.000 người trong vòng 24 giờ, Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch toàn cầu.

Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch toàn cầu
Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại Tangerang (Indonesia).

Châu Á -  Châu Đại dương

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca. Đây là lần thứ tư Indonesia ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ ba số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh Mahfud MD cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu hủy chương trình tiêm chủng trả phí. Hiện nay, hệ thống bệnh viện đang dần quá tải, thiếu trầm trọng nhân viên y tế, không đủ khả năng tiêm chủng kịp thời cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng trong khi biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng trên diện rộng.

Theo đó, ý tưởng về việc cấp vắc xin cho các cơ sở y tế tư nhân để họ tiêm chủng cho nhân viên của họ và người dân nếu có nhu cầu tiêm sớm là một biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng cho quốc gia. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách không đủ để xã hội hóa, Công ty PT Kimia Farma cũng chưa thể bảo đảm nguồn lực để triển khai chương trình này nên chương trình tiêm chủng trả phí đã bị hủy.

Trong bối cảnh lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong hằng ngày do Covid-19 lên tới 3 con số và số ca nhiễm mới lần đầu tiên ở mức 5 con số,  các nhà chức trách Thái Lan cấm các cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc.

Riêng tại vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và 5 tỉnh lân cận là Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan và Samut Sakhon, các cuộc tụ tập hoặc hoạt động có từ 5 người trở lên đều bị cấm, trong khi tại những địa phương thuộc "vùng đỏ sẫm" trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa gồm 24 tỉnh kể cả 6 tỉnh nói trên, người dân phải hạn chế tổ chức hội họp, ăn tiệc hoặc lễ hội, ngoại trừ các nghi lễ truyền thống đã được chuẩn bị từ trước. Hình phạt cho những người vi phạm là hai năm tù và/hoặc phạt tiền tối đa 40.000 baht (khoảng 1.200 USD).

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đã chỉ thị các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia chung tay với chính quyền Thủ đô Bangkok để bố trí hơn 200 đội triển khai nhanh nhằm tiến hành xét nghiệm Covid-19 tại nhà dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, nơi hiện là tâm điểm của làn sóng Covid-19 thứ 3 ở Thái Lan. Các biện pháp phong tỏa sẽ được tăng cường tại "vùng đỏ sẫm". Những biện pháp này có thể bao gồm việc hạn chế di chuyển, đóng cửa thêm nhiều địa điểm và bắt buộc làm việc tại nhà. Hiện tại, một số biện pháp này chỉ được khuyến khích áp dụng.

Chính quyền thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia, đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng và sửa chữa, cấm các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và áp dụng mức phạt với những chủ lao động để nhân viên đi làm tại các văn phòng trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng dù biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trên toàn thành phố đến tuần thứ 3. Những chủ lao động để nhân viên tới làm việc ở các văn phòng có thể sẽ bị phạt tới 7.402 USD. Cơ quan cảnh sát bang cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra giám sát việc tuân thủ các quy định trong thời gian phong tỏa.

Châu Âu

Pháp tuyên bố sẽ yêu cầu những người đến từ một số quốc gia châu Âu mà chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đến, thay vì 48 giờ và 72 giờ tùy từng quốc gia như hiện nay.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, quy định này áp dụng với những người đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus, Hy Lạp, Hà Lan và có hiệu lực từ 0h ngày 18-7.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng đưa Tunisia, Mozambique, Cuba và Indonesia vào danh sách đỏ gồm những nước có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, hoạt động đi lại từ những quốc gia này chỉ được phép nếu có lý do khẩn cấp và thậm chí những người đã được tiêm chủng vẫn phải thực hiện tự cách ly 7 ngày.

Trong khi đó, tại Anh, chính phủ nước này đã thay đổi vào phút cuối về việc kéo dài quy định cách ly đối với những người từ Pháp trở về England. Theo kế hoạch, Chính phủ Anh dự định từ đầu tuần tới dỡ bỏ hầu hết những biện pháp hạn chế vì dịch bệnh ở England và những người đã tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không phải thực hiện cách ly sau khi trở về từ những khu vực mà Anh cho là có nguy cơ lây nhiễm cao ở châu Âu.

Tuy nhiên, do biến chủng Beta phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vẫn đang lây lan ở Pháp nên quy định cách ly 10 ngày sẽ vẫn được duy trì đối với những người trở về từ một trong những điểm đến yêu thích của người Anh.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, ông đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm nhanh nhưng các triệu chứng rất nhẹ vì ông đã tiêm đủ hai liều vắc xin. Ông Sajid Javid đang chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vnhoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO