Giảm cấm đoán để tăng trách nhiệm

Nhật Anh| 14/01/2021 13:35

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ký ban hành (thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP) đã rộ lên trong dư luận những dấu hỏi về hát nhép, đàn nhái. Công chúng ái ngại sân khấu sẽ chìm trong những bản playback trăm lần như một, giới biểu diễn thì khảng khái bỏ “lệnh cấm” là đúng vì ca sỹ chân chính không ai hát nhép”…

Giảm cấm đoán để tăng trách nhiệm
Một tiết mục biểu diễn ca nhạc
Tháo “vòng kim cô”

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đang được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới trong lành vào làng biểu diễn nghệ thuật vốn nhiều mảng sáng tối hiện tại. Bởi những đổi mới trong Nghị định 144/2020/NĐ-CP được đánh giá là tiến bộ và văn minh hơn hẳn so với Nghị định 79/2012/NĐ-CP khi tăng quyền và trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi tham gia các hoạt động xã hội.

Có vẻ như chiếc “vòng kim cô” siết trên đầu giới biểu diễn 8 năm nay đã được tháo bỏ, nhường quyền giám sát cho ý thức tự thân của mỗi người. Từ 01/02/2020 tới đây, làng biểu diễn trong nước sẽ không còn khái niệm từng gây tranh cãi như “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975” hay “ca khúc trước 1975”, không còn khái niệm nghe có vẻ trịnh thượng “cấp phép” để hài hòa hơn bằng cụm từ “văn bản chấp thuận”. Cá nhân muốn thi người đẹp quốc tế cũng không cần phải có danh hiệu nào từ một cuộc thi sắc đẹp trong nước, chỉ cần có thư mời của ban tổ chức và đang không có tiền án tiền sự, không đang trong giai đoạn bị cấm biểu diễn. Song điểm mới thu hút sự quan tâm không chỉ của giới ca hát là Nghị định 144/2020/NĐ-CP không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79. 

Công chúng không ít người đồ rằng, từ đây ca sĩ sẽ được thoải mái hát nhép trên sân khấu mà không bị các cơ quan quản lý “tuýt còi”. Quả thực, nếu đúng như vậy thì sân khấu biểu diễn sẽ thật giả lẫn lộn, hoặc sẽ ngập tràn các “diễn viên kịch câm” trong các bản playback trăm lần như một, công chúng bỏ tiền mua vé xem ca nhạc chẳng khác gì mua phải “hàng fake”. Tuy nhiên, trước thông tin nhạy cảm này, đại diện lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, nghị định không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái. Bản thân mỗi nghệ sĩ phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình và với khán giả. Nghĩa là nhà quản lý đặt uy tín của ca sĩ vào trong tay của chính ca sĩ để họ tự quản lý, tự chịu trách nhiệm và tự bảo vệ danh tiếng của mình. Nghị định mới được xây dựng trên tinh thần tăng quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động xã hội; giảm bớt những cấm đoán mang tính cá nhân để tăng hậu kiểm của cơ quan quản lý. Còn ca sĩ khi bị phát hiện hát nhép, đàn nhái đã có Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo “lên tiếng”. Được biết, nghị định này hiện cũng đang được Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống có nhiều biến đổi. 

“Vòng kim cô” quy định hoạt động biểu diễn nghệ thuật được tháo bỏ, thì vẫn có vòng cương tỏa của quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Và hơn cả là vòng cương tỏa của đạo đức, của danh tiếng, của trách nhiệm người đứng trên sân khấu.  

Công chúng được gì?

Làng showbiz Việt lâu nay không xa lạ gì với chuyện hát nhép, đàn nhái, đặc biệt là các chương trình truyền hình, cả truyền hình trực tiếp lẫn gameshow. Là bởi có những chương trình thiên về trình diễn, có những thể loại nhạc như EDM, hip hop, rap..., nghệ sĩ cần sự hỗ trợ lớn từ phần nhạc beat, lại có những trường hợp bất đắc dĩ, ví như chất lượng âm thanh ở buổi diễn không tốt. Chính trong giới biểu diễn cũng từng nổ ra tranh cãi về việc hát nhép, hát chồng với những luồng ý kiến trái chiều. Thế nên khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP hiện diện, nhiều nghệ sĩ tỏ ra không đồng tình, vì việc cấm hát nhép không còn, dễ khiến ca sĩ vô tư hát playback trên sàn diễn. Cũng có ý kiến cho rằng xu hướng hát nhép, hát chồng phù hợp với nhiều loại hình chương trình giải trí thiên về trình diễn, không đáng bị bài trừ, chỉ trích. Song cũng có người ủng hộ việc bỏ quy định cấm hát nhép, nhưng không phải vì ủng hộ việc hát nhép mà vì nghệ thuật và giới thưởng thức nghệ thuật.

Ca sĩ Đức Tuấn - giọng ca nuột nà của dòng nhạc trữ tình khẳng định, việc bỏ quy định cấm hát nhép là bước đi đúng xu thế hiện nay. Nghệ sĩ có người hoạt động nghệ thuật vì nghệ thuật, có người hoạt động vì mục đích kinh doanh. Nếu một người biểu diễn vì kiếm sống thì sẽ bằng lòng hát nhép, còn nếu đi hát vì nghệ thuật, cống hiến cho khán giả thì sẽ có cách hát riêng. Cùng quan điểm này, ca sĩ Dương Triệu Vũ nhìn nhận, việc bỏ quy định cấm hát nhép không phải khuyến khích ca sĩ hát nhép, mà cho ca sĩ hoặc những người làm chương trình quyết định cái mà họ sẽ mang tới cho khán giả. Điều này liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp cũng như cách làm nghề của từng ca sĩ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn về vấn đề này, anh khẳng khái: “Tôi nghĩ mỗi người nghệ sĩ sẽ có trách nhiệm với khán giả của riêng họ. Khán giả sẽ hiểu họ đang nhận được những gì và sẽ quyết định lần sau có tiếp tục mua vé hay không. Đó chính là hình phạt và phần thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ, khi khán giả họ nhận ra những thứ mình nhận được từ thần tượng”.

Không riêng gì Đức Tuấn, Dương Triệu Vũ, đa số những giọng ca có tên tuổi trong làng giải trí đều ủng hộ hát live. Bởi khán giả trả tiền và ủng hộ ca sĩ vì họ yêu thích giọng hát của ca sĩ nên họ xứng đáng được thưởng thức một phần biểu diễn thật, một màn trình diễn sống và thật sự chất lượng. Bởi một ca sĩ có năng lực thật sự sẽ không ngại hát live, không một bản thu âm nhép nào có thể so sánh được với một bản live đầy cảm xúc và chất lượng. Bởi câu hỏi khán giả ở nhà nghe một bản nhạc và khi bỏ tiền mua vé xem show cũng nghe chính bản nhạc đó, thì có phải trải nghiệm thưởng thức của khán giả bị bóp chết từng ngày? Và bởi, hát thật là thể hiện sự tôn trọng của ca sĩ đối với khán giả.

Giảm cấm đoán để tăng trách nhiệm
Hoa hậu H’henniê. Top 5 Miss Universe

Thế mới thấy, “chiếc roi” quản lý là các nghị định, quy định luôn cần đổi mới để thích ứng với tình hình thực tế. Chiếc roi quản lý làng biểu diễn sau nhiều lần thay đổi, giờ đã giảm bớt những cấm đoán để cho cá nhân, đơn vị tự đề cao trách nhiệm khi hòa mình vào các hoạt động xã hội. Đó là một hướng đi đúng để lái sân khấu biểu diễn vào quỹ đạo chuẩn của thời nhạc số, của nghệ thuật và thưởng thức. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giảm cấm đoán để tăng trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO