Hơn cả tình yêu*

Liên Hoàng| 11/08/2021 14:30

Hơn cả tình yêu*
Minh họa của Lê Huy Quang

Hè năm thứ nhất, đang là sinh viên Đại học Xây dựng, theo lời rủ rê của hai cô bạn thân, Hằng đi Sầm Sơn cùng với họ. Vào đến Sầm Sơn, lúc thuê khách sạn, Hằng mới vỡ lẽ, hai cô bạn kia đã có đôi, họ âm thầm sắp đặt sẵn kế hoạch từ trước. Họ gán ghép Hằng với Bắc, một bạn nam cùng lớp vào ở chung phòng. Đêm ấy, Hằng lang thang trên bờ biển, vừa giận bạn, vừa định bụng sẽ không về khách sạn ngủ. 

Khuya, gió biển lồng lộng. Ngoài khơi xa, từng đoàn thuyền đánh cá sáng đèn như một thành phố nổi giữa biển. Bắc đi tìm Hằng. Chàng trai phố cổ Hàng Than, Hà Nội đứng tần ngần trên bãi cát không biết nói gì. Thật ra, chàng không ngờ lại lâm vào tình cảnh này. Hằng là cô gái không nổi bật nhưng khá dễ thương và học giỏi. Chàng trai “phố bụi” ấp úng mãi mới nói được một câu run rẩy:

- Hằng về phòng ngủ đi, kẻo ốm đấy, tớ ở ngoài này, không về đâu.

Thế là, lần đầu tiên, họ ngồi trên bãi biển, kể cho nhau nghe những câu chuyện bâng quơ. Càng về khuya, biển trở lạnh.

- Về phòng đi, ngoài này lạnh lắm.

Đầy quan tâm và lo lắng, Bắc kéo Hằng về. Khách sạn yên ắng. Ánh đèn dưới vườn hoa sáng trắng, đung đưa lùm cây phượng vĩ vẽ lên những chùm hoa lung linh hai màu đen, trắng.

- Hằng vào phòng ngủ đi, tớ kê cái ghế ngoài hành lang này là được rồi.

Trằn trọc mãi không ngủ được, Hằng thầm trách hai cô bạn gái mà lại ái ngại với Bắc. Anh chàng cũng hiền lành, ý tứ, chừng mực. Hằng nghĩ: thực ra, Bắc không có lỗi. Có thể, anh ta cũng chỉ là “nạn nhân” như Hằng. Ngó ra ngoài hành lang, Hằng gọi Bắc vào phòng: 

- Cậu ngủ dưới sàn vậy.

Về sáng, trời bỗng nổi cơn giông. Mây đen ùn ùn kéo đến, chớp xé ngang, xé dọc những vết sáng chằng chịt. Sấm sét ùng oàng phá rách bầu khí quyển. Mưa ném ràn rạt vào cửa kính, ào ạt chảy thành dòng. Bỗng một ánh chớp sáng lòe, tiếp sau là một tiếng sét nổ inh tai nhức óc, như tiếng bom rất gần, xé toạc những đám mây lởm chởm hình thù quái dị. Cảm giác như ngôi nhà chao đảo, hai tai Hằng bỗng không nghe thấy gì, chỉ có tiếng ù ù trong đầu.

 Trên đời này, nhiều người sợ độ cao, người sợ nước, sợ bóng tối, sợ chuột, sợ gián… Hằng thì không sợ những cái đó nhưng lại sợ tiếng mưa rào và sấm sét. Cứ nghe tiếng mưa, tiếng sấm là tim Hằng như bấn loạn, không còn giữ được bình tĩnh nữa. Sợ nhất là tiếng mưa, tiếng sấm trong đêm.

Hằng co rúm người lại, bò xuống sàn, ôm chặt lấy Bắc. Người run bần bật. Hơi thở đứt quãng. Cô rúc vào người Bắc để trốn tiếng mưa rơi. Chỉ khi nghe con tim đập khỏe khoắn, bình thản trong lồng ngực chàng trai trẻ, Hằng mới bớt run rẩy. Cô có ngờ đâu trái tim Bắc cũng đang loạn nhịp. Lần đầu tiên Bắc bị một cô gái ôm chặt, mùi hương là lạ, rất “con gái” tỏa ra dìu dịu, hấp dẫn lạ lùng. Họ nghe rõ hai con tim nóng hổi căng tràn sức trẻ cùng đập thình thịch trong ngực. Bắc siết chặt vòng tay, Hằng nép sát vào người Bắc đầy tin cậy. Mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Phía biển mặt trời lên cao vài con sào, hắt ánh nắng vàng tươi qua cửa sổ. Hằng thức giấc, nhìn ngắm qua cơ thể mình. Cô hiểu chuyện gì đã xảy ra, liền bật khóc nức nở...

***

Sẩm tối một ngày chủ nhật, đại tá Trần Khang đi chơi cầu lông về với chiếc áo may ô ướt đẫm mồ hôi. Vợ ông, Hằng đang ngồi ở phòng khách tiếp chuyện một người lính trẻ. Là chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thành phố, đại tá Khang rất ít khi tiếp khách ở nhà, nhất là cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Người lính trẻ nhanh nhảu:

- Em chào thủ trưởng ạ!

- Cậu là Kiên, phải không? Cả tiểu đội cậu đã ký tên gửi thư kiến nghị giảm án kỷ luật cho cậu, cấp trên sẽ xem xét. Thôi, cậu ngồi nói chuyện với cô, tôi tắm cái đã.

Mối tình Hằng - Trần Khang không ít sóng gió. Trần Khang chơi thân với anh trai của Hằng. Ngày ấy, một nhóm con cái cán bộ có “cỡ” ở Hà Nội chơi thân với nhau. Khang hay đến nhà Hằng ở phố Thụy Khuê. Là ông tướng nghịch ngợm nhưng lại gan dạ nhất trong đám con trai bạn anh Hằng nên Trần Khang khiến cô rất có tình cảm. Nhưng anh trai Hằng bảo:

- Tính cách hai đứa chúng mày không hợp nhau đâu. Đứa nào cũng muốn làm tướng, không ai chịu làm quân thì nhà chỉ có tan. Nước có một vua, nhà có một chủ, không ai chịu ai, tranh nhau làm chủ thì có mà loạn cả nhà.

Rồi một ngày, Trần Khang đón Hằng lên xe hoa, niềm vui hạnh phúc đong đầy. Hằng là một kỹ sư giỏi, thông thạo ba ngoại ngữ: Nga, Anh, Đức. Lúc trở thành vợ của Trần Khang, Hằng tảo tần chăm cho chồng từng miếng cơm, manh áo. Với Trần Khang, bần cùng lắm ông mới không về nhà ăn cơm với vợ. Món ăn ông thích nhất là canh cua nấu hoa thiên lý và mướp hương. Ngồi vào mâm, Trần Khang không tự xới cơm mà cứ chờ vợ đưa bát tận tay. Bữa nào cũng thế, quanh năm vẫn thế. 

Đến nay, họ đã có một cô con gái xinh xắn, giỏi giang. Hằng cũng bắt đầu nghỉ làm ở cơ quan. Nhiều lần, Hằng định nói với Trần Khang câu chuyện diễn ra ở Sầm Sơn thuở sinh viên năm ấy nhưng một phần Trần Khang gạt đi, phần vì Hằng cũng sợ mất anh. Hằng rất đỗi yêu chồng. Không có anh, chị sẽ sụp đổ mất. Càng ở lâu bên Trần Khang, Hằng càng ngẫm ra một điều giản dị: Xây một ngôi nhà không khó, nhưng xây hạnh phúc trong ngôi nhà đó thì khó gấp vạn lần.

Hằng vẫn thường nghĩ: người đàn ông xứng đáng để chị lấy làm chồng trước hết không phải là kẻ nhu nhược, đớn hèn. Không có người phụ nữ nào không thích sức mạnh đàn ông. Sức mạnh ấy toát ra từ phong cách, cử chỉ, lời nói… Nhưng, chỉ có một phong thái chững chạc, một tấm lòng bao dung mới đủ làm bờ vai, chỗ dựa xứng đáng cho người phụ nữ. Thường nói: đàn ông phải hơn người phụ nữ một cái đầu; nhưng, với chị, quý hơn còn là cả một nhân cách. Có được người đàn ông như thế, người phụ nữ như Hằng luôn mãn nguyện, sẵn sàng quay về làm hậu phương tin cậy, vững vàng. 

Trong lúc ông Khang đi tắm, Kiên kể cho Hằng nghe:

Cách đây hơn một tuần, đơn vị phòng cháy chữa cháy khu Nam thành phố tổ chức tổng duyệt phương án tổng thể có quy mô phối hợp lớn: Một căn hộ chung cư ở tầng 15 bốc cháy lúc gần sáng, trong nhà có cả người già và trẻ nhỏ. Lệnh cấp trên là bằng mọi cách giải cứu tất cả mọi người có mặt trong căn hộ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân. Trần Khang là người trực tiếp chỉ huy. Các lực lượng tham gia phối hợp hiệp đồng gồm lực lượng phòng cháy chữa cháy khu Nam, một đơn vị của quận, một tổ y tế và xe cứu thương, công an phường và ban quản lý bảo vệ chung cư. Yêu cầu đặt ra rất nghiêm ngặt. Tình huống giả định như thật, sát thực tế.

Những chiến sĩ ưu tú nhất của đơn vị đu thang dây từ tầng trên xuống tầng 15 rồi nhanh chóng phá cửa cứu người. Xe thang gấp rút cơ động tiếp cận vị trí thuận lợi nhất hỗ trợ đưa nạn nhân ra ngoài sơ cứu và chuyển đi bệnh viện. Cùng lúc, xe bồn phải rải xong dây, phun nước dập đám cháy. Trần Khang tin rằng: hai chiếc vòi rồng cùng lúc phun nước xối xả thì nhất định đám cháy sẽ được dập tắt và không gây thiệt hại lớn về của cải, đặc biệt không tổn thất về người.

Chờ một lúc không thấy vòi phun nước của xe bồn thứ hai phát hỏa, Trần Khang quát ầm ầm:
- Vòi phun nước thứ hai đâu?

Rồi ông lập tức nhảy lên xe, hai tay ôm lăng trụ, nâng vòi phun, mở khóa. Một dòng nước trắng xóa, xé không khí vẽ thành một đường cong cầu vồng hướng thẳng vào căn hộ ở tầng 15, phun dồn dập. Trông ông vừa to lớn, vững chãi, hiên ngang y như người lính năm xưa từng ôm B40 nhảy lên khỏi chiến hào nhằm thẳng xe tăng địch nhả đạn.

Hóa ra, người lính trẻ, tên Kiên, được giao nhiệm vụ trực tiếp điều khiển vòi phun nước, đêm ấy đi sinh hoạt cùng chi đoàn thanh niên kết nghĩa địa phương về khuya quá. Lúc đơn vị báo động, Kiên vẫn còn ngái ngủ. Khi nâng vòi rồng lên, hai tay cậu ta mỏi rã rời và lúng túng quên không mở khóa chốt.

Trần Khang xuống tận bản doanh đơn vị phòng cháy chữa cháy khu Nam họp rút kinh nghiệm. Ông nói:

- Sinh mạng nhân dân giao trong tay người lính phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn với niềm tin trọng trách rất lớn. Thế mà anh lơ là mất cảnh giác thế này thì trong thực tế, hậu quả khó mà đo đếm được.

Trần Khang vốn là sinh viên trường Đại học Hàng Hải, nhập ngũ giữa những năm cuộc chiến tranh biên giới bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông là mẫu người lính trưởng thành, từ thực tế chiến trường. Bài học đầu tiên ông học được là tính kỷ luật. Ông yêu cầu kỷ luật nặng người chiến sĩ bằng hình thức cho xuất ngũ về địa phương.

Trần Khang từ nhà tắm bước ra. Người chiến sĩ trẻ đứng dậy, nghiêm trang:

- Thưa thủ trưởng, em xin nhận khuyết điểm và hứa quyết tâm sửa chữa. Chỉ xin thủ trưởng cho em một cơ hội để được phấn đấu, rèn luyện trong lực lượng công an nhân dân.

- Cậu ngồi xuống đi, năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi, quê quán nhà cửa ở đâu? Giọng ấm áp như một người cha, Trần Khang ân cần thăm hỏi.

- Dạ, em tên là Nguyễn Kiên. Em nghe bố em kể lại: trước kia, nhà em ở phố Hàng Than, Hà Nội. Sau đó, vì lý do gì mà em không hiểu cả ông bà nội và bố em chuyển vào Sài Gòn. Ít năm sau, bố em đi lao động ở nước ngoài, từ đó không về. Em được ông bà nội nuôi nấng. Học hết lớp 12, em xung phong đi lính nghĩa vụ công an, sau đó được đi học Trung cấp phòng cháy chữa cháy rồi về đơn vị khu Nam thành phố.

- Cậu có nhớ ông bà nội ở số mấy Hàng Than không?

- Dạ, 197 Hàng Than ạ!

- Bố cậu tên gì? Hằng không nhịn được, buột miệng hỏi nối tiếp.

- Dạ, bố cháu tên là Bắc, Nguyễn Bắc ạ! 

Hằng toát mồ hôi, run lên. Chị thấy người bỗng nóng, bỗng lạnh. Những giọt mồ hôi chảy dọc sống lưng, lạnh buốt.

- Cháu có ảnh của ông bà nội hay bố Bắc không?

- Có ạ, đây cô ơi, ông bà nội và bố cháu đây.

Kiên lấy tấm ảnh cất kỹ trong ví đưa cho Hằng. Hai tay Hằng run bần bật, nước mắt chị chỉ chực trào ra. “Con ơi, mẹ có lỗi với con, ngàn vạn lần mẹ xin lỗi con”. Sau cái đêm tội lỗi ở Sầm Sơn ấy, mẹ biết mẹ đã mang một hài nhi nhỏ nhoi trong bụng. Cái thai cứ lớn dần. Ông bà ngoại gửi mẹ về quê sinh đẻ mẹ tròn con vuông. Sinh con được hơn một năm, mẹ bế con về Hàng Than trả cho bố con và bắt bố con hứa: không bao giờ được đi tìm mẹ nữa. Nhờ có bảo lưu, mẹ tiếp tục học xong đại học và đi làm. Mấy năm sau, mẹ trở lại Hàng Than nhiều lần tìm con nhưng hỏi hàng xóm, không ai biết ông bà và bố con đi đâu, ở đâu, chỉ biết chuyển vào Sài Gòn. Anh em họ hàng của bố Bắc mẹ cũng không biết ai cả. 

Kiên nghẹn ngào thổ lộ:

- Nhiều lúc nhìn các bạn cùng trang lứa, con buồn lắm. Con chỉ thèm ngồi sau xe bố đèo, ôm lấy tấm lưng to, vững chãi đầy sức mạnh của bố để tận hưởng cảm giác được che chở bình yên. Hay ngồi sau xe mẹ đèo, ôm chặt lưng mẹ để nũng nịu dựa vào tấm lưng mềm mại, đầy hơi ấm yêu thương của mẹ.

- Con ơi, mẹ đây, mẹ xin lỗi con, mẹ là mẹ đẻ của con đây…

- Anh Khang, em xin lỗi anh.

- Em không có lỗi gì, anh biết từ lâu rồi.

- Mẹ!
- Anh!
- Con!

----------------------
(*) Tác phẩm tham gia cuộc vận động viết về lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hơn cả tình yêu*
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO