Hoa huệ

Nguyễn Minh Hoa| 19/01/2020 14:03

Tôi nhớ mùi hương mà lại như nợ loài hoa này một điều gì đó thuộc về kí ức, khó cắt nghĩa cho rõ nét trong nghĩ suy của mình. Một loài hoa có màu trắng tinh khôi, hương hoa thơm nồng những đêm đầy ánh trăng, nồng hơn hẳn khi trời ướt mưa.

Hoa huệ

Tôi nhớ mùi hương mà lại như nợ loài hoa này một điều gì đó thuộc về kí ức, khó cắt nghĩa cho rõ nét trong nghĩ suy của mình. Một loài hoa có màu trắng tinh khôi, hương hoa thơm nồng những đêm đầy ánh trăng, nồng hơn hẳn khi trời ướt mưa. Loài hoa có những tên thật đẹp, gắn với đặc điểm riêng, vũ lai hương - hương đến  khi mưa, hay dạ lai hương - hương về đêm. Đến giờ với hoa ấy, tôi vẫn như phiêu diêu trong những câu chuyện đậm chất liêu trai. Một loài hoa chỉ xuất hiện trong một không gian thiêng, đưa người ta chạm vào quá khứ xa xôi, hay điều gì đó linh nghiệm. Ngoài những tên kia, tên thường gọi của hoa này là hoa huệ - huệ ta.

Huệ là loài hoa có trong danh sách lễ vật cúng tế của người Việt từ xa xưa đến nay. Hoa có mùi thơm nồng nàn như có thể cầm nắm được, lại có khi như thể phết lên không gian một mùi hương đặc sánh. Hương hoa như có thể gột rửa, thanh lọc không gian trở nên thanh sạch hơn, tĩnh lặng hơn. Có lẽ vì tất cả những lẽ ấy mà người ta không cắm huệ để chơi bao giờ.

Huệ ở nước ta có quanh năm, khá dễ trồng, vụ mùa mưa cho nhiều hoa hơn vụ mùa khô. Huệ là loài cây thân cỏ, mọc thẳng đứng, không phân nhánh, cây cao trên dưới 1 mét. Có hai loại huệ đơn và huệ kép. Huệ đơn cành ngắn, hoa thưa, còn huệ kép hoa dầy hơn. Càng về ngọn, nụ hoa càng nhiều, khi nở bung, đưa hương ngào ngạt. Hoa huệ đẹp, cánh nở xòe trắng ngần. Khi cành nụ to, hay nở đôi bông cũng là khi người ta cắt hoa huệ đem bán. Mùa hoa huệ nhiều là mùa hè, nhưng sau này do nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn vào dịp cuối năm, nhất là lễ Tết và hội mùa xuân nên người trồng hoa đã trồng vụ vắt qua mùa đông sang xuân nhiều hơn. Tết Nguyên Đán, hoa huệ thơm nồng các đình chùa, lăng miếu, nở trắng trên các ban thờ của nhiều tư gia. Đặc biệt, trong những lễ hội mùa xuân, hoa huệ thường có trong các bình trên các kiệu rước - nhất là kiệu ấy rước bà. Phải chăng, chính vì sắc và hương hoa đã khiến người đời gửi gắm vào đó những ý niệm, những thông điệp riêng, mong dâng lên Phật Thánh tấm lòng thành và những ước nguyện của mình và cộng đồng làng xã hay rộng lớn hơn nữa.

Còn trong mỗi gia đình, nhà sang mới chọn hoa huệ cho ngày sóc vọng, còn thường thì người ta chỉ mua hoa huệ khi nhà có đám giỗ, lễ trọng, hay dịp Tết ta. Huệ về đến nhà, trong làn mưa bụi cuối năm, hương thơm như ngưng lại trong  mưa ẩm. Hoa được đem ngay xuống bếp, cắt cho vừa độ cao của bình, cuống hoa được hơ ngay trên bếp than nóng. Cuống hoa hơ như thế sẽ khiến hoa huệ được tươi lâu hơn. Hai chục hoa, cắm vừa đủ 2 lọ lộc bình. Cùng với mía thờ, ngũ quả, bánh chưng, chè kho, hoa huệ khiến cho không gian thờ của mỗi tư gia trở nên trang trọng. Hương hoa huệ thơm nồng, không lẫn vào đâu được, cùng với bưởi vàng da, quýt chín đỏ, hương hoa huệ khiến người ta như muốn trở về sum vầy. Hoa như thấy dáng ông mặc áo the đen cẩn trọng sắp lễ. Hoa như gợi nhớ dáng bà  chọn chùm cau mặt, rồi têm trầu, xếp đĩa đặt trên ban thờ.

Bà tôi ưa hoa huệ, xưa bà thường mua hoa huệ mỗi dịp Tết, nên thành nếp. Hoa huệ đi với hương đen, cứ thấy mùi ấy là thấy Tết về. Bà tôi sẽ mặc áo the, quần sa tanh, thắt bao tượng, bà sẽ vấn khăn nhung the khác hẳn ngày thường để lên chùa. Còn chúng tôi chờ mãi cũng đến ngày này để mặc quần áo mới. Chị em tranh thủ thổi bóng cho đỏ môi như mấy chị gái trong làng. Vì trẻ con ai cho đánh son, mà lại cứ thích môi hồng. 

 Vào mỗi dịp Tết, bố tôi vẫn đốt gốc cành hoa huệ như mọi năm, mẹ tôi lấy rượu trắng lau cho lên mã, lên hương  bưởi, quýt. Hương đen ngát vẫn quện cùng hương hoa huệ. Trong làn mưa bụi ẩm, huệ càng thơm. Cùng mùi hương đen khiến hương hoa huệ càng trở nên ấm nồng. Mẹ ngậm ngùi kể chuyện bà, năm ấy mất mùa, bà đi chợ phiên giáp Tết đến 3 lần, về đến nhà bà cứ bảo quên gì mà không nhớ nổi. Đến lần thứ 3, mẹ hiểu, bà băn khoăn không dám mua chục huệ. Mẹ phải bảo, bà quên hoa huệ, để con sang bãi, mua bên vườn các cụ cho rẻ. Mẹ đạp xe đi, khi mang về chục huệ, mắt bà ngân ngấn. Bà bảo “Thiếu hoa huệ lễ cụ, thấy khó nghĩ quá!”. Năm đó cũng là năm giỗ hết ông nội tôi. Mùa đông năm ấy, cuối tháng 10, bà tôi cũng về trời. Đám tang kiêng hoa huệ, mãi tận khi đưa bà lên chùa mẹ tôi mới lại mua hoa huệ cúng bà.

Sau này, có giống cây trồng mới, lại xen canh gối vụ, người làng tôi cũng không còn phải đói, nhiều nhà được xây mới, lễ Tết linh đình hơn nhiều. Người bên bãi lở mua hoa về thâm canh cả một góc bãi làng bên, bán cho cả vùng. Những ngày sóc vọng không chỉ hoa mà còn có cả trái cây, mùa nào thức nấy, hoa huệ mùa Tết cũng không còn hiếm như xưa. Cứ lạnh về là mẹ tôi lại mua hoa dâng lễ lên tổ tiên, ông bà. Mùi hoa huệ trong thời tiết lạnh thật đặc biệt, khiến tôi nhớ bà da diết. 

Thời gian thấm thoắt, anh chị em tôi đều đã đi ở riêng. Dù ở đâu, chúng tôi cũng vẫn chọn hoa huệ, hương đen trong mỗi dịp lễ Tết. Và khi ấy trong tôi, kí ức không phải xa lắc chặng dài đến bạc cả tóc mà hiển hiện nếp nhà xưa sum vầy, êm ấm, niềm vui tấm bé và cả thời thanh tân trở về ấm áp.
(0) Bình luận
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành
    Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Đừng bỏ lỡ
Hoa huệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO