Hà Nội trở mình rất nhanh sau đợt gió mùa. Đây là lúc những hàng hoa sữa trên đường tỏa hương ngào ngạt. Hoa nở từ mùa thu, nhưng con người chỉ cảm nhận được mùi hoa sữa thực sự khi những cơn gió lạnh đầu mùa ghé đến.

Đông về!

Những sáng sớm rét ngọt, quàng thêm một tấm khăn, bước chân ra phố, một làn sương bảng lảng trên con đường còn vắng người qua lại. Hơi nước, làn gió, lá cây, ngọn cỏ tỏa ra hương thơm tinh khiết, làm lòng người chùng lại. Quanh Hồ Gươm, những bàn tay đan nhau nhẹ nhàng dạo bước trong gió lạnh, cảm nhận tình yêu thương như nồng ấm hơn.

Đông sang mang lạnh đến. Người Hà Nội đón đông bằng rất nhiều vẻ. Những thanh nữ như đợi ngày này đã lâu, vội vã diện bộ cánh của thời trang đông. Quán trà chén cũng đông khách, những chiếc ghế con đã xích lại gần nhau hơn, rì rầm trò chuyện. Quán bánh trôi tàu đã mở lại, mùi gừng ngào mật thơm ngọt. Mùi bánh rán, mùi ngô nướng cũng không ngừng mời gọi. Nhìn khói bay nghi ngút bên nồi lẩu nóng phố Phùng Hưng, bên bát bánh đúc nóng phố Lê Ngọc Hân…, ta chẳng còn e ngại mùa đông nữa.

Đông về!

Mùa đông Hà Nội có nhiều thứ hay ho, từ thời tiết, ẩm thực đến cả những loài hoa cũng đều có sự thú vị rất riêng.

Trong cái lạnh se sắt đầu đông, bắt gặp trên đường phố sắc tím của lưu ly trên những gánh hàng hoa từ ngoại ô vào phố, thấy lòng như nhẹ lại. Những bó cúc vàng rực rỡ như nắng bên những ôm cúc họa mi nhỏ nhắn tinh khôi đã làm nên một nét đẹp đặc trưng riêng của mùa đông Hà Nội.

Đông về!

Còn gì thú hơn là sáng sớm trong hiên quán cà phê góc phố, lặng lẽ tận hưởng một thoáng đông. Rét ngọt, nắng hanh hay căm căm mưa bụi, mỗi cây bàng ở đây đều mang một tâm sự kín thầm, không biết chia sẻ cùng ai nên trút vào những chiếc lá đỏ. Ngắm những cây bàng khẳng khiu, trụi lá lại nhớ đến những câu thơ trong “Em ơi! Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ:

“Một tháng Chạp,
Cây bàng mồ côi mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi, mùa đông”...

Tiết trời đông Hà Nội dễ buồn và dễ nhớ, xao xác tận đáy lòng. Có người sống cả bốn mùa Hà Nội mà luôn mang trong lòng nỗi nhớ mùa đông. Nhớ một bàn tay đã ủ ấm bàn tay lúc gió chuyển mùa, nhớ chiếc lá cuối cùng níu mong được ở lại với cây, nhớ gương mặt người thiếu nữ hồng lên trong gió rét, đi dưới tán bàng trơ trụi đang cố cháy lên một ngọn lá cuối cùng...

Đông về!

Trong ngổn ngang của ký ức, chợt nhớ những năm xưa khi đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, ấy là lúc mẹ mang ra chăn ấm, áo lạnh được bọc gói cất kĩ trong tủ. Gian nhà nhỏ sực lên mùi băng phiến. Lũ trẻ xúng xính trong tấm áo còn ủ mùi thơm, tung tăng khắp khu tập thể... Càng nhớ, càng thêm trân trọng tấm lòng của những người đứng ra quyên góp từng tấm chăn, từng manh áo ấm để gửi tặng cho đồng bào ở vùng khó khăn, ngập lụt hiện nay.

Mùa đông giá lạnh làm cho ta thấy rõ hơn những khoảng trống quanh mình, cho ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của lòng người chan hòa trao nhau tình thân ái và trân trọng những tấm lòng không quản ngại khó khăn để mang lửa ấm đến với cộng đồng.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đông về!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO