Duyên nợ mai vàng

Trác Diễm| 07/07/2021 15:15

“Chẳng có điều gì là không thể. Cơ bản là ta có thực sự muốn hay không!”.

Duyên nợ mai vàng
Minh họa của Vũ Khánh

“Chẳng có điều gì là không thể. Cơ bản là ta có thực sự muốn hay không!”.
Nếu với ai đó thì đây quả là một hành động bộc phát điên rồ, nhưng tôi thì hoàn toàn nhận thức rõ điều mà tôi đang làm. “Cancel” tất cả những hợp đồng công việc mang đến nhiều lợi lộc cho tôi chỉ vì một bức ảnh trên màn hình máy tính vô tình đập vào mắt nhưng có sức hút với tôi rất mãnh liệt. Vệt xanh mềm mượt như tấm lụa màu thiên thanh uốn quanh triền núi đá lô xô màu xám bạc, những cụm hoa ngũ sắc như nét chấm phá kiêu sa vươn lên từ thung lũng, rồi những cụm mây trắng xốp bồng bềnh trôi lang thang giữa bầu trời vô định. Tôi như thấy rõ sự chuyển động của chúng. Và một quyết định được bật ra trong tích tắc "Mình sẽ đến đó".
Bây giờ sự có mặt của tôi ở nơi này, trước vệt xanh xa mờ đang chuyển dần về gam màu nóng. Tôi đang tiến dần đến gần hơn của sự huy hoàng. Vẻ đẹp diễm lệ của một vùng trời mây non nước hữu tình khiến tôi như lịm đi. Tôi thấy hơi thở của mình rất sâu và nhịp trống tim trở nên lộn xộn bởi những cảm xúc thay phiên nhau chế ngự. Tôi không muốn đưa máy ảnh lên ngang mắt, bởi tôi biết rằng nó sẽ không bao giờ thâu nạp hết những gì mà tôi đang cảm nhận được bằng tất cả các giác quan hiện hữu. Màu sắc, âm thanh, hương thơm, làn gió... cứ như bàn tay mát lạnh đang khẽ chạm vào những vết thương lòng bấy lâu được phong kín ở một nơi nào đó trong giới hạn của thân thể. Hoàng hôn ma mị, cánh cò chao đậu trên mặt đầm, con đường nhỏ rẽ nước đôi bên khi thủy triều rút xuống để lại một bãi ốc sò nằm xếp lớp lên nhau. Từ dải núi mờ xa xanh thẫm mặt trời lúc này như một nghệ sĩ tài hoa vung những nét màu quyến rũ gieo xuống mặt nước, sóng sánh vàng sim và kia nữa mảng lưới làng chài như tấm mạng nhện khổng lồ ánh lên sắc vàng, trắng bạc... khe khẽ động đậy bởi vô số cú nhảy bật tênh tếch từ dưới đũng tung lên.
Và trời như ban ơn cho tôi, một kẻ luôn nuối tiếc trước vẻ đẹp tàn phai của ánh ngày. Tôi cảm thấy hoàng hôn ở đây như được kéo dài thêm ra. Phía Tây ấy có gì? Tôi vượt qua con đèo ngắn và dốc rất nhanh chóng, tuy vậy tôi cũng đã kịp thâu giữ khung cảnh đồng bằng, làng mạc trong tầm mắt một cách bao quát, trọn vẹn. Rồi như có ai đưa đường dẫn lối, tôi rẽ phải vào một con đường nhỏ mà phía xa xa đoạn đường như được mở rộng ra gấp hai gấp ba lần. Tôi lọt thỏm vào một xóm nhỏ yên ắng, chỉ gồm mấy mươi nóc nhà lô nhô giữa một vùng đất rộng lớn. Một bên là trảng cát trắng một bên là những ngọn đồi trập trùng keo lá tràm chen lẫn sim mua. Đoạn đường hai chiều hơn 300 mét mà hai bên được thắp sáng bởi những ngọn đèn vàng xa xỉ, xua bớt đi sự hoang vu. Tôi đoán chắc đây là khu dân cư mới nằm ở trong vùng quy hoạch của một dự án nào đó.
Giây phút, tôi như đứng bất động khi bắt gặp một triền mua tím ngơ tím ngắt. Tôi chợt nhớ đến những ngày tôi lên Trường Sơn, cũng vào mùa tháng tư hoa mua, hoa móc... nở như thế này chỉ để thỏa cơn lãng du trong sắc tím chiều miên viễn. “Cảm ơn em! Em đến từ xứ hoang vu!”. Âm thanh xoạch xoạch phát ra từ chiếc điện thoại di động trong một không gian tĩnh lặng đủ để tôi nghe thấy trọn vẹn những lời đối thoại của chàng trai lạ với thiên nhiên. Bất giác tôi mỉm cười, thiếu suýt nữa thì phát ra âm thanh lớn. Chàng trai mãi ngắm hình ảnh những bông hoa tím mà anh vừa chụp lại nên chẳng thấy tôi đang ngầm phân tích mổ xẻ anh ta.
“Thật đáng tiếc, khi ngươi không như ta dùng hết mọi giác quan để mà tận hưởng một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ như thế. Nhưng mà… thôi kệ! Mỗi người có một niềm khoái cảm của riêng mình". Tôi định rời đi thì phát hiện có một người đàn bà đang tiến lại gần anh ta. Người đàn bà đã đứng tuổi, dáng hình gầy nhỏ nhưng giọng nói thanh.
- Ngày xưa, mạ cùng với mấy anh chị em dân quân du kích cứ men theo dãy núi kia mà ra tận Quảng Trị để gùi hàng hóa về lại trên đỉnh Truồi. 
Nghe đến đề tài này thì tôi không cưỡng lại được sự tò mò nữa. Tôi chạy lên phía trước mặt hai mẹ con họ, không hiểu sao tôi không còn cảm thấy chút xa lạ nào.
- O hãy kể tiếp cho cháu nghe đi. 
Gương mặt người đàn bà lộ rõ nét phấn khởi như thể bắt gặp được một cơ hội hiếm hoi để tua lại những thước phim thời chiến sống động, tươi rói như vừa mới diễn ra hôm qua.
- Vậy là cô may mắn rồi nhé, mẹ tôi chính là một cuốn từ điển sống cô sẽ tha hồ mà khai thác.
Tôi mỉm cười, lúc này đứng đối diện với anh nên tôi dễ bề quan sát hơn. Chàng trai có đôi mắt trĩu nặng tâm tư, làn da rám nắng nhưng khóe miệng cười bình thản, an nhiên. Tôi cảm tình anh bởi nụ cười và ánh mắt như thế, một nụ cười cho thấy sự bằng lòng với cuộc sống hiện tại nhưng ánh mắt vẫn luôn ẩn chứa nhiều khát vọng đang còn ấp ủ.
O du kích năm xưa tiếp tục vào chuyện:… nhiệm vụ của O lúc đó là đi nắm bắt tình hình, xây dựng cơ sở mật, báo cáo các hoạt động và tham gia thu mua lương thực cho đằng mình. O không thể nhớ hết có bao nhiêu chuyến hàng gùi từ núi rừng Quảng Trị để đưa vào vùng Tây Thừa Thiên. 
Dường như thấy được đường biên mở rộng trên đôi mắt tôi vì quá bất ngờ, anh mỉm cười, lại là một nụ cười an nhiên như khi đầu tôi gặp.
Rõ ràng ánh mắt ấy, nụ cười ấy cho thấy anh không phải thuộc tuýp người đơn giản. Và hẳn nhiên để thu hút được một kẻ ngạo đời như tôi cũng không hẳn dễ. Tôi đã cảm tình anh từ giây phút ban đầu. Cái sắc mặt rồi những cảm xúc... mà tôi thấy rằng chỉ ở những người nghệ sĩ mới bộc lộ rõ. Tôi không giỏi vòng vo che giấu những cảm xúc, tôi thấy rằng con người thật xuẩn ngốc khi họ cứ cố tình che giấu đi những sự thật, họ không dám thổ lộ niềm hạnh phúc thăng hoa, sự khát khao mãnh liệt hay những thói hư tật xấu chỉ bởi nhân danh đạo đức, những ràng buộc luân lý, gia đình, xã hội... Họ đang đúng nghĩa với sự tồn tại chứ không phải là đang sống. Vậy thì cuộc đời này có nghĩa lý gì?
Tôi nhìn sâu vào mắt anh như khẩn khoản: Làm ơn hãy sống thật với chính anh đi!
Chàng trai dường như nén tiếng thở dài và phác một cử chỉ muốn mời tôi vào thăm vườn mai mà anh đã gầy công tạo dựng: Tôi biết cô đang nghĩ gì. Như cô biết đấy mỗi khi chúng ta đã lựa chọn nghiệp cầm bút thì trong bầu huyết quản của chúng ta luôn rần rật chảy bởi vì quá đam mê và hứng thú trước những đề tài, trước những điều đang diễn ra trong cuộc sống này. Tôi biết việc ngưng cầm bút ở trên thành phố để trở về làm một người nông dân ẩn nhẫn dưới vườn mai là cả một quá trình đấu tranh quyết liệt diễn ra trong tôi. Khi khoảnh khắc tâm linh được đặt lên hàng đầu thì quá trình xung đột giữa nỗi sợ bản ngã và sức mạnh tinh thần nó giống như một cuộc chiến thật sự. Tôi bắt đầu rơi vào hoang mang sợ hãi, không muốn trò chuyện hay tiếp xúc với ai, một lối sống tự kỷ bắt đầu hình thành. Và những ngày tháng đó những cuộc giằng xé đấu tranh nội tâm đã giúp tôi nhận thức rõ hơn về hành động của mình. Tính cách thật của tôi bắt đầu trỗi lên mạnh mẽ, tôi biết mình muốn gì và cần nên làm gì, đó là một bước tiến hóa về nhận thức mới trong tôi. 
Cô xem vườn mai này được trồng từ khi tôi là một sinh viên 21 tuổi đấy.
- Wao, thật không thể tưởng, tôi gọi đó là một rừng mai thì đúng hơn, dễ chừng bốn đến năm trăm gốc ấy nhỉ.
- Ừm cỡ đó. Tháng tư nhiệt độ trong không khí dao động, có biên độ lớn, lúc thì mát, lúc oi bức. Giai đoạn này nấm hồng phát triển mạnh cho nên mỗi sáng tôi thường thức dậy sớm để tưới nước cho cây rồi sau đó bắt sâu, bấm ngọn và tỉa cành. Mai trồng thành rừng thành vạt cho nên đôi chỗ còn thiếu ánh sáng, cây phát triển còi cọc. Tôi tính đợi khi nào thời tiết phù hợp tôi sẽ đem nó ra ở những thửa đất này.
- Xung quanh đây với bán kính chưa đầy 10 cây số mà tôi thấy hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch rất phong phú đa dạng, như du lịch khám phá biển đảo, các đầm, hồ, vịnh, cảng nước sâu, du lịch sinh thái nghĩ dưỡng trên núi, du lịch tâm linh ở Thiền viện Trúc Lâm, du lịch tưởng niệm, rồi du lịch cộng đồng tìm hiểu khám phá các làng nghề truyền thống… Tôi rất thích cách người dân ở đây nấu tinh dầu tràm, làm nước mắm, hay làng nghề nấu rượu nếp…Và tôi tin rừng mai này của anh sẽ mang một giá trị thiêng liêng đặc biệt.
- Tôi thích hai từ “Thiêng liêng” mà cô nói, à quên cô uống rượu được chứ? 
***
Sau bữa cơm với gia đình anh diễn ra thật tự nhiên ấm cúng, chúng tôi lại kéo nhau tản bộ ra đoạn đường hai chiều vàng ệch băng qua trước mặt nhà. Toàn - tên chàng trai - vô tư chạy bộ và tập những động tác thể dục gần như xâm lấn giữa lòng đường mà không hề tỏ ý phòng vệ có chiếc xe nào đụng phải. Cũng đúng thôi bởi đây là khu dân cư biệt lập thi thoảng lắm mới có vài chiếc xe máy qua lại. Tôi ngồi trên băng ghế được đẽo gọt từ một thân gỗ thô sơ, trước mặt tôi là vệt liềm sáng bạc chon von trên đỉnh núi, bầu trời hôm nay thưa thớt sao nhưng ngôi nào cũng to và sáng, cảm tưởng như chúng rất gần. Tôi lắng nghe âm thanh của đồng nội như vĩ thanh của dải ngân hà ẩn lấp đâu đó dưới tầng trời này.
- Cháu thấy ở đây thế nào?- O Sen chợt hỏi khi đưa cho tôi một chiếc kẹo mè xửng. 
- Dạ. Thật im vắng o ạ. Phải ai thật sự yêu quý và coi đó như là máu thịt của mình thì mới cảm thấy hạnh phúc để bám trụ nơi này. Nhưng cháu cảm nhận ở đây như có gì đó thật thiêng liêng o ạ. Cháu cũng không hiểu tại sao cháu lại tìm về đây nữa, hay là cháu có chút duyên nợ gì đó với vùng đất này?
Trước khi vô đây cháu cũng đã trồng một vườn mai ở nhà ngoại, cứ trồng một cách lộn xộn chứ không ngay hàng thẳng lối gì cả, và cháu đã hình dung về một vườn mai vàng rực trong tương lai. Điều này cần cả một quãng thời gian khá dài nhưng cháu đã chạy bằng vận tốc của trí tưởng tượng, con người sống muốn lạc quan thì phải luôn luôn có niềm tin như vậy phải không o?
***
Tôi cảm nhận được sự sũng nước trong từng lời kể - Từ những năm 1969 đến năm 1971 chiến tranh diễn ra hết sức khốc liệt, các ngõ đường đều bị địch bố ráp nghiêm ngặt. O còn nhớ như in một buổi chiều mùa đông năm 1971, trong đoàn công tác phân công bốn đồng chí bao gồm một nữ du kích địa phương cùng với ba cán bộ trẻ. Tuy mới gặp gỡ nhau một hai lần nhưng anh em trong tổ công tác thương quý nhau lắm. Và thật khéo khi tổ công tác của o do đoàn phân công lần này cả ba anh cán bộ đều có tên chữ cái đầu là H nên mỗi lần ngồi nghỉ giải lao o hay đùa rằng: “Các đồng chí tổ 3H ơi, hãy hát một bài cho út nghe với nào!”.
- Giọng Sen cao vút lại trong ngần như tiếng suối thế kia chắc chắn sẽ hát hay rồi, chứ giọng vịt đực của bọn anh mà cất lên thì Sen chỉ có nước lấy lá nút lỗ tai lại kẻo tổn hao sinh khí.
- Nói gì mà khủng khiếp vậy chứ?
- Ha… ha… Bọn anh nói thật chứ chả đùa, nhưng mà trong ba bọn anh thằng Hòa là đứa học giỏi văn nhất tuy không hát hay nhưng văn thơ chắc chắn lai láng đầy mình.
- Ai nói thằng Hòa học giỏi văn một mình thôi, như tôi ấy à, chỉ cần một vài giây là tuôn ra cả một đoạn văn sinh động, có tên tất cả bốn đứa mình. Này nghe nhé: “Buổi sáng tinh sương trên đường đi công tác hoa Hồng hoa Sen quyện Hòa vào nhau tỏa Hương thơm ngát cả khu rừng…!”, hế… hế… Anh Hương còn chưa kịp đọc xong thì cả tổ ôm bụng cười đau cả ruột. 
- Trong rừng mà có hoa hồng hoa sen thơm ngát thì chắc triệu triệu sinh viên như bọn mình đều muốn xung phong vào tuyến lửa cả.- Anh Hồng vốn kiệm lời nhất tổ mà cũng phải bật ra một câu nhận xét dí dỏm.
- Ha… ha… Không phải tuyến lửa mà gọi là vườn địa đàng! 
- Thôi nghỉ giải lao chừng đó được rồi chúng ta tranh thủ đi tiếp kẻo muộn.- Anh Hồng xốc ba lô lên lưng rồi với tay lấy khẩu AK dựng dưới gốc săng lẻ, đi được một đoạn thì anh Hồng đứng lại quan sát con đường phía trước mặt mình rồi quay sang O du kích địa phương nói:
 - Chúng tôi đã quen với đoạn đường công tác này rồi nên để chúng tôi đi trước dẫn đường cho, Sen lùi lại sau đi. Cả tổ công tác vừa đi vừa trò chuyện nhưng khi đến địa bàn Thủy Yên thì một tiếng nổ vang trời lở đất xé nát cả một vùng cây cỏ, mùi thuốc khét lẹt xộc mạnh lên khoang mũi và luồn vào tận óc, choáng váng, tanh tưởi. Sen sấp mặt vào trong mớ đất bụi mịt mù, mái tóc rối tung vương đầy xác lá hắc nồng. Cả tổ công tác bị mìn hất văng mỗi người một hướng. Sen cố lấy hết sức trườn về phía anh Hồng - người tình nguyện thay Sen đi dẫn đầu. Giây phút kinh hoàng, Sen muốn thét lên mà cổ họng cứ đông cứng lại, hai hàm răng va lập cập vào nhau như người lên cơn sốt. Có còn gì nữa đâu, anh Hồng, anh Hương thân thể không còn nguyên vẹn, họ đã hy sinh tại chỗ. Mắt Sen như mờ đi, không còn nhận thức được mọi thứ xung quanh.
Tiếng thều thào đứt quãng bên phải như một cú hích giúp Sen tỉnh trí lại sau cú va đập mạnh. Anh Hòa đang cố sức giơ ngón tay ra hiệu… “Sen… Sen ơi… lại đây!”.  Sen trườn người bò đến bên cạnh anh Hòa như một sự bám víu tinh thần cuối cùng, cô đã bật nấc được thành tiếng: “Anh… anh… Hòa ơi ! Anh Hồng… anh… Hương đã… đã hy sinh cả rồi!”.
- Sen… Sen… ơi… anh chắc cũng không qua nổi rồi… nhờ… em… em hãy mở thắt lưng ra và lấy toàn bộ kỷ vật cất giữ dùm… anh… Anh không thở được nữa rồi… Sen… ơi…
- Anh Hòa ơi… mở mắt ra đi anh… mọi người đang đến đó… Em sẽ đưa anh về trạm… cố gắng lên anh Hòa ơi… 
- Không kịp nữa rồi Sen ơi… em hãy đặt anh nằm xuống lại đi, anh đau không thể chịu được nữa.
Sen cắn chặt răng nhìn vết thương ngang bụng nhưng không thấy máu chảy vì mảnh bom đã đi quá sâu. “Anh Hòa… anh không được chết… anh phải sống… mọi người đang chờ anh trở về mà…”. Sen dúi bức ảnh gia đình vào trong tay Hòa như để tiếp thêm nghị lực cho anh rồi cố hết sức chạy về căn cứ báo cáo tình hình. Hòa được đưa về Trạm nhưng khi vừa đến nơi thì đã trút hơi thở cuối cùng.
Đời người vô thường mà hoa cũng nở vô thường! Sen nhổ một vài cây hoa cánh trắng như hình cúc áo đem lại trồng trên mộ “Các anh rất thích hoa mà”.
Sen quay người lại thì thấy từ xa, trong nhập nhoạng buổi hoàng hôn một người đàn ông đang chăm chú dõi theo cô. Phút gần chạm mặt nhau, chàng trai nói: 
- Tôi đã để ý Sen từ lâu, tuy là người khác xã nhưng cùng huyện. Địa bàn hoạt động của chúng ta chủ yếu cũng quanh quẩn ở trong vòng bán kính này. Tôi là Thanh Giảng, chủ yếu hoạt động trên đỉnh núi Truồi, nhưng mà xã tôi chỉ cách xã Sen có một trảng rừng sim mua thôi à. Sen em không sao chứ? 
“Hôm nay cùng nhau đi chung một đoạn đường nhưng sẽ không biết ra sao ngày sau”. Tự dưng Sen cảm thấy vòm ngực thít chặt lại, những ngón tay cô vô hình chung đan chặt vào bàn tay anh một cách mạnh bạo rồi họ im lặng đi bên nhau. Trời đất linh thiêng như muốn bù đắp cho những mất mát mà họ vừa trải qua. Cả hai người không thể tin vào trước mắt mình khi lạc vào một rừng mai và chè xanh ngút ngàn. 
- Trời ơi… thật không thể tin nổi ở đây lại có cả một rừng mai tuyệt đẹp như vậy? Chắc là của người dân tộc họ trồng và giờ họ di chuyển đi nơi khác?
Thanh Giảng để ý thấy cả ngày dài cho đến giờ phút này Sen mới lộ một nét vui tươi trên gương mặt. Rừng mai đang kỳ trút lá, nụ hoa đã hình thành và sẵn sàng bung ra khi mùa xuân đến. Sen vuốt ve từng nhánh cây chi chít nụ, niềm khao khát rộn lên trong ánh mắt.
- Đợi ngày hòa bình anh hứa sẽ tặng cho em một vườn mai. 
Sau lần ấy đến lượt Sen cũng bị thương, được tổ chức điều chuyển ra Bắc điều trị. Trong quãng thời gian điều trị, Sen nhận được tin Thanh Giảng đã hy sinh. 
Sen muốn trở lại chiến trường, nhất định cô phải đến được chỗ anh nằm nhưng cấp trên đã có quyết định cử Sen ở lại học tại Trường Bổ túc văn hóa Trung ương.
Một buổi sáng, năm 1972, Thanh Giảng xuất hiện một cách đầy bất ngờ ở trường mà Sen đang theo học. Cô sững sờ đến mức đứng yên bất động, hồi lâu sau mới mở miệng lắp bắp: “Anh... Giảng... anh vẫn còn sống ư? Không phải em đang nằm mơ đấy chứ?”. Cô tự cấu véo thật đau vào người mình. 
- Em còn chờ đợi anh, thì anh làm sao mà chết được chứ! 
Sen quá bất ngờ và xúc động đến mức không tin nổi đây là sự thật. Cô òa khóc ngon lành. Thanh Giảng cười xòa trêu cô:
- Coi chừng trái tim đỏng đảnh của em! Để nó đau một thì anh sẽ đau gấp trăm gấp vạn lần đó.     
***
Họ chọn thung lũng năm xưa làm chốn dừng chân để xây dựng tổ ấm của mình. Mộng ước hoa vàng vẫn còn ấp ủ, những đứa con lần lượt chào đời. Nhưng mơ ước biến nơi đây thành một thung lũng hoa vàng vẫn chưa thể thực hiện được khi mà đôi chân ông không còn nguyên vẹn và trái tim bà ngày đêm cứ lỗi nhịp, co thắt từng đợt. Và rừng mai mãi chỉ là vệt ký ức lấp lánh xa xăm đâu đó giữa bạt ngàn Trường Sơn.
Ấy vậy mà, Toàn - chàng trai ấy đã thực hiện được, hơn 20 năm lùng kiếm khắp mọi nơi để tạo dựng một rừng mai phủ vàng thung lũng.
- Thằng Toàn vốn dĩ là dân học văn như cháu nhưng ra trường lại đi làm báo. O biết nó là một đứa rất nhạy cảm nên dễ bị tổn thương. Nó sẽ không bao giờ bẻ cong ngòi bút để làm những điều trái với lương tâm của mình. Nó đã từng đau khổ thậm chí bi quan khi dấn thân sâu vào nghề và nhận ra nhiều mặt sai trái của chính những đồng nghiệp của mình mà nó không cách nào thay đổi được họ. Nó quyết định rời cơ quan công tác và về ẩn nhẫn dưới rừng mai này. Vì thế mà O rất thương nó, cháu ạ. O mong muốn một ngày nào đó thằng Toàn sẽ cầm bút trở lại, vì o biết nó thực sự đam mê với nghiệp viết.
- O yên tâm cháu tin chắc anh Toàn sẽ là một nhà văn, nhà báo đúng nghĩa.
Cuộc trò chuyện kéo dài và rồi dẫn dắt chúng tôi đến bên nhà thờ Nước Ngọt từ lúc nào. Toàn đứng lặng im ngước nhìn lên dấu thập tự, trong khi mẹ anh luồn sâu vào trong những hàng ghế đầu để cùng mọi người làm lễ phục sinh.
Tôi bước đến bên cạnh anh và cùng nhìn lên vầng sáng đang tỏa ra một sức mạnh niềm tin vô cùng mãnh liệt. Lời nguyện cầu trong tôi lúc này là lời của Borges.
“Em sẽ tặng anh một mảnh đời mình. Nơi chính em cũng chưa từng bước tới”.
 Bất giác tôi chợt mỉm cười, một nụ cười an nhiên, không như lúc đầu tôi đến!
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
Duyên nợ mai vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO