Hồi sinh dòng tranh đỏ Kim Hoàng

Phan Anh| 06/04/2018 14:13

Tranh đỏ hay còn gọi là tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của người Kim Hoàng. Hơn một thế kỷ trước, tranh đỏ Kim Hoàng cùng với tranh dân gian Đông Hồ và tranh dân gian Hàng Trống là ba viên ngọc quí nổi bật trong nghệ thuật tạo hình ở đồng bằng Bắc Bộ.

Một thời hoàng kim

Theo sử truyền, tranh đỏ Kim Hoàng được hình thành vào khoảng giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII, các nghệ nhân thời xưa của làng Kim Hoàng với sự sáng tạo tài hoa của mình đã nghiên cứu tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và phát triển những ưu điểm của hai dòng tranh này để sáng tạo ra một dòng tranh mới nhằm phục vụ cho người chơi, nhất là phù hợp với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nhà nông. Bởi vậy, dòng tranh này đã có một thời kỳ huy hoàng. Tuy nhiên, trải qua những thăng biến thâm trầm của lịch sử, tranh dân gian Kim Hoàng đã bị mai một và thất truyền. Năm 1915, đê Liên Mạc bị vỡ gây lụt lội lớn, nước ngập mênh mông, trắng xóa cả một vùng rộng lớn từ Thị trấn Phùng đến Cầu Giấy và đã cuốn trôi hầu hết các ván in tranh của làng Kim Hoàng. Sau trận lụt lịch sử này tranh Kim Hoàng đã mai một dần, đến năm 1945 thì ngừng sản xuất hẳn. Hiện nay những ván in cổ còn lại rất ít, chỉ có một vài ván được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc nằm trong tay các nhà sưu tập người nước ngoài. Dòng tranh này phần lớn được sống trong kí ức hoài cổ của người xưa kể lại. Tuy nhiên những gì đã có và những gì còn lại của tranh đỏ Kim Hoàng cũng đã để lại được một ấn tượng sâu sắc, một nét phong cách nghệ thuật sáng tạo tươi mới trong đời sống mỹ thuật Việt Nam khiến cho không ít người còn phải nhớ mãi, khắc khoải tiếc nuối.  

Hồi sinh dòng tranh đỏ Kim Hoàng
Nghệ nhân Đào Đình Trung đang dạy các em học sinh vẽ tranh Kim Hoàng
Khác với tranh dân gian Đông Hồ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, tranh dân gian Đông Hồ thường có khổ nhỏ, in dập từ trên xuống, in từ nét đến mảng màu; nét tranh thường to, đậm; tranh in trên giấy điệp óng ánh và màu sỏi nâu đậm. Gần với tranh Hàng Trống, tranh dân gian Kim Hoàng in trên nền giấy đỏ, khổ rộng (do đặc điểm này mà có tên là tranh đỏ). Và một đặc điểm riêng biệt của tranh Kim Hoàng so với các dòng tranh dân gian khác là có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cùng với những hình vẽ, sắc màu sinh động, gợi cảm những chữ Hán đề tựa trên bức tranh đã góp phần tạo nên một chỉnh thể thống nhất, hài hoà, chặt chẽ. Xưa, nghệ nhân làm tranh ở Kim Hoàng thường in nét đen lần thứ nhất để lấy hình, sau đó tô bằng tay các màu, rồi in tiếp nét đen lần thứ hai phủ lên lớp màu đã tô sao cho khớp với nét in lần thứ nhất. Họ thường tô tranh bằng các loại màu đặc quánh: màu đen lấy từ mực tầu mài trong nước, màu trắng lấy từ thạch cao ngâm nước đánh nhuyễn pha với keo dính làm từ da trâu hoặc da bò, ngoài ra còn có các màu vàng tư, sa thanh (xanh lơ), sa lục (xanh lá cây), hồng điều, tím đỏ, chàm…

Ngoài cách làm kể trên người làm tranh Kim Hoàng còn làm tranh bằng cách in trên các bản ván khắc hình bằng gỗ thị. Theo đó, nghệ nhân lấy chổi rơm nếp cắt bằng đầu nhúng vào mực rồi quét lên các nét (hình) nổi trên ván khắc sau đó đặt giấy lên trên ván khắc vừa quét mực sau đó dùng xơ mướp tẩm sáp (hoặc nến) xoa đều lên giấy để cho các nét mực in đều trên mặt giấy. Sau khi các nét mực khô thì các nghệ nhân làm tranh dùng bút lông chấm vào các loại màu khác nhau để tô điểm các màu sắc, hoàn thiện bức tranh. Với cách làm này nghệ nhân ở Kim Hoàng đã thể hiện được những cảm xúc cùng những mỹ cảm riêng của mỗi người họa sĩ cho nên mỗi bức tranh ấy là một tác phẩm nghệ thuật mà nhìn kỹ ta sẽ nhận ra được sự độc nhất vô nhị ẩn chứa trong từng đường nét. Mỗi bức tranh như thế nó không chỉ thể hiện được sự phóng khoáng tài hoa của người nghệ sĩ mà còn làm cho diện mạo các bức tranh không bị trùng lặp, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là thế mạnh của tranh đỏ Kim Hoàng so với các dòng tranh Đông Hồ hoặc Hàng Trống. Bởi thế tranh Kim Hoàng đương thời đã được mọi người rất ưa chuộng.

Tranh dân gian Kim Hoàng bắt nguồn từ những nhu cầu thẩm mĩ trong lao động, sản xuất, trước các hiện tượng tự nhiên, những biến thiên thăng trầm của lịch sử cũng như thể hiện những khát vọng, ước mơ và tiếng cười của nhân dân lao động. Tất cả những điều đó đã được nghệ nhân người Kim Hoàng khéo léo gửi gắm, thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật rất độc đáo của hội họa, với các đề tài phong phú như: Tranh thờ, Tranh chúc tụng, Tranh trang trí, Tranh có tích trong các truyện cổ... Cũng bởi thế, dù có “sinh sau” so với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác nhưng tranh đỏ của Kim Hoàng đã có một chỗ đứng riêng và tạo thành một dòng tranh có phong cách riêng, khó có thể nhầm lẫn. 

Hồi sinh sau bao năm thất truyền

Giờ đây, nhắc tới tranh dân gian Kim Hoàng không ít người đã rất tự hào về sức sáng tạo tài hoa của con người Kim Hoàng thủơ xưa. Tuy nhiên ta cũng không khỏi luyến tiếc về một thủơ hoàng kim của dòng tranh đỏ. Những khắc khoải, luyến tiếc ấy cũng là nỗi đau đáu khôn nguôi của bao thế hệ người làng Kim Hoàng trong một thế kỷ thất truyền. Với khát vọng phục sinh dòng tranh dân gian quí hiếm của cha ông, thời gian gần đây cũng đã bắt đầu có người tìm về với nghệ thuật tranh đỏ. Trong số hiếm hoi ít ỏi ấy, không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Đau đáu trước một dòng tranh bị thất truyền đã thôi thúc bà Hòa nỗ lực tìm kiếm khôi phục được dòng tranh quý hiếm này. Và may mắn trong hành trình ấy, bà đã có được sự đồng hành của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Trần Nguyên Đán, nghệ nhân Đào Đình Trung... Nghệ nhân Đào Đình Trung là người con của làng tranh. Anh đã phục dựng được rất nhiều ván in và màu mực đúng với cổ mẫu nhờ sự sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. 

Hồi sinh dòng tranh đỏ Kim Hoàng
Tranh gà nổi tiếng của dòng tranh đỏ
Tuy vậy sự hồi sinh này mới chỉ là bước đầu còn để hồi sinh dòng tranh này một cách bền vững thì còn là cả một chặng đường dài đầy gian nan, trong đó có cả việc tuyên truyền và phổ biến những giá trị thẩm mỹ của tranh đỏ để mọi người biết và yêu thích. Mộ trong những người đã góp phần tiếp thêm sức sống của dòng tranh đỏ này chính là cô giáo Trần Thị Mai Hương – Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Trạm Trôi huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Cô Hương cùng với anh Trung tích cực tuyên truyền và dạy cho học sinh hiểu về ý nghĩa, thẩm mỹ của tranh đỏ, biết cách vẽ tranh đỏ Kim Hoàng trong các buổi học ngoại khóa. Dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2018), trong “Hội sách xuân và tìm hiểu văn hóa truyền thống”, nhà trường tổ chức các hoạt động như trưng bày giới thiệu sách, tìm hiểu về thư pháp, giới thiệu ẩm thực Việt, tìm hiểu và dạy cách vẽ tranh đỏ, nặn tò he, chơi các trò chơi dân gian… Không ít học sinh rất hào hứng và say sưa tập vẽ dòng tranh đỏ ấy dưới sự “truyền nghề” của nghệ nhân Đào Đình Trung. Có lẽ đây là một hướng đi tích cực và cũng là những tín hiệu vui cho việc phục sinh một viên ngọc quí đã từng bị mai một, thất truyền.

Với con đường này, hi vọng trong tương lai gần tranh dân gian Kim Hoàng sẽ tìm lại được vị thế của một thời vang bóng và sẽ mãi được lưu truyền, gìn giữ trong các thế hệ mai sau. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh dòng tranh đỏ Kim Hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO