Giải Cánh diều 2019... lặng gió?

Miên Thảo| 21/05/2020 16:33

Vì dịch Covid-19 nên giải Cánh diều 2019 không thể tổ chức lễ trao giải có thảm đỏ tại những nhà hát sang trọng mà chỉ có thể lặng lẽ trao thưởng quy mô nhỏ được chia ở hai miền Nam - Bắc. Thế nhưng, dường như lặng lẽ là thế song không hẳn giải Cánh diều 2019 đã lặng gió...

Giải Cánh diều 2019… lặng gió?
Bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” xứng đáng được vinh danh tại giải Cánh diều 2019.

“Về nhà đi con” - xứng đáng!

Có lẽ, hiếm bộ phim truyền hình nào  được xướng tên nhiều như thế ở các giải thưởng có hạng mục phim truyền hình như bộ phim “Về nhà đi con” trong suốt hai năm qua. Sau những: Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho các nghệ sĩ, giải thưởng phim truyền hình ấn tượng của VTV Awards 2019, giải Đặc biệt của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39, giải Mai Vàng 2019, giải thưởng của WeChoice Awards 2019 thì “Về nhà đi con” tiếp tục được giải Cánh diều 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam xướng tên: Cánh diều Vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Diễn viên triển vọng.

“Về nhà đi con” giành những giải thưởng ấy thật xứng đáng khi là bộ phim “gây bão” màn ảnh nhỏ trong suốt năm 2019, từ chính truyện cho đến ngoại truyện. Phim được phát trên VTV1 (tháng 4 đến tháng 8) sau đó phát lại trên VTV3 (từ tháng 9 đến tháng 11) cũng như phát online trên VTV giải trí mà vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả. Thực ra, câu chuyện mà “Về nhà đi con” kể không có gì mới, câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Sơn với 3 cô con gái Thu Huệ, Anh Thư và Ánh Dương. Vẫn là những câu chuyện rất đỗi dung dị và đời thường về hôn nhân, tình yêu, tình bạn, chị dâu - em chồng... nhưng “Về nhà đi con” lại có một “chìa khóa” của riêng mình khi giải mã những vấn đề đó. Đó là, điểm tựa của tình yêu thương. Từ người bố đơn thân như ông Sơn dẫu cách dạy dỗ con có đúng, có sai nhưng ông luôn là bến đỗ cuối cùng với lời gọi: “Về nhà đi con!”. Đến cả những đứa con của ông Sơn, có thể mỗi người gặp mỗi hoàn cảnh nhưng từ bến đỗ yêu thương ấy họ cũng luôn biết nuôi dưỡng tình yêu gia đình. Ở “Về nhà đi con”, khán giả như thấy lòng mình thêm ấm áp trước những hình ảnh bố con ông Sơn dù gặp sóng gió vẫn luôn quần tụ, bao bọc. Thậm chí, có lẽ không ít người chạnh lòng khi ngẫm về cuộc sống hôm nay còn đó những ích kỷ, lạnh lùng mà thiếu vắng lòng bao dung, vị tha, yêu thương trong mỗi gia đình…

“Hạnh phúc của mẹ” - vướng hoài nghi...

Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, “Hạnh phúc của mẹ” đã được xướng tới 7 giải thưởng của hạng mục này: Cánh diều Vàng, Biên kịch xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Nữ chính xuất sắc, Diễn viên triển vọng của giải Cánh diều 2019. Sự vinh danh đó đã khiến công chúng bất ngờ, thậm chí còn đưa ra hoài nghi: Có hay không chuyện mua giải cho “Hạnh phúc của mẹ”?

Không khó để lý giải vì sao “Hạnh phúc của mẹ” (đạo diễn Huỳnh Đông) lại bị vướng tin đồn như thế. Cũng vì, khi được công chiếu hồi tháng 3/2019, “Hạnh phúc của mẹ” không phải là phim tạo dấu ấn về doanh thu phòng vé, nếu không nói là thất bại. Tất nhiên, thất bại phòng vé này có phần liên đới đến chuyện hai diễn viên Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn trước đó lùm xùm với các chiêu trò PR cho phim của mình. Thế nhưng, “Hạnh phúc của mẹ” vẫn “vượt mặt” “Hai Phượng”, “Mắt biếc” - hai phim có doanh thu phòng vé cao và đều là những phim được cho là chất lượng không tồi.

Theo như đánh giá của Trưởng ban giám khảo giải Cánh diều 2019 - đạo diễn, NSND Thanh Vân, “Hạnh phúc của mẹ” ghi điểm lần này vì “bộ phim mang được xúc cảm cho ban giám khảo”. Theo đó, bộ phim chọn được đề tài mang tính xã hội rất cao khi kể về câu chuyện bà mẹ tên Tuệ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để nuôi cậu con trai tự kỷ nên người. Câu chuyện này đã được đạo diễn chuyển tải khá hài hòa, trọn vẹn, với thông điệp nhẹ nhàng, sâu sắc cùng với diễn xuất truyền cảm của Cát Phượng (mẹ Tuệ) và diễn viên nhí Huy Khang (Tim). Tuy nhiên, nhiều người trong giới điện ảnh cho rằng, “Hạnh phúc của mẹ” không có gì mới trong ngôn ngữ điện ảnh. Nếu cứ tiếp tục chấm giải theo những tiêu chí cũ như thế thì giải Cánh diều sẽ khó lòng khuyến khích được nỗ lực của các nhà làm phim dám đột phá sáng tạo.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024
    Sáng 19/4, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
Đừng bỏ lỡ
Giải Cánh diều 2019... lặng gió?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO