Kinh tế tư nhân và Văn hóa doanh nghiệp

Lê Như Tiến| 27/06/2019 16:34

Cách đây hơn 30 năm, từ năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, theo đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm với nội dung cơ bản là phát triển kinh tế nhiều thành phần. Kinh tế nhiều thành phần thể hiện tư duy mới, đột phá, sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước ta.

Kinh tế tư nhân và Văn hóa doanh nghiệp
Lê Như Tiến- Đại biểu Quốc hội khóa XII - XIII, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và Nhi đồng Quốc hội

Cách đây hơn 30 năm, từ năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, theo đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm với nội dung cơ bản là phát triển kinh tế nhiều thành phần. Kinh tế nhiều thành phần thể hiện tư duy mới, đột phá, sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước ta.

Năm thành phần kinh tế gồm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau và cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, trong suốt hơn 30 năm qua, kinh tế Nhà nước luôn được coi là “đầu tàu”, là “con cưng”, là những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước được ưu đãi mọi nguồn lực: đất đai, tài chính, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách thuế, chính sách tiếp cận nguồn vốn và lại được Nhà nước bảo lãnh, khi có mệnh hệ gì Nhà nước liền ném “phao cứu sinh” giải cứu. Thành phần kinh tế Nhà nước được bao cấp từ “bầu sữa” ngân sách đến nguồn lực vô giá là đất đai, công sản nên đã tự tung tự tác lãng phí, tham nhũng biết bao tài sản vô giá để dẫn đến kết cục là nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoặc phá sản hoặc đứng bên bờ vực thẳm như: Vinashin, Vinaline và còn nhiều Vina… khác nữa. Trong khi thành phần kinh tế tư nhân thường bị đối xử bất bình đẳng, bị kỳ thị, ghẻ lạnh như những đứa “con nuôi”, “con ngoài giá thú” nên không có động lực để phát triển,  nhiều cơ quan công quyền và người thực thi công vụ còn gây khó dễ, thậm chí cản trở doanh nghiệp tư nhân hoạt động, họ luôn kiếm cớ kiểm tra, thanh tra để “vòi vĩnh”, đòi tiền “lót tay”, tiền “bôi trơn” khiến doanh nghiệp tư nhân khốn đốn, doanh nhân nản lòng…

Thành phần kinh tế tư nhân thực sự được “cởi trói” bởi Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 của Trung ương Đảng về: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Liên tưởng tới Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về nông nghiệp ban hành ngày 5/4/1988 đi vào lịch sử “khoán 10” đã đưa nước ta từ nước thiếu thốn triền miên về lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Chứng tỏ, để tạo ra những biến đổi thần kỳ, cần phải có chính sách thần kỳ đi trước, mở đường, tháo gỡ, dẫn dắt, tựa như ngọn hải đăng trên biển.

Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận như “ruộng hạn gặp mưa rào”, Nghị quyết 10 mãi đi vào lịch sử như một nghị quyết có tầm nhìn chiến lược về phát  triển kinh tế tư nhân. Chỉ mới 2 năm, tinh thần cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân được hiện thực hóa một cách quyết liệt, đồng bộ, tạo điều kiện tháo gỡ mọi khó khăn, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành, nhiều giải pháp được triển khai kịp thời, cải thiện môi trường đầu tư, gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn bị vướng mắc trong nhiều năm qua. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 98 ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết  10 của Trung ương, theo đó các bộ, ngành, địa phương không được đứng ngoài cuộc, cùng xắn tay, góp sức với các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã “tuyên chiến” với các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp và những người thi hành công vụ từ Trung ương đến địa phương có hành vi cản trở doanh nghiệp tư nhân hoạt động đầu tư, kinh doanh. Vì thế, chỉ mới hơn 2 năm, kinh tế tư nhân đã tự khẳng định vị thế và tiềm năng của mình, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, chiếm tới 45,7% GDP, xấp xỉ với tỷ trọng GDP của kinh tế Nhà nước.

Ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ, chúng ta gặp nhiều gương mặt doanh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc từ những thế kỷ trước, đó là thương nhân Lê Văn Gẫm, người làng Gò Công dám đóng thuyền vượt biển, đến buôn bán tại nhiều thương cảng quốc tế sầm uất như: Hương Cảng, Ma Cao, Singapore… làm giàu cho mình và cho quê hương đất nước. Nói đến những doanh nhân sáng giá, không thể không kể đến “vua” đường thủy Bạch Thái Bưởi nổi danh nhất trong giới doanh nhân đầu thế kỷ XX, ông đầy bản lĩnh và tự tin tuyên bố thành lập “Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái”  điều hành 17 tuyến đường thủy, đưa đội tàu vươn ra biển lớn tận Nhật Bản, Hồng Kông, Philipines…cạnh tranh với các hải đoàn lừng danh của nước ngoài. Doanh nhân Trịnh Văn Bô được coi là người giàu nhất Hà thành, ông sở hữu nhiều công xưởng, nhà máy, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, khi Chính phủ lâm thời gặp khó khăn về tài chính, phát động “Tuần lễ vàng”, ông và gia đình đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng. Và còn nhiều doanh nhân vừa kinh doanh giỏi, vừa giàu lòng yêu nước, thương nòi không thể kể xiết.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng bắt gặp nhiều gương mặt doanh nhân sáng giá, làm rạng danh thương hiệu Việt trên trường quốc tế như: Đặng Lê Nguyên Vũ, Đoàn Nguyên Đức, Trương Gia Bình, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trịnh Văn Quyết…

Nói đến doanh nghiệp không thể không nói đến vai trò của doanh nhân, bởi họ là những đầu tàu, là người nhạc trưởng quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp và là người trực tiếp tạo dựng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. 

Nhiều doanh nhân đau đáu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và không hiểu những giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là gì? Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp đó là: Lao động hết mình tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội, cho doanh nghiệp và cho mỗi thành viên; chia sẻ gắn bó vì lợi ích chung, tạo nên chất keo gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động; liên kết hợp tác tạo ra những chuỗi giá trị gia tăng cao; trung thực, thành thực, giữ chữ tín; tạo môi trường làm việc văn minh, thân thiện, công bằng, tạo cơ hội phát triển như nhau cho mỗi thành viên; ứng xử, hành xử có văn hóa; cạnh tranh lành mạnh; biết chia sẻ cộng đồng; cùng nhau xây dựng và gìn giữ tài sản vô giá của doanh nghiệp đó là thương hiệu và uy tín; biết tuân thủ pháp luật và cạnh tranh quốc tế; văn hóa doanh nghiệp còn là cách hành xử của doanh nghiệp, doanh nhân với thiên nhiên và môi trường…

Bất kỳ một doanh nghiệp nào dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì khó đứng vững được trên thương trường. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt là trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế quốc tế thì văn hóa luôn là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển và hội nhập bền vững.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tư nhân và Văn hóa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO