Gian nan lên bản tìm trò

Ký sự của Mộng Thường| 09/11/2017 17:56

Có đi và cảm nhận thì mới thấu hiểu những gian nan vất vả mà các thầy cô sống nơi đại ngàn xa xôi của vùng đất Krong (huyện Kbang, Gia Lai) gặp phải. Với họ, đi dạy - không chỉ đơn thuần là nghiệp trồng người mà là mỗi ngày… các em đến được trường là một ngày vui…

Núi chênh vênh, dốc chênh vênh

Theo chân các thầy cô, chúng tôi đến làng xa nhất của xã Krong - làng Pờ Ngăl cũ, ngôi làng nằm ngay giữa rừng sâu trên đỉnh Kon Ka Kinh.

Đi xe máy nửa tiếng trên con đường mòn nhỏ dọc sườn núi, chúng tôi cùng các thầy cô giáo trường PTBT Tiểu học và THCS Krong (trường Krong) phải bỏ xe lại bên con suối lởm chởm đá để tiếp tục hành trình đưa học trò về với con chữ.

Đoạn đường tiếp đến của hành trình này là gian khó nhất, hơn một tiếng rưỡi đi bộ bên dưới tán cây rừng trơn trợt sau mưa của đỉnh Kon Ka Kinh. Đường mòn chúng tôi đi qua thực chất là một mạn sườn được dân bản “xẻ núi” - đi mãi thành đường. Dọc đường đi là những con dốc ngược với đá lớn, đá bé lởm chởm, chồng chéo lên nhau, chỉ cần trợt chân thì bản thân xem như nằm lại bởi bên cạnh là những vực sâu hun hút đến rợn người.

Ký sự
Con đường nhỏ bên mạn sườn đồi

Lạc trong khung cảnh âm u của tán cây rừng, nhìn lên bầu trời giữa trưa chỉ thấy vài đốm sáng le lói xuyên qua tán cây khiến những người lần đầu đặt chân đến vùng đất này như chúng tôi không khỏi thất kinh. Thầy giáo Phạm Minh Trí cười dài trêu chọc “Đây mới là mùa nắng đấy, mùa mưa chắc không dám đưa các anh chị theo, lỡ trợt chân xuống vực chắc chúng tôi bỏ việc bắt học trò để kéo các anh chị đã bở hết hơi tai. Nói thật, chỉ mùa rẫy với mùa mưa lũ trẻ mới bỏ học nhiều chứ mùa này thì đỡ hơn nhiều…”

Xuyên qua, xuyên lại, hết rừng cây, dốc đá lại đến khe suối, chúng tôi mệt mỏi đến rũ người.  Đó là chưa kể ruồi vàng, vắt xanh cứ như những kẻ địch ẩn mình tứ phía, chỉ chờ chúng tôi sơ sẩy là "lao đến thăm hỏi, để lại dấu tích". Cô Phùng Thị Thu Thủy, giáo viên có 3 năm theo nghề bám bản kể lại “Đi đón các cháu ra trường học, trời nắng còn đỡ chứ khi mưa xuống, đất rừng ẩm ướt là lúc loài vắt xuất hiện. Con vắt dưới đất còn đỡ, loại vắt xanh trên cây, chỉ cần búng mình một phát là cổ, đầu, tay, bụng – nơi nào có kẻ hở là chúng chui tọt vào, cắn no máu rớt đi lúc nào chúng ta không biết nhưng nhìn lại thì ôi thôi, máu chảy cầm không kịp. Những ngày đầu vào đây, tôi và các cô giáo khác phải nhiều lần khóc thét với chúng. Bên cạnh vắt là ruồi vàng, loài này cũng nguy hiểm không kém. Nó không tiếng động, cắn vào tay, chân rồi bay đi mất, chỉ khi nào ngứa ngáy chúng ta mới phát hiện. Phát hiện ra thì máu đã chảy, còn để lại dấu máu tụ đỏ tại vết cắn, nếu không kịp nặn hết chỗ máu đó ra thì sẽ bị ngứa và bầm đen chỗ đấy… bôi dầu cũng không dứt.” Những câu chuyện manh mún dọc đường, về những nguy hiểm rình rập khiến chúng tôi nghe mà không khỏi bủn rủn tay chân.

Ký sự
Khe nước giọt nằm giữa quãng đường đón các em học sinh

Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều ngã rẽ, cứ ngỡ sắp đến nơi thì các thầy cô cười bảo: “Đường về làng còn xa lắm, đến điểm nước giọt bà con nghỉ chân thì mới được nửa đường…”. Mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi cùng các thầy cô mới đến được điểm đầu của làng Pờ Ngăl cũ. Thầy Thái Minh Kiệt, giáo viên tiểu học của trường PTBT tiểu học và THCS Krong cho biết: “Nếu đặt chân đến điểm cuối làng thì phải mất tầm 5 giờ đồng hồ đi bộ. Người làng Pờ Ngăl họ ở theo cụm nhà Đầm, mỗi nhà từ 5, 7 đến 10 hộ, rải rác dọc các tuyến suối vắt ngang rừng… Làng Pờ Ngăl mặt dù đều có nhà ở khu tái định cư mới, nhưng họ vẫn cứ quay về làng cũ để làm ăn và sinh sống, đây là điều khó khăn đối với cả thầy và trò trường chúng tôi. Học sinh thì gian nan tìm con chữ mà thầy cô thì gian nan trên hành trình tìm trò…

"Cõng chữ" lên non

Xuyên qua cánh rừng sâu hun hút, trước mắt chúng tôi, ánh sáng chiếu rọi rực rỡ, một  loạt những căn nhà sàn nằm san sát nhau, nằm ven một thung lũng được nhộm vàng bởi màu lúa chín.

Ký sự
Một khu nhà đầm - nơi học sinh trú ngụ, nằm sâu trong rừng

Chúng tôi chưa kịp hỏi thăm, vừa nghe tiếng, một người đàn ông vạm vỡ đang rửa tay đầu giọt nước mà sau này tôi mới biết tên là Đinh Phănl vồn vã thứ tiếng Việt lơ lớ: “Ơ, thầy giáo, cô giáo vào đấy à! Nhà mình 3 đứa đi học hết rồi ơ, đứa nào không đi mình bắt đi hết, học với thầy để biết cái chữ, để sau này làm cán bộ, làm trưởng làng.... Chỉ có nhà Gonh có con Thắch ở nhà thôi…”.

Thầy Trần Thanh Hải, phụ trách sỹ số trường Krong không khỏi nhìn chúng tôi, buồn cười và hỏi lại: “Ô! Ưh kơ băt! (Mình không biết – PV) Thăch lớp 4 trốn ở nhà à?” – Đinh Phănl vội nói: “Nó coi em trong nhà đấy!”, một lời khẳng định.

Cùng lúc đó, chúng tôi chưa kịp nhìn thì như một thói quen thường trực - nhanh nhẹn, một người thầy khác, thầy Kiệt đã vội chạy nhanh đến và “tóm gọn” cô bé con trốn bên mép căn nhà sàn phên tre, vách nứa đằng xa. Khi chúng tôi đến, bên cạnh em là chiếc cối đầy ắp những hạt gạo trộn lẫn vỏ trấu đang được giã dở tay. Người đàn bà không hiểu tiếng Kinh chỉ biết cười một cách bẽn lẽn khi thấy thầy giáo túm lấy con mình.

Ký sự
Nhanh tay "tóm" học sinh như một bản năng thường trực

Sau một hồi trao đổi bằng ngôn ngữ bản địa, nhìn cách giao tiếp thân tình, tay bắt mặt mừng, tiếng cười đùa ríu rít như kể chuyện nhà, hỏi thăm ruộng vườn,… các thầy đã có thể mang Đinh Thị Thắch (lớp 4) đi cùng. Nói với chúng tôi, thầy Trí cho biết: “Người làng này sống còn hoang sơ và bản địa lắm. Thầy cô phải học tiếng Barhnar để giao tiếp, dễ dàng dân vận. Thế nên mới có câu “người thầy là người đi đầu trong mọi công tác, trong đó có cả “dân vận”" ở đây là thế. Cuộc sống bây giờ đỡ rồi chứ ngày xưa, trong nhiều năm bám bản, bám làng, tôi phải cùng ăn - cùng ở - cùng làm với dân, được dân bao bọc, chăm nuôi. Họ xem tôi như thành viên trong gia đình, trong cộng đồng, với lại mình là thầy, mình truyền dạy cái chữ nên mình nói gì họ cũng nghe cả. Nếu không sẽ rất khó, họ thấy người lạ, họ sợ và chạy như những con thú hoang xuyên rừng thì mình đành bó tay thôi...”

Ngoài Thắch, chuyến đi của chúng tôi và các thầy cô tìm được 3 em nữa về trường. Trước đó, những chai nước ngọt mang theo không hiểu để làm gì thì đến khi về, nhìn các em mỗi người một chai xách theo bên mình cười đùa vui vẻ, chúng tôi càng hiểu hơn. Muốn các em đi học cũng phải có quà khuyến khích từ các thầy cô….

Ký sự
Đoạn đường trơn trợt, các thầy phải cõng học sinh vượt qua

Đường đi đã gian nan, đường về lại càng khổ hơn, nhiều đoạn đường trơn trợt chân bám không chắc, các thầy cô mỗi người cõng một em vượt qua đoạn đường gian khổ để về đến chỗ đậu xe ban đầu. Được biết, cứ đến mùa rẫy, một tháng đôi lần, các thầy cô lại bắt đầu kiểm tra sĩ số, thống kê địa điểm rồi chia nhau, phân công đến các điểm làng để vận động các em đến trường. Thầy Trí cho biết “Điểm làng gần trường thì dễ, phân các cô giáo trẻ đi đến đón các em. Còn đa phần các điểm làng xa như Pờ Ngăl, các thầy phải nhận nhiệm vụ, chứ đi bộ mà 4 – 5 tiếng mới đến nơi thì các cô giáo không đủ sức. Ngày trước, khi chưa có trường bán trú, nói đến Pờ Ngăl dạy là ai cũng sợ rồi, trước đây có người, vào dạy được 1 tuần về bỏ nghề luôn…”

Nhìn cảnh các thầy cô đón đưa các em ra trường, nắm bắt từng cành cây, ngọn cỏ, từng nóc nhà cứ như thể nhà mình, chúng tôi càng trân trọng cái nghiệp trồng người giữa đại ngàn của những người đưa đò… thầm lặng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gian nan lên bản tìm trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO