Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng nhiều hơn

Thanh Hiền/HNM| 24/03/2019 08:05

Sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui, nhu cầu sử dùng thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Để thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng nhiều hơn, các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực cùng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh đưa hàng vào chuỗi bán lẻ hiện đại.

Thay đổi về giá, sản lượng cung ứng...

Từ ngày con trai bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Hà Thu (trú tại số 9, ngách 107, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) gần như chia tay hẳn các loại rau, củ quả, cá, thịt ngoài chợ, mà chỉ mua các thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm hữu cơ tại siêu thị, hoặc cửa hàng tiện lợi của Hapro, Vinmart…
Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng nhiều hơn
Thực phẩm sạch đã hiện diện ở nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại.

Theo chị Hà Thu, ngoài lý do về việc sử dụng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn các loại thực phẩm thông thường, thực phẩm hữu cơ mang lại nhiều chất dinh dưỡng hơn, ăn ngon hơn và có vị đậm hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất đại trà thông thường.

Thời gian qua, tại thị trường trong nước, ngành thực phẩm hữu cơ đã bắt đầu ghi nhận sự nhập cuộc của những thương hiệu lớn như: Ecolink-Ecomart, Organik Đà Lạt, Viễn Phú Green Farm, Vinamit, TH True Milk, Vinamilk, hay những mô hình nông nghiệp hữu cơ như sản xuất cam sành hữu cơ đặc sản ở Hàm Yên (Tuyên Quang)… Nhiều siêu thị lớn cũng tăng cường nguồn hàng trong và ngoài nước. Điển hình như Co.opmart, siêu thị này đã cho ra mắt các nhóm sản phẩm hữu cơ gồm gạo Jasmine, Japonica; bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống; phi lê cá basa, tôm sú... và được thị trường đón nhận khá nhiệt tình. Nhiều sản phẩm không có đủ hàng để cung ứng.

Không chỉ Co.opmart, đến nay hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Lotte Mart, Aeon, Hapro... đã đưa hàng hữu cơ (cả trong nước lẫn nhập khẩu) vào kinh doanh. Dù được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, sản phẩm hữu cơ đa phần có giá cao hơn so với các hàng thông thường, nên nhiều người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận. Do đó, các hệ thống siêu thị đang tìm cách liên kết để sao cho giá các sản phẩm gần hơn với túi tiền của người tiêu dùng, cùng với đó sản lượng cung ứng dần có thể thay thế một phần nhóm sản phẩm thiếu an toàn.

Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, có xu hướng chọn lựa hàng hóa và sản phẩm hữu cơ an toàn. Các địa phương, doanh nghiệp đang bắt kịp tốt xu hướng này khi hiện nay có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam... Ngoài ra, có đến 88% người tiêu dùng nhận biết được và yên tâm mua sản phẩm với nhãn hiệu logo hàng Việt Nam chất lượng cao, các chứng nhận ISO, VietGAP, HVNCLC - Chuẩn hội nhập… Các yếu tố giá, khuyến mại chỉ còn sức hút với một bộ phận người tiêu dùng và không còn có tính lựa chọn tiên quyết.

Đưa sản phẩm an toàn vào kênh bán lẻ hiện đại

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, thực hiện mục tiêu kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương. Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong khuôn khổ dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của cả nước và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các sở, ngành, doanh nghiệp.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tăng cường khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản tại hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể, hoạt động giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành một địa chỉ tin cậy và là cầu nối giúp hàng Việt nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, hiện nay một số hệ thống phân phối hiện đại như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart), Big C, Lotte Mart... đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố tổ chức các sự kiện trưng bày, giới thiệu đặc sản an toàn vào hệ thống siêu thị. Các sản phẩm tham gia giới thiệu đều được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm và công bố, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chung tay, góp sức phối hợp hơn nữa để triển khai chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, ý thức người tiêu dùng trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn nói chung và nông sản, đặc sản an toàn nói riêng. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần quyết định tạo nên thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, tạo ra xu hướng nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân hiện nay.

Khẳng định hệ thống phân phối hiện đại là kênh định hướng và giải quyết tốt nhất việc đưa hàng hóa sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, bảo đảm tiêu chuẩn đến người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm, 999 đại siêu thị, siêu thị; 1.000 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Sở cũng sẽ hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong, ngoài nước đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO