Hồ Tây qua thơ văn của người xưa

Trần Văn Mỹ| 18/06/2021 15:31

Hồ Tây qua thơ văn của người xưa
Một góc làng Yên Phụ bên bờ hồ Tây xưa, phía Bắc đường Cổ Ngư. (Ảnh tư liệu)
Vì nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long nên hồ có tên gọi hồ Tây, dân gian gọi là hồ Trâu Vàng, tên chữ là Lãng Bạc, nghĩa là cái bến có sóng lớn, hay Dâm Đàm, nghĩa là cái hồ có sương mù bốc lên. Tên Dâm Đàm vẫn được dùng đến đời nhà Trần, các vua đời Lý và Trần có xây Dâm Đàm hành cung ở cạnh hồ để hóng mát. Năm 1573, vì kiêng tên húy của vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, nên mới đổi là Tây Hồ, và tên đó được dùng đến ngày nay. Theo “Tây Hồ chí” của Dương Bá Cung thì hồ này từ thời Hùng Vương là một cái bến cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ, và mãi cho đến thời Hai Bà Trưng, bến này vẫn thông với sông Hồng. Xung quanh bến là một rừng lim rậm rạp. Khu rừng lim đó chính là mặt hồ hiện nay. Tương truyền khi đó, ở dưới chân núi Tản có con cáo chín đuôi hay làm hại dân. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước phá hang đá của nó. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo phá hang bắt cáo nuốt ăn. Nơi này trở thành cái đầm sâu, gọi là đầm Xác Cáo, tức hồ Tây ngày nay. Nay ở vùng Xuân Đỉnh còn có làng Cáo, mang tên với ý nghĩa lịch sử đó (GS. Bùi Văn Nguyên). Giải thích sự hình thành của hồ Tây còn nhiều truyền thuyết khác, nhưng nhìn theo cách nào thì hồ Tây cũng là một đoạn của sông Hồng bị bồi lấp mà thành. Năm 1958, diện tích hồ rộng 583 hecta. Con đường vòng xung quanh hồ Tây từ An Dương lên Nhật Tân vòng về Bưởi và từ Bưởi qua Thụy Khuê về đến Yên Phụ dài khoảng 12 cây số rưỡi. Hồ Tây chứa 8 triệu mét khối nước, có tác dụng điều hòa không khí vùng phụ cận. Cũng do ưu việt ấy mà từ lâu đời, các thứ hoa cung cấp cho Kinh đô đều trồng ở các làng xung quanh hồ Tây: Tứ Tổng, Nghi Tàm, Ngọc Hà. Nổi tiếng nhất là hoa đào Tứ Tổng và các thứ hoa của Nghi Tàm. 

Một vùng trời nước mênh mông đã ưu ái cho đất quanh hồ có nhiều di tích quý. Một thống kê cho thấy các làng quanh hồ có 40 đình, chùa, đền, miếu. Bên đường Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) có chùa Khai Quốc dựng từ thời Lý Nam Đế bên sông Hồng, sau do đất sông lở mới chuyển vào đảo Cá Vàng và đổi là Trấn Quốc. Gần đó, có đền Cẩu Nhi, gắn liền với việc vua Lý Thái Tổ lên ngôi ở Hoa Lư năm 1009. Ngược đê sông Hồng, ta gặp làng Nghi Tàm, có cung Thúy Hoa đời Lý, Nghi Tàm là quê của Bà Huyện Thanh Quan. Đến phường Nhật Chiêu (Nhật Tân) gợi nhớ trước đây có bảy cây gạo cổ thụ do bà Lạc Phi, vợ vua Lạc Long Quân trồng để ghi lại việc bà sinh ra một cái bọc 7 quả trứng rồi hóa thành 7 con rồng bay về trời. Đến phía Bắc hồ ta gặp làng Cáo, là nơi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân, đến đây ngồi nghỉ, ăn cơm với cà, xuống hồ tắm mát rồi mới bay về trời. Về sau, dân lập đền thờ ở nơi thánh ăn cơm. Gần đây, đền Cáo (Xuân Tảo) còn thờ chiếc roi sắt, coi như di vật của anh hùng dân tộc. Có thể đền này nằm ở phía bắc Thủ đô nước ta bấy giờ, nên về sau Thánh Gióng được phong sắc là Sóc Thiên Vương (Sóc là phương Bắc). Qua Bưởi, theo đường Thụy Khuê, ta gặp đền thờ ông chài Mục Thận, người làng Võng Thị, có công cứu vua Lý khỏi nạn trên hồ, được vua thăng Phụ quốc tướng quân, tương đương như Binh bộ Thượng thư sau này…

Hồ Tây rộng mênh mông, quanh năm mờ ảo trong sương khói, gợi niềm cảm hứng cho các văn sĩ, thi sĩ sáng tác thơ văn. Giai thoại Thăng Long kể, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, đầu thế kỷ XV, đã gặp nhau ở Tây Hồ và cùng làm thơ xướng họa. Thám hoa Phùng Khắc Khoan, người làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, năm 1598, khi đi sứ Trung Quốc trở về có dừng lại Tây Hồ và gặp Liễu Hạnh. Nơi hai người gặp gỡ chính là phủ Tây Hồ ngày nay.

Từ xa xưa, nhiều văn sĩ đã ca tụng những cảnh đẹp Tây Hồ. Một thi sĩ vô danh đời Vĩnh Hựu (1735-1739) đã ca tụng tám cảnh đẹp Tây hồ trong “Tây hồ bát cảnh”. Đó là bến trúc Nghi Tàm/ Rừng bàng Yên Thái/ Phật say làng Thụy/ Đàn thề Đồng Cổ/ Chợ đêm Khán Xuân/ Tiếng đàn hành cung/ Sâm cầm rợp bóng/ Đồng bông (hoa) Nghi Tàm.

Mười thế kỷ đã trôi qua, không biết có bao nhiêu bài thơ văn viết về hồ Tây. Năm 2001, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đã sưu tầm văn thơ viết về Thăng Long - Hà Nội. Các tác phẩm tiêu biểu đã được in trong tập Thăng Long thi văn tuyển  650 trang, của 55 nhà thơ. Đó là thơ của vua chúa, danh tướng và công khanh: Về thơ có Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Trịnh Sâm, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Xuân Chính, Thiệu Trị, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Vũ Tông Phan, Nguyễn Khuyến; về phú có Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái; về văn có Dương Bá Cung với “Tây Hồ chí”, Hải Thượng Lãn Ông có “Thượng kinh ký sự”.

Điều đặc biệt là hầu hết các tác phẩm thơ văn trong tuyển tập, ít nhiều đều có viết về danh thắng này. Đoàn Nguyễn Tuấn, anh vợ Nguyễn Du in 8 bài, hồ Xuân Hương in 3 bài, Nguyễn Văn Siêu in 3 bài, Trần Bá Lãm in 10 bài… đều viết về hồ Tây. Sau đây xin trích một vài câu. Nguyễn Mộng Tuân viết:

Mặt hồ đáy nước trong xanh
Quế hương đưa ngát cho thanh lòng trần
Nguyễn Huy Lượng trong “Tụng Tây hồ phú”: 

- Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời
Quán Trấn Võ nắng mưa nào chuyển. 

- Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương
Chùa Trấn Quốc tưởng in vùng Tĩnh Phạm.

- Chày Yên Thái nện trong sương loảng choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Nguyễn Công Trứ trong một bài hát nói:

Cảnh Tây hồ khen ai khéo đặt
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền
Bóng kỳ đài trăng mặt nước như in
Lâu nay, người Hà Nội đã quen thuộc với 4 câu thơ sau đây:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Trong dân gian có đổi câu đầu là: Gió đưa cành trúc la đà. Các nhà nghiên cứu đã xếp bốn câu này vào kho tàng ca dao Hà Nội. Nay đọc Thăng Long thi văn tuyển, chúng ta biết, bài 4 câu thơ này là của Dương Khuê (1839 - 1902). 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
Hồ Tây qua thơ văn của người xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO