Hội làng qua thi ca dân gian

Văn Hậu| 07/04/2020 09:29

Thi ca dân gian Hà Nội phản ánh niềm tự hào về cảnh vật quê hương, về các anh hùng dân tộc, về làng văn, làng võ, làng nghề. Trong các bước ngoặt của lịch sử, ca dao phương ngôn nêu lên cái chí khí quật cường của dân tộc ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc chống thiên tai địch họa. Mặt khác người dân và các nho sĩ cũng phản ánh sức sống mãnh liệt của làng quê trong những ngày hội hè, đình đám ở làng quê bên đôi bờ sông Nhị, sông Đáy, sông Đuống, sông Tô…

- Chết thì bỏ con, bỏ cháu; Sống thì không bỏ mồng Sáu tháng Giêng.

Cổ Loa, huyện Đông Anh thờ An Dương Vương, Cao Lỗ và Mị Châu. Hội làng ngày 6/1 có rước 12 kiệu, cỗ cúng có bóng chủ, chè lam. Trò vui có đấu vật, kéo co, múa võ, chọi gà…

- Mồng bốn xem pháo Sơn Minh

Ta lại hẹn mình mồng sáu pháo Đăng.

Đình Sơn Minh, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa thờ Cao Sơn Đại Vương. Hội ngày 4 tháng Giêng có trò cướp mõ, xé bông, cướp cây vàng cây bạc.

-  Dù ai đi ở nơi đâu: Tháng Giêng mười tám bảo nhau mà về;

Dù ai lâu đã xa quê; Nhớ lấy mà về mười tám tháng Giêng

Hội đền làng Sứa (Chử Xá), xã Văn Đức, huyện Gia Lâm thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Tiên Sa. Hội ngày 18/1 có rước nước, cỗ có tục ăn bánh dày với cháo gạo nếp, gọi là ăn dừ. Rồi chờ xếp chữ, đánh gậy.

- Dù ai buôn bán trên đường; Nhớ ngày giỗ Tổ Trưng Vương thì về;

Dù ai hải đảo sơn khê; Nhớ ngày giỗ Tổ thì về Đồng Nhân.

Đền Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng thờ Hai Bà Trưng, đình thờ Cao Sơn Đại Vương Mậu Công Đại Vương, Thiên Tử Đô Hồ Đại Vương. Hội ngày 5/2 có trò rước nước, múa đèn. Đền Đồng Nhân, xã Hải Bối, huyện Đông Anh thờ Xà Nương và 24 nữ binh tướng của Hai Bà Trưng có trò diễn múa trống chiêng… hội ngày 11/1.

- Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn; Tháng Ba giỗ tổ Hùng Vương nhớ về.

Hội Sóc Sơn ngày 6/1 tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn có tục cướp hoa tre (dò tre). Ngày 1/3 hội đền Hùng (Phú Thọ) thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, Âu Cơ… có rước kiệu đánh trống đồng, hát xoan, đâm đuống (giữ gạo)…

- Bội Đăm, nước giá, hội thầy
Vui thì vui vậy chẳng tầy Giã La

Đình La Nội (Giã La). Phường Dương Nội, Quận Hà Đông thờ Đương Cảnh Đô Đốc Linh Ứng Đại Vương. Hội 14 tháng Giêng có lễ rước đồ sộ, đặc biệt có cảnh săn hổ trong đêm. Hội được ví với hội Đăm (quận Bắc Từ Liêm), hội Giá Yên Sở huyện Hoài Đức, hội Thầy (huyện Quốc Oai).

- Nhất Hương Tích nhì Phủ Giày
Vui vậy, chẳng tầy hội cá làng Me

Đền Me xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hội 4 tháng 2 có tục đánh cá tế thần. Cá đánh ao làng, cá to tế ở đình còn tất cả trao cho các gia đình trong làng chế biến làm tiệc mời họ hàng, mời khách dự hội.

- Sơn Đồng có hội bó vui
Bánh dày, bánh cuốn đãi cho bạn bè

Đình Sơn Đồng, huyện Hoài Đức thờ Đào Trực Vương Thanh Co. Hội ngày 6 tháng 2 có tục thi bánh dày, bánh cuốn, bó mo. Bó mo là tục bọc đầu chày bằng mo cau. Bánh dày để cúng thánh và đãi khách bất kỳ.
- Làng tôi mở hội tháng Hai: Rước ngày mười một, mười hai rõ ràng; Năm nay hội Mọc năm làng; Để cho thiên hạ phố phường về xem.

Hội 5 năm làng Mọc, phường Nhân Chính - quận Thanh Xuân, phường Phùng Khoang - quận Nam Từ Liêm, mở ngày 11/2 với đám rước của 5 làng. Đình Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng, đình Cự Lộc và đình Chính Kinh thờ Lã Liệu, đình Quan Nhân thờ Hùng Lãng Công, đình Giáp Nhất thờ Phùng Luông. Hội có kiệu bay, múa rồng, múa roi, bắt vịt…

- Làng Thượng Phúc có 2 chùa: Giữa là chùa Tháp, dưới là chùa Dâu; Dù ai buôn bán đâu đâu; Hội hai chùa Tháp, chùa Dâu nhớ về.

Hội chùa làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì tổ chức ngày 16/2 để tưởng nhớ Hoàng Tử Lý Thẩm thiền sư Hồ Bà Lam, Hồ Thuận Nương. Có hát quân, thi thổi cơm. Một phong tục rất quí là buổi trưa có đưa nắm xôi đến những cụ già cô đơn và đàn bà góa bụa.

- Vui thứ nhất là hội đền Và
Thứ hai hội Nả thứ ba hội Thầy

Chùa Nả xã Chu Minh, huyện Ba Vì thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh (Thời Lý). Hội ngày 13/3 có trò “Giật ác” và hát ví. Con Ác là con quạ gỗ được treo trên đỉnh cột phướn cùng dải lụa đào. Sau bị con Ác giật xuống và dải lụa tung ra để trai, gái nếu nhặt lấy khước:

- Mồng bảy tháng Ba hội Thầy
Mồng mười hội Xếp nhớ ngày mà đi

Chùa Thầy,  xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai và chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Hiệp, huyện Quốc Oai. Hai nơi đều thờ Thiền Sư, Pháp sư Từ Đạo Hạnh cùng gia đình ngài như Từ Vinh, Tằng Thị Loan. Nơi đây ngày 7/3 và 10/3 có tục rước kiệu múa rối nước, hát hò.

- Vui sao mở hội chín làng; Cùng với Ninh Xá sửa sang mộ phần; Kỳ này mở hội một tuần; Trẻ già luôn nhớ đức nhân Hai Bà.

Chùa Nhót (Hưng Long tự) xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì thờ Phật bên cạnh thờ công chúa thời Lý, Từ Thực. Hội ngày 15/3 có đám rước 10 làng về thăm Hai Bà: Đam Uyên, Canh Khúc, Mỹ Ả, Đông Phù, Đồng Trạch, Tương Trúc, Tự Khoát, Mỹ Liệt, Ninh Xá và Việt Yên.

Ngày hội có hát văn, kể hạnh, rước nước trên sông Hồng. Rồi leo cột mỡ, bắt trạch trong chum, chọi gà.

- Đến ngày hai ba tháng Ba; Dân trại Nhị Hà ta vượt thăm quê; Kinh quán, Cựu quán đề huề; hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây.

Đình Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên thờ chàng trai họ Hoàng (ông Hoàng Phúc Trung) có công khai khẩn Thập tam trại (13 trại phía Tây Thăng Long). Hội Lệ Mật (Cựu quán) ngày 23/3 đón 13 làng trại (Kinh Quán) về dự. Có tục đánh cá chép tế lễ rồi ăn gỏi cá. Diễn xướng có trò múa rắn gợi sự tích ông Hoàng đánh nhau với thuồng luồng cứu công chúa nhà Lý.

Thăng Long - Hà Nội là sự hội tụ, biểu tượng văn hóa của xứ Nam (Hà Nam, Nam Định), xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), xứ Đông (Hưng Yên, Hải Dương), xứ Đoài (Sơn Tây)… Đây là vấn đề lý thú bổ ích trong việc tìm hiểu kho tàng văn hóa dân tộc. Kết quả một phần giúp nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, sử học, các nhà trường tìm hiểu phong tục tập quán, địa danh xưa. Sâu xa hơn là tiếng gọi của quê hương để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hội làng qua thi ca dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO