Huyền thoại sông Thu

Gia Minh| 22/03/2018 11:15

Có một dòng sông hồn hậu và nên thơ đã đi vào huyền thoại và ký ức của biết bao thế hệ người dân xứ Quảng, ấy là sông Thu Bồn. Trên mỗi miền đất và dọc dài những cảng thị, phố cổ mà nó đi qua, dòng sông huyền thoại ấy luôn để lại những dấu ấn văn hóa sâu đậm, làm nên nét đặc trưng cho mỗi vùng, miền. Từng có người ví sông Thu của xứ Quảng như sông Hằng của Ấn Độ, bởi sông không chỉ là người mẹ phù sa góp phần làm nên châu thổ mà còn là hình ảnh của lịch sử từ ngàn xưa cho đến ngày nay, mang trong mình một n

 1. Tờ mờ sáng, khi trời còn bảng lảng khói sương, tôi đã theo chân người chèo thuyền đi dọc sông Thu. Chị Năm - người chèo thuyền có nét chân quê, mộc mạc và rất đỗi bình dị, như chính con người xứ Quảng vậy. Dù lam lũ, vất vả hiện rõ trên nét mặt, nhưng trên đôi môi chị lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, thân thiện. Chị Năm từ bé đến lớn sinh sống và trưởng thành bên dòng Thu Bồn, nên chị hiểu rõ gốc gác, xuất xứ của dòng sông vốn ôm trong lòng cả sứ mệnh lịch sử này. Chị cũng thông thuộc cảnh sông nước và gắn bó với mái chèo như lòng bàn tay, vì thế chị không bao giờ lo sợ khi một mình đứng trước dòng sông rộng lớn này, kể cả khi nó nổi trận cuồng phong, bão tố. Chị bảo, sông cũng như con người, có lúc buồn, lúc vui, khi giận hờn, lúc hứng khởi. Nếu thấu hiểu được quy luật của dòng sông, thì sẽ không bao giờ gặp bất trắc. Giữa dòng nước biếc xanh, tôi ngước nhìn hai bên bờ sông, thấy trời mây bao la và không khí mát lành. Sông Thu Bồn được thiên nhiên ưu đãi nên quanh năm, bốn mùa dài thăm thẳm đều có nước tràn trề, bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Chính bởi thế mà cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Thu Bồn lúc nào cũng ấm êm, đủ đầy, dù không tránh khỏi những lo toan nhật thường. Và tôi chợt hiểu, vì sao chị Năm lại “nặng lòng” với dòng sông này đến thế. Có lẽ bởi, chị đã gắn bó với con sông còn hơn cả máu thịt của mình.

Huyền thoại sông Thu
Đánh cá trên sông Thu Bồn. Ảnh: H.A 

2. Nếu chỉ nhìn, khó ai đoán được sông Thu Bồn lại có diện tích rộng lớn và có cả một quá trình hình thành lâu dài đến vậy. Sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng 10.350km², là một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu. Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm cuốn qua các ghềnh thác, lúc thênh thang băng qua những cánh đồng, làng mạc trù phú, khi nhẹ nhàng lướt qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông chảy qua đều để lại một dáng dấp, “hình hài” văn hóa riêng. Nhưng ở bất cứ đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự phong phú của bàn tay, khối óc của người đất Quảng gây dựng. 

Huyền thoại sông Thu
Chị Năm đã gắn bó cả cuộc đời với dòng sông Thu. Ảnh: H.A

3. Người đất Quảng cho rằng, từ thuở xa xưa, người Chăm, một trong những thành viên của cộng đồng dân tộc Việt đã từng sinh sống và chịu ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa sóng nước sông Thu Bồn. Và chứng tích huy hoàng ngày ấy còn để lại trên mảnh đất này chính là Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn. Thánh địa Mỹ Sơn được xem như là một tuyệt tác văn hóa mà ở đó, con người như được quay trở về với thời hoàng kim trong quá khứ, được chứng kiến tất cả những gì rực rỡ, huy hoàng nhất của một nền văn hóa đặc sắc đã đi vào lịch sử. Ở đó có quang cảnh của những ngày thánh lễ với hàng đoàn voi ngựa, với những chiếc kiệu vàng lấp lánh ánh hào quang, những đoàn vũ nữ Apsara rực rỡ xiêm y đang múa lượn theo những điệu nhạc của thần linh bên chân tháp cổ. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến bất cứ ai đến với di sản văn hóa có một không hai trên thế giới này phải xiêu lòng.

Trên hành trình xuôi ra biển của mình, con sông Thu Bồn chở nặng phù sa còn để lại cho đời những cánh đồng màu mỡ để con người đến khai phá, dựng bản, dựng làng. Có lẽ vì thế mà từ bao đời nay, cư dân sinh sống trên những vùng đất phù sa màu mỡ như Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… vẫn tôn thờ sông Thu Bồn là “sông Mẹ”. “Sông Mẹ” Thu Bồn không những ban phát cho dân chài tôm cá ắp đầy, mà còn giúp cư dân của nhiều làng nghề nức tiếng như làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An)… đưa những sản phẩm nổi tiếng của mình xuôi theo dòng sông qua thương cảng Hội An đến với bạn bè thế giới. 

Huyền thoại sông Thu
Nhiều làng nghề nổi tiếng mọc lên bên con sông Thu Bồn như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng… Ảnh: H.A

4. Buổi chiều, tôi đứng trên dòng Thu Bồn nhìn sang hai bên bờ, thấy mênh mông một màu xanh mướt của nương dâu, bờ bãi. Chị Năm lái thuyền đưa tôi ghé qua những bến đò, chợ quê bên sông. Tôi thấy hiển hiện ở đây nét sinh hoạt văn hóa đậm đặc màu sắc dân gian xứ Quảng. Những làng quê này vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu chăn tằm, ươm tơ dệt lụa, với những bãi bắp, biển dâu xanh tốt, những hàng tre rợp bóng đôi bờ, những làng vạn đò ven sông tấp nập, những danh thắng nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng cây trái Đại Bường... Dừng chân ở một bến nước, tôi có dịp ghé thăm một phiên chợ quê mộc mạc, ấy là chợ Trung Phước. Trên bến dưới thuyền, cảnh qua lại, bán buôn tấp nập, sầm uất của chợ được xem như nhất vùng. Ngôi chợ này nghe nói có từ rất sớm, cái thuở Quảng Nam còn mang tên Phủ Điện Bàn, còn giữ lại trong mình hình ảnh đông vui, dân dã của chợ quê vùng trung du. Ăn một tô mì Quảng đơn sơ nơi lều quán tuềnh toàng, hương vị rơm rạ chân quê thấm vào tận chân răng khiến tôi cứ bổi hổi bồi hồi. 

Một ngày chèo thuyền trên sông, tôi đã cảm nhận để rồi thấm thía bao nét đẹp, sự vinh quang, hào hùng cũng như giá trị vĩnh hằng của dòng sông xứ Quảng. Không ồn ã, náo động, cũng không lộng lẫy, kiêu sa, sông Thu Bồn hiền hòa, bình dị và trầm lắng trong lòng bao huyền tích để rồi lắng đọng những xúc cảm khó quên trong lòng mỗi người. Mỗi dòng sông có một triết lí của riêng mình, sông Thu Bồn cũng vậy. Triết lí ấy chính là sự giao hòa của sóng nước, núi non, bờ bãi. Và hơn thế, ấy là sự gìn giữ, bảo vệ và xây đắp cho dòng sông ngày một xanh tươi, rạng rỡ của lớp lớp thế hệ người dân xứ Quảng. Trải qua biết bao sóng gió, sự thăng trầm, lấp vùi của thời gian, sông Thu Bồn vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa xanh thẳm của mình. Để rồi vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn, qua châu thổ rồi băng băng, hào hùng đổ về biển lớn, trở thành biểu tượng của sức mạnh, của sự trường tồn, vĩnh cửu từ đó. 
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại sông Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO