Dư âm Điện Biên Phủ

Nguyễn Hồng| 12/04/2019 14:55

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần văn hóa đọc 2019 và phát động phong trào tặng sách, ngày 4/4/2019, chương trình giao lưu đặc biệt với chủ đề “65 năm - Bản hùng ca Điện Biên” đã được Thư viện Quân đội tổ chức. Đây là hoạt động để các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ giao lưu, trao đổi và cùng nhìn lại về “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Dư âm Điện Biên Phủ
Các vị khách mời cùng chia sẻ tại buổi giao lưu.

 Kí ức không quên

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử và Điện Biên Phủ - vùng đất xa xôi miền Tây Bắc của Việt Nam đã được cả thế giới biết đến như một huyền thoại. Điện Biên Phủ gắn với Việt Nam, Hồ Chí Minh và trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, đồng thời giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Đại tá, Anh hùng Lao động lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song, nguyên Giám đốc Nhà máy Thông tin M1, Binh chủng Thông tin liên lạc không khỏi xúc động khi hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu ở trận địa này: “Tôi tham gia chiến dịch khi mới 20 tuổi, được chiến đấu từ đầu chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến dịch trong đó được chiến đấu, phòng ngự ở Đồi Xanh 32 ngày đêm. Trận địa Đồi Xanh là trận địa phòng ngự quan trọng của quân ta, địch nhiều lần tấn công để cướp lấy Đồi Xanh, làm ảnh hưởng quân ta làm đường kéo pháo vào tiêu diệt địch ở Đông Mường Thanh”. Khi nhắc về Đồi Xanh, về Điện Biên và về những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử cùng mình, người “Dũng sĩ Đồi Xanh” năm xưa chia sẻ: “Đơn vị chúng tôi phòng ngự ở đấy có hai trung đội, Trung đội 10 và Trung đội 11 Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98,  Đại đoàn 36”. Sau khi quân ta không sử dụng phương án “Đánh nhanh tiến nhanh” mà chuyển sang “Đánh chắc tiến chắc”, từ ngày 3/3 đến 5/3 địch liên tục bắn pháo, đại bác, thả bom kể cả bom Napan trong khu vực đồi này. Chúng tôi vẫn đào hào để chuẩn bị chiến đấu. Địch đã lên hơn 2 tiểu đoàn có xe tăng, máy bay và pháo binh bắn phá đồi đó, Đồi Xanh hóa thành “đồi đỏ”. Nhớ nhất ngày 3/3 lúc đó tôi là tiểu đội phó, phụ trách trung liên giữ đồi, sự chênh lệch giữa ta và địch rõ rệt, địch tấn công, tôi bố trí lực lượng địch kéo đến cách trận địa chừng 40-50m, cả trận địa nhất loạt nổ súng. Địch ngã rạp ngay từ những loạt đạn đầu tiên, còn những tên còn sống chạy trối chết. Những lần tiến công tiếp theo của địch, ta cũng có những phương án đối phó và đã giành chiến thắng”. Tổng kết trận phòng ngự trên Đồi Xanh, quân đội ta lần đầu tiên được tặng Huân chương tại trận địa do chiến thắng được địch, phá vỡ được ác mộng của Na - va. Rất nhiều đồng chí được tặng Huân chương, khen ngợi tại trận địa. Trận Đồi Xanh được coi là chiến công đầu trùm lấp mộ Na - va, tiêu diệt hơn 200 tên địch, bắn rơi một máy bay và 2 xe tăng cháy”.

65 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hơn 40 năm rời xa chiến tranh nhưng kí ức về chiến trận như thước phim quay chậm trong tâm tưởng người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song. Ông chia sẻ về những năm tháng cuộc đời, những hừng hực thời trai trẻ đôi mươi bước chân vào cuộc chiến “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu chảy trộn bùn đen, gan không núng chí không mòn” với một niềm niềm xúc động khôn nguôi: “Những khó khăn gian khổ của chúng tôi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được nhà thơ Tố Hữu gói trọn qua bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Nhà thơ rất sâu sắc và sâu sát về chiến sĩ trên chiến dịch. Không phải chỉ đoạn hào, một mét hào mà hàng trăm, hai trăm mét hào đã được tạo ra từ chính cái xẻng và đôi tay của những người chiến sĩ. Những cơn mưa ở chiến trường cũng khác không phải chỉ một ngày, hai ngày mà kéo dài hàng tháng trời. Những lúc như thế việc đào hầm lại càng trở nên muôn phần khó khăn, nước trộn vào đất, máu trộn vào đất. Nhưng tất cả những khó khăn đó không làm ý chí của những anh lính cách mạng sụt giảm mà càng tăng thêm ý chí chiến đấu với mục tiêu chiến thắng. Có chiến sĩ dù bị thương cả hai chân, trên nay vẫn khư khư quả lựu đạn để có thể tấn công vào địch bất cứ lúc nào”.   

Âm vang còn mãi

Nối dài mạch cảm xúc về Điện Biên, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm – Phó Giám đốc Hãng phim truyện Hội nhà văn Việt Nam cũng không khỏi xúc động. Từng chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị năm 1972, trong đội hình của Sư đoàn 325B, Hoàng Nhuận Cầm bảo rằng, chính âm vang Điện Biên đã thôi thúc người lính trẻ Hoàng Nhuận Cầm đến với chiến trường Quảng Trị: “Ta đi hôm nay cũng không là sớm/ Đất nước hành quân mấy chục năm rồi/ Ta đi hôm nay cũng không là muộn/ Đất nước còn đánh giặc mãi chưa thôi”. Với Hoàng Nhuận Cầm  chiến trường Quảng Trị 81 ngày đêm khói lửa khốc liệt có nhịp đập Điện Biên. “81 ngày đêm lớp lớp người ngã xuống, lớp lớp người xông lên. Đánh một trận quay lại toàn là lính mới, những người đồng đội cũ đã hi sinh” – Hoàng Nhuận Cầm nhớ lại. Cả khán phòng như lặng đi khi những câu thơ của ông được đọc lên, những câu thơ như chứa đựng cả thời thanh xuân tươi đẹp của ông dành cho chiến trận:

“Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi trẻ lại
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
… Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi 
làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi 
thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em”

 Nhiều năm làm công tác nghiên cứu văn học nghệ thuật về cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương và hiện là giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhắc về Điện Biên với một sự tự hào: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (thơ Tố Hữu). Theo nhà văn Lê Thị Bích Hồng, đội ngũ văn nghệ sĩ là nòng cốt quan trọng trong mặt trận văn hóa tư tưởng, góp công rất lớn đến chiến thắng chung – chiến thắng Điện Biên của dân tộc. Nhiều cô văn công đã đem tài năng nghệ thuật phục vụ chiến sĩ nơi chiến trường bom đạn. Và cũng từ nơi ấy đã khơi nguồn cho bao bài thơ, thước phim… về Điện Biên ra đời.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt. Bước qua thời chiến nhưng dư âm của nó vẫn hiển hiện trong tâm tưởng của những người lính cầm súng năm xưa, những cựu chiến binh… Kết thúc buổi giao lưu, hình ảnh Điện Biên vang vọng qua giọng đọc của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm:

“Bao giờ trở lại Điện Biên
Viết câu lục bát đầu tiên trong đời
Thắp hương hài cốt anh tôi
Nhìn hoa ban trắng xóa đồi Him Lam.
Trái cam ngày ấy còn vàng
Mẹ đâu rồi giữa vô vàn lá xanh
Nhớ không Sơn? Trưa Mường Thanh
Giọng hò kéo pháo gãy cành hoa mơ”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dư âm Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO