Hoài niệm một miền Trung thu

HNMCT| 19/09/2021 10:20

Hà Nội vào thu, nắng sóng sánh rải đều trên vòm lá xôn xao. Thời tiết mát dịu. Những ngày giãn cách quên thời gian, tình cờ nhìn lên tờ lịch mới hay Tết Trung thu đã cận kề. Nếu không có dịch bệnh thì lúc này phố xá đã nhộn nhịp các quầy hàng bánh nướng bánh dẻo, những phố đồ chơi lung linh sắc màu Trung thu. Đã qua tuổi chực chờ ngóng ngày "đón Tết trông trăng" nhưng mỗi lần Trung thu tới, lòng tôi đong đầy cảm xúc về tuổi thơ ngọt ngào dù ngày ấy còn nghèo khó lắm.

Hoài niệm một miền Trung thu
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác háo hức thời thơ bé. Rằm tháng Bảy tới là lũ trẻ trong làng đã nhắc nhau rồi, đi đâu cũng kháo nhau: “Còn một tháng nữa là tới Trung thu đấy!”. Và "công cuộc" chuẩn bị Trung thu cũng sẽ bắt đầu từ đó.

Quê nghèo lam lũ, chúng tôi tự thân vận động, ra ngoài vườn chặt tre vào làm lồng đèn, còn giấy bóng kính xanh đỏ thì xin mẹ đi chợ nhớ mua về cho. Đèn ông sao thông dụng nhất, cũng dễ làm nhất nên được mọi người... ưu ái. Những thanh tre vót trơn tru, buộc ghép lại rồi dán giấy bóng kính ra ngoài là có chiếc đèn lung linh. Đứa lớn kèm đứa bé, đứa khéo léo giúp đứa vụng về, cứ thế, những buổi trưa bên hiên nhà, nắng tháng Tám rám trái bưởi, đám con nít í ới gọi nhau làm đèn ông sao. Tay học trò còn yếu nên đa số đèn bị méo, nhưng cho dù đẹp xấu cỡ nào thì chúng tôi vẫn vui bởi được tự tay làm cho mình một chiếc đèn.

Chị gái tôi, ngoài làm đèn ông sao thì còn tận dụng hộp xà phòng Viso để làm đèn lồng. Chị lấy kéo vùi trong bếp than tổ ong rồi chọc thành những hình ông sao trên chiếc hộp. Cắm thêm cây nến vào trong, buộc cái que ở trên quai hộp, thế là có một cái đèn lồng "xịn". Có đứa lại làm đèn bằng vỏ lon, hay bóc hạt bưởi, phơi khô để dành từ bao tháng nay để làm dây đèn hạt bưởi... Trăm thứ đèn cũng chỉ để “trưng diện” vào đêm rằm tháng Tám.

Rồi cũng đến đêm Trung thu. Đi học về là chúng tôi tắm rửa ăn cơm thật mau, lấy cái lồng đèn đã chuẩn bị trước rồi cùng đám bạn ùa đi khắp làng rước đèn, vừa đi vừa hát vang “Chiếc đèn ông sao”, “Thằng Cuội”... “Đội quân nhí” đi đến đâu là đường sáng tới đó. Lâu lâu chúng tôi lại chụm đầu vào nhau che gió để mồi lửa thắp sáng khi đèn của ai đó bị tắt. Buồn cười nhất là những đứa làm đèn bằng vỏ chai nước ngọt bằng nhựa, đốt đèn được một lúc thì khét lẹt, khói mù mịt. Có đứa vô ý để nến cháy lẹm vào thân đèn, đi một vòng xóm là đèn chỉ còn mỗi cán. Nhìn khuôn mặt ngẩn ngơ tiếc nuối của "chủ đèn" mà vừa buồn cười vừa thương đến lạ.

Đêm Trung thu trăng rọi đường quê lấp lánh. Trăng hòa cùng tiếng gọi nhau í ới thân thương của đám trẻ con. Rước đèn xong là đến “tiết mục” phá cỗ. Chẳng nhiều nhặn gì ngoài cây nhà lá vườn, những bưởi, hồng, ổi, táo, na và một vài trái thị, mãi sau này mới có thêm bánh nướng, bánh dẻo. Vị ngọt thơm của chiếc bánh Trung thu lần đầu được ăn ngày ấy, tôi vẫn nhớ mãi dù sau này đã ăn bao nhiêu vị bánh mới khác lạ.

Ánh trăng rằm tháng Tám thì muôn đời vẫn thế. Tròn trịa và rất sáng. Nhưng Trung thu càng ngày càng khác xưa rất nhiều, khi cái gì cũng có sẵn trên thị trường, chỉ cầm tiền ra ngõ là có thể mua được. Với tôi, dẫu có bao nhiêu mùa trăng qua đi thì Trung thu của cái thời con trẻ háo hức muốn rình rang chạy theo tiếng trống mãi là dòng ký ức trong trẻo không thể nào quên...

(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm một miền Trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO