Hạnh phúc muộn

Vũ Thị Kim Liên| 29/07/2020 15:41

Hạnh phúc muộn
Minh họa của Lê Huy Quang

Chuyến xe đường trường liên tỉnh Bắc - Nam oằn mình hực lên xì khói phía gầm xe rồi tắt máy bên vệ đường có dải cát chạy dài không một bóng cây. Nhiều tiếng hỏi nhau lao xao, đây là đâu? Nghỉ ở đây nắng và cát, đi thôi bác tài ơi.

Xuống xe, tôi ngồi bên vệ đường lấy trong ba lô gói thuốc lá cuộn rút một điếu châm lửa hút...

- Chào anh, cho tôi xin một hơi, thèm thuốc quá nhưng không kịp mua khi lên xe. 

Tôi quay lại, giật mình nhận ra người đàn ông vừa xin hơi thuốc. 

- Ô kìa Trung? 

Người đàn ông đối diện ngỡ ngàng nhìn tôi giây lát như đang hồi tưởng lại một thời xa xưa rồi chồm đến ôm hai vai tôi lắc mà reo lên:

- Ôi Trà, đại đội trưởng Trà phải không?

Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ sau gần mười năm giải phóng mới gặp lại.

Tôi lặng ngắm nhìn ông bạn tóc lốm đốm bạc, khuôn mặt khắc khổ sạm đen với hàm răng ám khói thuốc. Ấy vậy nhưng đôi mắt của Trung vẫn sáng rực đầy sức sống như thuở còn ở chiến trường. 

Tôi cùng đại đội với Trung từ năm Mậu Thân 1968. Sau giải phóng, mỗi người đi mỗi ngả, nay bất ngờ hội ngộ trên chuyến xe Bắc - Nam này.

Xe tiếp tục lăn bánh. Chúng tôi đổi giường cho hành khách khác để được cùng bên nhau ôn chuyện năm xưa. Sau giải phóng, Trung phục viên về quê, lấy một cô du kích xã Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương và có hai con - một trai một gái. Nay anh vào trong Nam nhờ manh mối từ người làng làm ăn trong Sài Sòn để tìm và đón người chị họ bên vợ bị thất lạc từ khi sáu tuổi.

Dứt câu chuyện của mình, quay sang tôi, Trung hỏi dồn:   
- Còn ông vợ con thế nào? Vào Nam có việc gì? Các cụ còn hay mất? Cụ có khỏe không?

- Tôi chưa lấy vợ, cha mẹ tôi mất từ khi tôi còn trong quân đội. Tôi vào Nam tìm đứa cháu con anh trai tôi. Giờ nó đang làm công nhân ở quận 9. Nghe đâu nó ở cùng đứa bạn tàng trữ thuốc lắc. Công an ập vào khám xét phòng trọ tìm được vật chứng nên nó cũng bị bắt tạm giam. Tôi vào dự phiên tòa xử vụ án đó vào tuần tới. Buồn quá ông ạ.

- Thế à? Chỉ sợ cháu tham gia thì tù tội không tránh khỏi. Nhưng nó chỉ ở cùng phòng không dính líu thì họ sẽ trả tự do thôi ông ạ.

-  Tôi cũng chưa biết thế nào. Xin vào thăm cháu đã. Mọi việc tính sau.

- Này tôi cứ nghĩ mãi sao ông chưa lấy vợ là thế nào? Ngày xưa trong đại đội ta thì ông đẹp trai, sát gái nhất đấy...

Thấy Trung đùa nhắc lại thuở xưa làm tôi bỗng nhớ lại cái ngày bẻ gẫy sừng trâu ấy.

Năm 1968, vừa tròn 17 tuổi, tôi xung phong lên đường tòng quân vào chiến dịch Mậu Thân. Gần mười năm lăn lộn nơi chiến trường, vào sinh ra tử, tôi thấy mình thật hạnh phúc vì đã được hưởng trọn niềm vui chiến thắng giải phóng dân tộc. Khi xuất ngũ về làng với sổ thương binh loại 2. Trong rất nhiều vết thương trên cơ thể, tôi còn bị một vết thương nhạy cảm – bị mảnh bom “phạt” mất một phần bộ phận sinh dục. Vì thế bao năm trôi qua tôi vẫn luôn mặc cảm không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ sinh con…

****
Khoảng gần bảy năm trước, sau khi phục viên về làng, tôi được phân công làm cán bộ xã. Anh chị tôi cùng bà con thôn xóm thường xuyên dắt mối cho vài đám nhưng tôi đều chối từ mà không tiện nói ra hoàn cảnh của mình! Cho đến khi đi dự lễ tôn vinh đảng viên, hội cựu chiến binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên thành phố, mọi người vun vén cho tôi với cô Hoa.

Hoa ở xã khác, cũng là lính Trường Sơn năm xưa, kém tôi 6 tuổi. Hoa có dáng người mảnh dẻ, ánh mắt đằm thắm, ấm áp, giọng nói nhẹ nhàng. Do di chứng của các trận sốt rét rừng để lại, nước da của Hoa còn hơi tai tái. Nhưng với mái tóc dài tết thành đuôi sam hai, trông Hoa trẻ hơn tuổi.

Chúng tôi cũng đã gặp nhau vài lần. Khi chỉ có hai đứa, cô ấy không ngần ngại:

- Anh à, ta là lính cả mà, không phải e ngại. Anh có thích chúng ta góp gạo thổi cơm chung không? 

Không để tôi lên tiếng, Hoa lại nói luôn:

- Nếu anh không chê thì chúng ta báo cáo tổ chức hai xã làm đám cưới nhé? Em sợ một vài năm nữa tuổi cao, khó khăn sinh nở thì có tội với tổ tiên lắm.

Nghe cô ấy nói, tôi bỗng thấy sống mũi cay cay. Tôi thở dốc, nói vội:

- Cảm ơn em, anh rất buồn vì không thể mang đến cho em điều em mong muốn. Em hãy tìm người bạn đời hợp và giúp em hoàn thành sứ mệnh được làm vợ, làm mẹ. Chào em, chúc em hạnh phúc...

Sau câu nói tuyệt tình với Hoa, tôi bỏ đi nhanh như chạy bởi không muốn cho Hoa nhìn thấy những giọt nước mắt tuyệt vọng của mình. Hai tháng sau, Hoa lấy chồng tận Hà Giang và giờ đã có hai đứa con kháu khỉnh. 

Thương tôi, những năm qua, anh trai đã nhiều lần khuyên tôi cố gắng đi thử vận may , trông cậy vào sự tiến bộ của ngành y học. Lần này, anh róng riết dúi vào ba lô của tôi bọc tiền cả trăm triệu. Số tiền ấy có được là nhờ anh chị bán ruộng đất để lo cho tôi đi phẫu thuật. 

Thế nên, dịp này vào Nam, tôi có hai việc. Việc đầu tiên là vào Bệnh viện Từ Dũ nhờ cậy các bác sĩ tư vấn những mong… Việc thứ hai là xem sự việc của đứa cháu con anh trai xảy ra như thế nào để có hướng giải quyết. 

**** 
Tôi nhấc chiếc ba lô con cóc thời chiến lên vai và nhẹ nhàng bước xuống bến xe cùng Trung.

- Cùng tuyến đường lên tắc xi đi cùng tôi, Trung sốt sắng hỏi.

- Ông cứ đi đi, tôi vào bệnh viện Từ Dũ đã, tôi ái ngại.

Chúng tôi chia tay nhau mà không quên ghi lại địa chỉ để khi có điều kiện sẽ liên lạc. Đến Bệnh viện Từ Dũ, tôi vội vàng vào nơi khám bệnh theo yêu cầu và cũng đã đặt lịch từ trước. 

Đối diện với tôi là một bác sĩ nữ kém tôi chừng chục tuổi, tôi định đi ra vì tưởng nhầm phòng! Bỗng giọng nói trầm ấm cất lên:

- Xin mời bệnh nhân Lê Thanh Trà vào khám và làm thủ tục nhập viện.

Thấy tôi chần chừ ái ngại, cô y tá vui vẻ nói: 

- Mời anh vào kê khai, lát nữa có giáo sư Trần trực tiếp khám kiểm tra. Anh đừng ngại. 

Kê khai theo hướng dẫn. Cô bác sĩ xem tờ kê của tôi rồi viết một loạt giấy xét nghiệm, hướng dẫn qua phòng chụp X quang. Tôi đang phân vân, sao chưa khám mà bác sĩ đã biết rõ tôi cần làm xét nghiệm gì, thì cô bác sĩ lên tiếng:

- Nếu anh không ngại, tôi sẽ khám cho anh để có phác đồ điều trị. Giáo sư Trần bận cuộc họp...

Cô bác sĩ chưa nói hết câu thì giáo sư Trần đã bước vào phòng.

- Chào đồng chí, tôi có họp đột xuất về việc chuẩn bị đón bệnh nhân thương binh ngoài Bắc giới thiệu vào. 
Giáo sư ra hiệu cho tôi vào phòng trong thăm khám.

- Chỉ là bị thương bên ngoài, không ảnh hưởng đến các bộ phận bên trong. Đồng chí nhập viện để chúng tôi phẫu thuật, tái tạo. Sao tìm về y học chậm thế? Giải phóng gần chục năm rồi, đồng chí không đi chữa để lấy lại quyền làm chồng làm cha ư?, giáo sư Trần vui vẻ nhẹ nhàng trách móc.

Cầm vội tay giáo sư Trần, tôi hỏi trong nghẹn ngào:

- Tôi vẫn có thể làm chồng làm cha được sao? 

Giáo sư tươi cười :

- Đúng, đồng chí yên tâm, sau phẫu thuật 10 ngày vết khâu ngoài da sẽ lành. Sau điều trị khoảng một tháng là đồng chí có thể sinh hoạt bình thường.

- Dạ, tôi có ngày vui đó sao? Giáo sư? Vâng, tôi tuân theo mọi hướng dẫn, tôi vừa hỏi vừa vẫn không tin đấy là sự thật.

Giáo sư Trần mỉm cười và khẽ gật đầu với tôi. Ông quay ra trao đổi vắn tắt với bác sĩ nữ. Cô bác sĩ trẻ liếc nhìn tôi trìu mến, nói với y tá: 

- Em đưa bệnh nhân vào phòng nội trú bố trí giường và làm các thủ tục để nhận ưu đãi của viện nhé.

Rồi quay sang tôi, cô ấy nói:

- Đồng chí đừng ngại, giờ về phòng nghỉ ngơi nhé. Tôi bổ sung thuốc cho đồng chí luôn buổi tối nay, mai làm tiếp các xét nghiệm sau đó sẽ làm phẫu thuật cấy ghép...

Tôi gật đầu mà trong lòng lâng lâng biết bao cảm xúc. 

Trước ngày tiến hành phẫu thuật, tôi xin phép bệnh viện đi thăm đứa cháu con anh trai. Tôi đã may mắn kịp đến phiên tòa xét xử vụ thuốc lắc mà đứa bạn cùng phòng trọ cất giấu khi đi sinh nhật bạn về. Cháu tôi được tòa trả tự do.

Sau khi đưa đứa cháu trở lại cơ quan làm việc và thay đổi chỗ ở mới của nó, tôi quay về Bệnh viện Từ Dũ để hôm sau phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công ngoài sự mong đợi. Chẳng thể thốt nên lời, nước mắt tôi rưng rưng… 

Sau một tháng điều trị ổn định, tôi được ra viện. Tôi ngỏ ý muốn ủng hộ bệnh viện một phần nhỏ món tiền mà anh chị đã bán đất lo cho tôi, các y bác sĩ bảo đấy là tiền mừng cho đám cưới tương lai của tôi. 

Mấy tháng sau, tôi kết hôn cùng cô giáo làng bên mà chị dâu đã tìm và nhờ người mai mối. Sau một năm, chúng tôi sinh con đầu lòng, đặt tên con là Lê Hoài Thơm. Ba năm sau, chúng tôi sinh tiếp cô con gái nhỏ đặt tên là Lê Hạnh Phúc. 

Ngày ngày tiếng cười hạnh phúc luôn rộn rã khắp căn nhà nhỏ của tôi - một thương binh trở về từ cuộc chiến những tưởng chẳng thể làm chồng, làm cha! Vậy nhưng,  tôi đã tiếp tục chiến đấu với mặc cảm bản thân để giành cho mình hạnh phúc. Thật may mắn khi hạnh phúc đã mỉm cười với tôi. Tôi đã tìm được tương lai, tình yêu mà tạo hóa ban tặng, mà những người chiến sĩ áo trắng đã trao và người vợ hiền dịu đã luôn sát cánh, giúp tôi vượt  lên chính mình để đón nhận yêu thương!
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO