Góp thêm tiếng nói mới vào thơ văn Hà Nội

An Nhi/Hanoimoi| 19/08/2019 22:54

Hòa cùng dòng chảy chung của văn học cả nước, 10 năm qua, Hà Nội đã bổ sung một lực lượng dồi dào những người viết trẻ, sinh từ năm 1980 trở về sau. Với những sáng tác dày đặc, họ đã và đang góp thêm tiếng nói mới cho đời sống văn chương Hà Nội. Tuy nhiên, để tạo ra những tác phẩm hay, có giá trị cao thì những người cầm bút trẻ phải nỗ lực nhiều hơn.

Góp thêm tiếng nói mới vào thơ văn Hà Nội
Sáng tác của các tác giả trẻ phù hợp với xu thế và thu hút độc giả hiện nay. Ảnh: Nhật Nam

Đời sống sáng tác đa dạng

Tại sao phải nhìn lại chặng đường 10 năm gần đây của văn học trẻ Hà Nội? Câu trả lời có lẽ cũng không nằm ngoài dấu mốc sau khi "điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan", mọi hoạt động trở nên ăn khớp, nhịp nhàng, đời sống văn học Thủ đô cũng hình thành một lứa sáng tác mới. Đó là những người trẻ đang sống ở nội thành được thỏa sức khám phá những vùng đất mới và ngược lại, hay những tác giả trẻ từ nhiều địa phương chọn Hà Nội là nơi sinh sống, học tập, làm việc… Nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội nhìn nhận, văn học trẻ 10 năm qua có đời sống sáng tác đa dạng, với nhiều tên tuổi nối tiếp nhau xuất hiện.

Ở mảng thơ, những tác giả thế hệ 8X, 9X như Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Học, Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Trương Quế Chi, Nguyễn Thị Kim Nhung, Ngô Gia Thiên An… hiện diện khá dày đặc trên các ấn phẩm, với những trang viết về Hà Nội đầy tươi mới. Theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, những tác giả này đều có lưng vốn viết nhất định, một số công tác tại các cơ quan báo chí hoặc văn chương, rất thuận lợi để viết, nên những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị về nội dung, bám sát đời sống.

Ở mảng văn, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh nhận định, có hai dòng chính. Dòng bài bản có những tác giả như Nguyệt Chu, Mai Dương Dương, Chu Thùy Anh… với những truyện có bối cảnh khai thác yếu tố địa phương, về những đề tài xoay quanh cuộc sống gia đình, kết cấu chặt chẽ, đầy đủ lớp lang, thắt nút, mở nút, thể hiện thông điệp rõ ràng. Dòng “mở” đang ngày càng vượt trội cả về chất và lượng, đại diện là các tác giả Nhật Phi, Đinh Phương, Nguyễn Phương Anh (Maik Cây), Phạm Bá Điệp, Dương Hằng, Vũ Tùng Lâm… Phần lớn họ bước ra từ cuộc thi Văn học tuổi 20 của Nhà Xuất bản Trẻ, mang làn gió mới cho văn chương ở nhiều thể loại.

Văn học trẻ Hà Nội 10 năm qua còn ghi nhận sự xuất hiện nổi bật của những tác giả truyện tranh, tạo nên sự sôi nổi hiếm thấy trong hoạt động xuất bản. Những sự kiện ra mắt bộ truyện tranh lịch sử “Long thần tướng” của nhóm Khánh Dương, Thành Phong, Mỹ Anh luôn thu hút đông đảo bạn trẻ, sách được đặt trước nhiều ngày và luôn trong tình trạng “cháy” hàng. RED - tác giả bộ truyện tranh “Twins”, thường ký mỏi tay mỗi lần giao lưu hay ra mắt tập truyện mới. Đây là hai trong nhiều ví dụ về sự thành công của những người viết trẻ Hà Nội dấn thân vào lĩnh vực nghệ thuật, giao thoa giữa văn học và hội họa. Điều này cũng tạo nên diện mạo phong phú cho văn học Hà Nội, góp phần truyền tải những câu chuyện của đời sống, đáp ứng nhu cầu của độc giả Thủ đô hôm nay.

Để bước tiếp chất lượng

Theo nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng, văn học trẻ Hà Nội tuy phát triển khá mạnh mẽ về số lượng tác giả, tác phẩm, nhưng dễ bị lãng quên, hiếm có tác phẩm mang tính đột phá. Thực tế, mong muốn có tác phẩm chất lượng cao, xứng tầm đối với các tác giả kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm đã khó, nên những người viết trẻ chưa đạt được cũng là điều dễ hiểu. Song, để bước tiếp trên con đường văn chương, tạo nên những tác phẩm ngày càng có chất lượng, thì các tác giả trẻ cần nỗ lực hơn.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn cho rằng, các tác giả trẻ phải tự học và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, bởi đây là cốt lõi để hy vọng viết được những tác phẩm hay. Bên cạnh đó, họ cần đọc và học những người đi trước, đọc của bạn bè để tránh những cái đã viết và tích lũy thêm kiến thức cho mình. Đồng quan điểm đó, nhà thơ Trần Hữu Việt khẳng định, sự thành công chỉ đến với những người kiên trì, mạnh dạn dấn thân. “Kinh nghiệm của lớp trước là đừng bao giờ chờ cảm xúc đến mới cầm bút, mà phải tạo lập cho mình một thói quen sáng tác chuyên nghiệp, đến giờ là viết”, nhà thơ Trần Hữu Việt chia sẻ.

Một điều dễ nhận thấy, những người viết trẻ đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, dù chọn đề tài nào cũng thấy phảng phất trong trang viết hình ảnh Hà Nội. Họ cũng được kỳ vọng sẽ là lớp kế cận tạo thêm những áng thơ văn mới thật hay, thật đẹp và giá trị về Thủ đô. Muốn vậy, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, các tác giả trẻ nên mở rộng biên độ sáng tác ra khu vực ngoại thành, có những đặc trưng văn hóa đa dạng và khác biệt với phố phường nội đô. Không gian, bối cảnh mới luôn tạo nguồn cảm hứng cho người viết.

Phải nói rằng, văn học trẻ Thủ đô gần đây được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Việc ra mắt Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội thuộc Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội mới đây là minh chứng. Với số lượng hơn 40 thành viên, trong đó nhiều người viết còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đây được kỳ vọng là nơi tạo nguồn cho văn học Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội khẳng định, câu lạc bộ sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu tác phẩm mới, trao đổi, tọa đàm văn chương, đi thực tế sáng tác…, nhằm tạo những bước tiến vững chắc cho lực lượng sáng tác trẻ Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành
    Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Đừng bỏ lỡ
Góp thêm tiếng nói mới vào thơ văn Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO