Hoài niệm về một Hà Nội xưa

Thanh Bình| 01/10/2018 09:18

Cách đây tròn 130 năm, năm 1888 bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Thành phố Hà Nội chính thức được thành lập. Trải qua hơn 1 thế kỷ với tư cách là một đô thị trung tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Dương, Hà Nội vẫn luôn giữ được những nét văn hóa riêng biệt. Triển lãm “Hoài niệm phố” diễn ra từ 6/9 - 31/12/2018 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về một Hà Nội xưa.

 Với 130 tài liệu, hình ảnh trong đó nhiều tài liệu bản gốc hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, triển lãm đã phần nào tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hóa, tôn giáo của người dân Hà Nội. Người xem như được ngược dòng thời gian để trở về với Hà Nội một thời qua những hình ảnh về khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội 36 phố phường” xưa, Thành cổ Hà Nội với những nét kiến trúc độc đáo, Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học lâu đời nhất Việt Nam. Và còn nữa, đó là thắng cảnh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á - Âu thời Pháp thuộc… 

Hoài niệm về một Hà Nội xưa
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
Trong số các tư liệu, hiện vật được giới thiệu tại triển lãm có không ít ảnh và ký họa ghi lại những hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Nào hoạt động của xưởng làm mũ ở phố Cầu Gỗ, phiên chợ, phố phường, phu kéo xe; nào việc xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội năm 1884 - 1887… rồi cả những bản vẽ mặt đứng đầu tiên của nhà Thủy Tạ, cũng như những hình ảnh ghi lại hoạt động tại đây. 

Không chỉ có thế, những hình ảnh và văn bản hành chính, những tấm bản đồ… được giới thiệu tại triển lãm còn cho công chúng cái nhìn cụ thể về quá trình đô thị hóa kinh thành xưa trong thời Pháp thuộc cũng như quá trình xây dựng hạ tầng căn bản của thành phố. Không ít người tỏ ra thích thú khi ngắm nhìn hình ảnh bảng Yết thị ngày 2/5/1925 thông báo sẽ khảo sát ý kiến trong việc mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước tây từ ngày 2 – 22/5/1925 được phóng to và trưng bày trong triển lãm;  rồi cả những tấm bản đồ thể hiện mặt bằng chung của Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1905, những văn bản về việc mở rộng đường sá, đặt tên phố trong đó có Nghị định số 571 ngày 2/9/1930 của quan cai trị - Đốc lý Hà Nội về việc bổ nhiệm một Ủy ban lựa chọn tên của một số người Pháp hoặc người An Nam để đặt tên cho những tuyến đường của thành phố đang được đánh số.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhấn mạnh: “Điểm mới của triển lãm mà Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức lần này chính ở phương thức biểu hiện. Nghệ thuật sắp đặt và thiết kế kiến trúc không gian kết hợp với những tài liệu, hiện vật phiên bản, hình ảnh công nghệ hiện đại sẽ khiến triển lãm không đơn thuần là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu lưu trữ, mà thực sự là không gian sinh động, nơi khách có thể chiêm ngưỡng, hòa mình và cảm nhận. Đồng thời, khách tham quan triển lãm sẽ có cơ hội được tìm hiểu về kỹ thuật cũng như chế độ bảo quản các tài liệu lưu trữ quốc gia và các di sản tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại đây.”

Hoài niệm về một Hà Nội xưa
Một hình ảnh về phu kéo xe tại Hà Nội
Những hình ảnh, tư liệu tại triển lãm như những thước phim quay chậm giúp công chúng trở về với quá khứ, để sống lại cùng Hà Nội một thời. “Hoài niệm Hà Nội” phố còn là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc… của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm về một Hà Nội xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO