Dưa chua lá sắn

Nguyễn Thị Hải| 17/03/2020 15:08

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất miền trung du Phú Thọ, chính vì vậy mà tôi thấu hiểu đến tận cùng sự cằn cỗi của đất, nỗi truân chuyên vất vả của biết bao nhiêu kiếp người nơi đây. Nơi tôi sinh sống chỉ có một ít chân ruộng trũng xen giữa các quả đồi, dãy núi, dùng để canh tác lúa nước, còn tất tật cuộc sống của người dân đều trông chờ vào cây chè, cây sắn và một ít cây cọ.

Dưa chua lá sắn

Lúc tôi còn nhỏ, hầu hết các hộ dân quê tôi đều nghèo, ngay cả gạo trắng còn không đủ ăn, cơm thì thường xuyên phải độn lẫn sắn, ngô, khoai..., huống hồ là mua thịt, cá... Chính vì thế mà nhà nào cũng chỉ quẩn quanh tương, cà, dưa, muối, rau hái trong vườn nhà; hay thi thoảng ra mương, ra suối kiếm con tôm, con ốc mang về cải thiện mà thôi. Cũng từ sự thiếu thốn đối khổ ấy, và để cho bữa cơm của gia đình mình thêm "phong phú" người dân quê tôi đã nghĩ ra cách làm món dưa lá sắn và từ dưa sắn chế biến ra được rất nhiều món ăn lạ miệng mà ngon.

Bà nội tôi kể rằng, ngày bà còn nhỏ, cây sắn sau khi thu hoạch xong thì lá sắn chẳng ai ăn, người ta toàn mang cho trâu, bò ăn thay cỏ, thay rơm. Nhà ai không nuôi trâu, bò thì lá sắn cũng chỉ mang đi ủ làm phân xanh để bón ruộng. Mãi tới lúc bà tôi lớn, có vài người trong làng hái thử những tàu lá sắn bánh tẻ, nghĩa là không non quá và cũng không già quá, mang làm dưa chua theo cách muối như muối dưa cải. Dưa lá sắn sau khi muối khoảng 1 tuần được mang ra chế biến thành món xào hoặc mang nấu canh chua với cá, tép đồng và ăn thấy tuyệt ngon, thanh mát... Kể từ đó, người người, nhà nhà đều bắt chước làm món dưa sắn.

Bà hoặc mẹ tôi luôn đảm nhận việc làm món dưa sắn với vài vại dưa lá sắn được làm từ lúc cây sắn mới trưởng thành. Trong mâm cơm, chỉ một đĩa dưa lá sắn muối chua cùng một bát nước mắm ớt cay xè là có thể "đưa" cơm một cách suôn sẻ. Hôm nào có món dưa sắn xào mỡ lợn thì ai cũng muốn ăn thêm chút cơm, bởi vị chua thanh của lá sắn muối chua cuốn với mỡ lợn tạo nên vị beo béo, ngầy ngậy hấp dẫn đến lạ kỳ. Còn bữa nào có cá, có tép để mẹ nấu nồi canh chua om dưa lá sắn thì khỏi phải nói. Tôi và mấy anh chị em trong nhà ai cũng ăn đến no căng bụng mà vẫn chưa muốn đứng lên. Món canh chua này cầu kỳ đôi chút khi phải phi hành mỡ thơm phức rồi mới cho dưa lá sắn vào đảo đều cùng gia vị và om cùng cá, tép đã chiên vàng. Canh chua dưa lá sắn ăn với cơm trắng thì tuyệt ngon. Ngoài ra, dưa chua lá sắn còn có thể nấu với xương lợn, hay hầm với thịt bò. 

Dưa lá sắn bình dị, dân dã, lạ miệng và tuyệt ngon như vậy nên du khách thập phương tới Phú Thọ thường ai cũng muốn được thưởng thức món ăn này. Tôi còn nhớ, ngày trước nhà tôi có ông bác, bà cô bên nội; hay cả bà dì em mẹ bên ngoại..., sống ở Hà Nội và thi thoảng lên nhà tôi chơi cũng thường mê món dưa lá sắn này. Lúc đầu họ chỉ là "nếm" thử xem sao, rồi kế tiếp sau một lần nếm ấy là ai cũng "nghiền" luôn! Chẳng thế mà trước khi về bao giờ họ cũng nài nỉ mẹ tôi "lo" cho bằng được một bịch dưa lá sắn muối chua để làm quà.

Rời quê đã lâu, song mỗi khi  về nhà tôi vẫn thường được mẹ thết đãi món canh chua dưa lá sắn, mà ở thành phố tôi chẳng thể kiếm nổi nguyên liệu để nấu! Thế nên, mỗi khi nhớ quê là tôi lại nhớ về dưa chua lá sắn mẹ làm… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dưa chua lá sắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO