Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn: Có một thành phố khác đang mọc lên trong thành phố

Nguyễn Phương Thủy| 04/08/2018 08:54

Tiểu thuyết Đỗ Phấn phản ánh chân thực, sinh động những giá trị văn hóa của Hà Nội qua ba thời kỳ lịch sử biến động: Thời bao cấp - thời kỳ sau chiến tranh phá hoại - thời kỳ đô thị hóa. Lịch sử phản ánh những biến động đó qua số liệu, mốc sự kiện, còn Đỗ Phấn phản ánh thông qua tâm tư, tình cảm của con người.

Đỗ Phấn là cây bút trung thành với đề tài Hà Nội. Ông đã có rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết có giá trị viết về Hà Nội như: Chảy qua bóng tối, Rừng người, Rụng xuống ngày hư ảo, Gần như là sống, Dằng dặc triền sông mưa, Ruồi là ruồi, Vắng mặt... Ông tự nhận mình thích viết về sự nhạt nhẽo của đời sống thị dân, về một Hà Nội xưa cũ trong quá khứ. Không phải chỉ có những thanh lịch văn minh mới làm nên đô thị. Bên cạnh nó luôn có cái phần nhếch nhác kèm theo. Nếu trưng bày tất cả các tác phẩm văn chương của Đỗ Phấn thì sẽ thấy một bức tranh thật phong phú và chân thực về Hà Nội, Hà Nội xưa và nay… PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã nhận định: “Với Hà Nội, Đỗ Phấn không viết về những gì to tát, lớn lao, những công trình gắn với các sự liện lịch sử kinh thiên động địa, anh viết toàn về những gì bình thường, bé mọn, nhưng chính chúng làm nên tâm hồn Hà Nội.”
Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn: Có một thành phố khác đang mọc lên trong thành phố

Bắt đầu từ thời bao cấp, nói theo cách của dân gian là thời “đặt gạch xếp hàng” diễn ra từ năm 1957 ở miền Bắc, tới sau năm 1975 thì triển khai trên toàn quốc, đến năm 1989 thì kết thúc. Nhắc đến thời bao cấp là nhắc đến một thời kỳ lịch sử nghèo đói, đói đến “mờ mắt". Tuy nhiên, một góc khuất ấm áp của tình người trong cái đói nghèo đã được Đỗ Phấn gìn giữ trong những trang viết của mình. Ông đã tái hiện lại một Hà Nội thời bao cấp rất khác. Một Hà Nội xưa cũ đẹp cổ kính, một Hà Nội nghèo đói nhưng giàu tình nghĩa được thể hiện dưới góc nhìn trẻ thơ hồn nhiên trong tiểu thuyết Dằng dặc triền sông mưa. Đỗ Phấn đã đưa độc giả lên cỗ máy thời gian quay ngược về với quầy bách hoá tổng hợp, với lớp học vỡ lòng, với thư viện Khoa học xã hội trên đường Lý Thường Kiệt - nơi đã chứng kiến lũ nhóc lớn lên cùng trò chơi “ống phốc”... Với một Hà Nội có những cơn mưa giăng sương mù khắp nẻo đường, có những “cơn mưa rào xối xả khiến hoa sấu muộn chỉ còn lác đác trên vỉa hè trắng như gạo nếp sau mưa” và có chút “nắng nhạt". 

Trong thời kì chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ gieo rắc khắp khu vực miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, người dân Hà Nội sơ tán về những vùng quê. Những năm tháng ấy đã tạo nên sự gắn bó ruột rà giữa người Hà Nội, quê gốc Hà Nội với những vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ, và sau này, là khắp cả ba miền đất nước. Sau hiệp định Genève, rất nhiều cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã sinh sống và định cư tại Hà Nội. Còn người quê ở miền Bắc thì như những lạch nước nhỏ chảy ngược dòng liên tục đổ về Thủ đô. Hà Nội đón người nhập cư như đón những người bà con từ quê ra thành phố, không hề xa lạ. Nhưng điều đó đã làm thành phố đổi thay quá nhiều. Đỗ Phấn đau lòng khi chứng kiến sự thay đổi không thể níu giữ được của Hà Nội. Ông chỉ còn cách gửi vào lời văn những nét vẽ tiêu điều, buồn bã về một không gian văn hóa bị tàn phá bởi chiến tranh thông qua tiểu thuyết Chảy qua bóng tối; Rụng xuống ngày hư ảo và Rừng người. Không gian “tối đen, điềm nhiên, vắng vẻ bơ phờ”; “đường phố im lặng như tờ, Bách Hóa tổng hợp im lìm, dòng chữ sơn đỏ Hà Nội - Huế - Sài Gòn mờ nhạt”... Đâu còn nữa một Hà Nội với những “tán cây bàng rộng lớn che phủ mặt đường mát lịm”; con dốc cầu Long Biên “dịu dàng lượn một vòng tuyệt đẹp từ đầu phố Hàng Đậu lên mặt cầu bên tay trái” và “tiếng chim dìu dặt giữa lưng chừng trời rất xa mà gần”. Và còn đau lòng hơn, khi chiến tranh qua đi, không gian văn hóa ấy bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người. Đỗ Phấn xót xa, bất lực nhìn những “dòng sông biến mất, rác nổi lềnh phềnh”. Còn đâu những con sông đẹp nên thơ đắm mình trong “buổi chiều nắng nhạt”, còn đâu dòng sông chạy dọc theo ký ức tuổi thơ của bé An và theo ký ức những ngày mới đến định cư của lão Quảng mù. Các khu nhà cao tầng, công ty tư nhân mọc lên như nấm. Nạn ùn tắc giao thông đến nghẹt thở. Các hàng quán vỉa hè tràn lan, vô tổ chức, đông đúc và nhộn nhạo. Các công trình làm đường vô tổ chức không biết đến khi nào thi công xong.

Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn: Có một thành phố khác đang mọc lên trong thành phố
Sau chiến tranh phá hoại của Mỹ, tình hình kinh tế bắt đầu khôi phục, thành phố chú trọng phát triển công nông nghiệp, nhiều cơ hội việc làm mở ra. Bên cạnh đó, thành phố còn mở rộng khu vực, đất đai. Các tỉnh ven nội thành được sáp nhập vào địa phận Hà Nội giống như xóm nhỏ ven sông của lão Quảng. Bởi vậy, phần lớn dân nhập cư đổ xô về chốn đô thị lập nghiệp dẫn đến nhiều luồng văn hóa, ứng xử, lối sống trộn lẫn và hòa tan lẫn nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, lối sống xô bồ bắt đầu chen chúc vào đô thị Hà Nội. Một lối sống “bừa bãi và hỗn hào”. Trong không gian ngột ngạt và chật chội chứa đựng đầy rẫy những sự tranh chấp của đô thị - nơi bao bọc đủ kiểu người, dạng người với muôn vàn những kiểu hành nghề để tồn tại và mưu sinh, tầng lớp thị dân rệu rã như kiến trúc sư Thành trong tiểu thuyết Gần như là sống, hay Liên trong tiểu thuyết Ruồi là ruồi, và họa sĩ Vũ trong tiểu thuyết Vắng mặt... Họ sống không niềm vui, không nỗi buồn, chộn rộn và tẻ nhạt. Họ bị cuốn theo vòng xoay mưu sinh, vội vàng trong chính cuộc sống mà họ luôn thấy cô đơn: “có thể coi ai là người tình?... Không ai cả. Chỉ gần như là…! Gần như là công việc. Gần như là bạn. Gần như là chơi bời vui vẻ. Gần như là về hưu. Gần như xa lạ. Gần như là người tình…”. Tuy nhiên, sâu thẳm trong những đau đớn của những con người đang hằng ngày vật lộn với cuộc sống ấy, họ vẫn còn sót lại chút lịch lãm tử tế, hoặc là khao khát tử tế. 

Không cần những xung đột gay gắt, không cần những đấu tranh nội tâm quyết liệt… nhân vật của Đỗ Phấn luôn được đặt trong những suy nghĩ về hiện tại để bộc lộ hình hài cũng như phẩm chất của mình. Họ là những hình hài quen thuộc. Ta có thể bắt gặp một chút tâm tư giống bé An khi nghĩ về tuổi thơ, một chút chán chường của Thành khi nghĩ về tuổi trưởng thành và một chút từng trải của lão Quảng lúc tuổi xế chiều trong chính con người chúng ta. Họ là những mảng màu trộn lẫn vào bức tranh của cuộc sống. Không phản kháng, không tha hóa cũng không mâu thuẫn. Nhưng ở các nhân vật của Đỗ Phấn luôn có những suy nghĩ tiếc nuối một thời Hà Nội trong quá khứ. Họ tiếc nuối không phải để họ cố tìm lại, không phải để họ trốn tránh hiện thực mà bởi vì họ quá yêu. Yêu Hà Nội một thời như thế.

Thông qua văn chương, Đỗ Phấn đã giữ gìn những nét đẹp văn hóa của một thời đã xa và phản ánh bức tranh "nửa tối nửa sáng" của bộ mặt phố phường. Nhà văn không phủ nhận những cao ốc, siêu thị, nhà xưởng góp phần thay đổi kinh tế xã hội của thành phố, nhưng ông tỏ ra luyến tiếc một không gian đô thị cũ trầm mặc, yên bình với văn hóa ẩm thực tinh tế, công phu. Ông hiểu rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu, và không phải cái gì cũ cũng có giá trị, song Đỗ Phấn bày tỏ tình cảm mến thương với những dòng sông và sự vắng lặng cần thiết để tạo ra cõi êm ả cho con người. Ông lo ngại sự xâm lấn của những kiến trúc thiếu quy hoạch sẽ làm hại đến con người, làm mất đi mỹ quan của đô thị. Đỗ Phấn muốn gieo vào lòng người đọc một không gian đô thị văn hóa, không phân biệt người Hà Nội gốc hay người nhập cư. Ở đó chỉ đề cao cách hành xử thanh lịch, nhã nhặn và luôn chung lòng hướng tới xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp hơn. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn: Có một thành phố khác đang mọc lên trong thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO