Giao lưu thơ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

PV| 19/07/2017 11:33

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Chủ nhiệm CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam tổ chức buổi giao lưu thơ tại Thư viện Hà Nội và tuyển chọn các bài thơ hay để in tuyển tập.

Giao lưu thơ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Như Bác Hồ đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”, CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam có nhiều hội viên là thương binh, khi rời quân ngũ trở về với đời sống thường ngày vẫn lạc quan, yêu đời vươn lên... Đặc biệt có 2 thương binh, nhà giáo thương binh 1/4 Nguyễn Tường Vĩnh, nguyên Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lao động và Xã hội, nguyên Phó chủ nhiệm CLB; và nhà giáo thương binh 2/4 TS Cao Ngọc Châu, Phó chủ nhiệm CLB kiêm Chi hội trưởng CGC, trưởng ban tuyển chọn thơ tấm lòng nhà giáo. 

Mơ ước của nhà giáo thương binh Nguyễn Tường Vĩnh trong bài Mơ ước của tôi thật giản dị mà rất đẹp:

Ước mơ chính đáng của tôi
Làm thầy giáo giỏi để đời tôn vinh
Chiến tranh thành lính pháo binh
Hai thời chinh chiến quên mình vì dân…

Còn với nhà giáo thương binh Cao Ngọc Châu thì viết trong bài Lời liệt sĩ:

Viên đạn Mỹ xuyên sâu ba phân bảy
Cửa sổ tâm hồn vỡ nát một bên
Nửa thân trái râm ran tê buốt
Năm canh trường trăn trở không yên

Nhưng anh không nghĩ nhiều về mình mà đau đáu nhớ lời đồng đội đã hy sinh:

Như bên tai lời liệt sĩ thầm thì:
“Anh may mắn được trở về dưỡng mẹ
Nhà cửa ấm êm, cháu con vui vẻ
Thưởng thức thêm bao mới mẻ trên đời
Còn chúng tôi, xương cốt đã mục rồi
Vẫn nằm lại nơi biển khơi, rừng thẳm
Chưa từng biết vị nụ hôn say đắm
Vẫn ung dung thanh thản mỉm cười”

Về đề tài thương binh, nhà giáo Bùi Thị Hội đã nói lên nỗi xót xa thông cảm qua bài thơ Tình nặng ơn sâu:

Và hiện thân những đau đớn vẫn còn
Những thương binh phải đi bằng đôi nạng
Những đôi mắt mất đi nguồn ánh sáng
Những thịt xương còn găm nhức mảnh đạn bom
Những nỗi đau truyền kiếp chất “da cam”

Còn bài thơ Anh cựu chiến binh – Bộ đội Cụ Hồ lại là những lời ngợi ca của nhà giáo Nguyễn Hữu Ninh:

Đất nước thanh bình
Thân hình không còn như lúc rời quê hương
Người còn một mắt vẫn thấy điều hay, lẽ phải
Người còn một chân, vẫn đi đúng lối, phải đường.    
Còn nhà giáo Bùi Minh Trí đã dành một niềm cảm phục người thương binh tuy “tàn nhưng không phế” hôm nay:

Hôm nay anh khoác áo nông dân 
với dáng đi không tuổi
Bước vào cuộc chiến đấu mới
Lời Bác thắp đỏ trái tim
Bên bãi bồi trải dài một màu xanh
Cây trĩu quả, mô hình VAC trang trại
Gương thương binh sáng vùng quê đổi mới
Sông hiền hòa sóng nổi lao xao
Ổi, táo thơm vườn, ươm cây năng suất cao
Đẹp mái nhà, ấm nghĩa tình làng xóm.    
Là người con của gia đình có 9 người tham gia cách mạng, trong đó có người chị ruột Võ Thị Xuyến được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, và mẹ của chị được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhà giáo Võ Thị Xuân Lan, nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức Bộ GD & ĐT, nguyên Bí thư Đảng ủy trường Cán bộ quản lý và trường Đại học tại chức, đã viết bài thơ Người chị anh hùng từ nguyên mẫu người chị ruột thật xúc động:

Chị đã hy sinh rồi chị ơi
Giữa đêm vằng vặc ánh sao trời
Như một thiên thần vào vĩnh cửu
Yêu thương kính phục cho bao người.

Còn nhiều bài thơ khác của các hội viên nói về sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, kể sao cho hết… Chẳng hạn, trong bài thơ Ru anh, nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đã nói hộ mẹ mình – một người vợ liệt sĩ, những lời thơ ân tình:

Ngủ ngon đi, ngủ đi anh
Yêu thương em khẽ cất thành lời ru
Từ trong sâu thẳm mịt mù
Dịu đau những vết quân thù bắn anh.
Và một sự so sánh khiến ta thấu hiểu nỗi đau của người vợ liệt sĩ:
Dáng em giờ chẳng còn mềm
Tóc em sợi trắng, sợi đen nhiều rồi…
Anh còn mãi tuổi đôi mươi
Biết làm sao xứng với người năm xưa.

Bài thơ này của nhà thơ Ánh Tuyết đã được cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc. 
Hay như nhà giáo Nguyễn Mạnh Chu đã khéo léo kể chuyện Người lính già về thăm Nghĩa Lộ bằng những câu thơ mộc mạc:

Đến Nghĩa Lộ hôm nay sau 57 năm
Ngày quãng nắng, nhớ thương trời vời vợi
Hương đổ liêu xiêu run hồn người đồng đội
Mắt đỏ chiều nhòa ánh lửa khói nhang
Đêm công đồn xưa đạn chớp đỏ nhập nhoàng
Còn đau nhói vết thương đầu tê dại
Giặc kéo cờ hàng, còn bạn ông nằm lại
Một tượng đài chiến thắng dựng lên! 

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bằng những vần thơ từ tận đáy lòng, chúng tôi - những thành viên của CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam xin được thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giao lưu thơ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO