Giật mình với nhiễm khuẩn bệnh viện

Bích Hà/LĐO| 26/11/2017 23:34

Nguyên nhân cuối cùng khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong tại BV Sản Nhi Bắc Ninh chưa được các cơ quan chức năng kết luận.

Giật mình với nhiễm khuẩn bệnh viện
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Sản Nhi Bắc Ninh
.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án, biên bản họp của Hội đồng chuyên môn và báo cáo của BV Sản Nhi Bắc Ninh, các thành viên của Hội đồng đã thảo luận, phân tích và thống nhất đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn gây ra cái chết vô tội?

Sáng 20.11, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh - ông Lê Văn Nam - xác nhận thông tin: 4 trẻ sơ sinh (2 trai, 2 gái) đã tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh trong khoảng thời gian từ 2h - 9h30 ngày 20.11. Cả 4 trường hợp trẻ tử vong đều là trẻ sơ sinh non, yếu, mắc bệnh phổi và một số bệnh khác, phải nằm lồng ấp, thở máy.

Trong 4 trẻ tử vong, có trẻ đang điều trị tại bệnh viện ít nhất là 3 ngày và nhiều nhất là 10 ngày. Theo báo cáo của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, 4 trẻ sinh non tử vong là bé Vi Thị P (sinh ngày 13.11.2017) vào viện ngày 13.11 với chẩn đoán suy hô hấp/đẻ non 34 tuần; bé Vũ Hải Đ (sinh ngày 12.11.2017) vào viện ngày 12.11 với chẩn đoán suy hô hấp/đẻ non 34 tuần; Bé Vũ Đình C (sinh ngày 13.11.2017) được chẩn đoán suy hô hấp/đẻ non 32 tuần; Bé Nguyễn Hà V (sinh ngày 16.11.2017) có chẩn đoán suy hô hấp/đẻ non 35 tuần, suy dinh dưỡng bào thai.

Các đánh giá sơ bộ những bệnh nhi chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai và BV Nhi Trung ương đều có chung nghi ngờ do nhiễm khuẩn huyết.

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) tiếp nhận 3 trẻ được chuyển đến từ BV Sản Nhi Bắc Ninh. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, quyền Trưởng Khoa Nhi, 2 trẻ sơ sinh ở ngày thứ 4 sau sinh, 1 bệnh nhi ở ngày thứ 11 sau sinh cũng được chẩn đoán có tình trạng nặng. Những bệnh nhân này đang được đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh để can thiệp kịp thời nếu có diễn biến sốc nhiễm khuẩn.

Tại BV Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cũng cho biết, trong 10 trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương có 4 bệnh nhi đang trong tình trạng nặng, điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly.

Hiện tại có 2 bé thở máy, 2 bé tự thở oxy, hô hấp, tuần hoàn đang trong tầm kiểm soát. Bệnh viện đã có kết quả cấy vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đưa ra 3 khả năng gây nhiễm khuẩn cho các bệnh nhi. Nguyên nhân thứ nhất có thể nhiễm khuẩn từ tác nhân chăm sóc hàng ngày như bàn tay, hơi thở của người chăm sóc, dụng cụ... Nguyên nhân thứ hai do quá tải bệnh viện. Nguyên nhân thứ 3, Bộ trưởng Bộ Y tế nghĩ đến là tình trạng quá tải sức lao động của cán bộ y tế bệnh viện.

Nhiễm khuẩn bệnh viện nỗi lo chưa bao giờ hết

Theo các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Đặc biệt, nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỉ lệ tử vong (30 - 40%). Trong khi đó, 1/3 nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, mà nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế trong năm 2016 mới chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát nhiễm khuẩn chuyên trách. Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Trong tổng số 93 bệnh viện có thực hiện giám sát nhiễm khuẩn, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 3,6% (cao nhất tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%).

TS Nguyễn Việt Hùng cho biết: với trẻ sơ sinh mà nhiễm khuẩn bệnh viện thì nguy cơ tử vong rất cao. Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một thách thức với các cơ sở y tế, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở đơn vị sơ sinh.

Do đó, để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, theo các chuyên gia, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi bệnh nhân; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời, có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản cho học viên tại các trường đạo tạo ngành y trước khi tới thực hành tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn; những khu vực cần tập trung nguồn lực là các đơn vị Hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa... Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải...

Câu chuyện nhiễm khuẩn bệnh viện chưa bao giờ có hồi kết. Sẽ còn những bệnh nhân vào viện phải gánh thêm bệnh từ nhiễm khuẩn bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giật mình với nhiễm khuẩn bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO