Giữ gìn ''viên ngọc'' hồ Văn

HNMCT| 01/09/2021 09:06

Nằm trong không gian chung của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Văn cùng vườn Giám và khu nội tự tạo thành tổng thể kiến trúc hài hòa, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Vì thế, việc giữ gìn “viên ngọc” hồ Văn có ý nghĩa đặc biệt.

Giữ gìn ''viên ngọc'' hồ Văn
Hồ Văn nhìn từ trên cao.

Vẻ đẹp được khẳng định

Nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa thuộc thôn Minh Giám (tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương), nay thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Quần thể di tích này nằm trên diện tích 54.331m2, bao gồm hồ Văn, vườn Giám và khu nội tự. 

Hồ Văn nằm trước mặt Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng bị chia cắt bởi phố Quốc Tử Giám. Hồ có khuôn viên rộng 11.932m2 (năm 2017), giữa hồ là gò Kim Châu. Trước kia, trên gò có Phán Thủy đình - nơi các nho sĩ thường lui tới để bình văn chương thơ phú. Ngày nay, Phán Thủy đình tuy không còn, nhưng trên gò vẫn còn hai tấm bia đá ghi lại vẻ đẹp của hồ Văn và quá trình trả lại hồ Văn cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Tấm bia thứ nhất được dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) trong dịp tu sửa Văn Miếu và nạo vét hồ Văn, do Hoàng giáp khoa Tân Hợi, Bố chánh Hà Nội Lê Hữu Thanh soạn, có nội dung: “Trước Miếu có hồ nước lớn, trong hồ có gò Kim Châu, vào khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1668 - 1671), Tham tụng họ Phạm (Phạm Công Trứ) làm 10 bài thơ vịnh Phán Thủy để ghi lại cảnh đẹp. Lâu ngày, cát đọng lại, cỏ dại mọc lan, lòng hồ ngày càng nông cạn, thu hẹp lại. Mùa thu năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức (1863), tôi cùng Cao đài Đặng Lương phủ (Đặng Tá) dựng đình bia Tiến sĩ và sửa sang khu hồ, mở rộng chỗ hẹp, khơi sâu chỗ nông, phá chỗ rậm rạp cho phong quang để thấy rõ cảnh trí của hồ, của núi. Mùa thu năm Ất Sửu (1865), Đặng sứ quân lại xuất tiền nhà xây một đình trên gò Kim Châu. Đình làm xong gọi là Văn Hồ đình...”.

Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, do phân cách địa giới hành chính, khu Văn Miếu thuộc tỉnh Hà Đông. Khi trao trả Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại cho tỉnh Hà Nội, khu hồ Văn đã bị bỏ sót. Năm 1939, các văn nhân, nho sĩ Hà Nội đã đệ đơn trình Thị trưởng Hà Nội xin trả lại hồ Văn về địa phận Văn Miếu. Tháng 5-1940, Hội đồng Thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ Văn về Văn Miếu. Sự kiện này được khắc lại trên bia “Hoàn Văn hồ bi” do Cử nhân khoa Quý Mão, quan Tổng đốc trí sĩ Hoàng Huân Trung soạn năm Bảo Đại thứ 17 (1942). 

Bảo vệ “viên ngọc” quý

Có thể thấy, hồ Văn là một thắng cảnh đẹp ở kinh thành Thăng Long và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, nho sĩ. Tuy nhiên, nội dung các tấm bi ký cũng cho thấy hồ Văn từng có nguy cơ “biến mất” do điều kiện tự nhiên và cả con người. Giai đoạn từ năm 1946 đến những năm 1990, hồ Văn bị xâm phạm nghiêm trọng khi 278 hộ dân xung quanh lấn chiếm với tổng diện tích 4.227m2. Do nhiều nguyên nhân, phải tới năm 2005, hồ Văn mới được tu sửa lớn. Năm 2006, sau khi hoàn thành, hồ được bàn giao cho Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý. 

Để phát huy tối đa giá trị của hồ Văn, tháng 7-2021, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tiến hành phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu theo Dự án Bảo tồn, tôn tạo và khai thác Khu di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3496/QĐ-UBND ngày 31-8-1998.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc triển khai dự án này nhằm trả lại một thành phần quan trọng với đúng chức năng và vị trí vốn có trong tổng thể khu di tích; góp phần làm tăng giá trị cảnh quan khu vực đô thị xung quanh, đồng thời phát huy giá trị tổng thể khu di tích.

“Việc phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khu vực hồ Văn, đưa nơi đây trở thành một điểm thu hút khách du lịch và là nơi tổ chức các sự kiện liên quan tới các hoạt động chung của khu di tích”, ông Kiêu khẳng định.   

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Minh Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của Hà Nội và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương xung quanh khu vực di tích, đồng thời gìn giữ các di sản văn hóa, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.

TIN LIÊN QUAN
(0) Bình luận
  • Ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng
    Trong khuôn khổ Lễ khai hội làng gốm cổ Bát Tràng, UBND xã Bát Tràng đã ra mắt Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (gọi tắt là Trung tâm Thiết kế sáng tạo).
  • Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì đón nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội"
    Ngày 9/3, UBND quận Hoàng Mai tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, phường Thanh Trì.
  • Nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
    Ngày 17/2, tại di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia Đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII và công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Câu đối Tết ở Thăng Long - Hà Nội
    Xưa, trong ngày Tết Nguyên Đán, người Việt thường treo câu đối đỏ ở cửa ra vào. Ở Thăng Long - Hà Nội, treo câu đối không chỉ là một nét văn hóa truyền thống mà còn được xem như một hình thức nghệ thuật tao nhã, thể hiện sự sâu sắc trong tư duy của người dân Kinh kỳ.
  • Thương nhớ hương vị Tết Hà Nội
    Hương vị Tết Hà Nội xưa luôn là nỗi nhớ thương đến thao thiết, đằm sâu trong tôi khi những ngày sau cùng của mùa đông đang dần trôi, dù tôi đã qua 49 cái Tết ở quê nhà TP. Hồ Chí Minh. Đó là nét vương vấn của những năm tháng ba má tôi tập kết ra Bắc và công tác ở Hà Nội trong 20 năm, rồi sinh ra tôi ở Thủ đô.
  • Chợ Tết cổ truyền làng Mọc xưa và nay
    Làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là một trong những vùng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cho đến nay. Một trong số đó là phiên chợ Tết ngày 27 tháng Chạp vẫn diễn ra đều đặn hằng năm và rất sầm uất suốt hơn 6 thế kỷ qua.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn ''viên ngọc'' hồ Văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO