Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018: Sức sống và tính đa dạng của các tác phẩm

NSND Trần Quốc Chiêm| 22/02/2019 09:09

Theo thông lệ, hai năm một lần, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tiến hành tổ chức xét và trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô. Với phương châm cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp và các Hội chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về tinh thần và vật chất cho sáng tác; tập trung sức lực và tiềm năng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao; nâng cao tác động xã hội của Hội; giữ vững quan hệ gắn bó giữa người sáng tạo văn học nghệ thuật với đông đảo công chúng; tích cực

Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018: Sức sống và tính đa dạng của các tác phẩm
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao 
Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2018 
cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Năm nay, 9 Hội chuyên ngành trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đều có điều kiện và thời gian đánh giá lại trên tổng thể các thành tựu, nghiên cứu của Hội mình để đề xuất các tác phẩm, công trình xuất sắc nhất đưa vào xét Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô. Việc tập hợp tác phẩm đã được chú trọng làm sớm hơn và việc xét sơ khảo (tại Ban Chấp hành và Hội đồng nghệ thuật các Hội chuyên ngành) đã được tiến hành rất khẩn trương, nhanh gọn, đồng thời cũng rất thấu đáo và toàn diện, được cân nhắc và quyết định bằng phiếu kín các tác phẩm để đưa vào chung khảo.

Hội đồng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2018 đã tiến hành xét giải nghiêm túc, đọc và xem tất cả các tác phẩm (trực tiếp hoặc thông qua băng video, đĩa nhạc đối với các tác phẩm điện ảnh, múa, sân khấu, âm nhạc…), thảo luận sôi nổi và đánh giá cao các tác phẩm được đưa vào chung khảo năm nay. Hầu hết các tác phẩm đều đã tự khẳng định mình thông qua quá trình phổ biến trong công chúng, hoặc qua các hội diễn chuyên nghiệp của ngành, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh hoặc các cuộc bình chọn tác phẩm ở các liên hoan sân khấu, múa và điện ảnh… Các Hội chuyên ngành đã làm việc rất có trách nhiệm, đã họp và bình chọn các tác phẩm xuất sắc theo đúng tiêu chí và Quy chế bình xét của Hội Liên hiệp đề ra.

25 tác phẩm và công trình được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2018 xứng đáng là những tác phẩm và công trình tiêu biểu, thể hiện sức sống và tính đa dạng trong sáng tạo, phản ánh được bước tiến mới trong các sáng tác văn học nghệ thuật cũng như các công trình biên khảo, thiết kế, dàn dựng của văn nghệ sĩ Hà Nội.

1. Về văn học, có 2 giải thưởng:

- Bộ tiểu thuyết Vỡ vụn và Cuộc vuông tròn của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn viết về câu chuyện đời của một nữ sinh văn khoa và những người xung quanh cô, từ đó, nêu lên những vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay. Đây là bộ tiểu thuyết luận đề chính trị - xã hội dưới dạng tâm lý mang vấn đề thời sự, vì vốn sống dồi dào, hiểu biết sâu rộng và vì nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, có lối viết hiện đại, kết hợp tốt giữa tính chất báo chí và văn học.  

- Sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954 của nhà văn Lê Văn Ba là tập tư liệu quý về các tác giả, tác phẩm người Hà Nội, viết về Hà Nội trong  thời gian 1947 - 1954, mà không phải người trong cuộc như Lê Văn Ba thì không thể viết được. Cuốn sách rất có ích cho người nghiên cứu, người sáng tác và làm người đọc hiểu rõ thêm Hà Nội trong quá khứ,  thêm yêu quý Thủ đô yêu dấu.

2. Về âm nhạc, có 3 giải thưởng:

- Ca khúc Sơn Đoòng Phong Nha, nhạc của nhạc sĩ Văn Tiến, thơ Hoàng Vũ Thuật là một bức tranh âm nhạc khắc họa một di tích văn hóa nhân loại Sơn Đoòng Phong Nha. Với một giai điệu đẹp, trữ tình, sử dụng hòa thanh mới lạ và lời ca bay bổng như tình yêu.

- Ca khúc Sắc màu biên giới của nhạc sĩ Huyền Ngọc viết về những người lính biên phòng với cách nhìn âm nhạc trẻ trung, yêu đời, tinh thần lạc quan trước mọi gian khổ. Đây là một cách tiếp cận âm nhạc mới mẻ và thời đại.

- Sách nghiên cứu, lý luận phê bình Đây Thăng Long - Đây Đông Đô - Đây Hà Nội của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu là một công trình nghiên cứu về Hà Nội dưới góc nhìn âm nhạc, thông qua những tác phẩm sống mãi với thời gian và Thủ đô.

3. Về nhiếp ảnh nghệ thuật, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Ban mai hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Viết Anh Mạnh được chụp vào sáng mùa Xuân 2017 tại Hồ Gươm, Hà Nội. Đây một khoảnh khắc đẹp mơ màng và ngắn ngủi khi ánh nắng ban mai vừa kịp tỏa sáng khắp mặt nước hồ Gươm. Những tia nắng sớm lung linh qua từng nhành lộc non của cây bằng lăng già nua, dưới gốc cây một cụ già ngồi thư gian bên cạnh chiếc xe đạp tạo nên không gian rạng rỡ sắc xuân rất thơ. Hình ảnh thanh bình, mộc mạc ấy khiến tác giả không thể bỏ qua và ghi lại nét đẹp của người Hà Nội trong những ngày xuân mới. Tác phẩm Ban mai Hồ Gươm đã được tác giả khắc họa nét sinh hoạt thân quen của người Hà Nội trong những ngày xuân mới – chồi non lộc biếc mang một sắc xuân rất Hà Nội.

- Tác phẩm Đêm hội Trăng rằm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Anh Tuấn được chụp vào đêm tết Trung thu tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Tác phẩm đã được tác giả khái quát, mô tả “Đêm hội Trăng rằm” rước đèn lung linh khắp khu phố đi bộ, tiếng trống vang dội, giòn giã của những điệu múa lân, múa rồng; sự vui chơi, múa hát của người dân Hà Nội, đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng vào dịp Rằm tháng Tám âm lịch trong khu phố đi bộ Hà Nội. 

- Cuốn sách Chuyện kể bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hồng viết về Hồ Gươm, một địa danh nổi tiếng, nằm giữa trung tâm Thủ đô hòa bình; một tấm gương phản chiếu nhiều sự kiện lịch sử của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất quanh hồ là nhân chứng của những câu chuyện, những kỷ niệm đẹp của riêng mỗi người. Từ năm 2000 đến nay tác giả thường xuyên dạo quanh hồ để tận hưởng, chụp ảnh và ghi chép lại những khoảnh khắc, những sự kiện, những câu chuyện diễn ra quanh Hồ Gươm. Với tình yêu Hà Nội nói chung và Hồ Gươm nói riêng, tác giả đã gửi gắm tình cảm sâu nặng của mình vào cuốn sách Chuyện kể bên hồ Gươm với 200 bài viết và gần 1000 bức ảnh minh họa. 

4. Về sân khấu, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nhà hát Kịch Hà Nội là một vở kịch nói phản ánh cuộc sống đổi mới ở nông thôn, bên cạnh các mặt tích cực có không ít mặt tiêu cực, đó là một bộ phận cán bộ xã như bí thư, chủ tịch không đặt lợi ích nhân dân lên trên mà chỉ vụ lợi cá nhân, nội bộ mất đoàn kết gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Chính những con ma, sâu mọt đó đã làm tổn thất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Sự đấu tranh không khoan nhượng giữa cái tốt và cái xấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một vùng quê lành mạnh, phát triển đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Tác phẩm Những tấm lòng vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội là vở cải lương nói về một nhà giáo hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp trồng người, một tấm lòng cao cả. Vở diễn đã phản ánh được những cái xấu, cơ hội của một bộ phận có thói quen chạy chọt cho những học trò không có năng lực. Gương tốt của một thầy giáo mang tính nhân văn, nhân đạo, trung thực vì các học trò của mình. Vở diễn là một chủ đề trong sáng, mang tính xã hội cao, thu hút được sự quan tâm của xã hội hiện nay.  

- Đồng Giải thưởng là tác phẩm Nghĩ và viết của nhà viết kịch Ngọc Thụ, một tác phẩm văn xuôi, nghiên cứu lý luận phê bình và tản văn sân khấu được tác giả tập hợp, đúc kết qua hơn năm mươi năm theo nghiệp sân khấu. Với cách nhìn đa chiều, có ý nghĩa với người làm công tác nghiên cứu và bạn đọc tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu, cuốn sách là tấm lòng và tâm huyết của các tác giả với nghệ thuật sân khấu và đời sống với khát vọng cháy bỏng mong muốn nghệ thuật sân khấu ngày càng phát triển, tiếp nối mạch nguồn sáng tạo nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm Huyền nữ Phạm Thị Thành của Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu là một công trình nghiên cứu khoa học công phu viết về chân dung Tiến sĩ, NSND Phạm Thị Thành. Cuốn sách góp phần đem đến cho các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là các đạo diễn nhiều bài học hữu ích trong học tập, hành nghề của mình cũng như cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm về NSND Phạm Thị Thành và sự phát triển của nghệ thuật đạo diễn của Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách còn mang đến cho các nghệ sĩ sân khấu nhiều bài học về sự sáng tạo mang tính chính thống, chuyên nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

5. Về mỹ thuật, có 2 giải thưởng:

- Tác phẩm Hương xưa của họa sĩ Đỗ Hoàng Anh được lấy cảm hứng từ dân ca quan họ và hát chèo ở đồng bằng Bắc Bộ, với chất liệu sơn mài truyền thống mang đậm hơi thở của nét đẹp văn hóa Việt Nam. Hình ảnh nổi bật nhất nhất là 2 phụ nữ đang chỉnh trang phục, đó là người phụ nữ già và một cô gái trẻ, với ngụ ý sự tiếp nối truyền thống dân gian, từ thế hệ này đến thế hệ sau.

- Tác phẩm Đêm dưới cầu Long Biên của họa sĩ Nguyễn Văn Tuấn là tác phẩm miêu tả cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân dưới chân cầu Long Biên. Trong cái trời rét buốt của đêm đông Hà Nội, cuộc sống mưu sinh của những người lao động trở nên vất vả hơn nhưng vẫn luôn vui vẻ và cố gắng vượt qua. Tác phẩm đã tạo cho người xem cảm nhận thêm về cuộc sống mưu sinh của người dân lao động để hướng đến những điều tốt đẹp, giản dị của xã hội đương thời.
Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018: Sức sống và tính đa dạng của các tác phẩm
NSND Trần Quốc Chiêm.

6. Về văn nghệ dân gian, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Kể chuyện đường, phố, ngõ Hà Nội của tác giả Lê Đình Mai là cuốn sách sưu tầm, giới thiệu vừa như là cuốn từ điển giúp bạn đọc tra cứu về những tên đường, phố, ngõ của Hà Nội vừa như cùng bạn đọc ôn lại những mẩu chuyện liên quan đến mỗi tên người, tên đất… qua lời kể chân thành của tác giả, có thể từ sách sử chính thống, truyền thống, truyền thuyết, dân gian và từ nhiều tư liệu báo chí, tác phẩm văn học nhằm giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu mỗi con đường, con phố, con ngõ và thêm yêu Thủ đô, yêu Tổ quốc.

- Tác phẩm Các danh tướng trấn giữ Thành Hà Nội của tác giả Nguyễn Sinh Thủy là cuốn sách kể lại quãng thời gian 100 năm (1858-1954) của Thủ đô trong cuộc xâm lăng đầy tội ác của thực dân Pháp. Cuốn sách là món quà giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại  của nhân dân Thủ đô và các danh tướng lừng danh trấn giữ thành Hà Nội đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập của dân tộc.

- Tác phẩm Làng cũ nhớ về của tác giả Vũ Kiêm Ninh đã khắc họa hình ảnh một làng nghề - làng khoa bảng, đó là làng cổ An Thái ở vùng đất Bưởi nổi tiếng (quận Tây Hồ ngày nay), nơi có nghề giấy dó cổ truyền và có 5 tiến sĩ trở thành các bậc hiền tài trong triều đình xưa. Câu chuyện văn hóa dân gian qua lời tự bạch của tác giả giúp cho các thế hệ trẻ hiểu thêm và tự hào về truyền thống hiếu học, yêu nghề của nhân dân vùng đất Bưởi ngày xưa.

7. Về điện ảnh, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Những người mẹ đặc biệt của đạo diễn Phạm Hằng Giang là bộ phim tài liệu giới thiệu đến khán giả về những người mẹ đặc biệt, những người không bao giờ từ bỏ đứa con của mình bằng tất cả nghị lực, tình yêu thương mà còn truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp yêu thương cho rất nhiều người. Đó là mẹ Cấn Thị Ngần đã đưa ra quyết định hiến tạng con trai đã chết não đem đến niềm vui vô bờ bến cho những người được hiến tạng. Đó là mẹ Vũ Thị The đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, dùng bàn tay chai sạn rửa bát thuê để quyết tâm nuôi con gái học tập cho đến ngày con gái mẹ đã đạt được học bổng trị giá 6 tỷ đô la của Mỹ. Đó là chị Bạch Thùy Linh có con trai mắc hội chứng tự kỷ, chưa ngày nào chị từ bỏ quyết tâm và hy vọng, chị đã giúp con hòa nhập xã hội và khích lệ hàng ngàn bà mẹ khác cùng chiến đấu với hội chứng tự kỷ của con… Họ là những bà mẹ mang đến niềm tin và sự tốt đẹp trong cuộc sống.

- Tác phẩm Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Người Cộng sản kiên trung, bất khuất của đạo diễn Trịnh Quang Tùng là bộ phim tài liệu kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – một trong những sáng lập và lãnh tụ xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc… đã trọn đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

- Tác phẩm Khúc nhạc diệu kỳ của NSND Nguyễn Hà Bắc là bộ phim hoạt hình kể câu chuyện của đôi bạn hạt thóc bé nhỏ xinh xắn, đáng yêu và anh chàng chim sẻ kiêu ngạo nhưng tốt bụng đã có cái kết thật vui vẻ, hạnh phúc và ấm tình con người. Với ý nghĩa nói về tình người là điều thiêng liêng và đáng trân quý, cuộc sống dù có vất vả, biết bao thăng trầm nhưng tình người luôn ấm áp sẽ đem lại cho ta những hạnh phúc thật thiêng liêng cho dù rất giản dị.

8. Về múa, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Một thời để nhớ của NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan là tác phẩm múa dân gian và đương đại đã đưa khán giả trở về với những hoài niệm xưa, một thời hoa đỏ, một thời đạn bom, một thời hòa bình. Với ý tưởng khắc họa về một thời trong sáng, tình người chứa chan, tình yêu ngây thơ và lãng mạn, nhưng cũng sẵn sàng dâng hiến cho lý tưởng cao đẹp và thiêng liêng - đó là Tổ quốc.

- Tác phẩm Cỏ gà, Cỏ may của tác giả Nguyễn Khiêm và Mai Như Quỳnh là tác phẩm múa dân tộc, cổ điển châu Âu và đương đại đã nói lên bài ca về tình yêu với cách trình diễn mang tính ẩn dụ và nhân cách hóa cao. Tình yêu thương là tình cảm cao quý, tốt đẹp mà con người dành cho nhau, yêu thương gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… và ngay cả với người không quen biết.

- Tác phẩm Lung linh phố cổ của tác giả Trần Văn Quý và Nguyễn Tố Linh là tác phẩm múa đương đại và hiphop đã phác họa bức tranh của Hà Nội xưa và nay với những phố nghề nơi “Kẻ Chợ” đan xen với nhiều sắc màu sống động trong từng con phố cổ, nơi đó ánh đèn lồng, tà áo dài, dòng người tấp nập, nhịp sống, nhịp đời sinh sôi, sầm uất và nhộn nhịp.
Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018: Sức sống và tính đa dạng của các tác phẩm
Các tác giả nhận giải thưởng 
Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2018.

9. Về kiến trúc, có 3 giải thưởng:

- Tác phẩm Nhà ở xã hội Hưng Thịnh tại khu đô thị mới Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội của KTS Trần Vũ Lâm, Cty CP Kiến trúc Lập Phương –CUBIC (đơn vị tư vấn thiết kế) là tác phẩm thiết kế nhà ở xã hội. Đây là một thiết kế điển hình hóa nhà ở xã hội dạng mô đun hình sao, đảm bảo 100% các căn hộ không bị nhìn trực diện vào nhau, có các khu vườn xanh ôm xung quanh tòa nhà tạo thành một quần thể xanh có tác dụng giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, hệ thống giếng trời được bố trí ngay cạnh sảnh thang máy với vai trò cấp gió và ánh sáng tự nhiên… đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về thiết kế và sinh hoạt của người dân.

- Tác phẩm Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 tại các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Mê Linh, Tiên Phong, Tráng Việt, Văn Khê, huyện Mê Linh và xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội của Ths.KTS Thái Nhật Quang cùng các cộng sự: Trần Quốc Duy, Vũ Vân Nga, Võ Thị Mai Phương là đề án quy hoạch đô thị. Đề án đã khai thác được vị trí địa lý thuận lợi, đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc và đô thị bên sông Hồng, tiếp giáp với hành lang xanh, kề cận các đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, khai thác được đặc trưng riêng là khu vực có hệ thống mặt nước phong phú, địa hình bằng phẳng chuyên canh trồng hoa và là khu vực có nhiều công trình di tích lịch sử… làm cơ sở để từng bước xây dựng, hình thành khu đô thị hiện đại tại khu vực Bắc sông Hồng với hệ thống cây xanh, cảnh quan phong phú, có bản sắc riêng, bảo tồn được các giá trị lịch sử trong quá trình đô thị hóa. Đề án Quy hoạch là cơ sở pháp lý để quản lý việc xây dựng theo quy hoạch, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân trong địa bàn huyện Mê Linh và thành phố.

- Tác phẩm Khu nhà ở cao tầng E4 tại lô E4, khu ĐTM Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội của Ths.KTS Hoàng Minh Hải, KTS Lê Quốc Nghĩa cùng các cộng sự: Lê Trung Hiếu, Nguyễn Như Tuấn là tác phẩm thiết kế công trình nhà cao tầng. Công trình được thiết kế theo dạng kiến trúc nhiệt đới, tất cả các phòng đều có ánh sáng tự nhiên, thông thoáng; logia kỹ thuật, giặt phơi được bố trí tại những khóc khuất của công trình, tạo mặt cho mặt đứng công trình được gọn gàng, phù hợp với phong cách sống của người Việt Nam; cơ cấu căn hộ đa dạng, đáp ứng tốt cho cả mục đích thương mại của chủ đầu tư cũng như tái định cư của người dân; các căn hộ được thiết kế với hình thức kiến trúc hiện đại, phù hợp với xu hướng thiết kế mới của nhà chung cư.

Hai mươi lăm tác phẩm được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2018 là thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng như các văn nghệ sĩ đang sống và làm việc ở Hà Nội trong hai năm qua, đã phản ánh được nhiều mặt, nhiều vẻ về cuộc sống của Thủ đô và các vùng miền khác của đất nước. Thay mặt Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Hội đồng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô, chúng tôi xin chúc mừng các tác giả có tác phẩm được giải và xin cảm ơn công sức sáng tạo nghệ thuật của các anh chị. Chúc các anh chị và mỗi chúng ta một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và có nhiều cống hiến trong văn học nghệ thuật để tiếp tục có những tác phẩm mới đạt chất lượng cao, xứng đáng với Thủ đô hơn một ngàn năm văn hiến và đáp ứng được kỳ vọng của độc giả, khán giả và nhân dân Hà Nội cũng như cả nước. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018: Sức sống và tính đa dạng của các tác phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO