Đức thanh liêm của các vị quan đứng đầu thành Hà Nội

Nông Tử Lệnh Anh| 18/10/2020 09:39

Tư chất thanh liêm - đức độ xả thân vì nước của các vị quan Tổng đốc - quan Tuần phủ Hà Thành ở thời đại cách chúng ta tính bằng thế kỉ. Nhưng chất lửa của các nhân cách lớn ấy vẫn giữ nguyên và tỏa sáng cho đến tận hôm nay!

Đức thanh liêm của các vị quan đứng đầu thành Hà Nội
Vị tướng sống chết với Hà Thành - 
coi thường vinh hoa phú quý

Đó là tướng quân Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873). Quê ông ở làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyễn Tri Phương làm quan cho triều Nguyễn 53 năm, từng giữ các chức vụ cao: Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, Tổng đốc Vĩnh Long - Định Tường, sau đó vinh thăng tới Thượng thư Bộ công trước khi được cử ra giữ thành Hà Nội. Ở bất cứ vị trí nào của quan trường, ông đều tỏ rõ tư chất cao của một nhân cách lớn, luôn khảng khái, cương trực, thấy việc có ích cho dân cho nước là sẵn sàng hành động…

Nguyễn Tri Phương từng dám trực tiếp phê phán vua Tự Đức, dâng sớ đề nghị nhà vua giảm thiểu các thủ tục hành chính, các việc làm nhũng nhiễu dân lành, các hành vi làm tổn hại tới dân tới nước của bộ phận quan trường, khuyên nhà vua xa lánh lũ nịnh thần. Ông là người đứng đầu nhóm quan liêm chính dám đứng ra can ngăn nhà vua trong việc xây dựng Khiêm Lăng.

Ông còn dám một mình chống lại vua Tự Đức tăng thuế thuốc phiện, vì làm như vậy nhà vua đã công khai cho phép sử dụng chất độc, có hại cho phẩm hạnh và giống nòi Đại Việt…

Vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), Tổng quân vụ Nguyễn Tri Phương vâng lệnh triều đình vào Nam Kỳ chống quân xâm lược Pháp. Lúc ra đi, nhà vua ban cho ông vải vóc, quần áo cùng 100 lạng bạc. Ông đã một mực chối từ không nhận. Vua Tự Đức vô cùng cảm kích và dụ rằng: “Trẫm biết khanh rất liêm khiết, nhưng đó là để cho khanh làm lộ phí chứ to tát gì số tiền ấy mà khanh không nhận…”.

Ông là vị tướng luôn đứng vị trí mũi nhọn trong công cuộc kháng Pháp ở cả 3 mặt trận quan trọng lúc bấy giờ là Sài Gòn - Đà Nẵng và Hà Nội… Trong khói lửa của trận chiến đấu không cân sức giữ thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương bị trúng đạn và bị quân xâm lược Pháp bắt ngày 20/11/1873. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội này, người con trai ông - Nguyễn Lâm cũng đã hy sinh anh dũng. Bắt được Nguyễn Tri Phương, lũ quân xâm lược đã dùng đủ mọi cách nhằm mua chuộc vị tướng đứng đầu thành Hà Nội, nhưng chúng đã không thể thành công. Vị tướng anh hùng kiên quyết không chịu nghe, không chịu ăn, không chịu băng bó vết thương, quyết sống chết cùng Hà Nội, và ông đã chết một cách kiên cường trước sự run sợ của quân xâm lược vào ngày 20/12/1873.   


Đức thanh liêm của các vị quan đứng đầu thành Hà Nội
Quan Tổng đốc tử thủ Hà Nội: 
“Thân bận việc nước chưa dám lo việc nhà”

Thượng thư Bộ binh Hoàng Diệu (1828 - 1882) là người xã Xuân Đai, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là tấm gương lớn về một vị quan đức độ thanh liêm, suốt đời vì dân vì nước. Sau khi quân xâm lược Pháp chiếm đóng thành Hà Nội lần thứ nhất, Hòa Ước 1874 được kí kết giữa triều đình nhà Nguyễn và Pháp, trong đó có khoản mục phía Pháp phải trao trả thành Hà Nội cho triều đình nhà Nguyễn.

Vào năm 1880, Thượng thư Bộ binh Hoàng Diệu được giao chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình), ông nhận rõ bộ mặt xảo trá đê hèn của bè lũ xâm lược Pháp, đồng thời cũng biết được sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn. Vị Tổng đốc Hà Ninh ngày đêm lo lắng trước cảnh hàng ngày, hàng giờ lũ quân xâm lược bày binh bố trận, tập trung binh lực, vũ khí, pháo hạm… Nguy cơ về một cuộc tiến công tái chiếm thành Hà Nội của quân xâm lược Pháp cũng như âm mưu đặt ách thống trị của chúng lên toàn bộ Bắc Kỳ không qua được mắt vị quan Tổng đốc yêu nước, thương dân… Mặc dù trong tay vị chỉ huy tài cao đức trọng có quân số ít hơn rất nhiều so với quân xâm lược, trang bị của quân ta lại chỉ là thứ vũ khí cổ lỗ thô sơ, Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn cùng quân dân Hà Thành chăm lo, tranh thủ từng ngày luyện tập, củng cố chiến lũy, khởi động tinh thần quân sĩ sẵn sàng chống lại cuộc tiến công của kẻ xâm lăng.

Đúng như dự đoán của vị quan sáng suốt, anh minh đứng đầu Hà Ninh, quân Pháp đã bất ngờ ồ ạt tấn công Hà Nội lần thứ 2 với sức mạnh của quân số đông gấp bội quân ta. Và đặc biệt về vũ khí, các loại súng đại bác trên các tàu chiến của hải quân Pháp đỗ dày đặc tạo thành gọng kìm lửa trên sông Hồng Hà, vây bủa Hà Nội… Với sức mạnh vượt trội đó, quân giặc đã nhất loạt tấn công bắn phá, dội bão lửa suốt đêm ngày vào Hà Nội. Mặc dù với tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu ngăn chặn quân giặc, bảo vệ từng tấc đất Hà Thành, quân ta cũng chỉ chống trả được trong vòng nửa ngày, thành Hà Nội rơi vào tay quân xâm lược lần thứ 2 - đó là ngày 25/ 4/ 1882. Trước cảnh Hà Nội tan hoang trong vòng tay hung hãn của kẻ thù, Hoàng Diệu vô cùng đau đớn và phẫn uất, vị Tổng chỉ huy chỉ kịp viết tờ Di biểu gửi vua Tự Đức. Sau đó ông bình tĩnh tiến tới Võ Miếu, cởi khăn buộc lên cành cây tuẫn tiết, quyết không chịu rơi vào tay giặc , giữ tròn khí tiết cùng Hà Nội oai hùng bi tráng… 

Sử sách còn chép lưu lại rằng, sau khi Hoàng Diệu ra Bắc nhận nhiệm vụ giữ thành Hà Nội, nhà vua liền ban cho mẹ già ông ở quê xứ Quảng một chút sâm quế để bồi bổ sức khỏe. Biết tin, ông lập tức viết sớ dâng lên nhà vua tỏ lòng biết ơn, trong đó ông bộc bạch lẽ sống của cá nhân mình: “Quốc sự thượng hữu, vi hoàn gia tình hề cố…” (Thân bận việc nước nên chưa dám lo việc nhà).


Đức thanh liêm của các vị quan đứng đầu thành Hà Nội
Vị Tuần phủ coi lời mẹ dặn 
là tài sản quý nhất
Đại thần Phạm Thận Duật (1825 - 1885), sinh ra và lớn lên từ một gia đình nghèo ở vùng chiêm trũng Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình, là người có ý chí trong học hành và nghị lực cao trong công việc. Mới tròn 27 tuổi, Phạm Thận Duật đã được bổ nhiệm, từ giáo thụ, rồi tri phủ, rồi án sát tỉnh Bắc Ninh. Vào năm ông mới ngoài 40 tuổi đã được nhận chức Tuần phủ Hà Nội. 

Phạm Thận Duật làm quan to, nhưng mẹ ông - bà mẹ già chịu cảnh góa bụa ngay từ khi con trai mình mình chưa đầy 9 tuổi - vẫn sống nghèo túng ở quê nhà với nghề buôn thúng bán bưng cùng với người con dâu hiền thảo. Thời gian sau, Phạm Thận Duật được giữ chức Đại thần Viện Cơ mật ở triều đình. Bà mẹ già đáng kính của quan Đại thần, dù đã có thể hưởng cuộc sống trong nhung lụa, nhưng bà vẫn bình thản chọn cuộc sống lam lũ ở quê hương, vẫn tần tảo chợ búa, một nắng hai sương giúp con dâu tự lực làm ăn, không hề tơ hào đến vinh hoa phú quý. Những khi có điều kiện mẹ con gặp nhau, bà mẹ già nghèo túng thường khuyên nhủ con trai mình chớ vì gia đình mà sa vào vinh thân phì gia, trục lợi bổng lộc! Lời mẹ dặn dò, quan Đại thần Phạm Thận Duật luôn ghi lòng tạc dạ và coi đấy là thứ tài sản thiêng liêng của suốt cuộc đời mình…

Khi thực dân Pháp trắng trợn mở rộng xâm lăng nước ta, Phạm Thận Duật luôn đứng về phía phe kháng Pháp. Chính ông là người dự bút thảo Chiếu Cần Vương. Trong hành động, ông là người trợ thủ tin cậy của Tôn Thất Thuyết, và cũng chính ông là người hộ giá vua Hàm Nghi từ biệt Kinh đô Huế lên vùng rừng núi lập chiến khu chống quân xâm lược Pháp - Phạm Thận Duật trở thành một trong số lãnh tụ của phong trào Cần Vương. Trong khi phong trào Cần Vương còn đang trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trắc trở, chính lúc đó Phạm Thận Duật đã rơi vào tay kẻ địch. Đó là lần đang trên đường ra Bắc triệu tập nghĩa sĩ theo lệnh của vua Hàm Nghi, Phạm Thận Duật bị tên tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị) - tay sai của quân xâm lược Pháp giăng bắt và bị giải về Huế ngày 29/7/1885. Nhà ái quốc đã bị lũ xâm lăng và lũ phản bội đất nước kết tội, rồi lập tức bị đầy đi biệt xứ. Ít lâu sau, trên con tàu lênh đênh của đội quân xâm lược cưỡng ông đi Tahiti, ông đã anh dũng hy sinh không chịu khuất phục kẻ thù. Lũ xâm lược điên cuồng, tức tối nhưng vô cùng sợ hãi đã vứt xác ông xuống biển… Cái chết dũng cảm của vị anh hùng Phạm Thận Duật như luồng gió thổi bùng sáng thêm ngọn lửa kháng chiến chống Pháp, quyết giành độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đức thanh liêm của các vị quan đứng đầu thành Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO