Hà Nội trong tôi - Mùa xuân và kỉ niệm

Tùy bút của Đào Vĩnh| 05/02/2018 13:16

Lại một mùa xuân nữa đang về với thế gian. Vâng, quy luật tràn trề nao nức và tươi mới này hình như sinh ra chỉ để ưu ái con người? “Dẫu mùa đông dài đến bao nhiêu thì mùa xuân chắc chắn sẽ tiếp nối” (Ruth Stout). Dễ nhận nhất mùa xuân đang trước mắt với người Hà Nội không phải chỉ ở những tờ lịch vắng dần trên bloc, mà ở không gian trời đất, đường phố, làng thôn, miệt vườn hoa tươi ngoại thành và gương mặt người thắp lên mời đón.

Hà Nội trong tôi - Mùa xuân & kỉ niệm
Cầu Thê Húc - Ảnh: Nguyễn Huỳnh Mai

Tôi không sinh ra và không có tuổi thơ ở Hà Nội. Rồi thời gian dành để cảm thấu về mảnh đất lịch sử này cũng đâu được là bao, khi mà cơm áo, bụi đường luôn giành giật với mình? Đêm nay, mùa nay thao thức dưới chân con đê “Sông Hồng, sông Hồng ngang trời sóng đỏ/ Hai bờ đê văn võ chạy song song” (thơ Vũ Quốc Ái)… bỗng mới thực bồi hồi da diết cùng Hà Nội.

1. Các quốc gia dù lớn, dù nhỏ, độc lập hay chưa độc lập cổ kim của thế giới  đều có trung tâm hành chính - nơi đặt phần lớn cơ quan quyền lực nhà nước. Đó là Thủ đô, với các nước phong kiến thì gọi là kinh đô, kinh thành, kinh kỳ. Kinh đô đầu tiên của nước Việt chủ quyền chúng ta được Đinh Tiên Hoàng chọn tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ai có thể hình dung mùa xuân đến với quốc gia độc lập cách hơn ngàn năm trước ra sao? Nhưng chắc chắn là hào sảng, tràn đầy với cả dân tộc.

Cố đô Hoa Lư thuở ấy rất gần biển Đông, đường chim bay chắc chỉ khoảng mươi cây số. Có cơ sở này bởi mùa xuân năm 2014 tôi và nhà thơ Lê Đình Cánh trong đoàn nhà văn đi thực tế đã tới ngã ba sông Đáy và sông Ninh Cơ - tiếp giáp huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng (Nam Định) với huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Nơi này, xưa kia là cửa sông Đáy hòa vào biển cả có tên gọi cửa Đại Ác (nay là Đại An) và đền Độc Bộ - di tích thờ Việt Vương Triệu Quang Phục tử nạn ở đây. Thuận tiện về giao thương, vào Nam ra Bắc, Hoa Lư còn được các vòng núi đá hùng vĩ che chở, đắc địa về quân sự. Cố đô tồn tại trong hai triều đại Đinh - Tiền Lê, hơn 40 năm. Khi nhà Lý được lịch sử chuyển giao đảm trách, Lý Thái Tổ với tầm nhìn minh quân và để thuận “ý trời, lòng dân”, năm 1010 quyết định dời đô về Đại La rồi có tên Thăng Long với động cơ như trong Chiếu dời đô: “Khu vực giữa trời đất có được thế rồng cuộn, hổ ngồi, tiện nghi phía trước là sông, phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi bằng phẳng, đất ở đây cao ráo sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tăm tối khổ sở, muôn vật thịnh vượng, tốt tươi…”. Từ bấy đến nay, Thăng Long đi qua tên Đông Đô, Đông Quan và nhà Hồ, nhà Nguyễn không đặt kinh thành nơi “Rồng thiêng”, nhưng tâm khảm dân tộc không có những đứt quãng với kinh thành này. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - nối nhau những “mùa xuân đại thắng” mà tiêu biểu là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, mùa xuân 1789.

2. Những kỷ niệm trong tôi dù đậm nhạt bền lâu hay thưa thoảng thế nào nhưng với Hà Nội sẽ chẳng bao giờ phai mờ tâm thức. Gần 6 thập kỷ đi qua nhưng lần đầu tiên được đặt chân tới Thủ đô vẫn mồn một trí nhớ. Ấy là một hôm, khi tôi đang học lớp 4 phổ thông trường làng, thì anh trai thứ hai làm việc ở Thanh Hóa bỗng về nhà nói với chị dâu và tôi cùng hai cháu chuẩn bị gấp để ngày mai đi Hà Nội dự lễ mừng Quốc khánh 2/9/1959. Rất vội vàng nhưng tối hôm sau chúng tôi vẫn đến được ga Ninh Bình sau khi đi bộ hơn 10 km từ quê sang. Khi ấy chỉ có anh trai khoác đôi dép cao su mòn vẹt còn cả đoàn đều đi chân đất. Lên tàu không biết ai thức, ai ngủ nhưng tinh mơ tất cả đều đã ở Thủ đô. Không hiểu lúc ấy có choáng ngợp không nhưng cảm giác quá ngơ ngác, lạ lẫm đến bây giờ vẫn đọng rất rõ. Ban đêm thì thuê một chiếc chiếu đôi trải trên bờ hồ Hoàn Kiếm ngủ, ban ngày cả nhóm đi bộ loanh quanh, kể cả cầu Long Biên. Ba ngày, hai đêm đầu tiên với Hà Nội của tôi là thế.

6 mùa xuân đi qua - năm 1965, tôi mới được gặp lại Thủ đô khi tới nhập học trường Đại học Bách khoa. Ngỡ rằng được gắn bó với Hà Nội mấy năm nhưng vì thời gian này giặc Mỹ đang oanh tạc miền Bắc liên miên nên trường đã phải sơ tán tận Văn Lãng, Tràng Định (Lạng Sơn). Chỉ mươi ngày ở đất thiêng mà đoạn phố Bạch Mai - nơi cổng trường và những bữa ăn đơn sơ - cơm sinh viên chia sẵn úp lồng bàn tre… còn mãi. Năm học 1966 - 1967 khi trường Đại học Xây dựng được ra “ở riêng” từ Đại học Bách khoa, chúng tôi lại tiếp tục sơ tán ở Gia Lương, Hà Bắc cách Hà Nội 40km. Bấy giờ tôi làm lớp phó đời sống nên mấy năm liền hàng tuần phải đạp xe về Hà Nội mua một vài loại thực phẩm và những thức ăn khô của Tàu như mari đóng bánh, cala thầu… để cải thiện bữa ăn cho tập thể. Rồi năm 1969 - mùa thu, khi lớp tôi đang ở tạm khu Liên cơ - 48 Đoàn Trần Nghiệp, quận Hai Bà Trưng để thực tập tốt nghiệp thì dịp Quốc khánh này Bác Hồ kính yêu bỗng đột ngột ra đi. Cả nước ngập tràn trong “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” (Tố Hữu). Và hôm đưa tiễn Bác tại quảng trường Ba Đình có một không hai ấy, lớp học tôi cũng được lẫn trong vạn người thành kính…

Cuộc đời công tác của tôi cũng sao quên được những dấu mốc Hà Nội. Đoàn quân xây dựng đơn vị tôi những năm 80 của thế kỉ trước đã sống, làm việc, tạo nên những công trình cho Thủ đô: Xây thêm hạng mục của Tòa án nhân dân tối cao, trụ sở Tổng công ty xi măng Việt Nam, nhà làm việc 5 tầng Bộ Tài chính, Trường quản lý Giáo dục (nay là Học viện Giáo dục), khu nhà lắp ghép Thanh Xuân… Những mùa xuân ấy tuy không đón giao thừa với Thủ đô nhưng sắc xuân vẫn theo tôi về quê bằng những cành đào Nhật Tân tươi tắn. Và rồi, điều gì đau đáu trong cuộc đời ta dẫu mạch nổi hay mạch ngầm vẫn theo dòng chảy tới. Khoảng giáp ranh giữa hai thế kỉ vừa qua tôi và gia đình được trở thành công dân chính thức, đầy đủ của Thăng Long - Hà Nội. Ngoảnh lại, “thế mà đã bấy nhiêu năm” (thơ T.N.H) - bấy nhiêu mùa xuân đã được đón giao thừa bằng ngọn gió sớm sông Hồng, bằng màn pháo hoa tung trên bầu trời, bằng cành lộc từ chùa Hà gần nhà…

3. Không vinh dự, tự hào sao được khi vị thế, tầm vóc của Thủ đô ta được như hôm nay? Năm 1954, vẫn chỉ 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa như đã lâu lắm với dân số 53.000 người, chủ yếu sống bằng nghề buôn bán. Và những năm sau đó do tập trung đánh Mỹ nên cơ sở công nghiệp cũng chỉ trông vào mấy nhà máy: Điện Yên Phụ, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, khu Cao - Xà - Lá… Năm 1999 số dân xấp xỉ 2,7 triệu với 2 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân thành lập thêm.

Mốc son lớn nhất, ấy là năm 2008 Thủ đô được Quốc hội quyết định mở rộng diện tích với mục đích: “Việc mở rộng địa giới hành chính vừa đảm bảo không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là một trung tâm đa chức năng…”. Và Thủ đô Hà Nội trở thành một trong khoảng mười Thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới. Với 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã, năm 2009 diện tích, dân số Thăng Long - Hà Nội đã đạt 3.325.000 km2 và 7,2 triệu dân. Dự kiến đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế duy trì từ 6,5 - 7%, dân số đô thị tăng xấp xỉ 30% mức hiện nay. Từ một cây cầu Long Biên đơn độc đến nay Hà Nội đã có 7 cây cầu huyết mạch qua sông Hồng, sông Đuống… Những cơ số này cho ta chắc chắn đảm bảo xây dựng Hà Nội là thành phố mãi mãi xanh - sạch - đẹp - văn hiến - văn minh - hiện đại của bốn biển, năm châu.

Một thành phố được nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình”, được bạn bè quốc tế ca ngợi “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là một vinh dự lớn lao của lớp lớp lãnh đạo, công dân từ buổi “Dời đô”...

Lại một mùa xuân nữa đang về với Hà Nội, với cả nước. Mùa xuân Mậu Tuất này chúng ta có quyền tự hào, rất tự hào bằng thành quả công sức của toàn Đảng, toàn dân đồng sức, đồng lòng vượt lên bao khó khăn, thách thức. Mùa xuân mãi là bản tình ca hòa điệu giữa thiên - địa - nhân của loài người. Những ngày áp mùa, áp Tết này giữa lòng Hà Nội bỗng gợi lại trong tôi dư vị câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?”… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024
    Sáng 19/4, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong tôi - Mùa xuân và kỉ niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO