Hà Nội - Tấm gương văn hóa

05/02/2018 12:59

Năm 2018 này, Thủ đô Hà Nội bước vào năm thứ 10 kể từ khi mở rộng địa giới hành chính và hợp nhất.

Hà Nội - Tấm gương văn hóa
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, giai đoạn 10 năm qua đã khắc tạc những dấu ấn lịch sử đặc biệt. Ở trung tâm của chặng đường một thập kỷ đó, đã dựng lên một cột mốc vàng trong lịch sử dân tộc: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng không chỉ có vận hội lớn, đây cũng là một thập kỷ đầy thách thức gay gắt khi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải căng sức giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ trên hầu hết mọi lĩnh vực.
Hà Nội không nhất thiết đi đầu cả nước về kinh tế, nhưng Hà Nội nhất thiết phải đi đầu, làm gương cho cả nước về văn hóa. Đó chính là vai trò đại diện, là nghĩa vụ, là trách nhiệm của Thủ đô. Nơi đây từ nghìn năm qua là nơi hội tụ - kết tinh - lan toả những giá trị cao quý của dân tộc.
Bất cứ một quốc gia nào, nhất là quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, đều phải đối mặt với bài toán bảo tồn - phát triển. Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao biến động dữ dội và đau lòng qua các triều đại và thời kỳ lịch sử, Hà Nội hôm nay ôm trong lòng mình biết bao di tích - di tích chồng lên di tích. Vì thế, khi xây dựng các công trình, khó tránh khỏi sự động chạm vào di tích trên mặt đất hay dưới lòng đất. Điều quan trọng nhất là phải có quan điểm đúng và cách ứng xử đúng với di tích. Đó là thái độ đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, không vì phát triển mà xâm hại bảo tồn. Hà Nội đang nêu một kinh nghiệm quý cho cả nước khi giải quyết vấn đề này. 
Nhiều người còn nhớ rõ, tại số 18 phố Hoàng Diệu, việc khai quật khảo cổ lúc đầu chỉ nhằm giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia và nhà Quốc hội. Khi 10.000 mét vuông ở khu A, khu B, một phần khu D được khai quật thì đột ngột hiện ra tầng tầng lớp lớp di tích Hoàng thành Thăng Long xưa. Trước một kho báu di sản đặc biệt vừa phát lộ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia về Mỹ Đình. Trong số 20.000 mét vuông khu vực 18 Hoàng Diệu, chỉ sử dụng 9.000 mét vuông xây dựng nhà Quốc hội, còn diện tích Khu A và Khu B được dành hoàn toàn cho việc bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long. Thông điệp từ lòng đất, tiếng vọng của lịch sử lay động chúng ta, nhắc nhở chúng ta phải ứng xử đúng. Một công viên lịch sử văn hóa đa năng đã được quyết định xây dựng bằng việc kết hợp dự án nhà Quốc hội và dự án bảo tồn dấu tích kinh thành Thăng Long xưa vào một dự án tổng thể. Đây là trường hợp điển hình về việc giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn - phát triển, để bây giờ nhà Quốc hội vẫn được xây mà chúng ta vẫn bảo tồn được một di sản vô cùng quý giá để lại cho muôn đời và đã được UNESCO vinh danh. Hay đối với Đường Lâm, một làng cổ thuần nông - một di tích sống - nơi người dân đang sống trong di sản đó, thì phải làm sao bảo tồn được những cái cần bảo tồn, đồng thời quan tâm giải quyết một cách thích đáng nhất nhu cầu thiết yếu của người dân khi có gia đình 4 thế hệ sống trong một ngôi nhà, rất chật chội mà không được mở rộng, sữa chữa hay xây mới. Có người dân đã chua chát nói rằng: “Chúng tôi sống trong di sản mà không khác gì con thú bị nhốt trong cũi cho người ta tới xem, khách đến tham quan rồi lại đi…”
Bảo tồn di sản không chỉ để giáo dục truyền thống, cân bằng tâm thức xã hội mà còn tạo nguồn lực phát triển. Chúng ta phải bảo tồn như  thế nào đây, khi một cái cầu như Long Biên, hơn một trăm năm nay vẫn phải oằn mình chuyên chở giao thông. Không thể nói cái cầu đó vì nó là di sản quý nên chỉ để làm bảo tàng. Phải hết sức tránh cực đoan, chỉ nhìn thấy sự phát triển mà quên đi việc bảo tồn hoặc ngược lại chỉ chăm chăm nhìn thấy việc bảo tồn, chăm chăm giữ khư khư nó như thế trong khi xã hội đang phát triển, thành phố đang mở mang, hiện đại hóa làm sao để nguyên như vậy được… Phải có kiến thức để phân loại cái gì cần bảo tồn hoàn toàn, dứt khoát không được động đến, cái gì thì bảo tồn từng phần, cái gì thì đưa vào bảo tàng, phải làm hết sức khoa học.
Các di tích lịch sử văn hóa trên đất Thăng Long – Hà Nội là tài sản vô giá, được nhân loại ngưỡng mộ và tôn vinh. Kết quả một cuộc bình chọn quốc tế vừa được công bố gần đây đã xếp Hà Nội đứng thứ 6 trong số 10 thành phố có sức hấp dẫn du lịch nhất thế giới; một cuộc bình chọn quốc tế khác lại xếp phở Hà Nội là một trong 10 món ăn tuyệt hảo nhất. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và khai thác các “tài nguyên du lịch” tại Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với giá trị của di tích và các lợi thế. Đó là do chúng ta chưa nhìn thấy hết để có cách thức khai thác tiềm năng kinh tế dồi dào ẩn chứa trong kho báu di sản văn hóa đồ sộ của Thăng Long – Hà Nội.  Cái mà chúng ta cần gìn giữ là toàn bộ hệ thống giá trị quý báu, toàn bộ không gian sống, không gian tinh thần, hồn cốt dân tộc.
Khi Hà Nội mở rộng, đón nhận hơn 3 triệu người từ các vùng nông thôn Hà Tây và một số địa phương của Vĩnh Phúc và Hòa Bình, không ít người lo ngại rằng chất lượng đô thị vốn chưa cao, nay có thể bị suy giảm và văn hóa Thăng Long khó mà giữ được bản sắc thanh tao, sang trọng, nguyên khiết của mình. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh - một phong trào xã hội đã được tiến hành bền bỉ từ nhiều năm nay - chưa thực sự đưa lại những kết quả mong muốn. Văn hóa ứng xử vẫn còn là vấn đề chưa thể làm chúng ta yên lòng. 
Tôi nhớ, 30 năm trước, hai bộ phim tài liệu chính luận “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn lừng danh Trần Văn Thủy được công chiếu đã lay động sâu sắc tâm thức người Hà Nội. Ba thập kỷ đã trôi qua, giờ đây “chuyện tử tế” vẫn là chuyện nóng bỏng tính thời sự không chỉ của riêng Hà Nội. Người tử tế, chuyện tử tế không thiếu quanh ta, nhưng chuyện không tử tế, người không tử tế có vẻ như không ít đi mà cách thức biểu lộ có chiều còn lây lan theo những trận “ném đá” bạo liệt và độc địa trên mạng xã hội. Một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng  trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức. 
Chấn hưng văn hóa người Hà Nội rất cần ý thức tự giác. Tuy nhiên, bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục, cần có chế tài buộc mọi người phải tuân thủ, từ đó tạo thành thói quen, dần dần hình thành nếp sống. Sáu bộ quy tắc ứng xử mà Hà Nội đang triển khai thực hiện đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng văn hoá ứng xử ở Thủ đô. Đã đến lúc, mỗi công dân Hà Nội, những ai nhập cư về Hà Nội, cần thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh nghĩa “người Hà Nội”. Công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, CMND mà cần “căn cước văn hóa”. Căn cước ấy là hình ảnh mỗi công dân Thủ đô thể hiện qua từng ngày sống nơi địa linh vốn vang danh lịch lãm, hào hoa, tinh tế. Người Hà Nội đích thực phải sống với tinh thần Hà Nội. Đó trước hết, phải là những người tử tế, có tư tưởng và biết làm giàu tâm hồn mình. 
Trong bề dày trầm tích ngàn năm, Hà Nội luôn là nơi hội tụ, sàng lọc, kết tinh tinh hoa văn hoá các miền. Vì thế, văn hóa Hà Nội luôn là niềm tự hào, là cốt cách, là giá trị vững bền. Lịch sử đã như vậy, và tương lai càng như vậy. Làm sao để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục duy trì, biến thành hành động, nếp sống nêu gương cho cả nước. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội phải luôn ý thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”. 
Những người yêu Hà Nội, không chỉ là những người đang sống nơi đây, mà khắp nước và hết thảy những người mang dòng máu Việt, tình yêu nước Việt cả ở nước ngoài sẽ đón nhận và thể hiện hành động đồng thuận, tâm huyết thiết tha với Thủ đô bằng cảm hứng mới, sinh lực mới. Hà Nội - Thành phố 1008 tuổi - mãi xứng đáng là kinh đô văn hiến của Việt Nam, lưu nguyên tinh hoa, dung nạp, bồi đắp phù sa văn hóa tạo nên những giá trị phi vật thể, di sản tinh thần giàu có. Hà Nội ấy mới đích thực là thành phố của bình yên, văn minh, của những con người có tâm hồn biết yêu, gìn giữ cái đẹp, chung sức vì một Thủ đô mang hưng khí thời đại mới.
Đừng đo tầm vóc, vẻ đẹp của Hà Nội chỉ bằng mức độ đồ sộ, hoành tráng của các công trình. Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội trong sự hài hòa giữa kiến thiết và gìn giữ, trong sự vươn tới chân trời phát triển nhưng vẫn chú trọng nâng niu, ươm giữ nét vàng truyền thống và lòng nhân ái bao la. Hà Nội chỉ thực sự đẹp trong chiều sâu lắng dịu, êm đềm, trong không gian văn hoá tinh thần vừa gần gũi, vừa cao sang và mộng mơ. 

Thực tế 10 năm qua cho thấy, sau khi tích hợp thêm vùng văn hóa xứ Đoài nổi tiếng, đầy bản sắc thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chịu một sự đứt gãy nào. Trái lại, hai vùng văn hóa lớn này đã kết nối, hòa quyện, trở nên phong phú hơn. Hòa hợp tinh thần, kết nối văn hóa, đó là thành công lớn của cuộc hợp nhất, là động lực có tính nền tảng cho cuộc kiến tạo lớn trong 10 năm qua và cả mai sau để Thăng Long - Hà Nội vươn lên tầm cao mới, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc Việt Nam muôn đời yêu dấu. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi
Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Tấm gương văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO