Hà Nội tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017

Hoa Quyên/Ảnh: Bá Hoạt/HNM| 29/12/2017 11:15

Sáng 29-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 15-11-1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội"; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội (khoá XV) về "Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội"; tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Dự hội nghị có PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, một số viện, học viện trên địa bàn thành phố.

Đại biểu thành phố dự hội nghị có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan khối văn hoá, tư tưởng và sở, ngành Hà Nội.

Hà Nội tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017
Các đại biểu dự hội nghị.

Báo chí Hà Nội góp phần hiệu quả xây dựng Thủ đô 

Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 15-11-1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà nhấn mạnh, 20 năm qua, hệ thống báo chí, xuất bản Hà Nội vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có những bước phát triển.

Trong lĩnh vực báo chí, Hà Nội từ chỗ chỉ có 2 cơ quan báo chí là Báo Hànộimới và Đài PTTH Hà Nội và 1 tờ tin Phim Mới, đến năm 1997, Hà Nội có 8 cơ quan báo chí với 8 ấn phẩm chính và Đài PTTH Hà Nội. Đến nay, hệ thống báo chí Hà Nội gồm có 22 cơ quan, trong đó có 13 báo in, 8 tạp chí và Đài PTTH Hà Nội với 21 ấn phẩm chính, 11 ấn phẩm phụ, 7 cơ quan đã xuất bản báo điện tử.

Tổng số lao động tại các cơ quan báo chí Hà Nội là 1.507 người. Hiện nay, có 12/22 cơ quan báo chí được cơ quan chủ quản bố trí trụ sở làm việc; 7 cơ quan tự chủ hoàn toàn về kinh phí…

Về xuất bản, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1 nhà xuất bản (NXB) thuộc thành phố quản lý và 43 NXB của các cơ quan Trung ương và địa phương khác có trụ sở hoặc chi nhánh trên địa bàn; trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp, hàng trăm nhà sách, cơ sở phát hành sách.

Các cơ quan báo chí tham gia có hiệu quả vào việc chống lại những luận điệu sai trái, góp phần vào việc tuyên truyền có hiệu quả thông tin, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân Thủ đô, góp phần vào việc xây dựng Thủ đô và đất nước…

Bên cạnh đó, công tác quản lý xuất bản - báo chí vẫn tồn tại những hạn chế. Trong lĩnh vực báo chí, một số nội dung chỉ đạo, định hướng còn chưa kịp thời, chưa có tính dự báo, khâu hậu kiểm còn hạn chế, một số cán bộ làm công tác chuyên môn còn chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ…

Các xuất bản phẩm của NXB Hà Nội còn ít sản phẩm xứng tầm cả về chất lượng nội dung và hình thức trình bày; vẫn còn sai sót trong các khâu của quy trình xuất bản; ngành Xuất bản của Hà Nội và cả nước chưa phát triển...

Từ những hạn chế trên, báo cáo cũng nêu ra những phương hướng phát triển cho hệ thống xuất bản, báo chí trong thời gian tới. Theo đó, báo chí Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa DN nhà nước, tích cực đấu tranh chống tham nhũng… Báo chí Thủ đô cần tiếp tục đổi mới phương pháp làm báo, trau dồi nâng cao nghiệp vụ…

Báo cáo cũng chỉ một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý báo chí, xuất bản:

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật Báo chí, các chỉ thị, chương trình, kế hoạch của trung ương và thành phố về lĩnh vực báo chí, xuất bản; hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo TP Hà Nội đến năm 2025; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, thực hiện tốt việc quản lý thông tin trên internet nhất là thông tin trên mạng xã hội; thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của trung ương và thành phố về quy chế phát ngôn; tổ chức các chương trình bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên…

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền toàn diện đời sống xã hội

Tổng kết  năm 2017, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, công tác tuyên giáo thành phố đã tham mưu giúp Thường trực Thành ủy, cấp ủy các cấp nhiều vấn đề bức thiết trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo tiếp tục được nâng lên.

Kết quả trên một số lĩnh vực được cấp ủy ghi nhận: Tích cực tham mưu giúp cấp ủy các cấp triển khai thực hiện học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết TƯ 4 tới cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4,5, 6 (khoá XII), chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Chủ động, tích cực tham mưu kịp thời giúp cấp ủy triển khai các đề án, chuyên đề trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, cụ thể hoá nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khoá XVI và nghị quyết của Đại hội các cấp...

Đồng chí Phạm Thanh Học cũng cho biết, công tác tuyên giáo đã nắm bắt và dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp, tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, kết hợp với bảo mật thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo còn một số hạn chế như một số cấp ủy đảng nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, chưa quan tâm, đầu tư cả về công tác cán bộ và các điều kiện hoạt động; việc đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo ở một số đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét, tính hiệu quả, thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên giáo chưa cao...

Trên cơ sở dự báo tình hình năm 2018 với những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực và trong nước, kinh tế đất nước và Thủ đô còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã xác định phương hướng hoạt động và đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là bám sát chỉ đạo của Trung ương, các chương trình công tác của BCH Thành ủy khoá XVI tiếp tục triển khai bảo đảm tiến độ và chất lượng các đề tài, đề án, chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo Thủ đô; tăng cường dự báo tình hình, phát hiện, nắm bắt những vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền toàn diện đời sống xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước.

Hà Nội tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Giảm cưới hỏi lãng phí tảo hôn 

Những kết quả tích cực đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố đã được báo cáo bằng hình ảnh tại Hội nghị qua một phóng sự truyền hình. 

Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn đã tham luận về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU; NSND Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn Chỉ thị 11-CT/TU  trong thời gian tới. 
Xem thêm nội dung tại đây

17 năm giao ban báo chí hàng tuần: Nên duy trì và nhân rộng

Tham luận tại Hội nghị về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU với việc nâng cao chất lượng Báo Hànộimới, Tổng Biên tập Nguyễn Hoàng Long khẳng định, 20 năm qua, Báo luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích và không ngừng nâng cao chất lượng chính trị trong hoạt động nghiệp vụ tuyên truyền. Biểu hiện rõ nét nhất về tính chính trị của Báo Hànộimới chính là ở chỗ luôn giữ vững vai trò định hướng dư luận xã hội, vun đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Báo Hànộimới đã không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức nhưng không để xảy ra tình trạng thương mại hóa báo chí. Quy trình hoạt động nghiệp vụ của Báo ngày càng được tiến hành chặt chẽ, hoạt động quảng cáo tuân thủ về dung lượng và nội dung theo quy định của Luật Báo chí.

Việc nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ làm báo luôn được Đảng ủy, Ban Biên tập quan tâm lãnh đạo, triển khai với nhiều kết quả rõ nét như: Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Báo Hànộimới đã giảm mô hình hoạt động từ 26 phòng, ban, trung tâm, văn phòng đại diện xuống còn 17 đơn vị, điều động, luân chuyển 27 cán bộ, người lao động theo đúng quy trình. 

Công tác quy hoạch cán bộ ngày càng được tăng cường, bảo đảm yêu cầu quy định. Công tác quản lý cơ quan cũng không ngừng được đổi mới theo hướng tăng cường dân chủ, công khai và 5 rõ, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”; duy trì nền nếp các hoạt động bằng các quy định, quy chế. 

"Có thể khẳng định vai trò hết sức to lớn của Chỉ thị 25 đối với việc nâng cao chất lượng Báo Hànộimới nói riêng cũng như với các cơ quan báo chí Thủ đô nói chung. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội với những cơ chế, biện pháp cụ thể là hết sức to lớn và quan trọng đối với công tác quản lý báo chí, xuất bản cũng như đối với sự nghiệp phát triển của mỗi cơ quan báo chí" - Đồng chí Nguyễn Hoàng Long khẳng định.

Từ thực tiễn triển khai Chỉ thị này, Báo Hànộimới cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, việc Ban Tuyên giáo Thành ủy duy trì cơ chế cung cấp thông tin định hướng với các cơ quan báo chí qua hội nghị giao ban thông tin báo chí hằng tuần từ năm 2000 đến nay là cách làm rất sáng tạo cần được nhân rộng vì có tác dụng thúc đẩy đối thoại, làm sáng rõ bản chất sự việc; đồng thời thúc đẩy các sở, ngành, đơn vị thực hiện tốt hơn cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin. 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị để các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Hànộimới hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Hội nghị cũng đã nghe Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Anh Viên chia sẻ kinh nghiệm về công tác nắm bắt dư luận xã hội và tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương, trong đó có vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (địa bàn giáp danh huyện Chương Mỹ); việc sáp nhập thôn Đồi Ngai về xã Nam Phương Tiến...

Cần tạo thêm nhiều dấu ấn, sáng tạo

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, TP Hà Nội đã tổ chức thực hiện việc tổng kết “3 trong 1” khá hiệu quả. “Thời gian tới, Hà Nội cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn để làm sao các công việc này tạo thêm dấu ấn, sáng tạo. Chúng ta cần phải đặt ra những giải pháp để không chỉ tiếp tục kế thừa những điều đã làm được từ cái trước mà còn phải luôn đổi mới, hiệu quả, tiết kiệm, khuyến khích sáng tạo, phát triển”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh.

Năm 2018 được xem là năm bản lề của không chỉ trung ương mà còn của Hà Nội, với vai trò là Thủ đô, công tác tuyên giáo của Hà Nội sẽ có nhiều thuận lợi cũng như thách thức… Thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện không chỉ bám sát các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước mà còn cần phải có những cách thức tuyên truyền sao cho sáng tạo, hiệu quả, hấp dẫn đi vào cuộc sống.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh mong muốn sau tổng kết này, các địa phương, quận, huyện của Hà Nội chắt lọc những gì đổi mới trong năm qua về từng mảng công việc, để kế thừa, áp dụng, thực hiện hiệu quả tại địa phương mình. Trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Hà Nội, lãnh đạo các đơn vị cần có những buổi nói chuyện trực tiếp, đồng thời phải lắng nghe trao đổi của cơ sở…

Công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy, hiệu quả, thuyết phục và bám sát thực tiễn

Hà Nội tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao trong năm 2017, ngành Tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên giáo; đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy các cấp nhiều vấn đề cấp bách trong công tác tư tưởng trên địa bàn. Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo tiếp tục được nâng cao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận 5 kết quả nổi bật, trong đó sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới về việc cưới theo hướng vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân. 

Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, các cơ quan báo chí Thủ đô cùng báo chí trung ương trong những năm qua có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn để đổi mới vươn lên, có bước phát triển không ngừng cả về chất lượng nội dung, quy mô và hình thức; thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, là tiếng nói của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân Thủ đô. 

Ngành Xuất bản Hà Nội cũng có bước phát triển. Các hoạt động về sách và văn hóa đọc của Hà Nội đã được tăng cường, góp phần tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa Thủ đô. Điển hình năm qua, mô hình phố sách ở Hà Nội là nét mới, ấn tượng, tạo điểm nhấn trong xây dựng văn hoá đọc của Thủ đô Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước và Thủ đô, như kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga... 

"Việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Hà Nội là một trong những địa phương được Ban Tổ chức TƯ đánh giá cao về kết quả thực hiện. Đây là việc mới, việc khó, liên quan đến tâm tư tình cảm của từng cán bộ công chức. Do làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động, chúng ta đã triển khai thực hiện đồng bộ từ khối Đảng đến khối chính quyền, khối MTTQ và các đoàn thể, làm từ thành phố đến cơ sở. Khối ban Đảng làm gương, triển khai thực hiện, thống nhất chung một tiếng nói. Vì vậy, Hà Nội đã triển khai thực hiện đúng yêu cầu đề ra. Quan trọng hơn sau sắp xếp đã nâng cao hiệu quả hoạt động của từng tổ chức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và không có khiếu kiện, tạo đồng thuận trong xã hội. Đó là hiệu quả của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền vận động" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu ví dụ.

Trong nắm bắt, định hướng dư luận trên địa bàn, trong năm qua, từ vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Ban Tuyên giáo đã triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, chỉ đạo định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự phối hợp giữa thành phố với Ban Tuyên giáo TƯ trong việc định hướng dư luận rất kịp thời và nhanh nhạy, góp phần truyền tải quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố đến người dân, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình, tích cực đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch và những thông tin sai lệch, thiếu khách quan trên mạng xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, công tác tư tưởng tuyên giáo của Đảng bộ thành phố trong năm qua cũng còn những hạn chế, thiếu sót. Do đó, đồng chí đề nghị, với tinh cần nghiêm túc, cầu thị, các cán bộ ngành Tuyên giáo nghiên cứu kỹ nguyên nhân của những hạn chế, đề ra giải pháp thích hợp để khắc phục với quyết tâm cao triển khai thực hiện tốt trong năm 2018. Đặc biệt, khắc phục một số nội dung tuyên truyền có tính hiệu quả chưa cao; việc dự báo tình hình tư tưởng chính trị ở một số địa bàn, một số thời điểm chưa sâu, chưa kịp thời dẫn đến còn bị động trong giải quyết vụ việc; chưa cập nhật thích ứng trong khai thác và sử dụng internet, nhất là mạng xã hội trong công tác tuyên giáo; chất lượng hoạt động tuyên giáo ở cấp cơ sở, nhất là xã, phường, thị trấn còn chưa đồng đều, có địa phương có thời điểm còn lúng túng, kém hiệu quả trong giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở; công tác quản lý lễ hội, mặc dù Sở Văn hoá - Thể thao có nhiều hướng dẫn, tham mưu cho Thành ủy ban hành chỉ thị riêng nhưng năm qua vẫn còn hiện tượng phản cảm. 

"Việc thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy phải khẳng định chúng ta đã làm tốt, nhưng nếu không kịp thời chấn chỉnh thì gần đây còn hiện tượng một số đồng chí lãnh đạo quản lý các cấp tổ chức cưới linh đình, lãng phí; một số nơi cưới 3 ngày... đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động và thể hiện tính nêu gương của đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thẳng thắn nêu.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cơ bản nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đề nghị ngành Tuyên giáo Thủ đô cần tăng cường đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa nội dung, phương thức để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo, nâng cao vị thế, vai trò công tác tư tưởng văn hóa trong công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tính thuyết phục, tính chủ động và tính chiến đấu của công tác tuyên giáo phải được nâng cao. Cấp ủy các cấp phải quan tâm đến xây dựng đội ngũ tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở; chăm lo, tạo điều kiện để hệ thống tuyên giáo các cấp thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện quy trình, quy chế, mối quan hệ công tác cũng như cơ chế, chính sách; đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, có lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn vững và kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay với phương châm: nhanh nhạy, hiệu quả, thuyết phục và bám sát thực tiễn. Đó cũng là yêu cầu của công tác tuyên giáo trong năm 2017.

Thứ hai, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy để triển khai đổi mới về công tác phổ biến, tuyên truyền, học tập, quán triệt các Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết TƯ6, TƯ7, TƯ8 và các chương trình công tác lớn của Thành ủy, cũng như chủ đề năm 2018 của thành phố "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị"; tham mưu triển khai tốt các chuyên đề, đề án về công tác tuyên giáo; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, rút ra kinh nghiệm từ thực tiễn để tham mưu với Thành ủy, các cấp ủy những vấn đề trúng, đúng với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. 

Vừa qua chúng ta đã đổi mới một bước về công tác học tập, quán triệt 4 nghị quyết Hội nghị TƯ6 là tổ chức trực tuyến, kết nối điểm cầu đến tận 30 quận huyện thị, cán bộ chủ chốt của 584 xã, phường thị trấn đều tham gia. Việc này không những tiết kiệm thời gian, kinh phí mà tạo tiếng nói, nhận thức chung. Ngày 28-12, cũng đã đổi mới việc triển khai quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên vi phạm nối điểm cầu từ Thành ủy đến 30 điểm cầu có các xã, phường thị trấn với gần 10.000 cán bộ, đảng viên. Đề nghị tiếp tục mô hình này trong năm 2018.

Thứ ba, triển khai toàn diện các mặt công tác tuyên giáo, tuyên truyền nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức, hành động, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt là tuyên truyền, triển khai Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, cán bộ, về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của thành phố.

Thứ tư, tăng cường dự báo tình hình, phát hiện, nắm bắt kịp thời những vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng tư tưởng chính trị và dư luận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung về phương thức tuyên truyền toàn diện mọi mặt trong đời sống xã hội; tăng cường vai trò chỉ đạo, định hướng đối với hoạt động báo chí, xuất bản, phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của báo chí trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, định hướng, thể hiện rõ tính thống nhất đầu mối là Ban Tuyên giáo các cấp từ Thành ủy đến các quận, huyện thị và các đảng bộ trực thuộc, chỉ đạo công tác định hướng về thông tin, định hướng về tư tương và dư luận. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc tuyên truyền và lấy thông tin tích cực lấn át thông tin tiêu cực trên mạng xã hội; chủ động cung cấp, định hướng thông tin cho báo chí, xuất bản.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU, Ban Tuyên giáo Thành ủy cập nhật bổ sung những nội dung mới theo chỉ đạo của TƯ và tham mưu với Thành ủy tại thời điểm hiện nay để chỉ đạo công tác báo chí, xuất bản trên lĩnh vực này gắn với triển khai thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản Hà Nội từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 theo Đề án đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.

Thứ năm, tăng cường công tác chỉ đạo văn hóa, văn nghệ, làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di sản văn hoá, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao giá trị tinh thần cho người dân. Tập trung tuyên truyền thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với những giá trị nhân văn sâu sắc, có ý thức thượng tôn pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh để xây dựng văn hóa thực sự là giá trị tinh thần to lớn, là nguồn lực quan trọng của Thủ đô, để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa hai Quy tắc ứng xử trong các cơ quan và nơi công cộng; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa (gia đình văn hóa; tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa), nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội; gắn việc thực hiện nội dung chỉ thị với chống xa hoa, lãng phí, thực hành tiết kiệm; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Thứ sáu, tham mưu đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố cũng như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội một cách toàn diện, chất lượng, hiệu quả.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
    Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).
  • Giới thiệu gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của văn hóa Đông Sơn
    Sáng 18/4/2024, tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2024 và kỷ niệm 100 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.
  • Khai mạc triển lãm quốc tế về làm đẹp tại Hà Nội
    Triển lãm quy tụ hơn 250 gian hàng đến từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đi đầu trong lĩnh vực làm đẹp toàn cầu như Đức, Hà Lan, Ma-rốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Tại đây, công chúng được tham quan các gian trưng bày nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng làm đẹp, kính áp tròng và kính thời trang; thẩm mỹ…
  • Đà Lạt được du khách tìm kiếm nhiều nhất dịp nghỉ lễ 30/4
    Nền tảng du lịch Booking.com vừa công bố những điểm đến trong nước và quốc tế được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trong dịp lễ 30/4 – 1/5.
Đừng bỏ lỡ
  • Khoảnh khắc chính là yếu tố tạo nên giá trị cho mỗi bức ảnh nghệ thuật
    Trong kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ số, mọi bức ảnh đều có thể dễ dàng chỉnh sửa và dàn dựng như ý muốn. Điều này tạo ra một thách thức lớn trong việc gìn giữ chân thực trong ống kính đối với nền nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là đối với ảnh báo chí.
  • Tự hào, yêu mến hơn với Phố Sách Hà Nội
    Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Phụ nữ, 3 năm trở lại đây, Phố Sách Hà Nội đã “thay da đổi thịt”, chúng ta đến với không gian này đều cảm thấy niềm tự hào, yêu mến.
  • Sân khấu Sen Việt ra mắt vở Nhạc kịch "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"
    Dù trước đây hình tượng anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản với "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" đã được dàn dựng với nhiều loại hình sân khấu như tuồng, chèo, cải lương…, nhưng lần này với phiên bản mới là Nhạc kịch Dân ca Nam Bộ, hy vọng bằng cách kể chuyện vừa dân tộc vừa hiện đại, tác phẩm sẽ tạo được ấn tượng với người xem, đặc biệt là khán giả trẻ...
  • Sách và văn hóa đọc giữ vai trò quan trọng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, khẳng định: “Những năm gần đây văn hóa đọc Thủ đô đã từng bước phát triển rõ rệt, có chuyển biến thực chất, đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp trong đời sống xã hội, ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
  • Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói
    Sáng ngày 18/4, tại phố sách Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói” do nhà sách Phương Nam, Linh Lan Books và phố sách Hà Nội tổ chức nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Như Sơ” của tác giả Việt Chi.
  • Phát hành cuốn sách tái hiện chân dung các anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 17/4/2024, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách “Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Cuốn sách do Tỉnh ủy Điện Biên và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức biên soạn.
  • “Đồi Thịt Băm” huyền thoại trên dãy Trường Sơn trở thành điểm du lịch mới
    Đồi A Bia hay còn gọi là “Đồi Thịt Băm” (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) trước đây là khu vực diễn ra trận chiến căng thẳng 10 ngày đêm giữa quân dân ta và quân đội Mỹ nhưng hiện nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
  • Triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ”
    Tối ngày 17/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán U-crai-na tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và U-crai-na.
  • Sôi nổi “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” ở Huế
    Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cho các em học sinh Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
  • Người dân nô nức về đền Hùng trước ngày giỗ Tổ
    Trước ngày chính Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, đông đảo người dân và du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội.
Hà Nội tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO