Khi thư viện vắng hơn chùa Bà Đanh

Lại Tấn/KTĐT| 09/12/2018 09:37

Cả nước có hàng chục nghìn thư viện, hàng trăm triệu đầu sách nhưng bình quân một người dân Việt Nam chỉ đọc 0,44 đầu sách/năm. Nhiều thư viện được xây dựng đồ sộ, ở giữa trung tâm TP, song không có bạn đọc. Thực tế trên cho thấy, mô hình thư viện đang tồn tại nhiều bất cập.

Sách mốc, người dân thờ ơ với thư viện
Tại Hội thảo Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới diễn ra mới đây, theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, Việt Nam đã có một thư viện quốc gia, 100% thư viện cấp tỉnh, 80% thư viện đại học, viện nghiên cứu đã triển khai ứng dụng CNTT với các mức độ khác nhau. Số liệu “đẹp” nhưng theo nhiều đại biểu, các thư viện trên cả nước đang không có người đọc. “Thư viện cấp huyện còn vắng hơn cả chùa Bà Đanh, sách vở thì mốc meo, thủ thư nơi có nơi không” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến cho biết.

Trước thực tế trên, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: “Chức năng lưu giữ sách của thư viện có còn cần thiết và có nhất thiết là mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không? Nếu câu trả lời là vẫn cần thiết thì phải làm gì để phát huy được vai trò của thư viện?”. Ông Dương Trung Quốc dẫn ví dụ về thư viện ở các nước phát triển tập trung vào làm nhiệm vụ số hóa tài sản các kho lưu trữ của thư viện và cho rằng đây mới là nhiệm vụ chính cần làm của các thư viện ở Việt Nam hiện nay thay vì lo xây dựng phòng ốc cho mọi người đến đọc sách. Thư viện cần phải chuyển đổi thành một không gian sáng tạo, một nơi để mọi người đến tiếp nhận, trao đổi tri thức. “Thư viện Quốc gia Việt Nam có hàng triệu cuốn sách đang được lưu trữ mà không được số hóa thì độc giả phải đến tận đây mới đọc được. Rõ ràng, hiệu quả phục vụ rất kém” – ông Quốc nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, với sự tiến bộ nhanh của khoa học công nghệ như hiện nay, thư viện không còn là nơi giữ sách, cán bộ thư viện phải là người hướng dẫn, chuyên gia tra cứu hiệu quả cho người đọc. Muốn làm được điều đó, thiết chế thư viện phải thay đổi, nghĩa là cán bộ thư viện, cách quản lý, quản trị thư viện phải thay đổi và Bộ chủ quản cũng phải thay đổi. “Sẽ không còn những sự thật rất đáng buồn về việc người không biết làm gì thì đưa xuống làm thư viện” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Cũng theo Phó Thủ tướng, trong tương lai, có thể sẽ không còn thư viện công hay tư nữa mà việc số hóa sẽ biến thư viện trở thành kho tàng kiến thức mà tất cả mọi người có thể tiếp cận được ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, không cần phải trực tiếp đến nữa.

Xóa bỏ thư viện hoạt động không hiệu quả

Trước tình trạng thư viện hoạt động không hiệu quả, vừa qua, nhiều tỉnh đã tiến hành sáp nhập thư viện với các thiết chế văn hóa tương đồng như nhà văn hóa, bảo tàng. Bàn về câu chuyện này, các chuyên gia cho rằng, thư viện và bảo tàng đều là những thiết chế văn hóa rất quan trọng và cần thiết nên mỗi tỉnh đều cần phải có thư viện, bảo tàng của tỉnh. Còn thư viện cấp huyện, cần tính toán xem có nên củng cố cho những nơi làm tốt, sáp nhập thư viện với cơ quan khác ở những nơi mà thư viện hoạt động kém hiệu quả.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhu cầu tinh giản biên chế là cần thiết, nhất là với đội ngũ viên chức rất đông đảo trong các đơn vị sự nghiệp. Vì vậy, rất cần sáp nhập những đơn vị có chức năng tương đồng, những đơn vì hoạt động không hiệu quả. Với các thư viện hoạt động kém hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu hoặc đổi mới để hiệu quả hơn hoặc sáp nhập hoặc xóa bỏ. Nếu không thể đổi mới để hoạt động hiệu quả, đương nhiên không thể tránh khỏi việc thư viện bị sáp nhập hoặc xóa bỏ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khi thư viện vắng hơn chùa Bà Đanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO