Giai thoại văn học: Bài học chữ nghĩa đầu tiên

Vũ Quần Phương| 14/03/2020 11:23

Giai thoại văn học: Bài học chữ nghĩa đầu tiên
Nhà thơ Xuân Diệu

Năm 1953, khi học lớp đệ lục ở Hà Nội, tôi được nghe thầy Nguyễn Xuân Huy, vốn cũng là một nhà thơ, giảng bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Bài thơ gây cho tôi một ngạc nhiên là mùa thu vẫn tới hàng năm mà sao đến lúc học bài thơ đó, tôi mới biết nó có những nét quyến rũ đến thế. Từ thơ, tôi bắt đầu quan sát mùa thu, tìm ra chỗ tiếp giáp của thời tiết hay gây xao xuyến lòng người. Và cũng do quan sát như vậy, tôi nghĩ bài thơ của Xuân Diệu phải đặt tên là Đây mùa đông tới thì mới đúng với thời tiết Việt Nam mình. Thu trong thơ Xuân Diệu rét quá. Bài này tôi muốn muốn bộc bạch đôi điều về những non nớt của tôi lúc mới làm thơ mà đã được anh Xuân Diệu chỉ vẽ cho.

Khoảng năm 1956 - 1957, anh Xuân Diệu đến nói chuyện thơ với thầy trò trường Chu Văn An, tôi học lớp 8, cũng được ngồi nghe. Hào hứng và có cái thích thú như gặp người trong cổ tích, tuy khoảng cách từ lúc học bài thơ đến lúc gặp tác giả mới chỉ 3, 4 năm. Cảm giác ấy còn trở lại với tôi nhiều lần khi gặp những tác giả trước 1945 như Tô Hoài, Hồ Dzếnh... Tôi ngưỡng mộ, nhưng không dám hỏi han gì nhà thơ Xuân Diệu. Tôi là học sinh lớp bét của cấp ba, biết gì mà hỏi. Các anh lớp 10 thì tíu tít lắm, đọc bao nhiêu là câu thơ tình của Xuân Diệu: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Rồi Yêu là chết ở trong lòng một ít. Cứ như bằng vai phải lứa. Nghe mà kinh sợ, còn Xuân Diệu thì vui lắm. Mãi đến năm 1963, khi đã là sinh viên năm thứ tư y khoa, về dự hội trường Chu Văn An, gặp Xuân Diệu, tôi mới dám hỏi anh, lại đươc anh tiện miệng mời lại chơi ở 24 Cột Cờ. Tôi túm ngay lấy câu mời ấy và tuần sau đó đến thăm anh. Quả thật lúc bấm chuông cái biệt thư ấy tôi cũng hồi hộp, đúng ra là sợ hãi. Giá có ai ra bảo ông Xuân Diệu đi vắng thì có khi tôi lại mừng cũng nên. Một anh ra mở cửa và bảo: Anh Diệu có nhà. Tôi dắt xe đạp vào, hỏi một câu ấm ớ: Vào bây giờ có làm phiền anh Xuân Diệu không? Anh người nhà nhìn tôi thân ái, hình như cũng hơi mỉm cười, động viên: Cứ vào đi, Anh Diệu đợi đấy, đừng ngại, các anh em họ vẫn đến. Rồi anh khoác vai, đưa tôi vào nhà. Tôi đỡ lo hẳn. Sao lại có ông ở cạnh Xuân Diệu mà bình dân thế. (Đấy là Hữu Nhuận, sau này thành bạn của nhau, tôi thấy anh là người thật nhũn nhặn và tận tình với bè bạn).

Tôi vào phòng Xuân Diệu, ngó nghiêng một lúc rồi ngượng nghịu nhờ anh xem hộ mấy bài thơ tôi viết. Tôi lôi ra cuốn vở tự đóng bằng giấy năm hào hai gấp lại, chép nắn nót 20 bài thơ.  Xuân Diệu cầm cuốn vở nhỏ lật lật: 

- Các bài này đã đăng chưa?

- Dạ, mới đăng có hai bài.

- Sao cậu chép nhiều thế, chỉ 5 bài đọc đại diện là đủ.

Tôi ngớ người: Hay... để em về làm lại

- Thôi cứ để đây. Lần sau cậu đến chúng ta cùng đọc. Nói rồi ông cầm bút ghi ngày giờ lần sau vào cuốn thơ của tôi. A tên cậu là gì nhỉ? Dạ, em Phương. Cái gì Phương chứ, phải nói đủ tên mình. Cậu đăng thơ thì ký là gì? Vũ Quần Phương à, thì Vũ Quần Phương. Ông viết ngoay ngoáy tên tôi vào tờ đầu cuốn thơ và hẹn. Tối thứ năm tuần sau, 7giờ, chúng ta làm việc với nhau 1 tiếng nhé.

Đúng hẹn, tôi đến. Anh Xuân Diệu lục tìm, một lúc mới thấy trên bàn viết bề bộn cuốn vở thơ của tôi. Anh đọc bài đầu tiên. Không nói gì. Đọc sang bài thứ hai. Bút anh dừng lại ở câu thơ nói tới hương hoa sữa. Hỏi: 

- Cậu thích hoa sữa à. Tôi không thích. Mùi nó gây gây. Không hiểu sao người ta lại ca ngợi được. 

Bài thứ ba, Trên Đài quan trắc khí tượng. Anh đọc, rồi đọc lại. Dừng ở câu thơ Em bé nhà ai u uơ trở giấc /Theo gió đêm về vọng đến đài tôi. Anh ngẩng nhìn tôi:

- Bài này cậu viết hay. Anh lấy bút viết lên đầu trang thơ Rất hay và nói tiếp: nhưng câu này thì không được. Thế em bé nó là ma à, mà nó theo gió đêm về. Tôi ngớ ra, ừ nhỉ, sao mình quẩn thế. Tôi đang nghĩ cách chữa thì anh Xuân Diệu gạch hai chữ Em bé rồi viết đè lên Tiếng trẻ. Tiếng trẻ nhà ai u uơ trở giấc/ Theo gió đêm về... Anh Xuân Diệu không nhìn tôi, anh vẫn cúi xuống trang thơ, nói tiếp: 

- Em nên chú ý, trong đầu mình nghĩ, mình hiểu, nhưng diễn tả phải tính đến người đọc, sao cho người ta hiểu được cảm xúc của mình. Dấu chấm, dấu phẩy, người ta đã sinh ra là có lý của nó. Chỗ này phải chấm, chỗ này phẩy. Em để người ta đứt hơi à.. 

Đến bài Phăng xi păng... có câu Phăng xi păng núi ba ngàn thước dựng. Anh hỏi:

- Phăng xi păng cao bao nhiêu? 

- Thưa 3143 mét ạ. 

- Thế là mét chứ sao cậu lại bảo thước. Anh gạch chữ thước và viết mờ e me tờ mét đè lên. Câu Tiếng trẻ anh sửa tôi thích bao nhiêu thì câu này tôi chán bấy nhiêu. Nhưng tôi thấy sự chính xác ngôn ngữ anh đòi hỏi là đúng. Về nhà tôi đã sửa câu thơ ấy theo cách khác. 

Thấy sắp hết một giờ, không dám lạm dụng nhiệt tình của anh, tôi xin phép về. Xuân Diệu ngẩng nhìn tôi, tươi cười: 

- Thôi hôm nay biết thế. Phương nên gửi mấy bài này đi. Có quen ai ở toà soạn không? Nếu không, mình gửi cho. Tôi chỉ biết vâng, vâng... Nhưng rồi cũng ngại phiền anh, tôi tự gửi đến nhà xuất bản Văn học tham gia tập Sức mới (1965).

Bài học chữ nghĩa đầu tiên ấy, tôi còn nhiều dịp ôn lại, khi làm thơ cũng như khi bình thơ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giai thoại văn học: Bài học chữ nghĩa đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO