Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đặng Sơn Dương| 19/10/2019 08:00

Sáng ngày 14/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 38. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV.

Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 38 của UBTVQH là phiên họp có sự điều chỉnh, bổ sung nội dung nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cụ thể, rút một nội dung và bổ sung 12 nội dung so với dự kiến nội dung được thông báo chính thức đến các cơ quan hữu quan để tiến hành chuẩn bị. Do đây là phiên cuối chuẩn bị để cho ý kiến về một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội cũng như rà soát công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám nên UBTVQH đã rất linh động bố trí thời gian xem xét các nội dung bổ sung theo đề nghị của các cơ quan để kịp trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để phiên họp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đại diện các cơ quan trình bày các tờ trình, báo cáo cần thật khái quát, ngắn gọn; các đại biểu phát biểu đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần trao đổi, thảo luận.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; công nghệ thông tin được áp dụng góp phần cải tiến quy trình, thủ tục và hiệu quả các phiên họp Quốc hội…

Liên quan tới tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, cử tri và nhân dân phản ánh: mặc dù Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt trong phòng, chống nhưng tình hình bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đàn lợn và nguồn cung trên thị trường; một số địa phương tiêu hủy không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây bệnh cho người dân. Cử tri kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, dập bệnh dịch tả, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định…

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, bên cạnh một số chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc giải quyết khiếu nại ở một số địa phương còn chưa bảo đảm thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết. Công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội kiến nghị, Quốc hội thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và tiến hành nghiên cứu, tổ chức giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo, nhất là giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể, vụ việc phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm, bảo đảm hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để nắm bắt thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh việc chuyển đơn lòng vòng, không đúng cơ quan có thẩm quyền. Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng nêu ra một số tồn tại trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri như: một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để ĐBQH trả lời cử tri; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri  chưa chặt chẽ dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết… cụ thể: 

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV do Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ (chiếm 86,7%), 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tổng hợp được 2.251 và qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp…

Dự kiến Phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  kéo dài từ ngày 14-17/10 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét một số nội dung theo thẩm quyền.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO