Giảm dần những thị trường rủi ro

Ngọc Tú/LĐTĐ| 14/01/2019 07:45

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 mà Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức mới đây.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2018, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 50.300 lao động nữ (chiếm 34,8%), trong đó thị trường, đông nhất là Nhật Bản (68.737 người), tiếp đến là Đài Loan (60.369 người), Hàn Quốc (6.538 lao động), Ả rập – Xê út (1.920 người), Rumania (1.319 người), Malaysia (1.102 lao động), An-giê-ria (1.014 lao động)…
giam dan nhung thi truong rui ro
Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc. Ảnh minh họa

Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với trên 68.000 lao động, chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tiếp tục gia tăng đều đặn, bình quân tăng từ 0,7 – 1,3%, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên hơn 222.600 người (chiếm 31,52%)…

Làm rõ thêm về những kết quả đạt được, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết, năm 2018, một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường Châu Âu có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam (trong đó có Bungari và Rumania).

Ngoài việc có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề; một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh.

Bên cạnh đó, đối với công tác cấp và cấp đổi giấy phép, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Lao động – TBXH cấp mới cho 50 doanh nghiệp, cấp đổi cho 18 doanh nghiệp, trả lời 47 doanh nghiêp về việc không cấp mới/cấp đổi giấy phép và thu hồi 2 giấy phép của doanh nghiệp.

Đến nay, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 362 doanh nghiệp. Trong năm, Cục cũng chủ động phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; qua đó, kịp thời phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 doanh nghiệp với số tiền 430 triệu đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá cao những kết quả mà Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2018. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để đạt được những con số ấn tượng như nêu ở trên, Cục đã có giải pháp nhằm giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động ngay từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc tại nước ngoài nên vừa đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được chú trọng và chủ động tham mưu ký kết thỏa thuận hợp tác với các nước. Về nhiệm vụ năm 2019 là đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng mở rộng thị trường lao động là tốt nhưng cũng cần lựa chọn thị trường và phải giảm dần những thị trường rủi ro, đặc biệt là phải thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức, có đơn vị và tổ chức hỗ trợ nếu xảy ra rủi ro.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng yêu cầu trong năm 2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cần tập trung đối với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.

“Đối với thí điểm đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản làm việc, ký Quỹ đối với thị trường Hàn Quốc, Cục cần khẩn chương triển khai thực hiện, trước mắt (sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi) cần tổ chức hội nghị đánh giá lại hiệu quả hoạt động các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang đưa lao động đi làm việc tại Nhật và một số thị trường khác. Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước...” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giảm dần những thị trường rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO