Hấp dẫn đêm Hà Nội

HNNN| 30/09/2020 20:46

Khi màn đêm buông xuống, hoạt động tại các tuyến phố đi bộ ở Thủ đô dường như nhộn nhịp hơn. Khác với các tuyến phố đêm, chợ đêm ở các tỉnh, thành phố khác, các không gian đi bộ tại Hà Nội không chỉ tấp nập hoạt động mua bán, sinh hoạt mà còn có chương trình văn hóa nghệ thuật thu hút sự chú ý của du khách và người dân Thủ đô.

Hấp dẫn đêm Hà Nội
Nhiều hoạt động sôi nổi tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trước dịch Covid-19.

“Muốn biết rõ một thành phố, không cần phải biết những lâu đài mỹ thuật, những bảo tàng, những tờ báo hay những nhà văn, nhưng cần phải biết những chốn mà dân thành phố ấy ăn chơi. Ăn và chơi, đó là hai hành động mà trong ấy người ta tỏ rõ cái tâm tính, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất” (Những chốn ăn chơi - nhà văn Thạch Lam). Có lẽ vì thế mà bất cứ ai khi đặt chân đến Hà Nội, muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống, con người Hà Nội thường tìm đến những chốn ăn chơi, nhất là khi đêm về.

Vào thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành điểm hẹn cuối tuần lý tưởng của người Hà Nội và khách du lịch. Chạng vạng tối, mọi ngả đường đổ về khu phố đi bộ bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp. Từ 20h đến 24h là khoảng thời gian các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi nhất. Dọc hè phố phía trước đền Ngọc Sơn là giá vẽ mà các họa sĩ đường phố trưng ra để “so tài” họa chân dung khách bộ hành. Gần đó là các tiết mục dân ca dân vũ trên nền nhạc sôi động của các đội văn nghệ không chuyên; cách đấy một đoạn là màn biểu diễn các tiết mục xiếc và ảo thuật... Dọc đường Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng quanh hồ Hoàn Kiếm, sự có mặt của các ban nhạc, nhóm nhảy, nhóm nghệ thuật biểu diễn theo phong cách hiện đại khiến tuyến phố trở nên náo nhiệt. Thôi thì đủ loại, đủ tiết mục, từ những bản tình ca lãng mạn, những bản nhạc Mỹ Latin sôi động cho đến những tiết mục cover dance đầy hấp dẫn từ các bạn trẻ... “Ai đến phố đi bộ lúc trở về cũng đều vui vẻ. Hà Nội rất cần những không gian vui chơi như thế này”, đó là nhận xét của anh Nguyễn Văn Lâm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) khi anh đưa vợ và cô con gái 6 tuổi của mình đi nghe nhạc rồi tham gia các trò chơi dân gian. Và quả thật, khung cảnh mọi người cùng nhau khoác vai đu đưa hát theo điệu nhạc một cách thoải mái giữa đường phố đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp đọng lại rất lâu trong tâm trí khách bộ hành.

Đặc biệt, nhờ ý tưởng phục dựng, tổ chức sân chơi trò chơi dân gian tại khu phố đi bộ của các bạn trẻ nhóm MyHanoi, không gian phố đi bộ đã trở thành sân chơi gợi nhớ kỷ niệm thuở ấu thơ với nhiều người, mở ra cơ hội để thế hệ trẻ tiếp xúc với các trò chơi dân gian tưởng như xa lạ trong thời hiện đại. Dọc tuyến phố đi bộ, cách một đoạn lại có một nhóm chơi các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, đá cầu... Khuôn mặt ai nấy đều phấn khích, niềm vui sướng như vỡ òa vì được sống lại kỷ niệm tuổi thơ. Anh Ngô Quý Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ MyHanoi tâm sự: “Tôi nảy ra ý định tổ chức sân chơi này khi nhận thấy những trò chơi truyền thống đang có nguy cơ bị thay thế dần bởi những trò chơi hiện đại như game trên điện thoại... Trẻ em Thủ đô rất thiếu không gian vui chơi, nhiều em đến đây mới biết chơi những trò chơi này và đều rất thích thú. Sự thích thú ấy còn lôi cuốn cả người lớn và thậm chí khiến khách du lịch cũng muốn ngồi xuống chơi cùng. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng”.

Hấp dẫn đêm Hà Nội

Rất gần với phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là khu vực chợ đêm kéo dài từ phố Hàng Đào, qua phố Hàng Ngang và kết thúc tại chợ Đồng Xuân với hàng trăm quầy hàng bày bán các loại phụ kiện thời trang, quần áo, đồ lưu niệm, đồ thủ công phong phú, hấp dẫn. Những ngày chưa phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19, chợ đêm Đồng Xuân mở cửa từ 19h đến 23h trong 3 ngày cuối tuần. Đặc biệt, vào buổi tối thứ bảy hằng tuần, hai đầu tuyến phố thường có các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như hát chèo, xẩm, quan họ, ca trù... Ông Nguyễn Tiến Phúc (phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Xẩm là môn nghệ thuật dân gian. Chiếu xẩm tại chợ Đồng Xuân đã đưa xẩm trở lại gần đúng với không gian biểu diễn ban đầu. Với những người cao tuổi sống ở khu phố cổ Hà Nội như chúng tôi, mỗi khi sân khấu trước cửa chợ Đồng Xuân sáng đèn là chúng tôi lại rủ nhau ra nghe xẩm để nhớ lại những âm thanh quen thuộc, gợi lại ký ức đẹp về nhịp đập phố phường Hà Nội thuở nào”.

Một địa điểm nằm trong khu vực trung tâm khu phố cổ thường được giới trẻ nhắc đến mỗi khi có nhu cầu giao lưu gặp gỡ về đêm, đó chính là phố Tạ Hiện. Nổi tiếng là “phố bia giữa lòng Thủ đô”, nơi gắn kết những tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống thuộc đủ thành phần, quốc tịch, Tạ Hiện còn được giới trẻ nhắc đến với những quán bar sôi động như Hay Bar, Local Bar... Du khách đến đây, tùy theo sở thích, sẽ lựa chọn không gian khác nhau, từ không gian lắng đọng với nhạc acoustic tới nơi ưa thích loại nhạc sôi động, để có thể hưởng trọn những phút giây thăng hoa cùng âm nhạc bên ly rượu say nồng thú vị.

Cách khu phố cổ không xa, chợ đêm Long Biên cũng là một điểm đến hấp dẫn khách phương xa. Tấp nập suốt hơn 20 năm qua, chợ đêm Long Biên được mệnh danh là khu chợ rau quả đêm rẻ nhất và quen thuộc của người dân Hà Nội. Rục rịch hoạt động từ 22h nhưng đông đúc và nhộn nhịp nhất thì phải từ 24h trở đi. Từ đầu đến cuối chợ, điều mà bất cứ ai đến đây đều cảm nhận được đó là sắc màu tươi mát của những sạp rau, củ, quả. Đặc biệt, lẫn trong màu xanh huyền hoặc ấy là những thanh âm quen thuộc của cuộc sống. Tiếng cười nói của thương lái, cuộc chuyện trò của những người lao động làm thuê trong chợ xen lẫn tiếng còi tàu đường sắt vụt qua... Tất cả hợp thành trải nghiệm khó quên đối với bất cứ ai lần đầu đặt chân tới khu vực này.

Hấp dẫn đêm Hà Nội
Chợ hoa Quảng An - một địa điểm thu hút khách tham quan vào ban đêm.

Từ chợ đêm Long Biên ngược con đê Yên Phụ vài cây số, có một khu chợ nữa được nhiều người khi đến Hà Nội chọn làm điểm tham quan về đêm, đó là chợ hoa đêm Quảng An. Bước vào chợ như thể bước vào thế giới nhộn nhịp sắc màu. Không chỉ có những loài hoa thường thấy như hồng nhung, bách nhật, ly thơm... mà còn có nhiều loại hoa nhập khẩu. Nơi đây, vào thời khắc nửa đêm, người đi chợ thoáng thấy mình như lạc vào cõi thần tiên, bỏ lại đằng sau cái ngột ngạt xô bồ phố xá và không khí căng thẳng đầy áp lực của ngày thường... Buông mình trôi vào không gian lung linh huyền ảo dưới ánh đèn vàng và màn sương mỏng manh như một tấm voan, sẽ thấy đời thong thả, đáng sống...

Đặc biệt, nếu muốn cảm nhận sâu hơn về Hà Nội, một thành phố hơn nghìn năm tuổi, chẳng cần phải đi đâu cả mà chỉ cần chờ khi màn đêm buông xuống, một mình thả bộ trên những con đường vắng vẻ, không còn cảnh tắc đường, ngột ngạt trong tiếng còi xe, để cảm nhận vẻ đẹp trầm lắng của một Hà Nội cổ kính. Đêm Hà Nội ở mỗi góc phố có một nét riêng. Khi những con phố chìm trong bóng tối, ánh sáng từ những ngọn đèn đường hắt qua ô cửa sổ nhỏ, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ về một Hà Nội của Phan Vũ với “Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ...”. Lang thang trên phố để nghe tiếng đêm Hà Nội, để thấy một Hà Nội vẫn bắt kịp nhịp sống hiện đại trong dáng vẻ trầm tĩnh, cổ xưa.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hấp dẫn đêm Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO